Qua ngày sau bịnh của Hoàn Ngọc Ẩn mười phần mạnh lại hết tám. Đỗ Hiếu Liêm chi xiết vui mừng, nên ngồi dựa bên giường hỏi Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Xin anh nói thật cho tôi biết tại sao mà anh và nàng Lệ Thủy bị mũi thuốc độc ôm nhau nằm bất tỉnh, nếu tôi chẳng kịp thấy cảnh ngộ quái dị thì anh và nàng đã phủi sạch nợ trần rồi?”
Hoàn Ngọc Ẩn vừa thẹn vừa thuậg lại cái tệ của chàng làm cái lầm to của nàng Lệ Thủy. Hoàn Ngọc Ẩn lại tiếp lời rằng: “Bạn ôi! Tôi bậy chạ có chỗ, nhưng phước may được thế lực của lương tâm tôi kịp làm cho tôi tỉnh ngộ, biết rằng dụng quyền lực là để cho bọn vô tâm nghiệt súc mới đành làm việc tác tệ, còn như tôi là đấng trượng phu quân tử, hà tất không cạn nghĩ cường bức một ả tài hoa phong kín nhụy đào hay sao? Đã biết rằng tôi cạn nghĩ không làm chuyện đáng khinh bỉ ấy, nhưng mà gẫm ra cái tệ của tôi không phải nhỏ.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói dứt lời bèn đấm ngực một cái rất mạnh và nghiến răng tỏ tuồng tự hối ăn năn lắm.
Đỗ Hiếu Liêm thấy vậy nói rằng: “Thôi anh chớ buồn làm chi, tệ thì cũng tệ nhưng mà đến nước đó bạn chống trả được sức lực tình dục mà tự trách sám hối thì cũng nên khen vậy. Hoàn huynh ôi! Hoàn huynh chẳng để ý đến câu nam nữ thọ thọ bất thân, lời người hằng nói lửa gần rơm thế nào cũng cháy, vậy thời anh hãy trọng việc công danh gắng chí chuyên cầu cho nên phận, trước là chẳng phụ cái sở nguyện của dưỡng phụ anh sau là đối với non sông chẳng thẹn mày quân tử. Anh ôi! Cái tên Nghĩa Hiệp quí đẹp là dường nào, anh mà có cái tên riêng ấy thì nghĩa vụ của anh quan trọng lắm có lẽ nào vì sắc vì tình mà anh hủy hoại công danh thì đáng tiếc là dường bao. Anh phải nghĩ đến như vầy: Nếu tôi chẳng đến kịp mà cứu cấp anh có phải là trăm mũi đao thương của bốn biển anh hào mà chẳng vì phạm đến mình của Nghĩa Hiệp thế mà ngày nay một tay nhược chất liễu bồ tài gì mà làm cho Nghĩa Hiệp phải chết trong cảnh bỉ ổi ấy, gây cuộc trò cười. Anh ôi! Anh mà còn sống lại đây có phải là Đỗ Hiếu Liêm chẳng muốn anh lấy sự gì mà báo đáp, chỉ sở cầu một việc mà biết anh có nah65m lời hay chăng?”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Bạn ôi! Bạn muốn điều chi thì khá nói, tôi đây sẵn lòng làm cho đẹp dạ bạn luôn.”
Đỗ Hiếu Liêm nói: “Tôi sở cầu có một việc là kể từ ngày nay anh chớ gần gũi với nàng Lệ Thủy nữa. Cái sở cầu của tôi gẫm ra nghiệt lắm, nhưng tôi tưởng anh chẳng phụ lời sở nguyện tôi đâu. Anh tưởng thể nào.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe hỏi thì suy nghĩ một hồi lâu rồi nói: ‘Bạn muốn một việc rất thẳng ngặt cho tôi ưng lắm, nhưng mà đến thế nào tôi cũng làm cho toại lòng bạn thì mới phải cho. Vậy từ ngày nay cho đến ngày tôi xuống tàu sang Pháp quốc du học, tôi xin thề rằng tôi chẳng bước chơn đến nhà Lệ Thủy nữa.”
Cách hai ngày sau Hoàn Ngọc Ẩn vừa thiệt mạnh lại rồi thì Đỗ Hiếu Liêm đã xin đặng giấy tàu quá giang ra Hà Nội. Hoàn Ngọc Ẩn đưa chàng đến bến tàu lúc phân tay sụt sùi đòi đoạn vì nghĩa anh em bấy lâu trìu mến bây giờ phân tay sẽ cùng nhau cách mặt lâu dài. Đỗ Hiếu Liêm lo sợ Hoàn Ngọc Ẩn chẳng giữ lời đã hứa cùng chàng nên nắm tay chàng nhắc nhở đôi ba phen, Hoàn Ngọc Ẩn đáp lời lại nhiều lần rằng: “Xin bạn an lòng. Ngọc Ẩn chẳng nuốt lời thề nguyền đó đâu.”
Khi tàu súp-lê mở đỏi, hai người phân tay lần sau hết bịn rịn khóc òa vậy mà đang hồi Đỗ Hiếu Liêm xây lưng trở gót xuống tàu chàng cũng còn ráng day lại nói rằng: “Hoàn huynh ôi hãy nhớ …”
Khi tàu kéo neo tách bến Hoàn Ngọc Ẩn và Đỗ Hiếu Liêm lụy nhỏ ròng ròng, nhưng mà biết nói chi nữa đặng. Hai người chỉ đoanh tròng ngó sững nhau rồi lấy khăn mou-choir ngoắt với nhau cho đến khi lui xa hai chàng chẳng ai thấy đặng nhau nữa cả. Hoàn Ngọc Ẩn đứng tần ngần trên cầu tàu hãng nhà rồng một chập lâu, ruột tầm đòi đoạn rồi mới kêu xe kéo lên ngồi mà trở về nhà.
Về đến nhà Lục Tặc chạy ra thưa rằng: “Thưa thầy, có anh Năm đến nhà nhưng thầy đi khỏi ảnh chờ không được mới đi về.”
Hoàn Ngọc Ẩn hỏi: “Mầy có nghe anh Năm nói qua kiếm tao có chuyện chi chăng?”
“Dạ thưa thầy, anh Năm qua chủ ý nhắc thầy nói với nàng Lệ Thủy trả hoàng ngọc lại cho họ Đặng vì lời kỳ hẹn đã quá ngày rồi.”
Hoàn Ngọc Ẩn gãi đầu và nói: “À há! Hôm rày tao đau nên quên lững vậy mai đây tao viết cái thơ rồi mầy đem qua cho nàng Lệ Thủy thử coi nàng định liệu thể nào.”
Qua ngày sau Hoàn Ngọc Ẩn tiếp được một cái thơ lật đật xé ra coi thì thấy viết như vầy:
Kính thăm thầy đặng sức khỏe, chúng tôi là Trần Vô Cương, Dương Ái Sắc và Huỳnh Bá Hộ đồng thỉnh mời thầy đến ngày sáu tây đúng bảy giờ rối tới đây dời gót ngọc đến nhà đường Charles Thomson số 10 … của HUỳnh Bá Hộ dùng một tiệc rượu vì anh em chúng tôi nhờ ơn thầy ngày trước cứu cấp chúng tôi bị Nghĩa Hiệp đánh trọng bịnh nhưng bấy lâu chúng tôi mắc nhiều việc, chẳng làm việc chi tỏ tình biết ơn thầy, đêm đó chắc có nàng Lệ Thủy đến dự tiệc chia vui với chúng tôi, vì chúng tôi có gởi thiệp mời rồi.
Kính xin thầy nhậm lời.
Ký tên: Huỳnh Bá Hộ.
Nota. – Thay mặt cho Dương Ái Sắc và Trần Vô Cương thỉnh mời.
Hoàn Ngọc Ẩn coi thơ rồi suy nghĩ một chập đoạn nói thầm rằng: “Lạ nầy! Ơn ta cứu cấp ba cậu công tử ngày trước, đến nay tính lại đã lâu rồi, sao mấy cậu công tử không nghĩ tình mời ta mà thết đãi lúc trước, lại để dây dưa đến ngày nay thiết lập một tiệc mà đãi ta. Việc nầy có chổ nghi ngờ đặng, vả chăng lúc nầy nàng Lệ Thủy ngoảnh mặt với mấy cậu công tử thì làm sao cũng có sanh chuyện bất bình, còn như ta đối với mấy cậu công tử thì chẳng có sự chi thân thiết, hà lý các cậu công tử thiết lập tiệc mà đãi ta và nàng Lệ Thủy. Gẫm ra chắc có chuyện chẳng lành, nhưng mà ta há sợ bọn khiếp nhược nầy sao. Vậy thời ta chẳng nên từ chối không đi dự tiệc mà bọn nó chê ta rằng nhát. Ờ! Ờ ta có đi thì hãy cẩn thận cho lắm mới được.”
Qua ngày sau Hoàn Ngọc Ẩn lấy giấy viết một cái thơ gởi cho nàng Lệ Thủy như vầy:
Ít lời thăm nàng đặng sức khỏe, có lẽ nàng lấy làm lạ sao mấy ngày rày tôi chẳng đến nhà nàng, tôi xin nàng cảm phiền và chớ trông đợi làm gì. Tôi có tiếp được một tấm thiệp của Huỳnh Bá Hộ thay mặt cho mấy vị công tử kia mời tôi vô Chợ Lớn ngày 6 tây tới đây đúng 7 giờ lại nhà số 10 … đường Charles Thomson. Trong thiệp mời Huỳnh Bá Hộ có cho hay rằng người có mời nàng dự tiệc nầy nữa. Tôi ước trông sao nàng chớ từ chối, đêm đó gặp dịp tôi sẽ giải phân tại sao mà tôi chẳng đến nhà nàng mấy ngày rồi.
Sau đây tôi xin nàng vì sự ngay chánh, hãy gởi trả hoàng ngọc cho nàng Đặng Nguyệt Ánh, nếu nàng quyết một không trả thì chắc là tôi với nàng chẳng gặp mặt nhau nữa, nàng liệu sao xin trả lời cho tôi biết.
Dưới ký tên: Hoàn Ngọc Ẩn.
Hoàn Ngọc Ẩn viết rồi bèn đọc lại đoạn xếp bỏ vào bao dạy Lục Tặc đem đến nhà nàng Lệ Thủy mà đưa cho nàng.
Vài giờ sau Lục Tặc trở về trên tay có cầm một cái thơ. Hoàn Ngọc Ẩn mừng rỡ không cùng lật đật tiếp lấy thơ xé ra coi thì thấy như vầy:
Kính thăm tình lang đặng sức khỏe, mấy ngày rày em có lòng trông đợi tình lang, nhưng không thấy dạng thì lắm nỗi ưu sầu, thế nên em gần nhuốm bịnh. Tình lang ôi! Em biết tình lang giận em, nhưng mà xin tình lang cạn nghĩ cho em nhờ. Em lầm mới dám xuống tay mà toan giết tình lang như vậy. Tình lang ôi! Lẽ thì em phải đến nhà tạ tội mới đáng, song em thẹn hổ vô cùng, mặt mũi nào dám ngó tình lang nữa.
Em cũng có tiếp đặng thiệp mời của Huỳnh Bá Hộ, em nhứt định không đi, nhưng vì ý tình lang muốn thì em phải đi.
Còn vụ hoàng ngọc, em xin vâng lời nội ngày mai em và nàng Hồng Hoa sẽ đi Trà Vinh tìm nàng Đặng Nguyệt Ánh mà trả lại. Giấy vắn tình dài bao nhiêu đây tình lang cũng rõ lòng em đối với tình lang thể nào.
Dưới ký tên: Lệ Thủy.
Hoàn Ngọc Ẩn coi thơ rồi vui mừng khôn xiết. chàng nói thầm một mình rằng: “Nàng Lệ Thủy chìu theo lòng ta, bóp bụng trả hoàng ngọc nầy cho Đặng Nguyệt Ánh thì có chi may bằng. Hoàng ngọc nầy vốn là một vật châu báu trên đời bao thuở ai có đặng, người phú hộ tưởng dám mua nó năm bảy ngàn đồng không tiếc. Một điều ta muốn biết nguyên do của hoàng ngọc nầy, sao mà ông Đặng Nghiêm Huấn có đặng. Ờ … phải rồi, ta phải mới anh Năm Mạnh cậy người đi xuống Trà Vinh trước là dọ thử coi nàng Lệ Thủy có đem trả cho nàng Đặng Nguyệt Ánh hay không, và dọ coi nàng có tính mua luôn hoàng ngọc nầy không, sau nữa nhờ ảnh hỏi dùm coi ngọc nầy gốc khi xưa ở đâu.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói dứt lời liền dạy Lục Tặc lập tức đi mời Năm Mạnh đến nhà đặng dạy chuyện.