Hoàn Ngọc Ẩn đứng dậy lấy nón đội lên đầu từ giã ra về rồi sang qua phòng của nàng Lệ Thủy. Nàng gặp Hoàn Ngọc Ẩn thì tỏ sắc hân hoan và nói: “Em chờ anh qua nãy giờ, em tính mời anh đi dạo xe hơi một vòng vì ở nhà bất tiện.”
Hoàn Ngọc Ẩn hỏi: “Sao mà bất tiện?”
“Số là hồi sớm mai có Huỳnh Bá Hộ đi với Trần Vô Cương đến nhà nhưng em ẩn mặt biểu Hai Dõng nói rằng em đi khỏi thì hai người có hứa chiều nầy tám giờ sẽ đến. Bây giờ gần bảy giờ rồi em tính đi dạo một vòng đến bảy giờ rưỡi ghé nhà hàng tây ăn cơm nói chuyện chơi rồi lối chín mười giờ mình sẽ trở về.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “vậy thì được lắm.”
Khi Hoàn Ngọc Ẩn và nàng Lệ Thủy bước lên xe hơi đi chơi, Đỗ Hiếu Liêm đứng dựa cửa sổ thấy vậy thì thở ra rồi nói một mình rằng: “Anh Hoàn Ngọc Ẩn hứa lời với ta rất khẳng khái, nhưng không biết ảnh có giữ đặng chăng. Ta đã thiết kế bày mưu làm cho ảnh lầm lạc, tưởng là ảnh dứt đặng ái tình mà sao nữa nay ảnh lại đi chơi với nàng Lệ Thủy. Ờ chắc là nàng cầm lòng không đậu tỏ thật tự sự cho ảnh biết rồi chớ gì. Ôi thôi ta chẳng còn mưu gì rẽ uyên chia túy nữa đặng! Nấu anh Hoàn Ngọc Ẩn trở lại với nàng thì tình càng nồng mặn hơn trước còn trông gì ảnh vụ chữ công danh. Ta đây hiếu sắc nhưng ghe phen tưởng phải tương tư vì sắc khuynh thành của nàng thay, lạ chi anh Hoàn Ngọc Ẩn vốn tánh háo sắc đa tình làm sao không trầm luân nơi bể ái.” Đỗ Hiếu Liêm nói dứt lời thì châu mày buồn bả, chàng trìu mến Hoàn Ngọc Ẩn nên hằng lo sợ chàng vì tình mà phế việc sách đèn.
Đây nói qua khi Hoàn Ngọc Ẩn và nàng Lệ Thủy đi hứng gió đến bảy giờ ba khắc mới ghé nhà hàng Hôtel de la Rotonde ngang bến tàu Lục Tỉnh dùng cơm tây. Gần chín giờ hai người liền lên xe trở về.
Nàng Lệ Thủy nói với Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Chàng muốn trở về nhà của chàng luôn không, sẵn xe đây em đưa chàng về đến nhà?”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe hỏi bợ ngợ chẳng biết phải trả lời thể nào vì chàng đã nhứt định ở luôn bên nhà nàng một đêm nữa mà nàng hỏi như vậy, ừ một tiếng quá ngặt còn nói không rất thẹn thùa.
Nàng Lệ Thủy thấy Hoàn Ngọc Ẩn đứng tần ngần chẳng nói lời chi thì cười chúm chiếm nàng hiểu ý nên nói luôn rằng: “Hay là chàng không đành phân tay em sớm, vậy em mời chàng đi luôn đến nhà em chơi cháng có ưng chăng?”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe hỏi thì biết nàng hiểu ý của chàng nên có hơi thẹn, thế mà chàng gắng gượng đáp lại nhỏ rằng: “Nàng tưởng bụng tôi thì có chi quí bằng. Tôi nói thật, bây giờ trở về nhà chắc đêm nay tôi ngủ không an.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói dứt lời rồi đồng cùng nàng Lệ Thủy lên xe hơi trở về nhà của nàng.
Đang khi Hoàn Ngọc Ẩn ngồi nói chuyện với Lệ Thủy nơi phòng khách của nàng Lệ Thủy, chàng thấy trên đầu của nàng có giắt một cây trâm tóc có nhận hột xoàn chiếu ngời, nguyên của Dương Ái Sắc cho nàng ngày trước thì nói với nàng rằng: “Tôi nhớ hôm đêm sanh nhựt của nàng, Dương công tử có tặng cho nàng một vật đá quí báu và lại lợi hại để hộ thân là cây găm tóc trên đầu của nàng đây chăng?”
“Dạ phải, chàng hỏi đến làm chi?”
“Tôi muốn xem thử cho biết sự khéo của cây nầy thể nào.”
Nàng Lệ Thủy bèn lấy xuống đưa cho Hoàn Ngọc Ẩn và nói: “Chàng có coi hãy cẩn thận xin đừng vặn cái hột xoàn mà e đụng chạm nhầm mình, chết hiểm nghèo đa.”
Hoàn Ngọc Ẩn cầm coi một hồi rồi hỏi nàng Lệ Thủy rằng: “Nàng dùng vật nầy làm gì?”
Nàng Lệ Thủy cười và nói: “Chàng khéo hỏi thì thôi. Em chẳng hề rời cây nầy trong giây phút nào cả ban đêm cũng vậy. Em phải giữ nó theo mình luôn, phòng khi có ai toan hãm hiếp em thì em dùng nó mà trừ kẻ ấy.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe nói thoản nhiên bắt rùng mình dường như sẽ có điềm chẳng lành sẽ đến cho chàng.
Đang khi chàng ngồi lo ra nghĩ ngợi riêng, nàng Lệ Thủy thốt lời hỏi chàng rằng: “Nầy tình lang, chàng tưởng sao chớ em thấy cái phong trào văn minh xứ mình một ngày một thêm mạnh, nhưng buồn thay thuần phong mỹ tục một ngày một thêm suy đồi, có phải vậy hay không chàng.”
Hoàn Ngọc Ẩn không rõ ý gì nàng Lệ Thủy nói như vậy nên nói: “Nàng chủ ý muốn nói gì tôi không hiểu.”
Nàng Lệ Thủy nói: “Hà lý gì chàng không hiểu. Kìa trong hạng người thanh niên, trai thời phần đông không trao dồi đức hạnh gái chẳng biết kiên trinh.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Nàng nói làm cho tôi nghĩ cạn xét xa, tôi nhận rằng hữu lý, nàng có lòng ưu thế mẫn thời, vậy khá giải ra về tình tệ của trai gái đang kiêm thử nào.”
Nàng Lệ Thủy nói: “Chàng muốn hỏi đố chơi em, em há dễ từ nan không giải, vậy em cứ lời thành thật nói ngay. Thưa chàng, có phải trai thanh niên là rường cột của nước nhà chăng, nhưng rối thay, phần đông trong hạng người có học thức, khi công thành danh toại chẳng làm ích chi cho đời để lưu danh hậu thế, chẳng trách chi cho quá chớ hẳn thật là phường giá áo túi cơm. Ông nầy thầy nọ ban ngày đi làm việc là cốt lo có tiền kỳ bạc tháng, nuôi miệng cho sống, rồi sống đặng chơi bời cho thỏa tình tư dục. Chiều thời ô-tô song mã với gái thanh lâu đặng cạ vế kề vai, cho là đi hóng gió chớ kỳ thật là cợt liễu cười hoa. Một trận cười của gái hồng nhan tiền trăm bạc chục đổi bù không tiếc. Hạng người như thế đáng chê trách hay không? Thưa chàng, em chẳng luận về phe nam giới cho dài làm chi, em tưởng rằng chàng còn biết nhiều hơn em nữa. Em xin nói qua hạng nữ giới. Đang kim gái trinh thì ít còn gái dâm thì nhiều, trong số quần xoa chàng quen biết trong mười cô, chàng biết ít nữa là bảy tám cô bướm chán ong chường. Bát luận là hạng nào, gái tường cao tưởng cổng kín cùng vách nát rèm thưa chửa oan cũng hiếm, má nhứt là nơi thiền thị là nơi có ảnh hưởng văn minh hơn thì sợ đồi tệ lại nhiều có phải vậy hay không chàng?”
Hoàn Ngọc Ẩn ngồi lóng tai nghe nhận rằng nàng nói ngay thật nhưng không rõ nàng chủ ý muốn kết luận thể nào nên chàng nói: “Lời nàng nói tôi nghe rất phục, thế mà hiếm chi người biết rằng điều ấy cho là bại tục tồi phong, mà giả đui làm điếc lặn lội chốn bùn lầy như vậy, mà không biết hổ, có lẽ nàng biết tại sao chớ?”
Nàng Lệ Thủy cười xòa rồi nói: “Những hạng người như vậy là đồ dâm phụ, lấy việc nguyệt hoa làm sở thích, chẳng chịu nhọc lòng chống trả tình tư dục. Những phường như vậy có khác nào loại thú kia mang lớp người. Như phận em đây nói tốt thì không thể nói được, nhưng xin chàng nghĩ giùm thứ hoa sen kia sinh ư nê bất nhiễm ư nê, nơi bùn lầy mà sinh lên mà không hôi bùn lại cũng không vấy và bợn nhơ.”
Hoàn Ngọc Ẩn ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói: “Nàng nói như vậy tất là nàng muốn phân rằng nàng giá trong tuyết sạch. Trước khi tôi muốn vấn nàng đôi lời tôi nói thật, trung ngôn tất nhiên nghịch nhĩ, nàng có ưng để cho tôi lấy lời ngay mà hỏi nàng chăng?”
Nàng Lệ Thủy cười và nói: “Em xin chàng cứ việc nói ngay vì em có lời phản đối.”
“Vậy thí quí lắm. Câu nam nữ thọ thọ bất thân nàng cũng biết, hà tất nàng tự do để khách ái hoa yêu nguyệt nườm nượp lân la đến nhà, lắm lúc nàng dám giao đầu chung gối suốt đêm. Điều ấy tốt hay là xấu? Nàng giải nghe thử?”
Nàng Lệ Thủy nghe Hoàn Ngọc Ẩn hỏi gằn thì biến sắc đoạn châu mày rồi thở dài một cái và nói rằng: “Điều ấy thiệt xấu, trước mắt thế gian ai không nhận là khinh bỉ, nhưng mà đối với phường ái sắc thì có chỗ đáng phục. Chàng ôi! Như em đây vì tâm sự phải ép lòng, em chán biết bao nhiêu công tử vì em mà phải chịu khổ tâm hao tài tốn của rốt lại em giữ vẹn lòng băng tuyết, mấy ai đặng vậy.”
Hoàn Ngọc Ẩn hỏi rằng: “Nàng trọn việc trinh tiết thật đáng khen như rủi mà nàng gặp tay háo thắng dùng cường lực hoặc thế thần vì tình dục mà làm cho nhơ nhớp tấm gương trinh bạch của nàng thì nàng liệu làm sao?”
“Em giết người đó liền rồi em tự sát lấy mình, chớ chẳng bao giờ em chịu để nhơ vì em tự xét rằng một ngày kia em rảnh cái trách nhiệm về tâm sự của em rồi, em cần phải chọn người xứng đáng lo việc tóc tơ. Thưa chàng nếu mà em nhơ nhớp mặt mũi nào em dám ngó người sẽ cùng em tính việc bách niên.”
“Tôi thường nghe người rằng nàng có một cái tâm sự cay nghiệt, tôi muốn biết rằng có khứng nói hết cho tôi nghe hay không?”
“Đáng lẽ thì tôi phải nói cho chàng biết nhưng chưa tiện, xin chớ nóng lòng nghe làm gì. Ngày nào em liệu nói được thì em sẽ nói, chàng chớ phiền em tội nghiệp.”