Hoàn Ngọc Ẩn cổi được lớp sầu khoan khoái ra đàng, về đến nhà Năm Mạnh chạy ra hỏi rằng: “Thưa thầy, có việc chi mà thầy ở lại nhà nàng Lệ Thủy lâu dữ vậy.”
Hoàn Ngọc Ẩn cười rồi nói: “Để sau rồi tôi sẽ thuật cho anh nghe. Tôi khen anh thiệt là bặt thiệp nói mấy lời tôi dạy không sai một tiếng làm cho nàng Lệ Thủy và Đỗ Hiếu Liêm chẳng có nghi ngờ rằng tôi là Nghĩa Hiệp đánh trận đầu với Đỗ Hiếu Liêm.”
“Dạ nhờ thầy mưu sĩ mới đặng như vậy. Chẳng lạ gì người đặt tuồng hay anh kép tài đóng vai mới xứng.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Tôi nghĩ giận nàng Lệ Thủy chê tôi bất tài lại thêm nhát nhúa, còn Đỗ Hiếu Liêm ỷ tài nên mới dạy anh thuật lại những việc nghĩa khí của tôi khi còn ở bên Tàu. À may quá, nếu tôi không đề phòng để chị năm ở tại nhà nàng Lệ Thủy thì tôi bị chết về hai phát súng lục liên của nàng Lệ Thủy rồi.”
“Dạ thầy nhờ ở nhà tôi sao đó?”
“Số là anh không hay, tôi có dặn chị năm lén lấy cho tôi mượn một cái bì súng lục liên nhỏ của nàng Lệ Thủy, sau đó tôi trao cho chị năm hai cái bì giống y như cái bì mượn, nhưng không có để đạn, dặn chỉ lén đổi hai bì trong cây súng lục liên của nàng Lệ Thủy nhờ vậy nàng bắn tôi hai phát mà không hại chi cả.”
Năm Mạnh nói: “Thầy mạo hiểm nhưng có trí, biết lo xa thì hay vô cùng. Dạ còn vì chuyện chi thầy ở lại bên nhà nàng lâu quá xin thầy nói cho tôi biết với.”
Hoàn Ngọc Ẩn bèn đam hết chuyện xảy ra và câu chuyện của nàng Lệ Thủy thuật lại cho Năm Mạnh nghe. Năm Mạnh vui mừng không xiết nên nói rằng: “Dạ hổm rày tôi có ý nghi mà không dám nói, Đỗ Hiếu Liêm là người hẳn hòi có lẽ nào chàng đam lòng nghiệt súc mà dám ra việc loạn luân. Tôi cũng có nghe thẩy nói đến sự hiếu sắc của chàng, hà lý chàng không dằn tâm được hay sao?”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Tôi đây chẳng chút gì nghi chạ, nhưng vì cái diệu kế của Đỗ Hiếu Liêm nên mới lầm thế ấy. À, nếu như tôi không ngộ cảnh của hai vợ chồng của thầy ở bên Thị Nghè, thì chắc là vì giận lầm mà trái tim của D(ỗ Hiếu Liêm phải bị lưỡi kiếm của tôi đâm thấu vào rồi. Như thầy đó vợ bạc tình bạn vô nghì bội nghĩa, đến nước đó mà người ta còn tha thứ được, tôi thấy vậy rồi lầm so sánh với cử chỉ của Đỗ Hiếu Liêm để mặc hoàng thiên soi xét, rồi tính thầm rằng nhơn phi nghĩa bất giao. Trời ôi! Nhờ cảnh ngộ ly kỳ dời lòng của tôi cảnh tỉnh lại không thôi thời tôi giết lầm người bạn yêu dấu của tôi, vì thương tôi nhắm mắt bít tau mà giả lãnh vai tuồng oan nghiệt.”
Chiều bữa sau Hoàn Ngọc Ẩn đến nhà nàng Lệ Thủy trước thăm Đỗ Hiếu Liêm sau cùng nàng chuyện vãn cho thỏa lòng uất ức bấy lâu. Hoàn Ngọc Ẩn thấy Đỗ Hiếu Liêm khá trong mình thì có ý vui thầm rồi đó chàng qua phòng nàng Lệ Thủy. Trai tài gái sắc gặp nhau đăng hồ qua khỏi lúc khổ tâm, duyên càng thêm mặn, tình lại thêm nồng.
Chuyện vãn một hồi tâm đầu ý hiệp, nàng Lệ Thủy thấy trời quang mây lặng bèn nói với Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Nầy tình lang, vừng kim ô sáng lạng, gió mát trời thanh, em muốn mời chàng đi xe hơi hứng gió vài vòng với em không biết ý chàng có ưng chăng?”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe rất thích ý nên đáp lời rằng: “Còn chi vui thú hơn nữa.”
Nàng Lệ Thủy nghe nói rất mừng liền bấm chuông kêu thằng Chuột biểu sốp-phơ đem cái xe limousine đẹp nhứt của nàng ra rồi nàng xin phép Hoàn Ngọc Ẩn vào phòng riêng trang điểm y phục. Khi nàng trở ra, Hoàn Ngọc Ẩn nhìn sững vì thấy nhan sắc của nàng càng thêm diễm lệ hơn khi nãy bội phần. Hoàn Ngọc Ẩn nhìn nàng chừng nào càng thêm mê mẩn chừng nấy, phút chút chàng tỉnh ngộ để ý sợ, nhưng chàng đánh liều bước ra thềm lên xe cùng nàng dong ruổi.
Khi xe chạy khỏi nhà chừng hai mươi thước, nàng Lệ Thủy thấy xa xa có một cái xe hơi chạy giao đầu, trên đó có hai cậu thanh nhiên mặc đồ nỉ màu bèn chỉ cho Hoàn Ngọc Ẩn và nói: “Kìa Trần Vô Cương và Lê Tái Ngộ ngồi trên xe, chắc là hai người đến nhà em.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe nói bèn ngó phía trước thì thấy xe hơi chạy xớt ngang qua, chàng chẳng nói lời gì lại tỏ tuồng buộc bực.
Nàng Lệ Thủy thấy vậy bèn dựa mình vào lòng chàng và nói: “Thôi, thôi, em biết rồi, từ rày về sau chàng sẽ biết lòng em và chàng sẽ vui lòng luôn.”
Xe chạy chậm chậm, trải qua nhiều cảnh biết bao nhiêu tình, Hoàn Ngọc Ẩn được thân kề má dựa với một ả tợ khách nguồn đào như nàng Lệ Thủy thì trí dường như say, chàng chẳng thấy cảnh chi lịch cuộc gì vui, chỉ thấy bên mình một nàng hoa nào dám sánh, ngọc đâu dám bì. Nấn hoa xinh, cầm ngọc đẹp trên tay người còn mê mẩn xăm soi huống chi chàng được bên mình một nàng hoa ghen thua thắm ngọc bận kém xinh thì cái biển tình bao lớn Hoàn Ngọc Ẩn chìm đắm bây nhiêu.
Xe hơi chạy giáp vòng Bà Chiểu thì trời đã tối, chuông nhà thờ nhà nước đổ bảy giờ, nàng Lệ Thủy mời Hoàn Ngọc Ẩn trở về nhà dùng cơm. Đang khi ngồi bàn, Hoàn Ngọc Ẩn thấy chén dĩa nào là đồ xưa nào là đồ bằng vàng vô giá thì lấy làm lạ lắm. Chàng nhớ lại trong thơ của Đặng Thất Tình gởi cho nghiêm phụ có nói rõ thật không thêm bớt chút nào. Những món ăn nấu khéo, ăn vào miệng đủ mùi vị, đáng khen nàng mướn đặng một người đầu bếp giỏi.
Khi mãn tiệc nàng Lệ Thủy mời Hoàn Ngọc Ẩn ra huê viên hứng gió ngắm cảnh vì đêm đó chị nguyệt khoe màu tỏ rạng, mây lặng trời thanh. Hoàn Ngọc Ẩn và nàng Lệ Thủy lần bước theo mấy con đường trải sạn trắng phau trong vườn, tay nắm tay thân kề thân, thích tình chuyện vãn. Ai thấy hai người nơi cảnh lịch dưới trời trăng đi kề với nhau chuyện trò tâm đầu ý hiệp, khi cười khi giỡn tất cũng nói thầm rằng: “Tình cảnh thâu chi một cảnh tình.”
Hoàn Ngọc Ẩn và nàng Lệ Thủy đi trót nửa giờ rồi mới lại ngồi trên một cái ghế đá gần hồ nước trong veo mà nghỉ. Cũng gần đó có một nhánh hoa hường gió thỏi phất phơ, cả nhành lao động. Hoàn Ngọc Ẩn thấy hoa tốt bèn thò tay hái, chàng bị gai chích nhứt nhối thế mà chàng cũng ráng hái cho được và nói thầm rằng: “Pas de rose sans épines” (chẳng có hoa hường nào mà không có gai). Ta cũng biết chừng há sợ chích đau mà ngồi ngó tiếc thầm sao?”
Hoàn Ngọc Ẩn hái đóa hoa kê vào mũi ngửi rồi trao cho nàng Lệ Thủy và nói: “Nếu không đau làm sao hái đặng! Nàng cầm lấy coi và ngửi thử, thật là một cái bông đã đượm nhụy lại hương nồng, càng nhìn tất phải khen cao xanh khéo tạo. Nàng xem có phải như vậy không?”
Nàng Lệ Thủy cười và nói: “Thiệt là một đóa hoa xinh.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Tuy xinh mà phải kém cái sắc của nàng đó.”
“Tình lang nói chi cho quá. Nầy hỡi tình lang, cái hoa nầy khi còn ở trên nhàn thì trọn ngày mai nó cũng còn xinh còn tươi tốt, chàng xem đẹp mắt chàng vội hái, chàng cầm trong tay chẳng mấy diễm quang âm nó phải bầm phải dập, hương tàn nhụy rữa, có phải đáng tiếc lắm chăng?”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe nàng Lệ Thủy sâu xa có ý vị thì thầm khen nàng phong kín phỉ phong nền băng tuyết mấy ai đặng vậy.
Đêm một lần khuya chàng mê cảnh mê tình không đành trở bước, thình lình dường như trời ghen đất phụ, ngọn cuồng phong thổi đến ồ ồ, phủ mặt Hằng Nga phút chút mưa tuôn xối cả, Hoàn Ngọc Ẩn và nàng Lệ Thủy lật đật vào nhà. Nàng Lệ Thủy thấy mưa sét lại đánh vang rền, gió mạnh gãy nhành tơi lá ngoài vườn nghe lộp độp nên cầm Hoàn Ngọc Ẩn ở lại ngủ một đêm. Có chi làm Hoàn Ngọc Ẩn toại lòng hơn nữa, chàng nghĩ thầm rằng: “Phong vũ như vầy nghĩ ra rất hữu tình cùng ta lắm!”
Khi chàng đi theo nàng lên phòng thì nàng bước lại bàn giữa vặn máy một cái hộp đờn thì nghe tiếng đờn thanh thao đánh nghe thâm trầm không cùng, kế đó nàng bước bình hương đốt lên, mùi thơm bay ngào ngạt. Vừa xong nàng mời Hoàn Ngọc Ẩn lên giường nằm chuyện vãn.
Chàng nằm gần nàng thì ngẩn ngơ tình nên nói thầm rằng: “Như vầy tưởng chẳng có cảnh bồng lai nào dám sánh.”
Hoàn Ngọc Ẩn để tay trái cho nàng gối đầu rồi chàng trở mình qua ôm riết nàng vào lòng, cái toại của chàng chưa dứt mà chàng đã mê man chẳng biết chi cả. Đến khi chàng nghe nàng đánh thức giựt mình mở mắt ra thì thấy trời đã bình minh, trên mái nhà chim se sẻ lăng rầy tai.
Chàng nhớ lại chuyện đêm hôm dường như giấc chiêm bao thì ngạc nhiên, chàng ngồi dậy giụi mắt thở ra rồi cắn răng nói thầm rằng: “Cha chả! Ta thua trí một con đàn bà như nàng Lệ Thủy.”
Hoàn Ngọc Ẩn giận dữ song dằn tánh nóng. Chàng bước xuống giường sang qua phòng rửa mặt, thì thấy có một cái thau sẵn nước hai phần, chàng tò tay thấy nước ấm mà mùi lại thơm tho, bèn cổi áo sơ mi ra rửa mặt đầu cổ kỹ càng. Chàng lấy khăn lông lau chùi vừa rồi thì nàng Lệ Thủy mời chàng qua phòng ăn điểm tâm. Đang khi ăn Hoàn Ngọc Ẩn chẳng tỏ dấu gì bất bình, vẫn vui cười chuyện vãn luôn cho đến khi chàng đi về.
Chiều Hoàn Ngọc Ẩn sửa soạn tính qua nhà nàng Lệ Thủy lại nói thầm rằng: “Đêm nay coi ta có thua trí nàng không cho biết.”
Hoàn Ngọc Ẩn ra đàng kêu xe kéo lên ngồi biểu xa phu chạy đến nhà nàng Lệ Thủy, chàng ngồi vui cười luôn vì chàng định chắc rằng đêm nay chàng sẽ đặng đắc kỳ sở nguyện.
Đến nhà nàng Lệ Thủy, Hoàn Ngọc Ẩn đi vào phòng Đỗ Hiếu Liêm đứng dựa cửa sổ chống tay nơi cằm dường suy nghiệm chi lung lắm thì bước lại vỗ vai mà rằng: “Nầy bạn hữu nay có sự gì ngổn ngang trăm mối bên lòng hay sao mà sắc mặt chẳng đặng tươi cười vậy?”
Đỗ Hiếu Liêm thở dài một cái rồi nói: “Vui sao được a Hoàn huynh, giờ nầy ngày nầy chúng bạn của tôi ở chốn học đường chuyên lo đèn sách còn tôi vì đâu xui khiến ngăn trở trễ tràng việc học đó là một mối, hai là phận tôi vì bịnh hoạn chẳng nói làm gì nghĩ buồn vì anh tại …”
Đỗ Hiếu Liêm ngừng lời, Hoàn Ngọc Ẩn liền hỏi: “Tại chi vậy bạn?”
Đỗ Hiếu Liêm nói: “Tại chi thì anh hiểu lấy … Nầy Hoàn huynh, anh lớn trí anh rộng không lẽ anh để cho em thiếu niên hơn lắm lời can gián. Anh cạn nghĩ thì chẳng nói chi, em ngại một điều thẳng mực tàu đau lòng gỗ vậy, có phải là trung ngôn nghịch nhĩ đó chăng?”
Hoàn Ngọc Ẩn ngồi xuống châu mày rồi nói: “Bạn khéo lo thời thôi, ráng lo thân mình mà đi tựu trường, còn tôi, tôi đã gởi đơn xin thôi rồi.”
“Thiệt vậy sao?”
“Tôi có nói chơi bao giờ?”
“Anh thôi học đặng tính làm việc gì?”
“Tôi có nói với bạn lúc trước rằng tôi tính đi tây. Số là dưỡng phụ của tôi khi chết có để cho tôi một muôn đồng bạc mặt còn tờ chúc ngôn người có nói chừng nào tôi đậu y khoa tấn sĩ mới được lãnh hết gia tài, bởi rứa thế nào tôi cũng phải đi tây học cho mau vì sẵn bây giờ tôi có tiền đủ nếu để lâu tôi xài hết thì tôi chẳng đi học được. Tôi đã nhứt định chắc, xin bạn chớ lo cho phận tôi.”
Đỗ Hiếu Liêm nghe nói vui mừng không xiết, bước lại nắm tay của Hoàn Ngọc Ẩn vừa siết vừa vặt lia và nói: “May lắm, may lắm! Hoàn huynh nầy, có chi làm cho em vui hơn nữa.”
Hoàn Ngọc Ẩn cười và nói: “Bạn an lòng, dầu thế nào tôi cũng lo cho danh phận rỡ ràng cho đẹp lòng dưỡng phụ tôi ở chốn cửu tuyền. Ngày sau tôi có nối nghiệp được cho dưỡng phụ tôi thì mới đáng mặt tu mi, không tiếc công dưỡng phụ tôi dưỡng nuôi tôi từ thuở bé cho đến bây giờ. Chẳng phải tôi nói vậy mà thôi, tôi xin thề trước mặt bạn rằng nếu tôi tiêu phí vô lối số bạc một muôn đồng của dưỡng phụ tôi mà chẳng lãnh đặng cấp bằng y khoa tấn sĩ thì tốt hơn là tôi xử lấy tôi chớ chẳng để bạn đem lời phiến trách.”
Đỗ Hiếu Liêm nắm tay Hoàn Ngọc Ẩn một lần nữa và nói: “Như vầy mới xứng đáng cho em kêu bằng anh, em nguyện ngày sau bước đặng thang mây áo gấm hồi hương em anh đẹp mày tái ngộ.”
Đỗ Hiếu Liêm nói tới đây thì tinh thần chẳng an, bèn nói với Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Sao tôi mệt quá, thôi xin anh đi về rồi để tôi nằm nghỉ.”