Khách mời ít, nhà Mai có ông nội, nhị bá và cha tiếp khách nên ai cũng nói mấy lời chúc mừng dựng nhà mới kịp lúc. Ai cũng vội nên ăn cơm nhanh. Lúc khách cáo từ về lo việc đồng áng thì ông nội và nhị bá cũng tranh thủ cùng cha đi vòng quanh ba mẫu đất nhà Mai.
Lưu bá mẫu và Tương huynh ăn cơm sáng chung với nhà Mai ở bàn phía sau. Hai người cũng vội về theo Lưu bá làm đồng.
– Nhà ta cuốc gần xong rồi, lúc đó qua phụ thiếm một chút.
– Không cần đâu, ngày mai nhà ta cũng bắt đầu làm, chắc kịp trước khi mưa. Nhờ tẩu giúp ta đi hỏi mấy nhà dư lúa giống để lại được không?
– Được, chiều nay đi làm về ta đi hỏi, báo thiếm sớm.
Trò chuyện mấy câu trong bữa ăn vội vã, ai cũng chạy làm việc cho kịp mùa mưa.
– Nương, nương
Phía ngoài rạch nghe tiếng gọi thất thanh, cái bóng áo xanh chạy ào vào, là a Phúc. Gương mặt hắn mếu máo, ôm nương nức nở:
– Nương bỏ con, cả nhà bỏ con, hu hu.
Nương ôm a Phúc vào lòng dỗ dành.
– Đâu có, sao nương nỡ bỏ a Phúc chứ, ngoan, nín đi.
– Vậy sao không cho con về nhà mới, hu hu.
Cũng có mấy giọt nước mắt, là khóc thật sao? Mai nhịn cười nắm tay hắn chỉ.
– Đệ nhìn nhà mới của chúng ta đi, đẹp không? Cho đệ là người đầu tiên dọn vào ở, chịu không?
– Thật?
Mai liếc hắn rồi dẫn hắn đi vào xem nhà mới, chưa ai kịp dọn vào nhà cả nên lời lúc nãy là thật. Chỉ là mọi người bận quá chưa vào chứ không phải là chờ hắn vào trước, ha ha.
Đi sau a Phúc là thất thúc Văn Tấn và đường ca a Bảo. Hai người chắp tay chào nương rồi đi theo vào nhà.
– Đã ăn sáng chưa? Ta dọn cho đệ và a Bảo ăn. Cha đi xem ruộng. A Bình đi báo ông nội đi.
Nương gật đầu với hai người nói.
– Đã ăn sáng rồi, tẩu không cần dọn. Đệ xem nhà xong đi với a Bình ra ruộng luôn. Từ từ về cũng được.
Thất thúc là lần đầu tiên đến đây, đương nhiên là muốn xem một vòng. Hắn, Bảo ca, Bình ca gần tuổi nhau nên hay chơi chung, dù gọi chú cháu nhưng nhà nông dân cũng không nhiều lễ nghĩa. A An, a Vĩnh cũng chạy theo thành một đám loai choai ra ruộng, trên đường chỉ trỏ nói cười loạn xạ.
A Phúc thì lật đật ôm quần áo của hắn đặt vào tủ đồ, xem như là người đầu tiên vào nhà mới. Nương, Cúc tỷ và Mai nhịn cười nhìn nhóc lăng xăng tới lui.
Bốn đứa con trai sẽ ngủ nhà trên, cái giường là giường cũ mang từ làng chài vào. Bên trái gian thờ là chỗ trống, sau này đặt bộ ván dành cho khách. Phía sau có hai buồng nhỏ, một buồng là cha nương, một buồng cho Cúc tỷ và Mai. Bếp đặt sau cùng, có sạp tre nhỏ để ngồi ăn cơm.
Nhà dựng lên quá gấp nên trống trơn, đồ đạc từ làng chài mang vô cũng có gì. Mai nhìn ngó một hồi cũng không biết bắt đầu làm gì tiếp theo. Quan trọng hơn là phải có tiền. Nhà mới có rồi, ruộng mới có rồi, mình phải phấn chấn lên, lập kế hoạch tiếp theo nên làm gì mới được.
Ba người vừa soạn một ít đồ mang về làng chài vừa nghe a Phúc nhõng nhẻo. Hắn rất thích ăn mật ong, lấy khoai lang chấm mật ong, khoai mì chấm mật ong. Hắn líu ríu kể chuyện mấy ngày nay ở làng chài, còn diễn cảm hít hít mũi.
Mai nghe không nổi giọng hắn nữa nên đứng dậy đi vào góc nhà. Cô ôm mấy củ khoai đen sì ra, từ hôm đào được nó xong quên luôn, mong là không bị hư.
– Củ này là khoai gì vậy nương?
Nương cầm xem, lấy con dao xẻ một góc rồi nói.
– Khoai mỡ, con đào ở đâu?
– Gần mấy cây thốt nốt.
– Khoai này nấu canh tôm lột ăn cũng được, nhưng nó không ngọt.
A, là khoai mỡ, Mai nhớ rồi, lúc nhỏ ngoại hay nấu canh này. Hình như nó rất dễ trồng, không cần chăm sóc, đất nào cũng sống được. Hèn chi trên đất hoang mà củ nó cũng to như vậy.
– Chiều nay mình ăn đi nương.
– Được,
Nương suy nghĩ một chút rồi tiếp.
– Cái này nhà mình ăn thôi, không cần đưa cho nội.
– Sao vậy?
– À, à, cái này ít người thích ăn.
Nguyễn thị còn muốn nói thêm, chỉ những năm mất mùa người ta mới đào khoai này ăn đỡ đói, ăn nhiều cũng không tốt, lạnh bụng.
Gần một canh giờ sau thì ông nội về, thấy nương chuẩn bị đồ mang lên ghe ông nói:
– Không cần mang nhiều vậy, chỉ một ít cá đồng khô và rau là được. Cái khác để mấy đứa ăn. Ta về ngoài kia có đủ thức ăn.
Nương nhìn cha hỏi ý.
– Nàng nghe cha đi, mang theo mấy món ăn trưa trên ghe nữa.
– Được.
Nương gói cơm, cá, tôm khô, thịt vào trong cái rổ lớn.
– Cho ta thêm khoai mì nước dừa với muối.
Nhị bá lên tiếng dặn thêm. Khoai mì nấu nướcc dừa là hôm trước Mai và a Cúc làm. Thay vì dùng nước nấu khoai, Mai chặt trái dừa lấy nước ngọt nấu, muối biển nghiền mịn để chấm ăn. Nhị bá rất thích ăn món này, vừa béo, vừa ngọt lại mặn mặn. Thất thúc nghe món lạ cũng bước tới ăn thử rồi gật gật, có nước dừa ngọt ngọt dễ ăn hơn. Mai cười tươi đưa hết rổ khoai mì vừa nấu cho thất thúc mang lên ghe.
– Ngày mai cuốc đất chuẩn bị, không biết gì thì hỏi a Hà, theo mọi người mà làm. Cha không vô đây thường được, làm gì phải cẩn thận. Con cứ lo trước ruộng này, chuyện khẩn hoang thêm để dư dả thời gian mới làm. Đất mới trồng cũng không thu được nhiều.
– Da con biết, cha.
Ông nội dặn dò thêm mấy câu thì ra ghe. Cả nhà Mai đứng tiễn đến khi ghe theo cua ra sông khuất sau mấy rặng dừa nước mới vào. Giờ ra làng chài sẽ ngược dòng nước, chèo mệt hơn, nhưng có bốn người thay phiên cũng đỡ.
Đến giờ ăn trưa thì nhà mới đã sắp xếp xong, chòi tạm giữ lại để đồ linh tinh, bàn ăn chưa có nên tám người ngồi trên cái sạp tre gần bếp ăn luôn.
– Ngày mai tụi con giúp cha nương nhổ cỏ ruộng. Chiều nay ta làm cán cuốc, nàng và a Bình mài hai cái liềm đi.
Lưỡi cuốc và hai cái liềm là ông nội mang vào, đã cũ sét do lâu quá không dùng. Mấy đứa nhỏ gật đầu đáp ứng.
– Dạ, cha.
Ba mẫu đất ruộng của những người làm trước bỏ lại. Mấy năm không ai canh tác nên cỏ dại mọc um tùm. Loại cỏ gà mọc lan gần hết mặt ruộng, mà rễ nó vừa ăn sâu xuống đất, vừa chằng chịt khắp nơi, rất khó nhổ. Cỏ năng mọc thành từng đám cao hơn, cũng khó nhổ không kém.
Người ta nói nhổ cỏ phải nhổ tận gốc là vì chỉ cần để sót lại một mắc rễ thôi thì nó vẫn sẽ sống được. Chỉ cần tới mùa mưa là nó lại mọc tràn ra. Có cỏ thì cây lúa làm gì còn đất, còn chất dinh dưỡng mà sống tốt.
Mai nhìn ra phía ruộng, mấy đám lát ven bờ cũng dọa được cô. Cắt thân lát để đan chiếu, làm giỏ thì nhẹ nhàng. Nhưng mà muốn nhổ được cả rễ và củ lát lên thì không dễ chút nào. Sức a Cúc chưa chắc làm nổi, chỉ có cha nương và a Bình mới có thể. Mình phải làm cách khác để góp phần chứ, không thể vô dụng được.