Chương 2: Đây là đâu?

Mai tỉnh ngủ lần nữa, mở mắt ra vẫn là mái nhà lá với những lỗ thủng ánh trăng đang xuyên qua. Nhờ vậy mà Mai nhìn ra hình ảnh mờ mờ trong căn phòng. Cô đang nằm giữa nương và tỷ trên cái giường phía trong; cha và Bình ca, a Phúc ngủ giường ngoài. Chắc đang mùa hè nên nửa đêm mà vẫn không thấy lạnh. Xung quanh u u tiếng côn trùng kêu giống như nhà ngoại ở quê. Tiếng vo ve của mấy con muỗi làm cô khó chịu, thỉnh thoảng còn bị chích nữa, ahhhh. Nương bị cô làm tỉnh, thấp giọng hỏi:

– Sao vậy? Còn đau sao?

– Muỗi!

– Ừ, để nương đốt lại cỏ xả, tắt rồi.

Thì ra là dùng cỏ xả, nếu không ngủ không mùng như vầy chắc bị muỗi tha.
Nương mò mẫm đi đến góc phòng nhóm lại bếp, cho thêm búi cỏ vào, khói lại quanh quẩn trong phòng xua đi mấy còn muỗi tham ăn.

-Ah,

Nương quay lại giường, xoa xoa vai Mai như dỗ cô ngủ. Buổi chiều cô tỉnh lại từ hôn mê, nhận ra sự thay thế này làm cho tâm trí hoảng loạn. Bây giờ bình tĩnh lại, Mai nên thừa nhận sự thực này thôi, cái này là vận mệnh sao?

Từ chiều đến giờ cô không dám nói gì vì phát hiện ngôn ngữ của họ không giống mình, có nhiều từ nghe không hiểu lắm, chỉ lờ mờ đoán ý. Cách xưng hô cũng hơi khác, nghe vừa quen vừa lạ, giống như trong mấy phim thời xưa vậy. Mai cố gắng nhớ lại mấy bộ phim cổ trang đã xem Thiên địa anh hùng? không giống lắm, Phạm Công Cúc Hoa, phải không! Mình tiêu rồi!

Dù thế nào cũng cần thêm thời gian tìm hiểu, tạm thời cứ giả bệnh không nói gì là được.

Nhắc đến bệnh mới nhớ, đầu bị đập vào đá rồi còn bị Bình ca cõng từ trên núi chạy về, dọc đường xóc nảy như vậy mới làm bé Mai kia rời đi. Giờ không biết có bị máu bầm trong não, xuất huyết não hay không đây? Ông trời ơi, đừng nói là sáng mai con ngủ dậy bị tưng tửng nha! Ba năm làm bệnh nhân, hết chữa tây y, trung y rồi đông y, cộng với thời gian rãnh rỗi đọc sách, xem tivi về các bệnh lạ làm Mai cũng trở thành một nửa bác sĩ rồi. Hy vọng ông trời đưa con đến đây thôi, đừng mang bệnh đến theo.

Trời chưa kịp sáng tỏ mà cả nhà đã lục đục dậy, cả nhóc Phúc cũng thức dậy. Mai cũng gượng ngồi thì nương ấn vai cô:

– Con ngủ thêm đi, nương và a Cúc đi hâm đồ ăn và sắc thuốc cho con.

Mai gật gật đồng ý rồi nằm xuống nhưng không ngủ tiếp mà lặng lẽ quan sát chung quanh, lắng nghe tiếng cha nương nói chuyện.

– Ta qua nhà Lưu huynh phụ chuẩn bị.

– Được, chàng quay về ăn chút đồ trước khi làm.

– Con theo cha!

Bình ca rửa mặt xong đi vào nói.

– Cùng đi đi, nhà Lưu bá con chắc vài ngày nữa là xong.

A Phúc hai tay chụm chụm cái gì trong tay, đi lại gần hé ra cho Mai xem. Trong hai tay nhỏ xíu là bốn trứng nhỏ nhỏ, màu xanh nhạt có chấm đen, chắc là trứng chim.

– Ca và đệ nhặt được ở gò đất bên kia. Tương huynh cũng không biết là chim gì.

Nhóc Phúc mặc quần đen dài, ở trần lộ ra ngực nhỏ gầy, hai cánh tay xương xương, da đen cháy nắng. Đôi mắt hai mí to sáng long lanh, nhìn biết là tiểu quỷ linh tinh. Ở làng chài tiểu tử này ít khi ở nhà mà chạy thám thính khắp nơi. Theo trí nhớ mơ hồ, tiểu tử này đã không ít lần gây phiền phức. Có lần còn lén lên một mình lên gò Lộc Trĩ khiến cả nhà tìm loạn lên, đương nhiên là sau đó nhóc bị một trận đòn sưng mông.

‘Gò Lộc Trĩ’ là nơi nào?

Dù sao thân thể này mới hơn tám tuổi, nhút nhát, chỉ quanh quẩn quanh làng chài nên chỉ biết nhà Lưu bá ở làng Đông Hồ, còn nhà mình thì ở làng chài cạnh gò Lộc Trĩ. Mà chỉ hai cái tên này không đủ để cô biết đây là đâu, thời nào!

Chỉ chốc sau, cháo tối qua hâm nóng được mang lên.

– Con ăn trước đi, rồi uống thuốc. Hôm nay con ở nhà với a Mai, không chạy đi chơi nghe không?

Nương quay sang dặn a Phúc.

– Dạ, mấy hôm nay con đâu có đi chơi.

Nhóc nhăn nhăn nói, hai hôm nay tỷ té chảy máu, hắn rất sợ, cứ quanh quẩn quanh nhà hoặc đi ra vào theo sau lưng nương nhìn nhìn Mai nằm yên trên giường. Cha và tam ca vội đi vào nhà, ngồi xuống mấy cái ghế đẩu ăn sáng.

– Con ở nhà với hai em, sắc thuốc hai cử trưa chiều nữa.

– Dạ, con biết.

Mai định lắc đầu mà vẫn thấy hơi choáng nên lắc cái tay gầy nhỏ. Cô không dám nói dài, không biết giọng mình sao nữa, lỡ đâu bị phát hiện thì hậu quả không biết ra sao. Có bị cho cho là yêu quỷ hay không? Cha và nương đều nhìn vết thương trên đầu cô. Có thêm người phụ thì nhà Lưu bá nhanh xong, cả nhà về làng chài sớm chút.

– Vậy con đau thì nói a Phúc chạy qua gọi nương. Trưa tỷ sẽ mang cơm về rồi sắc thuốc cho con luôn.

Cúc tỷ nhanh nhẹn mang nồi, chén ra lu ngoài bếp rửa, rửa xong úp lên giàn chén bằng cây bên cạnh. Bốn người lớn trong nhà mang theo khăn nón đội đầu rồi đi. A Phúc đi tiễn đến ngoài đường. Mai cúi xuống giường tìm đôi giày bện bằng dây mây, mang vào gượng đi ra ngoài.

– Tỷ đi đâu vậy?

– Uhm,

Mai nghiêm mặt chỉ đôi chân trần của a Phúc ý hỏi sao không mang?

– Nóng quá,

Nhóc ha ha cười rồi chạy vào mang giày. Loại giày được bện bằng sợi gai giống như từ vỏ cây làm sao mà nóng chứ!

Phía trước nhà là sân trồng mấy cây rau, dây leo lá xanh viền tím nhạt không rõ là gì. Con đường đất nhỏ quẹo phải là hướng qua nhà Lưu bá. Xa hơn khoảng năm mươi mét là con rạch không rộng lắm nhưng xa hơn chút nữa là mặt vũng Đông Hồ mênh mông. Sương buổi sáng vẫn còn vờn trên mặt vũng.

– Vũng này sâu không?

– Nghe Tương huynh nói là sâu lắm, có năm nước lớn tràn bờ luôn. Mùa mưa ở đây nhiều cá lắm, không giống cá ngoài biển của mình đâu, còn có ếch ăn ngon hơn thịt gà nữa, …

A Phúc nói huyên thuyên tất cả mới lạ mà nó nghe được từ Tương huynh là con trai lớn của Lưu bá. Nhà Lưu bá có một con trai lớn và ba con gái nhỏ gọi là tam Mi, tứ Mi và ngũ Mi. Tứ Mi bằng tuổi Mai bây giờ, sinh sau mấy tháng.

Mai vừa lắng nghe nhóc nói vừa nhẩm lại cho quen. Chỉ có một mình nhóc Phúc nên cô không cần quá đề phòng. Trong không khí vẫn có vị mặn mặn của muối biển, chắc cách bờ biển không xa, nhưng mà đi bộ về đến làng chài cũng gần ba canh giờ mới đến.

-Tỷ, phía bên kia Đông Hồ có núi Tô Châu cao hơn gò Lộc Trĩ nhiều, có thạch động nữa,…

– Đệ còn muốn đi thạch động nữa à?

– A,

A Phúc le lưỡi rồi im re.

Khoan, núi Tô Châu, vũng Đông Hồ, vậy ở đây là Hà Tiên?

– A Phúc, ở nhà mình nhìn có thấy Hòn Phụ Tử không? Cô vội hỏi.

– Sao không thấy? Tỷ còn nói nó cao hơn gò Lộc Trĩ mà.

Vậy đúng rồi sao? Mình đang ở sát bên vũng Đông Hồ, gần hòn Phụ Tử. Mà năm nay là năm nào? Từ từ thăm dò, không cần vội!

– Tương huynh còn kể gì nữa không?

– Xây nhà xong Tương huynh sẽ tát đìa trong đồng đó, có nhiều cá lắm, cá rô, cá lóc, cá trê, cá trạch nữa; đệ chưa biết cá trê là cá gì. Mà lúc đó nhà mình đã về rồi. A, trưa nay Lưu bá mẫu nấu khoai ăn với chuối, thế nào nương cũng sẽ mang về cho tỷ đệ. Mà nước ở đây không mặn như ở biển phải không tỷ?

– Ừ, đệ nói núi Tô Châu ở đâu?

– Bên kia, đi ra cửa mới thấy,

A Phúc chỉ chỉ tay về hướng bên phải nhà.

Mai không muốn ở trong nhà nữa, mà đã lâu rồi cô không có cảm giác đi trên đôi chân của mình. A Phúc cười cười đứng dậy đi đến gần cô, đỡ một bên tay. Mai vịn vai nhóc hơi mỉm cười, nhóc thật ngoan, rất quan tâm đến cô. Sáng giờ ngồi trong nhà chắc nhóc cũng buồn chân.

Đường đất có nhiều vết nứt nẻ, cây cối xung quanh đã có lá vàng. Dọc theo đường đi cỏ vẫn còn xanh, a có cỏ đầu gà. Đây là trò chơi lúc nhỏ Mai về quê ngoại hay chơi cùng anh hai và các bạn nhỏ trong xóm.

Mai chỉ chỉ nhóc Phúc, cúi xuống tìm cỏ đầu gà.

– Cái này làm gì tỷ?

Mai đưa cho a Phúc một cọng, cô lấy cọng cỏ mình đang cầm quất vào ‘cổ’ cọng cỏ gà đó.

– Tỷ thắng, haha, …

Rất nhanh a Phúc đã biết, bé hưng phấn tìm kiếm trong đám cỏ thêm nhiều cọng cỏ gà khác.

– Cọng nào mập mạp ở phần cổ này nè, nó mới không gãy.

– Dạ, như cọng này hả tỷ?

– Đệ tìm đâu hay vậy? Cọng này chắc là cỏ gà vua rồi, thử xem.

Cọng cỏ này chắc khoẻ thiệt. Nhóc Phúc cười hớn hở, khoe hàm răng sữa nhỏ như bắp. Niềm vui của a Phúc như lan sang cả Mai. Hôm qua đến giờ cô vẫn hoảng sợ, lo lắng khi đến nơi này. Dù sao nơi này cô cũng có gia đình, giờ vẫn còn xa lạ nhưng dần dần sẽ quen. Hơn nữa cô đang chiếm thân thể này mà họ không biết, cô thấy áy náy, tự hứa sẽ làm hết sức giống như bé Mai có thể làm. Nếu đây là sự hoán đổi thì chắc bé Mai còn hoảng sợ và khó khăn để thích ứng hơn cô nữa.

– Núi Tô Châu kìa tỷ,

Tiếng a Phúc ngắt ngang suy nghĩ của cô. Vũng Đông Hồ rất rộng hình giống như nút cổ chai. Ở giữa hồ có mấy dãy đất xanh um hay gọi là cồn. Chỗ cô đang đứng thấy cổ nút, xéo góc bên kia vũng là núi Tô Châu. Biển chắc là phía ngoài cổ chai này. Xa phía sau núi Tô Châu là hòn Phụ Tử.

Xung quanh đây chỉ có vài ngôi nhà lá nhỏ, cách nhau khá xa. Trước sau nhà đều là đất trồng rau, trồng cây, dây leo. Xa xa phía sau nhà có mấy dãy núi thấp, cây cối xanh xanh chen lẫn màu xám của đá. Ấn tượng chính nơi này mang lại là sự mênh mông và hoang sơ, có hồ, có sông rạch, có đồng ruộng, có đồi núi và biển.

Ừ, vậy sẽ không lo đói rồi! Chỉ cần chăm chỉ làm ruộng hay đánh cá là sẽ đủ ăn no.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!