Những nhà đại gia văn chương trong xứ ta khi trước, hay dùng sự tích sử truyện nước Tàu, mà diễn ra quốc văn của ta, như: Kim Vân Kiều, Nhị Độ Mai, Phan Trần truyện, Lục Văn Tiên, thì toàn dùng cách văn lục bác mà thôi, chưa thấy truyện nào đặt theo cách văn lưu thủy là văn xuôi theo tiếng nói thường của mình; cho dễ hiểu mau nghe, và cũng chưa thấy một Tiểu thuyết nào làm ra một sự tích của kẻ anh hùng hào kiệt và trang liệt nữ thuyền quyên trong sứ ta, đặng mà bia truyền cho quốc dân rõ biết.
Hỏi thử: Trương Lương, Hàn Tín, Hạng Võ, Tiêu Hà thì sự tích lào thông; còn hỏi lại ai là anh hùng hào kiệt trong nước ta thì ngẩn ngơ chẳng biết.
Như vậy thì trong xứ ta chỉ biết khen ngợi sùng bái người anh hùng liệt nữ của xứ khác, mà chôn lấp cái danh giá của người anh hùng liệt nữ trong xứ mình, chỉ biết xưng tụng cái oai phong của người ngoại bang, mà vùi lấp cho lu lờ cái tinh thần của người bổn quốc.
May thay cho chúng ta gặp nhằm thế kỷ hai mươi nầy là một thế kỷ văn minh, là một thời đợi quốc văn ta đương lúc nảy tược đâm chồi, đơm hoa kết trái và cũng một thời đợi của Tiểu thuyết trong xứ ta đương lúc sanh thai xuất thế, phát khởi thành hạnh, vì vậy nên đã có nhiều quyển Tiểu thuyết xuất bản ra đời, song những tiểu thuyết ấy phần nhiều nói về hoa nguyệt phong tình của đám hạ lưu nam nữ, còn những sự tích anh hùng liệt nữ, và những bậc danh sĩ nhơn tài trong xứ ta, thì chỉ có một ít truyện sử đó thôi, kỳ dư hãy còn chôn lấp nơi chỗ tối tăm, chưa ai chịu khó kiếm tìm mà phô trương cho mắt đời xem thấy.
Nay quyển tiểu thuyết “Giọt máu chung tình” nầy vẫn là một tiểu thuyết phô diễn sự tích của một trang hồng nhan liệt nữ, với một trang niên thiếu anh hùng, là con của một vị khai quốc công thần trong đời Cao hoang trung hưng phục nghiệp.
Tôi chẳng nài lao tâm khổ não đem những ngày giờ dư giả trong lúc đêm tịnh canh trường, mà tìm tòi một sự tích có thú vị, có ân tình, có tinh thần, có phẩm giá, đặng phô diễn ra đây, trước là phụ ích với các nhà Tiểu thuyết đương thời, sau là tỏ rằng trong xứ ta cũng hiếm kẻ khí phách anh hùng, trung trinh liệt nữ như các nước khác kia vậy.
Trong quyển tiểu thuyết này có ba điều đại yếu:
- Trai như Đông Sơ là một trai có tinh thần đởm lược, khí phách anh hùng, chỉ biết lấy một gan đởm mà đền đáp nợ nước ơn nhà, cho rõ phận tu mi đứng trong hoàng võ.
- Gái như Thu Hà là một gái tánh tình cao thượng, biết lấy một sự trung trinh tiết hạnh mà đối đãi với chồng, cho khỏi tiếng sĩ tiết ô danh, đồi phong bại tục.
- Triệu Dõng là bạn giao tình kết nghĩa song cũng giữ một lòng nhiệt thành chí tín mà đối đãi với cố hữu thân bằng, hoạn nạn chung cùng, xem dường anh em đồng bào cốt nhục.
Trong quyển tiểu thuyết này những lời nói giọng tình câu chuyện đặt để kỹ cang, có lối văn chương, có mùi tao nhã, chỗ thì cao đàm hùng biện, mà làm ngọn roi kích bác cho phong tục đương thời, chỗ thì nghị luận khuyên trừng, làm một phương thuốc bổ ích tinh thần cho kẻ học sanh hậu tấn, chỗ lại bi, hoan, ly, hiệp, tình tứ thâm trầm; khiến cho độc giả cũng có lúc xúc động tâm thần mà nheo mày chắt lưỡi, cũng có lúc vui lòng hứng chí, mà được giải khuây một ít cơn sầu, cũng có khi dựa gối cúi đầu, ngẫm nghĩ cuộc đời mà thương người nhớ cảnh.
Chẳng phải như Tây Du Phong Thần là truyện huyễn hoặc hoang đàng, đọc tới thêm mê muội tâm thần, làm cho hai mươi mấy triệu linh hồn của quốc dân ta đến ngày nay hãy còn mơ màng theo lối xóm quỷ làng ma, lẫn bẩn theo thói tin tà tưởng mị, đã chẳng lợi dụng cho khuê hương, mà cũng chẳng ích chi trí thức.
Tân Dân Tử