Tên khác: Cây chân chim núi, Ngũ gia bì chân chim, cây đáng, sâm nam.
Tên khoa học: Schefflera heptaphylla (L.) Frodin. Họ Nhân sâm (Araliaceae).
Mô tả
Cây nhỏ, cao 2-8 m, có ruột bấc. Lá mọc so le, kép hình chân vịt, thường có 6-8 lá chét, mép nguyên, dài 7-17 cm, rộng 3-6 cm. Hoa nhỏ, màu trắng, tụ họp thành cụm hoa chùm tán ở đầu cành. Trên cuống phụ của cụm hoa đôi khi có những chiếc hoa đứng riêng lẻ. Hoa mẫu 5, bầu dưới. Quả mọng hình cầu, đường kính 3-4 mm, khi chín màu tím đen, chứa 6-8 hạt. Toàn cây có mùi thơm đặc biệt.
Nơi mọc
Cây mọc hoang trong rừng ở nước ta, thường gặp ở ven rừng, chân núi, sườn đồi và được trồng làm cảnh.
Bộ phận làm thuốc.
Vỏ thân, vỏ rễ và lá.
Thành phần hóa học
Vỏ thân có tinh dầu (khoảng 9-10 phần ngàn), asiaticosid caulosid.
Công dụng
Vỏ cây chân chim còn được gọi là ngũ gia bì chân chim, có vị hơi đắng, mùi thơm, tính mát. Trong y học cổ truyền dùng làm thuốc bổ tăng lực, chữa phong thấp, kích thích tiêu hóa, thông tiểu, chữa phù thũng.
Ngoài ra, còn dùng để giải độc lá ngón hay say sắn: Lấy vỏ giã nát rồi sắc uống.
Chú thích
Trong rừng nước ta có nhiều cây mang tên chân chim như cây chân chim leo (Schefflera leucantha R. Vig), chân chim núi (Schefflera petelotii Merr.) cũng được dùng như trên.