Tên khác: Cây xoan đâu, sầu đâu, thầu đâu (miền Trung).
Tên khoa học: Melia azedarach L., Họ Xoan (Meliaceae).
Mô tả
Cây gỗ, cao 7-10 m. Lá kép hai lần hình lông chim lẻ, mọc so le. Lá chét dài 7-8 cm, rộng 2-3 cm, mép khía răng cưa không đều. Lá rụng vào mùa đông. Cụm hoa là một xim hai ngả ở kẽ lá, mang nhiều hoa nhỏ đều, lưỡng tính. Cánh hoa màu hồng nhạt ở phía trong, màu tím nhạt ở phía ngoài. 10 nhị dính liền nhau thành ống. Quả hạch hình “trái xoan” (gần hình cầu). Vỏ quả nhẵn, khi non màu xanh, khi chín màu vàng.
Nơi mọc
Cây mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta để lấy gỗ. Ngoài ra, còn mọc ở nhiều nước châu Á như Lào, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc.
Bộ phận độc và chất độc
Toàn cây, đặc biệt vỏ thân, vỏ rễ và quả có chất độc. Trong vỏ thân và vỏ rễ có chứa alcaloid là azaridin, toosendanin. Trong quả có melianon, melianol, melialaton, …
Triệu chứng ngộ độc
Khi ăn phải 6-8 quả xoan đã bị đau đầu, nôn mửa, ỉa chảy, khó thở, tim dập nhanh, co giật. Ăn nhiều sẽ bị tê liệt. Bị nhiễm độc nặng thì mất tri giác và chết. Ngộ độc do vỏ xoan thì thấy đau bụng, nôn mửa, vàng đầu, hoa mắt, mặt đỏ, toàn thân yếu mệt, tay chân tê dại, và có thể chết.
Giải độc và điều trị
Khi mới bị ngộ độc thì gây nôn, rửa dạ dày. Nếu cần, gây ỉa chảy. Cho uống nước lòng trắng trứng, hồ bột hoặc than hoạt, uống nước sắc cam thảo, đường hoặc tiêm truyền huyết thanh ngọt. Nếu co giật thì dùng thuốc trấn tĩnh.
Chú thích
– Theo kinh nghiệm, người ta dùng vỏ rễ xon (lớp vỏ trắng ở trong) để tẩy giun đũa và giun kim. Chất toosendanin có tác dụng trị giun nhưng liều tẩy giun và liều độc rất gần nhau, nên dễ bị ngộ độc. Trong thực tế, đã có nhiều người bị chết do dùng vỏ xoan để tây giun. Cần rất thận trọng khi dùng.
– Ngoài ra, người ta còn dùng nước ngâm lá xoan để diệt sâu bọ. Đun nước lá xoan, tắm cho súc vật (trâu, bò, ngựa) để chữa ghẻ. Lá xoan khô được cho vào chum vại đựng ngô, đậu … để tránh mọt.