Tên khác: Cây kiền kiện, muồng nước.
Tên khoa học: Adenanthera pavonina L., Họ Trinh nữ (Mimosaceae).
Mô tả
Cây gỗ, có thể cao 18-20 m. Lá kép 2 lần hình lông chim. Cuống cấp hai, mang 6 đôi lá chét hình trái xoan và một lá chét lẻ ở tận cùng. Các lá chét mọc so le, cuống rất ngắn và có lông thưa ở mặt dưới. Cụm hoa là một bông ở nách lá, dài 15-25 cm, mang nhiều hoa nhỏ màu vàng. Quả loại đậu, hình lưỡi liềm, dài 15-20 cm, thường không xoắn lại. Hạt tròn, hơi hình thận, dẹt, nhẵn bóng, màu đỏ, đường kính 9-10 mm.
Nơi mọc
Cây mọc nhiều ở miền Nam nước ta.
Bộ phận độc và chất độc
Toàn cây có chất độc. Độc nhất là hạt. Trong hạt có khoảng 25% dầu béo (dầu này có nhiều acid lignoceric), 39% protein và có hàm lượng saponin tương đối cao.
Triệu chứng ngộ độc
Nôn ọe, đau bụng nhiều, co giật và khó thở.
Giải độc và điều trị
Nếu chưa bị co giật và nôn ọe thì dùng thuốc gây nôn, rửa dạ dày và gây ỉa chảy. Sau đó điều trị triệu chứng như giảm đau, chống co giật, … Nếu có hiện tượng khó thở thì dùng thuốc gây hưng phấn.
Chú thích
Một số nước khác ở châu Á dùng cây này làm thuốc. Ví dụ, ở Indonesia (Java), hạt già giã nhỏ đắp lên mụn nhọt cho chóng vỡ mủ. Ngoài ra còn dùng chữa nhức đầu, tê thấp.
– Ở Ấn Độ, Malaysia, uống nước sắc lá để chữa tê thấp, nước sắc gỗ làm thuốc bổ.
– Ở Campuchia dùng vỏ cây (gọi là mông-try) để chữa lỵ.
Các công dụng trên cần được nghiên cứu, xác minh lại trước khi phổ biến sử dụng.