80 – Sầu đâu cứt chuột

Tên khác: Nha đảm, khổ sâm nam, sầu đâu rừng, xoan rừng.

Tên khoa học: Brucea javanica (L.) Merr., Họ Thanh thất (Simaroubaceae).

Mô tả

Cây bụi cao 1-2 m. Thân non có lông. Lá kép hình lông chim lẻ, mọc so le, không có lá kèm. Có 4-6 đôi lá chét mọc đối. Phiến lá chét dài 4-10 cm, rộng 2-5 cm, có lông dày ở mặt dưới, mép có răng cưa rộng. Cụm hoa là những chùm dài, gồm nhiều hoa nhỏ, đơn tính, mẫu 4. Quả hạch nhỏ, hình trứng, khi chín có màu đen, trông như cứt chuột, nên có tên “sầu đâu cứt chuột”, chỉ chứa 1 hạt dẹt, vị đắng.

Nơi mọc

Cây mọc hoang, phổ biến ở nước ta và một số nước khác như Lào, Campuchia, Malaysia, Ấn Độ, Philippin, Trung Quốc, …

Bộ phận độc và chất độc

Vỏ quả và hạt có glycosid độc gọi là kosamin và các quassinoid diệt khuẩn rõ rệt, liều nhỏ gây nôn, liều cao thì độc. Trong hạt có 20-23% dầu béo. Dầu này gây nôn.

Triệu chứng ngộ độc

Khi ăn trên 10 quả có thể bị ngộ độc. Nạn nhân sẽ nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy, nhức đầu, mệt mỏi, khó thở, sau cùng tê liệt chân tay và có thể chết.

Giải độc và điều trị

Rửa dạ dày, uống nước lòng trắng trứng hoặc than hoạt. Uống hoặc tiêm vitamin B1. Tiêm truyền huyết thanh trộn với vitamin C. Nếu đau bụng nhiều, cho uống thuốc giảm đau.

Chú thích

Ở nước ta cũng như nhiều nước vùng nhiệt đới, quả sầu đâu cứt chuột còn được dùng làm thuốc chữa lỵ, sốt rét, ỉa lỏng, bệnh trĩ và vei6m ruột. Cần dùng đúng liều lượng và theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Khi dùng làm thuốc, phải ngừng dùng nếu thấy buồn nôn hay nôn nao.

error: Content is protected !!