Tên khác: Cây rom, cây khua mật, cấy móc quạ (Đại Từ, Thái Nguyên).
Tên khoa học: Capparis versicolor Griff., Họ Màn màn (Capparaceae).
Mô tả
Cây bụi, cao khoảng 2-3 m. Cành non có lông mịn, màu rất xanh, vươn dài ra xung quanh. Lá hình trái xoan hẹp, dày, nhẫn, dài 6-10 cm, rộng 2-3 cm. Đầu lá hơi thắt lại tạo thành mũi ngọn. Cuống lá dài khoảng 5mm, gốc cuống lá có 2 lá kèm biến thành gai ngắn, hơi cong xuống, dài khoảng 2mm. Cụm hoa có 2-4 hoa, ở tận cùng một cành ngắn. Nụ hoa hình cầu, đường kính 8-10 mm. Hoa có 4 lá dài, dài 8-10 mm, rộng 6-8 mm, xếp thành hai vòng, 2 lá đài ngoài xếp đối nhau, rất cong (gần như hình mũ sắt). Hai lá đài trong ít cong hơn, xếp xen kẽ với hai lá đài ngoài. Mép lá đài có lông ngắn, 4 cánh hoa màu hồng, xếp xen kẽ với các lá đài, dài khoảng 14mm, rộng 6-7 mm. Mặt trong lá đài có lông dài, phía dưới của mặt ngoài có lông ngắn. Nhiều nhị (khoảng 30), chỉ nhị mảnh, dài 3cm. Bầu hình trứng, dài khoảng 2mm, rộng khoảng 1,5mm, một ô, gồm 4 lá noãn, vòi nhụy rất ngắn, được cuống nhụy dài đến 4cm đưa thò ra ngoài hoa. Khi ở trong nụ, chỉ nhị và cuống nhụy xếp gấp dạng sóng. Quả hình cầu, đường kính 4-5 cm. Cuống quả dài, có một điểm phồng ở đạon giữa cuống là vết tích của đế hoa. Quả chín có màu tím đen, chứa nhiều hạt.
Cây ra hoa vào đầu tháng 5, quả chín vào tháng 10-11.
Nơi mọc
Cây mọc hoang ở các vùng đồi núi nước ta, như Thái Nguyên, (Phú Lương, Đại Từ), Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, … Ngoài ra, còn mọc ở Lào (Sầm Nưa).
Bộ phận độc và chất độc
Quả chín và hạt rất độc. Nhiều người ăn phải quả này (hay gặp ở trẻ em) đã bị ngộ độc và bị chết. Theo Trần Công Khánh và Hoàng Mạnh Hùng, 1987, chất độc của cây hồng trâu thuộc nhóm glycosid tim. Đang được nghiên cứu.
Triệu chứng ngộ độc
Khi ăn 4-5 quả đã bị ngộ độc. Ăn phải càng nhiều, ngộ độc càng nặng. Sau khi ăn 2-3 giờ, xuất hiện các triệu chứng đau đầu, nôn mửa, rất khát nước, ỉa lỏng liên tục, phân có mùi khẳn. Nạn nhân cảm thấy mệt lả, khó thở, tim như ngừng đập, có lúc không bắt được mạch, có hiện tượng co giật, vật vã, mắt trợn ngược, không nói được rồi chết.
Chó ăn phải chất nôn của nạn nhân cũng bị chết. Khi mổ chó thấy hiện tượng chảy máu ruột, gan sưng to. Lợn và cừu ăn 2-3 quả cũng bị ngộ độc.
Giải độc và điều trị
Khi ăn phải quả hồng trâu, dù chưa có hiện tượng ngộ độc cũng phải loại trừ càng sớm càng tốt những phần còn lại ra khỏi cơ thể, bằng cách gây nôn, rửa dạ dày – ruột. Cho uống nước lòng trắng trứng, nước đường, truyền huyết thanh và điều trị triệu chứng. Nếu khó thở phải cho thở oxy. Theo kinh dân gian, có thể cho nạn nhân uống thêm nước đậu xanh, đậu đen và nước sắc cam thảo.
Chú thích
– Chi Capparis ở Việt Nam có 30 loài, phân bố khắp nơi. Quả của các loài này có thể độc. Cần thận trọng.
– Vùng núi thuộc xã Cù Vân (Đại Từ, Thái Nguyên) có cây “cứt cò” (Capparis sp.). Loài này khác với loài nói trên ở chỗ cành và lá đều có lông mịn, lá to hơn và gai ngắn hơn. Quả chín có màu vàng rơm (trông tựa như quả cây trứng gà). Ăn nhiều quả này bị đầy bụng. Nên thận trọng và cần phải kiểm tra độc tính.
– Ở Trung Quốc có loài Capparis koi Merr. et Chun. Quả và hạt của cây này cũng độc đối với người và gia súc.