Tên khoa học: Canavalia maritima (Aubl.) Thou., Họ Đậu (Fabaceae).
Mô tả
Cây thảo, sống 1-2 năm, có thân leo hoặc bò lan trên mặt đất. Lá kép mọc so le, gồm ba lá chét hình trái xoan. Cụm hoa ở kẽ lá, mang nhiều hoa to, màu tím hay trắng. Mỗi mấu có 1-3 hoa.
Quả loại đậu, thẳng, dài 8-12 cm, rộng 25-30 mm. Đầu quả có mũi nhọn. Hai mép quả song song. Vỏ quả ngoài nhăn nheo, vỏ quả trong xốp và tr8áng. Mỗi quả có 2-10 hạt hình bầu dục, dài 15-20 mm, rộng 10-12 mm. Vỏ hạt màu nâu.
Nơi mọc
Cây thường mọc dại ở các bãi cát ven biển, các trảng cỏ có cây bụi. Gặp ở Chi Lăng (Lạng Sơn), Bãi Cháy (Quảng Ninh), Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ngoài ra, còn gặp ở nhiều nước thuộc nhiệt đới trên thế giới.
Bộ phận độc và chất độc
Vỏ quả và hạt già có chất ức chế trypsin, hemaglutin và glycosid sinh acid cyanhydric.
Triệu chứng ngộ độc
Đau đầu, nôn ọe, hôn mê.
Giải độc và điều trị
Phải kịp thời rửa dạ dày, gây ỉa chảy (nếu đã hôn mê thì không dùng cách này). Cho uống than hoạt, nước đường hoặc tiêm dung dịch glucose. Nếu hôn mê, dùng thuốc gây hưng phấn. Kinh nghiệm dân gian dùng củ gừng già hoặc cam thảo sắc lấy nước, thêm đường, uống để giải độc.
Chú thích
– Có tài liệu ghi “hạt và quả non ăn được”, cần kiểm tra lại trước khi phổ biến sử dụng.
– Ở nước ta mới nhập hai loài cùng chi với đậu dao biển để làm thức ăn cho gia súc là cây đậu rựa (Canavalia ensiformis (L) DC.) và cây đậu kiếm (Canavalia gladiata (Jacq.) DC.). Quả non của hai loài này người ăn được, nhưng trong hạt già có glycosid sinh acid cyanhtdric nên cần giã nhỏ và nấu chín hạt trước khi cho gia súc ăn để tránh gây say.