Tên khác: Cây kamala, cây cánh kiến, cây mọt, cây thuốc sán.
Tên khoa học: Mallotus philippesis (La,k). Muell.-Arg., Họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Mô tả
Cây nhỏ, cao 5-10 m. Cành non có lông màu gỉ sắt. Lá nguyên mọc so le. Cuống lá dài 3-5 cm. Phiến lá dài 5-10 cm, rộng 3-4 cm, hình bầu dục hai đầu nhọn, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông xen lẫn những tuyến đỏ. Lá kèm rụng sớm. Hoa nhỏ, đơn tính khác gốc, tụ họp thành bông dài 10-15 cm ở kẽ lá hoặc đầu cành. Quả nang, hình trứng hay hình cầu, mặt ngoài có nhiều lông tuyến nhỏ màu đỏ mà trong các sách thuốc gọi là Kamla. Quả chứa nhiều hạt màu đen.
Nơi mọc
Theo tài liệu thì cây mọc hoang phổ biến ở vùng núi nước ta, nhưng chỉ mới thấy từ Quảng Nam – Đà Nẵng trở ra. Thường thấy ở các nương rẫy cũ và tại cá khu rừng thưa. Ngoài ra, còn có ở Lào và vùng núi thấp Campuchia.
Bộ phận độc và chất độc
Lông tuyến ở xung quanh quả và trên lá có các dẫn chất của phloroglucin như rottlerin và isorottlerin.
Triệu chứng ngộ độc
Khi ăn phải nhiều lông tuyến này sẽ bị viêm dạ dày – ruột nặng, ỉa chảy, nôn mửa, khó thở, tê liệt vận động thần kinh và cơ.
Giải độc và điều trị
Rửa dạ dày, cho uống lòng trắng trứng gà, than hoạt hoặc dung dịch tanin. Có thể cho uống nhiều nước muối nhạt hoặc tiêm truyền huyết thanh mặn hay ngọt.
Chú thích
– Trong lông tuyến còn có một chất màu đỏ, một chất có tinh thể màu vàng. Do vậy, dân Ấn Độ dùng làm thuốc nhuộm màu vàng cam.
– Lông tuyến còn được dùng làm thuốc tẩy sán Botriocephalus. Người lớn, uống ngày 8-10g vào buổi sáng. Liều dùng cho trẻ em giảm bớt tùy theo tuổi. Thuốc có chất độc, nên khi dùng phải thận trọng.