13 – Cây cao su

Tên khoa học: Hevea brasiliensis (H.B.K) Muell. – Arg. Họ Thầu Dầu (Euphorbiaceae).

Mô tả

Cây gỗ to, cao 15-20 m. Lá kép có ba lá chét, mọc so le. Lá chét hình trái xoan dài, hai đầu nhọn. Lá rụng vào mùa đông. Cụm hoa là một chùy ở nách lá, mang nhiều hoa nhỏ đơn tính, không có cánh hoa. Hoa cái có bầu ba ô. Quả nang, đường kính 3-4 cm, có 3 múi lồi rõ, trong chứa 3 hạt to, gần hình cầu. Vỏ hạt có vân, màu nâu bóng.

Cây cho nhựa mủ để chế tạo cao su, lấy gỗ và hạt cho dầu.

Nơi mọc

Cây có nguồn gốc ở Brasil (Nam Mỹ). Hiện nay, được trồng ở nhiều nước Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Campuchia, … và nhiều nơi trong nước ta.

Bộ phận độc và chất độc

Lá cây và hạt. Trong hạt có 30% dầu béo (có thê dùng pha sơn, làm xà phòng, …).  Sau khi ép dầu, trong khô dầu có chứa một glycosid sinh acid cyanhydric độc. Nếu ép dầu theo phương pháp ép nóng thì chất độc này sẽ bị phá hủy.

Triệu chứng ngộ độc

Người lớn ăn phải 5-6 hạt đã có thể bị ngộ độc. Nạn nhân có hiện tượng đau bụng, nôn mửa, đau đầu và co quắp.

Trâu bò ăn phải lá cây cao su cũng bị ngộ độc.

Giải độc và điều trị

Theo phương pháp giải độc đối với những cây độc có glycosid sinh acid cyanhydric (xem phần đại cương)

error: Content is protected !!