Các quán cà phê ở Sài Gòn xuất hiện rất sớm, ngay từ khi Pháp chiếm Sài Gòn chứ không phải đợi đến khi cây cà phê được đưa vào Việt Nam. Vì tại Pháp, quán cà phê xuất hiện đầu tiên tại Marseille gần 200 năm trước (1654), và quán cà phê Divan rất được khách lui tới, đã đóng cửa vào đúng năm thành Gia Định bị Pháp chiếm (1859). Mặt khác, sự hiện diện của đông đảo binh lính cần phải cấp dưỡng mà khẩu phần cà phê sáng là cần thiết và bắt buộc (hõ còn mang cả nệm chở trên lưng lừa cho các sĩ quan nằm trong các cuộc hành quân nữa!).
Cái câu nói là: “Để thành lập một thuộc địa, người Anh bắt đầu bằng túi tiến, người Tây Ban Nha bằng một nhà thờ, người Pháp bằng một quán cà phê ….” dẫn bởi Lemire trong cuốn La Cochinchine Francaise en 1878 (Xứ Nam Kỳ năm 1878) có thể được hiểu ám chỉ tính thích ăn ngon của người Pháp so với tinh thần thực tế của người Anh và sự mộ đạo của người Tây Ban Nha. Tuy thực sự người Pháp đã bắt đầu bằng lập một bệnh viện để chữa trị các thương binh của họ, nhưng đồng thời từ các căn tin trong quân đội, đã có các quán cà phê của tư nhân xuất hiện trước 1851. Như tài liệu xưa có ghi chép là trong số những công trình xây dựng đầu tiên có một quán cà phê cùng với một nhà thờ nhỏ được khánh thành ngày 15 tháng 8 năm 1860.
Có 2 quán cà phê mà tên hiệu và địa chỉ được nói đến trong các tờ Courrier de Saigon (Người đưa tin Sài Gòn), Illustration (Báo ảnh) và trong Annam de la Cochinchine (Niên giám Nam Kỳ), tất cả đều ra trong năm 1864. Đó là quán cà phê Lyon (Café Lyonnais) và quán cà phê Pari (Café de Paris). Hai quán cà phê này tất phải có lâu trước năm 1864, vì như ta biết, người Pháp chỉ cho là họ vững vàng trong việc chiếm Sài Gòn kể từ năm 1862 sau khi hạ được đồn Kỳ Hòa và tuy bị bao vây họ vẫn mở mang lần thành phố nhờ làm chủ được trên sông Sài Gòn đến Vũng Tàu, sông Soài Rạp, sông Vàm Cỏ lớn.
Quán Café Lyonnais, theo tờ Illustration ra ngày 23.4.1864 thì nằm ở tại đường Gouvernement gần ụ chiếc chiến hạm Primauguet. Trong tài liệu về tên đường chỉ có thấy nói đến Rue du Gouverneur (đường Thống Đốc = Lagrandière = Gia Long = Lý Tự Trọng). Nhưng đường này còn bị năn cách sông Sài Gòn bởi đường Lê Thánh Tông nên nếu có tên đường Gouvernement (Chính phủ) thì có lẽ xưa kia lúc mới đánh chiếm Sài Gòn. Và theo hình ảnh và bản đồ thì đó chỉ có teh63 là đường Ngô Văn Năm hiện nay (ngõ hẹp Primauguet và đường Hải quân cũ) đâm thẳng ra ụ chiếc Primauguet mà R. de Genouilly đóng trên đó lúc đánh SÀi Gòn và D’ Ariès cũng đặt văn phòng trên tàu.
Quán cà phê này không còn thấy ghi trong tập Thời sự cẩm nang Vade mecum 1905. Có lẽ nó được thay thế bởi quán cà phê Café de la Marine (Cà phê hải quân) dễ lui tới hơn và cũng ở gần đó tại số 3 -5 Công trường Rigault de Genouilly (Công viên Du lịch bến Bạch Đằng ngày nay), bên cạnh đường Tôn Đức Thắng.
Còn về quán Café de Paris, theo Niên giám Nam Kỳ, năm 1864 trong đó có Câu lạc bộ Thương mại (Cercle commercial), ở tại bến sông, góc đường số 16 (Catinat = Tự Do = Đồng Khởi) mà chủ nhân là ông Bonnerieux. Theo tờ Courrier de Saigon ra tháng 3 năm 1864, thì sứ bộ Phan Thanh Giản có ghé Sài Gòn trước khi về Huế để trình lên vua Tự Đức kết quả chuyến đi Pháp năm 1863 trong sứ mạng thương thuyết xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông đã nhượng cho Pháp và khi đó vào ngày 19, “Phan Thanh Giản và hai vị đồng sự không có lọng che và tiền hô hậu ủng như nghi lễ đã quá bộ đến thăm quán Café de Paris, nơi đây họ có dịp gặp lại một số sĩ quan Pháp, một cách thăm viếng tế nhị những người mà họ còn chưa gặp ..” (Anthologie Franco – Indochinoise VI.49)
Quán cà phê này còn lưu lại dấu vết mãi đến năm 1905, ở tại đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng) số 83, chủ nah6n tên là Vital.