11 – Cà độc dược

Tên khác: Cà dược, mạn đà la, sùa tùa (tiếng Mông).

Tên khoa học: Datura metel L. Họ Cà (Solanaceae).

Mô tả

Cây nhỏ, cao 1-2 m, sống hàng năm. Phần gốc của thân hóa gỗ. Thân và cành non màu xanh lục hay tím, có nhiều lông tơ. Lá đơn, mọc so le, phiến lá nguyên hình trứng nhọn, gốc phiến lá không đều nhau (một bên cao, một bên thấp). Hoa mọc đơn độc ở nách lá. Đài hoa liền nhau, hình ống, màu xanh, trên có 5 răng. Cánh hoa màu trắng, dính liền nhau thành hình phễu, dài 16-18 cm nhưng vẫn thấy rõ 5 thùy. Có 5 nhị đính trên cánh hoa tới quá nửa chiều dài của chỉ nhị. Bầu trên, có 2 lá noãn hàn liền nhau, trong đựng nhiều noãn. Quả hình cầu, đường kính khoảng 3cm, mặt ngoài có nhiều gai mềm, chứa nhiều hạt màu vàng.

Nơi mọc

Cây mọc hoang và được trồng nhiều nơi ở Việt Nam, Lào, Campuchia để làm cảnh và làm thuốc.

Bộ phận độc và chất độc

Toàn cây có chất độc nhưng lá và hạt có nhiều hơn cả.

Trong cây có các alcaloid như hyoscin (scopolamin), hyoscyamin và atropin. Hàm lượng alcaloid toàn phần trong lá và hạt khoảng 0,2-0,5 phần trăm.

Triệu chứng ngộ độc

Khi bị ngộ độc, có hiện tượng giãn đồng tử, làm mờ mắt, tim đập nhanh, giãn phế quản, nói chung làm giảm tiết dịch. Do đó, nạn nhân thấy rất khô môi, khô cổ đến mức không nuốt được và không nói được. Chất độc tác động vào hệ thần kinh trung ương, gây chóng mặt, ảo giác và mê sảng. Sau đó tê liệt và chết do hôn mê.

Giải độc và điều trị

Phải kịp thời rửa dạ dày – ruột bằng dung dịch tanin 4%, hay dung dịch lugol loãng. Tiêm dưới da 10mg pilocarpin (liều người lớn). Có thể tiêm nhiều lần trong ngày. Trường hợp nặng, phải làm hô hấp nhân tạo và tiêm thuốc tăng sức.

Đông y dùng bài thuốc sua đây để điều trị ngộ độc cà độc dược.

Vỏ đậu xanh: 160g

Kim ngân hoa: 80g

Liên kiều: 40g

Cam thảo: 20g

Cho vào một lít nước, sắc còn 200ml. Cách 2 giờ uống một lần. Theo kinh nghiệm dân gian, cho nạn nhân ăn nhiều đường vàng.

Chú thích

 – Từ lâu, người ta đã biết dùng cà độc dược như một loại thuốc độc. Trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, nghĩa quân đã dùng cà độc dược pha vào nước uống để đầu độc một trại lính Pháp.

 – Cây này là một vị thuốc chữa hen, nhưng phải dùng đúng cách và đúng liều lượng (1-2,5 lá hoặc hoa khô, cuốn vào giấy để hút khi lên cơn hen; nếu thấy triệu chứng ngộ độc, thôi không dùng). Cà độc dược có tác dụng chống co bóp trong bịnh đau loét dạ dày, ruột, chống say tàu xe, say sóng; đắp trên mụn nhọt trị đau nhức.

Trong ngành Dược, có thể dùng lá cà độc dược làm thuốc thay cho lá benladon.

error: Content is protected !!