3 – Bạch hoa xà

Tên khác: Cây đuôi công hoa trắng, bươm bướm Tích Lan (miền Nam).

Tên khoa học: Plumbago zeylanica L. Họ Đuôi công (Plumbaginaceae).

Mô tả

Cây thảo, cao khoảng 1m. Thân khúc khủy, có khía dọc. Lá mỏng, hình trứng, đầu lá nhọn, mọc so le, cuống lá như ôm vào thân. Cụm hoa là một bông ngắn ở kẽ lá, mang nhiều hoa trắng; tràng dài hình đinh. Đài hoa có lông dính ở mẵt ngoài. Quả nang.

Nơi mọc

Cây mọc hoang ở rừng thưa và được trồng ở nhiều nơi trong nước ta. Ngoài ra còn có ở nam Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia và châu Phi.

Bộ phận độc và chất độc

Lá và rễ có chất plumbagin, có mùi hắc và gây viêm da, xung huyết da.

Triệu chứng ngộ độc

Khi da tiếp xúc với dịch cây này sẽ bị viêm đỏ, rồi bong ra. Ăn phải lá sẽ bị tê liệt. Phụ nữ có thai ăn phải có thể bị sẩy thai. Gia súc ăn cây này thường bị ỉa chảy.

Giải độc và điều trị

Nếu bị viêm ngoài da thì dùng nước hoặc dung dịch acid boric để rửa sạch. Nếu loét thì bôi thuốc mỡ acid boric. Nếu ăn phải lá cây này thì gây nôn, rửa dạ dày, uống nước lòng trắng trứng, nước đường hoặc than hoạt. Nếu hiện hiện tê liệt thì dùng thuốc trợ tim, tiêm truyền huyết thanh. Đối với phụ nữ có thai, nếu dọa sẩu thai thì cho thuốc trấn tĩnh, tiêm progesterol và vitamin E để giữ thai.

Có thể dùng bài thuốc dân gian sau đây:

Kim ngân hoa – 16g

Cam thảo – 8g

Phòng phong – 12g

Sắc lấy nước uống, có thể cho thêm đường.

Chú thích

Theo kinh nghiệm dân gian, cây bạch hoa xà cũng được dùng làm thuốc chữa một số bịnh ngoài da. Thường dùng lá giã với ít muối để đắp. Không được đắp lâu vì sẽ làm cháy da, phồng rộp. tại Ấn Độ, Nhật Bản, rễ cây này cón được dùng làm thuốc gây sẩy thai. Vì cây có chất độc nên khi dùng phải thận trọng.

Ở nước ta còn có cây đuôi công hoa đỏ, hay xích hoa xà (Plumbago indica L., cìng họ). Hoa có màu đỏ, tụ thành bông dài ở đầu cành. Cây này mọc hoang ở nhiều nơi và cũng được dùng như cây bạch hoa xà.

error: Content is protected !!