Tên khác: Dây ba mươi.
Tên khoa học: Stemona tuberosa Lour. Họ Bách bộ (Stemonaceae).
Mô tả
Cây leo có thân mảnh, nhẵn, dài 6-8m. Có nhiều củ dài 15-20 cm, đường kính 2-3 cm, mọc thành chùm quanh gốc. Lá mọc đối hay so le, hình tim hẹp, dài 10-15 cm, rộng 4-7 cm. Đầu lá nhọn kéo dài. Gân lá hình cung, gân phụ rất nhỏ xếp sát nhau, vuông góc với các gân chính. Cụm hoa ở kẽ lá, có cuống dài 2-4 cm, mang 1-2 hoa to. Bao hoa có 4 bộ phận, dài 5cm, rộng 4mm, mặt ngoài màu vàng lục, mặt trong màu đỏ tím, có mùi thối. Có 4 nhị dài 4,5cm. Quả nang, chứa nhiều hạt.
Nơi mọc
Cây mọc hoang ở các vùng rừng núi nước ta. Ngoài ra còn có ở Lào, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Philippin, Ấn Độ, …
Bộ phận độc và chất độc
Trong rễ củ có các alcaloid, chủ yếu là stemonin, tuberostemonin, stemonidin.
Triệu chứng ngộ độc
Khi ăn phải nhiều rễ củ cây này sẽ gây tê liệt trung khu hô hấp, có thể chết.
Giải độc và điều trị
Phải cho thở oxy hoặc làm hô hấp nhân tạo ngay. Tiêm lobolin hoặc niketamid. Tiêm truyền huyết thanh. Theo kinh nghiệm dân gian thì cho uống nước ép gừng tươi, có thể thêm một ít dấm ăn.
Chú thích
Rễ củ bách bộ thường được dùng để chữa ho, chữa giun, nhưng phải chú ý liều lượng và theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Ngoài ra, người ta dùng để diệt ruồi, chấy, rận, rệp và sâu bọ.