Tên khác: Cây bã đậu, mần để, mắc vát
Tên khoa học: Croton tiglium L. Họ Thầu dầu 8Euphorbiaceae).
Mô tả:
Cây gỗ nhỏ, cao 3-5m, thân tròn, không có lông. Lá đơn, mọc so le. Phiến lá hình trái xoan, mỏng, dài 6-12cm, rộng 3-6cm. Mép lá khía răng cưa nhỏ. Lá non màu hồng đỏ. Cuống lá mảnh, dài 2-6cm. Hoa mọc thành chùm dài 10-20cm ở đầu cành, mang hoa đơn tính cùng gốc. Hoa đực ở phía trên, có 5 cánh hoa, 17 nhị. Hoa cái ở dưới có 1-2 cánh hoa hoặc không cánh. Bầu hình cầu, có lông hình sao, 3 vòi nhụy, xẻ đôi ở trên. Quả nang hình trái xoan, khi khô tách thành 3 mảnh vỏ, mang 3 hạt hình trứng màu nâu xám, dài khoảng 1cm, rộng 4-6 mm.
Nơi mọc
Cây mọc hoang ở ven rừng, ven sông suối trong rừng thứ sinh và được trồng ở nhiều nơi, đặc biệt ở các tỉnh miền núi thuộc miền bắc và miền trung. Ngoài ra, còn mọc ở phía nam Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippin, v.v…
Bộ phận độc và chất độc
Lá, rễ, vỏ cây và đặc biệt hạt ba đậu. Hạt ba đậu chứa 30%-50% dầu béo có tác dụng gây tẩy mạnh, 18% protein, trong đó có một chất rất độc gọi là crotin và một số chất khác.
Triệu chứng ngộ độc
Dầu ba đậu dính vào da sẽ gây viêm da mạnh, gây rát bỏng, phổng lên và mọng nước, sau đó thành mụn và tróc da. Nếu ăn phải ít hạt hoặc chỉ cần từ 1/2 đến 2 giọt dầu ba đậu, sau nửa giờ sẽ bị đau bụng, ỉa lỏng và cảm thấy nóng rát ở hậu môn. Khi ăn phải nhiều hơn sẽ gây viêm ruột rất mạnh và có triệu chứng ngộ độc như viêm mồm, họng, nôn mửa, ỉa lỏng nhiều, có khi ỉa ra máu, mạch đập nhanh và yếu, huyết áp hạ, có thể chết. Gia súc ăn phải lá và hạt ba đậu cũng bị nhiễm độc, chỉ 10-20 giọt dầu ba đậu đủ làm chết một con ngựa.
Giải độc và điều trị
Khi mới bị ngộ độc, để giải độc có thể gây nôn, rửa dạ dày, cho uống nước lòng trắng trứng hoặc than hoạt (1-2 thìa canh), tiêm truyền huyết thanh mặn hay ngọt. Nếu đau bụng nhiều có thể tiêm morphin, atropin. Cho thở oxy và tiêm thuốc kích thích hô hấp. Điều trị triệu chứng.
Theo kinh nghiệm dân gian, có thể cho uống nước ép lá chuối tươi, hoặc nước sắc hoàng liên.
Chú thích
– Dầu ba đậu dùng với liều nhỏ để làm thuốc (thuốc độc bảng A). Trong y học cổ truyền, người ta ít dùng dầu ba đậu mà dùng ba đậu sương (hạt ba đậu đã ép bỏ hết d6àu) phối hợp với các vị thuốc khác. Nếu dùng để chữa bịnh, phải theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc.
– Có nơi dùng hạt ba đậu làm thuốc tẩm tên độc, hoặc để duốc cá. Có thể dùng làm thuốc trừ sâu, diệt côn trùng (con và cả trứng). Rễ cây ba đậu có thể gây sẩy thai.
– Cùng mang tên Ba Đậu, ở nước ta có cây dầu mè (Jatropha curcas L/), còn gọi là ba đậu nam và cây võng đồng hay ba đậu tây (Hura crepitans L., cùng họ).
– Cây võng đồng thường trồng ở ven đường để lấy bóng mát, hoặc làm cảnh, cũng có nhựa mủ độc. Nhựa mủ này, bắn vào mắt sẽ gây sưng đỏ. Dầu của hạt có tác dụng tẩy mạnh. Người dân châu Phi dùng hạt cây này làm thuốc tẩy với liều 2-3 hạt mỗi ngày. Dùng quá liều đó sẽ bị ngộ độc, có thể chết người.