Cách đây gần ba thế kỷ, ở Tân Bằng, một làng năm dọc trên bờ sông Cán Gáo, rừng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, tương truyền có một cặp rắn rất lớn, dân chúng gọi là mãng xả vương. Hàng năm, cứ đến đúng ngày, hai con mãng xà vương từ ngoài vịnh Thái Lan đến quấy rối xóm làng.
Đôi xà vương to như cái khạp da bò. Khi chúng đến, cả một vùng rung chuyển, nổi giông gió, sập cả nhà cửa. Dân làng khấn vái, hứa hàng năm nộp cho mãng xà vương hai đứa bé để ăn thịt. Từ đó mãng xà vương không còn hung hãn như trước.
Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, mãng xà vương có bớt gây thiệt hại cho dân chúng. Nhưng từ đó, mỗi năm, hết hai gia đình này đến hai gia đình khác đem con mình nộp cho rắn dữ. Đó là điều bất hạnh cho người dân Tân Bằng. Ai dám liều mình chống lại sức mạnh kinh hồn của mãng xà vương?
Năm nọ, có một thầy thuốc, trên bước đường lưu lạc, đang xuôi thuyền theo sông Cán Gáo, đến địa phận là Tân Bằng thì nghe trên bờ sông có tiếng chuông trống inh ỏi. Ông cặp xuồng vào bến, hỏi thăm thì được biết dân trong xóm làng đang làm lễ dâng hai đứa bé cho mãng xà vương.
Nghe chuyện lạ động lòng, ông thầy thuốc lên bờ đi thẳng đến nơi có tiếng trống để xem cho tường tận. Ông thấy dân làng đang tắm rửa cho hai đứa bé, rồi đem xông hương trầm để “hiến” cho mãng xà vương.
Thấy hai đứa bé vô tội sắp bị rắn nuốt sống, Ông thầy thuốc vô cùng xúc động, ông nói:
– Chừng nào mãng xà vương đến?
Các kỳ lão đáp:
– Dạ, đúng vào giờ tý, canh ba ngày mai.
Suy nghĩ một lát, ông thầy thuốc gọi các kỳ lão đến bàn bạc cách giết mãng xà vương. Các bô lão nghe nói giết mãng xà vương thì ai cũng muốn. Nhưng cũng có người tỏ ra ái ngại:
– Này, rủi có bề gì “họa hổ bất thành”, gây thêm tai họa cho xóm làng.
Thầy thuốc động viên.
– Đừng ngại, ta cứ như vầy, như vầy. Điều quan trọng là đừng tiết lộ trước làm dân chúng xôn xao, mưu kế khó thành.
Ngày hôm sau, ông thầy thuốc cùng vài người dân làng làm thịt hai con chó lớn tại một căn chòi giữa rừng vắng. Đoạn ông tán vài vị thuốc thật nhuyễn bỏ vào trong bụng hai con chó, rồi may thật kín.
Đêm hôm sau, dân chúng kéo nhau đến sân làm lễ như thường lệ. Cha mẹ hai đứa trẻ khóc la thảm thiết, còn hai đứa bé bị bỏ đói nằm ngất xỉu. Bầu không khí đầy mùi trầm hương ngột ngạt.
Đến canh hai, các kỳ lão bảo dân chúng về nhà đóng chặt cửa lại, không cho ai lấp ló ra ngoài sợ bị mãng xà vương làm hại. Mọi người đều răm rắp nghe theo. Riêng chỉ có cha mẹ và thân nhân hai đứa trẻ vẫn còn than khóc.
Chờ khi mọi người ai về nhà nấy, ông thầy thuốc mới bảo cha mẹ của hai đứa bé:
– Bây giờ các người hãy đem con về, đừng cho hàng xóm hay biết.
Họ băn khoăn lo ngại:
– Chúng tôi sợ mãng xà vương trả thù.
– Thôi hãy cứ đi cho mau, để ta còn lo cách đối phó.
Theo chỉ dẫn của công thầy thuốc, mấy người dân làng đem hai con chó đã được dồn thuốc ra đặt ngoài sân, giống hình dạng hai đứa trẻ đang quỳ. Họ dùng mực và sơn để vẽ miệng và tô mắt hai con chó cho giống hình hai đứa bé. Xong đâu đó họ khiêng ra hai thùng nước sơn đặt gần đó.
Công việc vừa chu tất thì khu rừng chuyển động như giông bão. Ông thầy thuốc khoát tay biểu mấy người phụ việc nọ ẩn núp chỗ kín quan sát, chờ đợi.
Ngoài sân, đinh trầm tỏa khói nghi ngút. Dưới ánh đèn chai mù mờ, hai con chó cạo lông phơi mầu da trắng giống như hai đứa bé. Thình lình giông gió im bặt, hai con mãng xà vương xuất hiện. Chúng bò sát đất, chậm chạp tiến lại đinh trầm, rồi ngóc đầu lên để lộ chiếc mồng đỏ ửng to như cái quạt, múa qua múa lại. Rồi chúng tiến lại gần quấn lấy mồi nuốt trọn vào cổ. Lát sau, chúng bò tới bò lui, ngày càng chậm chạp, uể oải.
Chờ thuốc mê đã ngấm, ông thầy thuốc khoát tay làm hiệu. Tức thì những người dân làng từ chỗ núp chạy đến lôi thùng nước sơn ra sơn hai con rắn dữ. Con rắn đực sơn xanh, con rắn cái sơn đỏ.
Các vị bô lão không hiê3u cớ sai, hỏi:
– Tại sao thầy chẳng ra lệnh giết chúng?
Thầy thuốc đáp:
– Thế của chúng tuy vậy nhưng vẫn còn khỏe. Đám ta lại ít người, tốt nhất là để chúng tự hại nhau.
Hai con mãng xà vương dần tỉnh lại. Thuốc mê đã giải dần. Chúng ngóc đầu đảo mắt nhìn quanh, rồi chúng nhìn nhau. Trông thấy màu sắc kỳ lạ của nhau, chúng hốt hoảng, coi nhau như kẻ thù khác loại. Chúng xông vào nhau cắn xé, rồi rượt đuổi nhau gây ra giông gió dữ dội. Chúng đuổi nhau chạy mất dạng về vịnh Thái Lan.
Từ đó đôi mãng xà vương không đến Tân Bằng nữa, không ai biết chúng cắn nhau chết hay chưa, chỉ biết sau lần ấy chúng không dám đến xứ này nữa.