Ngày xưa, sống ở Đồng Tháp Mười không những trẻ con mà cả người lớn, thời gian rảnh rỗi, không gì thú vị bằng đi sâu vào rừng trám để hốt trứng chim, nhổ chân công, giậm cù chuột, già bẫy quốc, đào hang rắn, ăn ong mật, bắt cá cạn, … Nó không chỉ là thú vui mà còn là dịp để thỏa mãn óc tò mò, khám phá phiêu lưu, mạo hiểm.
Tâm, con của Sáu Lái – một nông dân sống ở Đồng Tháp Mười, nhà ở bờ rừng Tràm. Sau lần hốt trứng cò ngà và bị cha rầy la, buộc phải đem trứng cò trả vào bộng cây giá (vì Sáu Lái cho rằng hốt trứng cò ngà là xúc phạm tới “bà, cậu” gì đó), Tâm đã bị cấm, không được đi sâu vào rừng tràm nữa. Nhưng tính con nít ham vui, không thể nào ngăn cấm chúng được. Sau vài lần bị đòn, thằng bé Tâm trở nên dạn roi, không biết sợ nữa, thét rồi Sáu Lái bỏ mặc thằng “con ngỗ nghịch” muốn làm gì thì làm.
Một hôm, Tâm táy xách mác vót, tay cầm giàn thun đi sâu vào rừng tràm. Tâm đi mải miết từ lúc mặt trời vừa mới ló khỏi đọt cây cho tới đứng bóng, vì tức con chim lạ cứ kêu tiu líu và bay sà sà trước mặt như khiêu khích tài bắn của nó … Thấy con chim đẹp, Tâm quyết bắn cho được, rồi căng cánh phơi như cha nó thường phơi mấy con chim sả màu lông rực rỡ; con chim này còn đẹp gấp mấy lần con chim sả. Nhưng lạ quá, Tâm rượt đuổi thì nó chỉ bay chớp chớp trước mặt cách chừng vài ba thước, hễ Tâm đứng lại thì nó cũng đậu lại trên cành cây trước mặt, xoay mặt về phía thằng bé mà gục gặc cái đầu kêu tíu líu rắn rỏi. Tâm bắn rất cừ, nhưng khi viên đạn bay vèo tới, thì nó huých cái đuôi chổng lên, viên đạn chỉ xém nó trong đường tơ kẽ tóc. Nó kêu mấy tiếng tiu líu rồi bay sà sà trước mặt Tâm.
Con chim dẫn dắt Tâm tới vạt rừng tràm nổi danh là nhiều khỉ. Nó bat lên cây giá có cái vọng thì nó đậu trên nhánh cây, gục gặc cái đầu kêu tíu líu. Tâm nhớ đến mấy cái trứng cò ngà ở bộng cây giá vàm nọ, nó tiếc, nó thò tay vào mò. Nhưng con chim “mắc dịch” kia cứ tiu líu, tiu líu trên đầu. Tâm lựa chỗ để bắn trúng, rồi nghiêng người nhắm bắn. Bỗng nó thấy giữa chảng ba cây giá có xác một con khỉ đã khô. tâm không để ý đến con chim nữa, nó leo lên cây đem xác con khỉ xuống. Hai tay con khỉ bám chặt vào nhánh cây giá, Tâm phải dùng mác vót chặt đứt nhánh cây mới đem con khỉ chết khô xuống được.
Xác con khỉ khô cứng, mắt lõm sâu vô, ngực bụng tóp lại, nhưng lông vẫn còn nguyên. Chắc con khỉ này già lắn, lông nó trắng như tuyết. Con khỉ đã chết nhưng không có mủi hôi thúi, trái lại còn phảng phất mùi thơm lạ lùng, mùi đó lại không giống mùi của thứ hoa nào cả. Mùi thơm ấy về sau Tâm mới biết là do trầm cây giá ướp vào. Cây giá này đã sống đến cả ngàn năm rồi, ít có cây giá nào lớn, thế nà cây này to đến vài ba người ôm. Những cây sống lâu năm đều có trầm, cây giá là trầm quý nhứt, những cây nhỏ ở gần cũng thơm lây. Tục ngữ ta có câu: “Không thơm cũng đưa hơi trầm” là vậy. Thế mà cây giá này không có mùi thơm, vì bao nhiêu mùi thơm đã ướp hết vào xác con khỉ.
Tâm xách xác con khỉ về đến nhà thì trời đã chạng vạng. Nó bị Sáu Lái đánh một trận đòn nên thân. Tâm bèn thú nhận là tại con khỉ khô nên mới bỏ nhà đi suốt ngày. Sáu Lái không màng để ý, nhưng thấy mùi hương từ xác con khỉ xông lên, nên ông cũng lấy làm lạ.
Hằng ngày, Tâm mang xác con khỉ ra phơi, mùi hương xông lên, ruồi nhặng bay đi bớt.
Rồi một hôm, có người Hoa bán cao đơn hoàn tán đến nhà Sáu Lái, Khách cứ nhìn và hỏi hết chuyện nọ đến chuyện kia về con khỉ khô, và dụ Tâm bán cho ông ta … Tâm từ chối vì tiếc bộ lông trắng và cái mùi hương phảng phất từ xác con khỉ khô.
Sáu Lái thấy người khách nài nỉ mãi và đòi mua với giá cao quá mức tưởng tượng c3a ông, nên ông cho rằng chắc con khỉ khô này quý lắm. Bởi thế ông nói cho khách biết là nhứt định không bán, vì một tiệm thuốc bắc ở Chợ Lớn đã dặn mua trước rồi.
Người khách không nản chí, vẫn kèo nài:
– Thôi, để cho ngộ đi, bao nhiêu cũng được.
Sáu Lái ướm thử:
– Bao nhiêu là bao nhiêu, bốn chục ngàn (1) nị dám mua hông?
Khách lè lưỡi:
– Há, cái gì mà mắc quá sá vậy? Nị bớt xuống đi, cục vàng to bằng nó cũng không mắc như vậy hà,
Sáu Lái nhứt định:
– Mắc thì thôi! Vàng còn dễ có, chứ con khỉ khô có xạ hương tìm thấy ngàn năm cho được.
Người khách biết anh Sáu không hiểu được cái quý của con khỉ khô nên cười lớn:
– Hầy, khỉ làm gì có xạ? Trầm ở cây giá ướp vào đó. Nị không tin thì hỏi thằng nhỏ coi có phải không?
Sáu Lái giựt mình: sao mà hắn biết giỏi vậy cà! Người khách đoán được sự ngạc nhiên của Sáu Lái nên nói:
– Có gì mà không biết? Con khỉ rũ bao giờ cũng rũ ở cây giá có trầm, tự nhiên trầm rút vào xác nó, có vậy mới quý! Thôi bán cho ngộ mười ngàn đi. Mắc quá rồi!
Sáu Lái lắc đầu, người khách dặn:
– Bữa nay tối rồi, ngày mai ngộ trở lại, đừng bán cho ai nghe!
Anh Sáu nói:
– Mai nị không tới, mốt ngộ đem Chợ Lớn bán đa.
Người khách ra về nhưng còn dặn với lại Sáu Lái:
– Nhớ đừng bán cho ai đa! Ngộ hứa mua rồi mà.
Sáng sớm hôm sau, lúc mặt trời chưa mọc, người khách ấy cùng với ông thầy thuốc già bơi xuồng ba lá trở lại nhà Sáu Lái. Vô tới nhà, người khách dáo dác dòm không thấy con khỉ khô, ông ta cau mày sửng sốt hỏi:
– Nó đâu rồi? Bộ nị bán cho ai rồi sao?
Sáu Lái giả bộ nói:
– Ngộ đem về Chợ Lớn hồi khuya rồi.
Người khách hét lên:
– Ngộ hứa mua rồi mà.
Nhưng ông ta thấy Sáu Lái cười, mới yên bụng:
– Nị phá ngộ hoài. Nó đâu rồi?
Sáu Lái đáp:
– Ngộ cất kỹ trong rương, nị chịu giá xong ngộ lấy ra cho.
– Thì cho ông thầy coi một chút mà.
Sáu Lái lấy con khỉ khô ra. Ông thầy thuốc già, tuổi độ sáu mươi, nhưng da thịt hồng hào lắm. Ông ta nói nhà mình đã làm thuốc bốn đời rồi, có hai đời làm thái y cho vua.
Ông coi xác con khỉ khô thiệt kỹ rồi nói với người khách:
– Con khỉ này rũ chết, chớ không bị bắn. Khỉ bị bắn cũng quý, nhưng không bằng khỉ rũ, giá trị nó cũng khác nhau một trời một vực. Con khỉ này sống ít nhứt cũng từ 500 năm trở lên, khỉ có thể sống đến cả ngàn năm. Tôi coi lông nó trắng hết, không có một sợi nào vàng chớ đừng nói là đen. Quý vô cùng, không bao giờ có. Nó là thứ bạch lão hầu, chỉ có ở Cảnh Sơn Dương và Ngũ Đài Sơn mới có. Đời nhà Chu, ông Thiện Công Thích có bắt được một con khỉ nuôi đến 800 năm mới rũ, nghĩa là đến đời Liệt Quốc. Đến đời Hán Mạt, binh nam Mạch Hoạch có biếu một con bạch lão hầu cho Gia Cát Võ hầu. Vua Chiêu Liệt thua trận, Lục Tốn uất khí thổ huyết ở Bạch Đế thành, Gia Cát Võ hầu dùng nó làm thuốc, sai Trương Bảo đem dâng, nên cải tử hoàn sanh được. Không ngờ nước Nam cũng có một con bạch hầu. Tôi dám chắc chỉ có một con này thôi, có lẽ nó lạc từ Ngũ Đài Sơn qua, chớ ở đây không làm gì có. Thứ khỉ này chỉ thích ăn một thứ trái cây tên là yến lê thôi.
Xứ này không có trái yến lê làm sao có nhiều bạch lão hầu được. Bên Tàu chỉ ở Cảnh Sơn Dương và Ngũ Đài Sơn mới có cây yến lê nên bạch lão hầu mới ở.
Yến lê là thứ trái cây mà Trọng Do hiến cho mẹ ăn để tăng thêm tuổi thọ. Giống bạch lão hầu nhờ ăn yến lê mà sống lâu và cường tráng. Giống này khi rũ thì tìm cho được những cây có trần để ướp xác cho thơm. Những cây ấy bị xác khỉ khô rút hết trầm nên không còn mùi thơm nữa. Vậy con khỉ khô này có ba thứ quý trong mình. Một là sống trên 500 năm, lông toàn tuyết; hai là nó rũ chớ không bị giết; ba là nó ướp hết trầm của cây giá. Con khỉ này rũ mau lắm cũng một năm, xác nó thấm nhuện được phong sương tuyết nguyệt, hấp thụ được tinh khí của trời đất. Nó lại rũ trên cây cao giữa đồng rộng mênh mông, nên ô trượt, nê trì không vương lấy một tí, nên xác này vô cùng tinh khiết.
Chẳng những làm được nhiều loại thuốc cứu bịnh nan y mà còn làm được thuốc trường sinh nữa. Nhưng làm sao mà lại không có trứng cò ngà cũng lạ. Vì cò ngà đẻ ở đâu thì bạch lão hầu mới rũ ở đó, để không ai thấy được xác của nó. Chỉ có một cách biết được ở đâu có bạch lão hầu là nhờ con chim tiu líu. Con chim này thường đậu gần xác con khỉ rũ vì nó thích cái mùi thơm của trầm ướp vào xác con khỉ tiết ra. Vậy nên không có gì quý hơn ba cái vật ấy.
Người khách hỏi anh Sáu Lái:
– Thằng nhỏ có bắt được con chim tiu líu và lấy được trứng cò ngà không?
Sáu Lái kể lại cho họ nghe, ông thầy Tàu hít hà …
– Thằng nhỏ mà phước lớn.
Cả hai nói bằng tiếng Tàu, tưởng Sáu Lái không biết, nên cứ nói không cần giấu giếm. Sáu Lái nhờ nghe vậy mà biết được phần nào cái quý của ba vật kia. Anh nương theo đó mà làm dày làm mỏng, cuối cùng anh bán một con khỉ khô với giá hai chục ngàn đồng. Với số tiền to lớn đó, anh có thể mua mấy sở ruộng tao mấy dãy nhà, bỗng nhiên trở thành giàu có lớn.
Người thầy Tàu mua được con khỉ khô rồi, mới cười nói:
– Nị không nghe người ta nói: Tôi có con khỉ khô gì đâu! Nếu có khỉ khô thì người ấy đã giàu bằng mấy ông bạn xủa ngọ lận! Thôi thì cảm ơn nị há! Nhớ hốt được trứng cò ngà và bắt được chim tiu líu đem về Chợ Lớn cho ngộ, bao nhiêu cũng mua mà …
(1) Lúc câu chuyện này xảy ra, lúa chỉ bán hai cắc (hai hào) một giạ.