Núi Sập là tục danh của Khâu Sơn, thuộc tỉnh An Giang. Nguyên trước kia vùng núi này hoang dã, dân cư còn thưa thớt. Năm Gia Long thứ 17 (1818), Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại đào mở sông Thoại Hà. Khi đào xong, trấn thần vẽ họa đồ dâng lên. Vua thấy phía đông sông có núi gọi là Khâu Sơn bèn đổi tên thành Thoại Sơn để biểu dương công lao của Nguyễn Văn Thoại. Từ đó núi Sập có tên là Thoại Sơn.
Quanh núi có khe nước ngọt, đất phì nhiêu, có cây xanh tốt nên dần dần dân chúng tụ tập về núi Sập làm ăn ngày càng đông đảo. Họ lập vườn làm ruộng ở chân núi.
Bỗng một hôm vào mùa nắng, người ta tri hô rằng có người hái trộm dừa. Người bị bắt vì tội trộm dừa còn trẻ, độ chừng mười sáu tuổi, mặc quần áo nâu sòng, hết lời nài nỉ.
– Tôi ở trên núi. Mùa này thiếu nước ống. Vì vậy xuống đây tìm dừa uống cho đỡ khát. Không dè dừa đã có chủ.
Chủ vườn thấy tướng mạo kẻ trộm hiền lành nên bằng lòng tha tội. Kẻ trộm lúc ấy nói.
– Bà con có lòng thương tôi, tôi không biết làm sao đền đáp lại. Vậy từ rày về sau tôi sẵn sàng coi mạch hốt thuốc dùm.
Từ đó, người trộm dừa được dân chúng trong vùng gọi là ông Đạo. Ông rất giỏi về khoa trị bịnh con nít. Bất cứ đứa trẻ đau bịnh gì ông cũng chữa lành. Thuốc của ông công hiệu như thuốc thần. Tài trị bịnh của ông Đạo lan rộng, thấu tai một vị quan đại thần. Ông quan này đem đưa con bị bịnh nặng đến nhờ thầy cứ chữa.
Ông Đạo nói.
– Con bịnh này ngặt lắm, thương động đến Cổ Hi. Nếu con bịnh lành tôi phải chết thế nó. Còn nếu con bịnh chết thì tôi còn sống thêm ít lâu. Để tôi đi thiếp họi lịnh trên thế nào.
Ông Đạo nằm xuống đất, nhắm mắt lại rồi chết luôn và con bịnh trở lại bình thường. Dân làng làm lễ thiêu xác thầy. Lửa thiêu tắt, người ta thấy còn sót lại nguyên một lóng tay. Nhớ công ơn cứu nhân độ thế của ông Đạo, dân làng bèn xây một ngôi tháp trong đó để tro của ông và lóng tay nọ thờ. Hàng năn ngày mồng năm tháng năm người ta làm lễ rất lớn để nhớ ơn thầy.
Thầy tên thật là Sanh. Theo lời ngoa truyền thì vợ thầy là một vị nữ thần, người đã từng giúp thầy trị bịnh nên dân chúng gọi là Thầy Thím (Thím là vợ của thầy).
Việc hy sinh thân mình để cứu người bịnh cuả Thầy Thím quả là hiếm có.