Thuở ấy, đất Đồng Nai vừa mới được khai khẩn. Rừng núi còn hoang vu. Muông thú còn dạn dĩ, làng thôn chưa phồn thịnh. Lưu dân ở Ngũ Quảng vào cư trú thành những cụm thưa thớt dọc theo bờ sông Đồng Nai trong xanh. Lúc ấy việc sanh đẻ, chữa bịnh đều nhờ vào những bà mụ, những ông lang thuốc Nam.
Tại làng Tân Chánh, huyện Bình Dương có một bà mụ rất giỏi việc hộ sản. Uy tín và tiếng tăm của bà lan ra khắp làng. Các phụ nữ đến ngày sanh đều đến rước. Thân chủ của bà càng ngày càng đông đến nỗi mỗi ngày bà phải đến giúp hết sản phụ nọ đến sản phụ kia không lúc nào rảnh tay. Bà trở thành người đứng đầu trong cả trấn và bà được người đời tôn xưng là bà Mụ Trời.
Tương truyền bà được một danh y truyền cho một loại thảo dược an thai và giục sanh rất thần diệu. Đó là một lá cây khô có hai mặt úp kín vào nhau mà ngày nay không ai biết được tên gì.
Tiếng tăm của bà Mụ Trời đồn đại mạnh mẽ đến nỗi thú rừng cũng biết danh. Bạch Hổ, Hắc Hổ, Thần Hổ, “ông cụt”, ông một là những con cọp chúa hung dữ có tiếng của đất Biên Hòa đều kính phục bà. Những đêm tối tăm, mưa gió chúa cọp thường gặp bà đi băng rừng, qua suối đi về đều cúi đầu tránh đường cho bà đi, không dám làm hại.
Một hôm trời vừa sẫm tối, trăng mới lên khỏi chòm cây trước sân, bà Mụ Trời đang ngồi dùng cơm dưới ánh đèn chai trong nhà thì một con cọp rón rén đi vào. Đến bên chỗ bà ngồi, cọp cúi đầu phủ phục. Bà hốt hoảng toan bỏ chạy, thì một con khác xông vào ngoạm nhẹ vào chân bà đặt lên lưng con cọp đang nằm. Con nọ vội đứng dậy bước đi. Do phản ứng tự nhiên, bà ôm vào cổ cọp và nằm sắp lên lưng cọp. Làng xóm, người nhà hoảng hốt xách dáo mác, gậy gộc đuổi theo. Nhưng nó đã phóng vào rừng mất dạng.
Qua một đạon đường, con cọp nằm mọp xuống nghiêng mình hất bà mụ xuống bãi cỏ. Bà định thần nhìn chung quanh thì thấy một con cọp khác đang nằm thở dốc, nặng nhọc. Và lạ thay, bên cạnh đó có cả bao mo cau đựng đồ nghề của bà. Nhờ ánh trăng, bà nhận ra là một con cọp cái đang chửa. Cái bụng to của nó mấy máy cử động. Với kinh nghiệm, bà biết là cọp đang chuyển bụng sinh con và bà chợt hiểu ra là cọp đực rước bà đỡ đẻ cho vợ. Lấy lại bình tĩnh, bà mở mo cau lấy thuốc giục sanh, con dao nứa, củ giềng, củ nghệ bày ra bên cạnh.
…
Rồi bà mụ cắt rún, chôn nhau, vắt chan vào mắt, móc miệng lấy nhớt và để cọp con nằm trên đống cỏ khô.
Cọp cái trườn lên liếm con, mắt đờ đẫn nhìn bà tỏ vẻ biết ơn. Cọp đực lại cõng bà về tận nhà.
Bà về đến nhà lúc mọi người còn đang bàn tán. Ai nấy đều ngạc nhiên. Bà thuật lại sự việc. Mọi người nghe xong mới vỡ lẽ.
Sáng hôm sau, người nhà thức dậy mở cửa ra, thì thấy một con heo rừng nằm giữa sân, mình heo còn đẫm máu tươi. Cọp đem heo đến đền ơn bà Mụ Trời. Từ đó, cứ nửa tháng, hai mươi ngày cọp lại đem heo rừng, nai, huơu đến bỏ trước sân để biếu bà Mụ.
Tin cọp rước mụ và đáp nghĩa lan rộng khắp vùng. Người đời bấy giờ cho rằng bà là một đấng thần nữ được Trời sai xuống độ sanh cho phụ nữ. Thân chủ khắp nơi đến rước ngày càng đông. Người đem thuyền, người đánh xe trâu, lại có người đem cả võng đến rước bà.
Khi tuổi già xế bóng, bà chỉ giúp cho những người lân cận. Bà truyền nghề cho con cháu để họ thay bà giúp những sản phụ ở xa.
Bà sống đến tám mươi tuổi mới mất. Chôn cất xong xuôi, đến ngày mở cửa mả, thì ở đầu mộ của bà có ba xác heo rừng còn nóng, và quanh mộ dày đặc dấu cah6n cọp. Cọp đã đến ấp mộ và dâng heo để tế bà.
Đến nay, câu chuyện bà Mụ Trời còn được các người già cả vùng Biên Hòa, Bình Dương, nhất là vùng Tân Khánh nhắc tới.
(Theo Huỳnh Ngọc Trảng)
* Ở Nam Bộ, truyện kể về “Bà Mụ Trời” rất phổ biến. Chẳng hạn như bà Mụ Hom ở Xóm Cầu (Gò Vấp, SÀi Gòn), bà Mụ Trời Nguyễn Thị Hoa ở Rạch Bà (Cái Nước, Minh Hải), bà Mụ Trời ở An Thạch (Bến Lức, Long An), bà Mụ Sáu ở Minh Hà (Giồng Trôm, Bến Tre), bà Mụ Lở (ở Bình Đại, Bến Tre) … vì cơ bản cốt truyện và tình tiết đều giống nhau nên chúng tôi chỉ kể một truyện tiêu biểu.