Ông đồ Phú Kiết

Sau khi nghĩa quân Trương Định thất trận ở “Đám lá tối trời”, có một phụ nữ ngụ tại chợ Thang Trông, thuộc làng Phú Kiết, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Rồi một nhà nho, người miền trung đến đây dạy học và xin cưới bà. Vì vậy người gọi bà là “Bà Đồ”, “Bà Đồ Phú Kiết”, “Bà Đồ Thang Trông”.

Kế đó có cuộc khởi nghĩa do Thủ khoa Huân và Tri huyện Âu Dương Lân lãnh đạo, Trần Bá Lộc đem lính đến đóng tại đây để đàn áp, bắt bớ những người yêu nước. Lộc biết ông Đồ Phú Kiết là người hay chữ nên mời ra giúp việc văn phòng và rất tin dùng.

Sau ngày Thủ khoa Huân bị xử tử, bà Đồ sanh thêm một người con gái. Lúc đó nhằm mùa ghe bầu về Quảng. Ông Đồ bèn nói với bà là mình vào Nam đã lâu, nay muốn về thăm quê nhà, mùa ghe bầu vào Đồng Nai năm sau sẽ trở về.

Ăn ở với nhau đã có ba mặt con, đến ngày về Quảng, ông Đồ mới nói rõ là vì việc làm ăn ông phải thay tên đổi họ. Nay một phần vì đường xá xa xôi, một phần vì giặc giã liên miên, nếu chẳng may ông gặp nạn giữa đường thì khi có cúng giỗ ông hãy vái tên thiệt của ông. Ông nói tên thiệt của mình cho bà Đồ, rồi dặn rằng khi muốn biết tin tức của ông thì hãy xuống Ba Tri hỏi cụ Đồ Chiểu.

Ông đi được vài tháng, nhân có người qua Ba Tri mua tơ lụa, bà Đồ nhờ ghé qua nhà cụ Đồ Chiểu hỏi thăm tin chồng. Cụ Đồ Chiểu cho biết là ông Đồ Phú Kiết đã đi đến nơi về đến chốn và vẫn khỏe mạnh. Rồi mãi đến mùa ghe bầu vào Đồng Nai, chờ mãi không thấy chồng trở lại, bà Đồ Phú Kiết đến Ba Tri hỏi thăm.

Cụ Đồ Chiểu trả lời:

 – Chị Đồ Thang Trông đây à? Chị có khỏe không? Chị có biết anh có tên giả và anh đã nói cho chị rõ tên thiệt trước, ngày ra đi anh có định ý. Chị biết đó, ảnh là thơ ký thân tính của thằng Lộc, chị biết ảnh dạy học trò xưng danh ông Đồ, nhưng chị không rõ anh làm gì khác nữa …

Ngừng một phút, Đồ Chiểu nói tiếp:

 – Ảnh là bạn tâm giao với Thiên Hộ Dương và cũng là bạn cũ của Lãnh Binh Định. Nhờ có ảnh mà hai người này làm thế ỷ giặc đánh Tây. Khi Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp và Lãnh Binh Định ở Tân Hòa (tên cũ của Gò Công) bị thất bại, ảnh về Phú Kiết dạy học để mai danh ẩn tích. Rồi sau đó làm thư ký cho thằng Lộc để làm tay trong cho anh em nghĩa dõng bí mật liên lạc với Thủ khoa Huân ở Tịnh Hà và Huyện Lân ở Thang Trông. Nhiều nghĩa quân đỡ khổ khi bị giam cầm, Thủ khoa Huân và Âu Dương Lân nhiều phen thoát được vòng vây của giặc, phải nói iphần lớn là nhờ công lao của ông Đồ Phú Kiết đó chị à.

Cụ Đồ Chiểu mời khách uống chén nước rồi thong thả nói tiếp:

 – Năm ngoái chị có nhờ người đến hỏi, tôi ngại chị mới sinh còn non ngày non tháng nên trả lời qua loa. Sự thiệt ảnh có về Quảng đâu. Ảnh vừa đến tỉnh Bình Thuận thì trở vào góp sức chống Tây ở Hồ Tràm, Thị Vải (tỉnh Đồng Nai bây giờ). Anh ấy tử trận rồi chị à. Tôi có nhờ học trò ghi ngày tháng để chờ đưa cho chị đây. Chị nhớ kỹ ngày tháng để hằng năm cúng cơm cho ảnh. Chị ráng thay anh ấy bảo dưỡng các cháu để anh được vui lòng nơi chín suối!

Bà Đồ Phú Kiết từ biệt Nguyễn Đình Chiểu về Thang Trông. Bà là một người hiểu biết tỉ mỉ về các sự kiện lịch sử cuối thế kỷ 19. Người dân ở đây gọi là pho sử sống. Nhưng không phải lúc nào và bất cứ ai bà cũng kể cho nghe.

Bà sống đến hơn 80 tuổi.

(Theo Lê Thọ Xuân. Vài giai thoại có dính líu đến cụ Lãnh Binh Trương Định. Tập san sử địa, số 3, 1966, tr.86-92)

error: Content is protected !!