Tên thật là Nguyễn Văn Thạnh, người miền Trung (không rõ tỉnh nào), đỗ cử nhân thời Tự Đức, ra làm Tri huyện, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Định.
Cử Thạnh tính tình cương trực và liêm chính. Lúc làm Tri huyện, gặp những vụ án oan khuất của dân thì tra án rành mạch, xét xử nghiêm minh dù việc ấy có đụng chạm đến các quan chức trong vùng. Do vậy dân rất mến phục, nhưng quan tham ô thì lại không ưa.
Lúc Pháp chiếm ba tỉnh Nam Kỳ, Cử Thạnh cùng một số đồng liêu từ miền Trung vào Nam Kỳ mưu tính việc chống phá.
Sau những ngày trên chiếc ghe bầu lênh đênh trên biển cả dưới dạng khách thương hồ, cụ và các bạn đồng tâm cập bến Sài Gòn lên vùng Bến Nghé. Chưa được một tuần thì mã tà xét ghe. Chúng tìm thấy dưới lớp hàng có giấu một khẩu súng nên cụ và các bạn đều bị bắt.
Tin về một vụ bắt bớ như thế lúc bấy giờ được lan truyền rất mau lẹ. Từ lâu Đốc phủ sứ Tân trào Tôn Thọ Tường vốn hâm mộ Cử Thạnh, liền đứng ra bảo lãnh thực dân Pháp; cho Tôn rước cụ về nhà.
Tôn đón tiếp ân cần và khuyên cụ ra hợp tác với Pháp. Cử Thạnh cười với vẻ khinh bỉ:
– Tôi đã bỏ quan vì nghĩa nay há lại làm quan cho giặc sao? Tôi rất cám ơn ông đã bảo lãnh cho tôi, nhưng nếu ông vịn vào ơn nghĩa để lung lạc tôi thì thà rằng cứ để cho giặc giam cầm hay giết chết tôi còn hơn. Không bao giờ tôi muối mặt làm điều vô sỉ được.
Tôn Thọ Tường biết không sao chiêu dụ được bèn để Cử Thạnh đi đâu thì đi. Cử Thạnh rời Sài Gòn xuống Định Tường rồi về cư ngụ ở làng Trà tân, tổng Lợi Mỹ, quán Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang ngày nay).
Từ ngày về ở đây, cụ bị giặc theo dõi gắt gao. Lúc đó Trần Bá Lộc đang nắm quyền sinh sát ở vùng này. Hắn muốn bắt Cử Thạnh để lập công với Pháp nhưng chưa có bằng cớ.
Cuối cùng Lộc cho người đến mời cụ đến Dinh và tỏ ý muốn cụ về dạy cho con là Trần Bá Thọ học. Biết Trần Bá Lộc cũng là tên tay sai có lắm thủ đoạn độc ác, khác Tôn Thọ Tường, nên cụ đành nhận lời không tiện phản đối ra mặt.
Về ngồi dạy con Trần Bá Lộc, lúc nào cụ cũng tỏ phong độ khẳng khái, ngay thẳng.
Một hôm Trần Bá Thọ đang ngồi học nhìn dáng cụ móm mém, ba chòm râu bạc phơ, đang phì phà điếu thuốc, Thọ buột miệng nói:
– Xin thầy cho phép tôi ra một câu đối để thầy đối lại xem.
Quả rau nào sâu nấy. Nghe Thọ ăn nói vậy, cụ cười mỉa:
– Được, cứ đọc đi.
Thọ đắc chí đọc:
– Râu ba chòm lim dim, miệng hút thuốc phì phào.
Có lẽ cổ kim chưa có học trò láo xược như vậy. Cụ nén giận đối lại theo dáng Thọ: Đầu xói, tay hay cầm gậy.
– Tóc ít sợi le the, tay cầm gậy ngúc ngoắc.
Thọ cười hô hố rồi đọc một câu đối khác, có ý khoe khoang:
– Phụ tử hiếu sanh con thế mấy mới là vàng.
Cử Thạnh đối lại ngay:
– Tham phú phụ bần đ.m đứa nào ở bạc.
Đối lại chan chát, lởi lẽ sâu cay. Câu đối như roi vọt đánh vào phường buôn dân bán nước khiến Trần Bá Thọ tái mặt.
Sau những cơn bệnh trầm trọng vì u uất, Cử nhân Nguyễn Văn Thạnh mất năm 1915. Mộ cụ táng tại làng Tri Tân, nay là làng Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
(Theo Huỳnh Ngọc Trảng, sđd.)