Lúc thực dân Pháp tập trung quân về Rạch Gia (Gò Công, Tiền Giang ngày nay) đàn áp nghĩa quân Trương Định có bắt được hai anh em nhà nọ. Chúng buộc hai người làm hướng đạo, dẫn chúng tới chỗ đóng quân của Bình Tây Đại Nguyên Soái.
Khi mặt trời lặn, chúng u6ẻ oải kéo về sau một ngày lung sục không kết quả. Hai người bị bắt dẫn đường bình thản bước đi, đầu hơi cúi xuống giữa bốn tên lính sáung lăm lăm trên tay. Mình mẩy họ gần như trần truồng, mang đầy vết đòn roi tra tấn.
Tên trung úy dẫn hai người đến viên thiếu tá luống cuống báo cáo:
– Thưa thiếu tá, từ sáng đến giờ, hai tên này dẫn chúng tôi lội sình đến rún nhưng chúng tôi chẳng tìm thấy tên “phiến loạn” nào hết.
– Anh muốn gì nữa … đó không phải là lỗi ở anh. Anh bảo lính đi ăn cơm … đáng tiếc thật, chúng ta đã bủa lưới hụt. Nếu trúng ắt có cá to.
Viên thiếu tá kêu người thông dịch tới trao đổi một hồi rồi lại bàn ngồi cho lính dẫn hai anh em tới.
Hai người giống nhau như đúc, chỉ có người anh trả lời những câu hỏi của tên thiếu tá.
– Chúng bây biết chỗ mà chúng bây đã khai phải không?
– Chúng tôi biết rõ.
– Tao đã nói như vậy: nếu bây dẫn lính đi trúng đường, tới trúng chỗ, tao sẽ thả tụi bây; nếu bây cố tình dẫn đi lạc, chúng bây sẽ bị đánh.
– Ông có hứa như vậy.
– Chúng bây cố tình dẫn lính đi lạc vào trong bưng phải không?
Hai anh em đều im lặng.
– Trước khi đi, tao đã nói rằng chúng bây sẽ bị bắn nếu chúng bây không dẫn lính tới đúng nơi mà bây đã khai. Trả lời đi.
Người anh do dự một chút rồi trả lời:
– Ông có cho hay như vậy.
– Vậy là bây chịu bắn?
– Chúng tôi sẵn lòng.
Tên thiếu tá đứng dậy rồi ra lệnh cho tên cai:
– Gọi bốn tên lính và đem tù binh bắn phái sau trại.
Trên cai ra dấu cho hai người đi, người anh đi trước, người em theo sau. Lát sau một loạt súng máy nổ rộ, báo hiệu lệnh xử tử được thi hành.
Tên thiếu tá quay qua những người có mặt trong phòng, mặt đỏ rần nói:
– Đấy là những người anh hùng … ở xứ Hy Lạp người ta có thể đúc tượng thờ những người ấy. Còn ở đây chúng ta phải xử tử họ.
(Theo phù lanh Trương Bá Phá – Nén hương hoài cổ Trương Định. Tập san sử địa số 3, 1966, tr43-44)