Phòng Biểu tên thật là Nguyễn Văn Biểu
Ông Nguyễn Văn Biểu gốc người làng Tân Phú, tổng Kiến Phong, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường nay thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ông là con thứ tám của một gia đình nông dân. Lúc nhỏ có theo học võ nghệ và chữ Nho.
Tương truyền ông có vóc người to lớn khỏe mạnh, da đen, môi chì, tướng mạo bặm trợn, trông rất dữ dằn, cổ to và ăn rất khỏe, một lúc ăn bằng bốn năm người bình thường. Gặp khi gia đình sa sút, ông phải kiếm sống bằng cách làm mướn cho bà con trong làng như phá cỏ, móc củi tràm lụt, hoặc chèo ghe, tát đìa, đánh cá, …
Sau đó ông cùng người anh thứ bảy là Nguyễn Văn Phương theo người cậu về làng Mỹ Thọ (thuộc huyện CAo Lãnh) để kiếm việc làm.
Lúc đầu, ở làng Mỹ Thọ ít người biết rõ sức khỏe và sức ăn của ông. Một hôm, có người thuê ông và hai người nữa vào Đồng Tháp Mười phát cỏ năm ngày. Người chủ mang theo gạo và thức ăn dành cho thời gian làm. Thấy vậy ông bảo, phần nào của ông cứ nấu cho ông ăn tại chỗ khỏi mang theo. Thấy lạ, người chủ nhà cũng chìu theo. Nấu nướng xong, ông đei62m nhiên ngồi ăn một mạch hết phần ăn năm ngày của mình, rồi xuống xuồng bơi đi. Lẽ ra phải phát cỏ năm ngày mới xong, đàng này có ông nên chỉ có ba ngày là xong hết. Có một lần ông đi tát đìa mướn, cá chở về bằng xe trâu, nhưng vì trời sắp tối và mọi người cũng mệt mỏi nên tất cả đều ngồi xe, chớ không đi bộ. Xe nặng bị sụp hố, gãy cốt. Nếu chờ sửa xe xong, cà sẽ sình hết, nên mọi người chia thành gánh cá, riêng mình ông gánh tới năm giạ. Một lần khác, trên đường đi làm đồng về gặp hai con trâu chém lộn. Con yếu thua chạy, con khỏe đuổi theo chém con kia thương tính máu me đầy mình. Mấy đứa trẻ sợ con trâu yếu sẽ chết, nhưng không biết làm sao, chỉ có nước kêu la om sòm. Thấy vậy, ông liền phóng qua một con rạch nhỏ rộng chừng năm thước, đuổi theo con trâu khỏe, nắm đuôi kéo lại, con vật đứng chết trân, không nhúc nhích được, chờ con trâu kia chạy xa, ông mới buông.
Người cậu của ông làm nghề đóng cối xay bán dạo. Trong một chuyến đi bán ở Mỹ Thọ (Định Tường), do đường xa và hay bị nạn cướp, nên mướn ông theo vừa để chèo ghe vừa bảo vệ tiền bạc. Lúc tới nơi, trời đã xế chiều, hai người cho ghe ghé vào một cái ụ có lau sậy chung quanh che kín gió để nấu cơm. Ông nghe đâu đây hình như có tiếng binh khí va chạm vào nhau và có tiếng la hét. Hỏi người cậu ông mới biết gần đây có một trường võ bị tập luyện cho số lính mới tuyển của tỉnh. Nghe vậy, ông liền xin phép cậu đến xem cho biết. Người cậu biết ông khỏe lại giỏi võ nghệ, sợ ông ỷ sức gây rắc rối lôi thôi nên dặn chỉ đến xem một chút rồi về nấu cơm.
Ông vâng lời đi một lúc rồi trở về người cậu hỏi.
– Mày đến đó thấy người ta dạy nghề võ ra làm sao?
– Thưa cậu, trường dạy đủ cả thập bán ban võ nghệ. Không biết các ông quản cơ, lãnh binh thì sao, chứ mấy tay đội suất, cai cơ vung đao, múa gươm chỉ để đuổi gà đánh chó chớ làm gì được ai!
– Ấy chết, sao mày lại nói vậy, ở đây gần trường lắm, rủi có người nghe được thì sao?
Không ngờ lúc ấy có một viên đội suất sau giờ dạy lính luyện tập, ra bờ sông chui vào đám lau tiểu tiện, nghe được mấy lời trên, về báo lại các võ quan chỉ huy trường. Lập tức ông bị viên đội suất và ba người lính xuống tận ghe điệu về trường, làm người cậu sợ điếng hồn.
Tại trường, các quan võ thấy ông có tướng vóc cao lớn đường bệ, nên không dám quát nạt, hỏi tại sao ông nói như vậy, ông bình tĩnh trả lời.
– Thưa, tôi thấy sao, tôi nói với cậu tôi như vậy, chớ có thêm bớt chi đâu!
– Thế người có tài nghệ gì mà dám khen chế như vậy?
– Thưa, lúc nhỏ tôi có học võ vẽ vào ba đường côn, đường quyền thôi.
– Thôi được, ta sẽ thử tài ngươi!
Viên đội suất giỏi môn đánh quyền nhứt trường được gọi ra. Ông rất bình tĩnh, mặc cho viên đội tấn công tới tấp, ông vừa tránh đòn vừa lùi dần, khi đến một con mương rộng, nhanh như chớp, ông chộp lấy thắt lưng của viên đội, ném anh ta xuống nước. Khi viên đội này vừa chạm nước, ông đã phóng mình qua mương và chộp lấy viên đội như lúc nãy, ném qua bờ bên kia cùng với ông. Viên đội ngơ ngác, cứ tưởng mình sẽ bị nhận chìm dưới nước, không ngờ mình mẩy khô rang.
Tiếng vỗ tay vang lên như sấm.
Tiếp theo đó, một viên võ quan khác bước ra, tay cầm trường côn, ông cũng được cấp một cây. Viên võ quan này đã xem ông đánh quyền, biết được sức và tài của ông, nên để thủ thắng ngay từ phút đầu, ông ta múa côn ào ào tạo thành một bức tường che kín người và tấn công ông như vũ bão. Ông cũng tránh và không chống trả, đợi đến lúc đối thủ thấm mệt và có sơ hở, ông đập mạnh một côn vào côn của đối phương, làm cây côn gãy đôi bắn xa mấy trượng, hai bàn tay của viên võ quan bị tét máu tuôn dầm dề.
Mọi người vỗ tay, không tiếc lời khen ngợi.
Các quan không bắt tội, mà còn mời ông ở lại trường để huấn luyện binh sĩ, nhưng ông từ chối.
Thấy ông khỏe mạnh, làm lụng siêng năng, tính tình nhân hậu, nên một gia đình khá giả có nhiều ruộng đất ở Rạch Miễu, cũng thuộc làng Mỹ Thọ, kêu gả con gái cho. Từ đó ông thôi đi làm mướn vì phải trông coi ruộng đất cho nhà vợ.
Tới mù cấy, nhà vợ thường cày một lần năm bảy chục công, nên việc rải mạ phải cần tới bốn năm người mới kịp. Mùa cấy năm nọ, có một người bạn cờ tướng tâm đắc đến thăm ông, mà ông có một tật mê cờ, vậy làm sao có thể vừa làm việc, vừa hầu cờ với bạn? Ông liền kéo một chiếc ghe có sức chứa một trăm giạ lúa vào ruộng, rồi đi đánh cờ, trong khi đó nhạc gia cùng mấy anh em vợ chất mạ cho đầy ghe. Xong, ông liền nghỉ đánh cờ một chútđể kéo chiếc ghe đầy mạ đi qua đi lại trong ruộng, còn những người kia đứng trên ghe rải mạ cho công cấy. Chỉ một loáng là hết một ghe mạ! Ông lại tiếp tục đánh cờ … cứ như thế cho tới lúc cấy xong.
Từ lúc được tin Thiên Hộ Dương kéo quân về lấy Đồng Tháp Mười làm căn cứ chống Pháp, ông liền từ giã vợ con lên đường gia nhập hàng ngũ nghĩa quân. Nhờ khỏe mạnh, giỏi võ, và một lòng với nghĩa quân nên ngay từ buổi đầu, ông được Thiên Hộ Dương chọn làm chỉ huy đội phòng vệ, vì thế mọi người lúc bấy giờ thường gọi ông là Phòng Biểu hay Phòng Tám (vì ông là người con thứ tám trong gia đình). Từ đó, tiếng tăm ông vang dội khắp vùng Cao Lãnh.
Trong suốt thời gian theo nghĩa quân, ông luôn luôn có mặt bên cạnh chủ tướng, ông được Thiên Hộ Dương trọng dụng. Trải qua vao trận đụng độ đẫm máu với giặc lúc nào ông cũng tỏ ra là một vị tướng có tài, dốc lòng hy sinh cho đại cuộc.
Trải qua chiến đấu, tài nghệ của ông ngày một giỏi, nhất là tài sử dụng cây thước sắt, có một lần trên đường đi công cán, nhân dân địa phương thỉnh ông vô ăn đám giỗ, tiệc xong, mọi người yêu cầu ông biểu diễn tài nghệ sử dụng cây thước sắt. Ông bảo đem ra ba chục cây mía lau đường thật to, chắc và thẳng. Ông dùng dây bó gộp lại thật chặt, cột làm ba đoạn như một khúc xây nguyên, dù quăng rớt xuống đất bao nhiêu lần cũng không sút ra được. Xong ông tìm chỗ dựng bó mía cho vững, đoạn lấy cây thước sắt ra. Đây là vũ khí ông thường dùng để g9ánh giặc, nó dài độ một thước rưới, bề ngang độ bốn phân, bề dày chừng một phân. Ông cầm cây thước trên tay, lấy bộ đàng hoàng rồi huơ cây thước đánh một cái, cạnh bén của cây thước chặt đứt tiện ngang bó mía, chẳng khác gì dùng con dao bén chặt xuống sợi dây roi vậy. Chẳng hề sót một cây nào không đứt.
Một lần khác cũng trên đường đi công cán, ông tạt vào nhà ông Ba Kẹo (tức ông xã Ba ở làng Mỹ Trà) xin một bụng cơm. Thấy ông Ba Kẹo đang xách nước đổ vào bốn cái lu nái đầm (thứ lu lớn) ông nói.
– Ông làm ơn vô nhà lo cơm nước cho năm người ăn, còn nước để tôi gánh cho.
Ông Ba kẹo quay vào bảo người nhà làm cơm, một lát sau trở xuống xong định xách nước tiếp với ông cho kịp nước ròng. Ba Kẹo vô cùng ngạc nhiên thấy ông Phòng Biểu bưng nguyên cái lu xuống sông nhận đầy nước rồi bưng lên để y chỗ cũ.
Đến lúc ăn cơm chỉ thấy có một mình ông, nhưng ông ăn hết nồi lơn lớn dành cho năm người ăn. Đoán được sự ngạc nhiên của ông Ba Kẹo, ông nói.
– Bình thời tôi cũng ăn như mọi người, nhưng gặp lúc có công việc khẩn cấp đi ba bốn ngày, tôi thường ăn trừ hao trước để khỏi mang theo đồ ăn, phải nấu nướng mất công. Cơm thì có nói gì, chè là thức ăn dễ ngán bằng trời, mà tôi còn ăn được tời … ba chục chén!
Ông Ba Kẹo nói.
– Từ trước tới nay tôi thường nghe danh ông, hôm nay mới thấy tận mắt, quả là thiên hạ đồn không sai, sức khỏe và sức ăn của ông không kém gì Tiết Nhân Quý đời Đường bên Tần.
Với sức mạnh và lòng dũng cảm vô biên lại thêm ý chí can trường quyết tâm kháng chiến cứu nước ông Phòng vệ Nguyễn Văn Biểu là một võ tướng lừng danh. Trong các trận đương đầu với địch, ông luôn luôn xông lên phía trước. Ngọn thước sắt của ông vung đến đâu bọn giặc Pháp tan tác đến đó, khiến chúng phải khiếp sợ.
Năm Bính Dần (1866) sau khi Pháp tấn công vào đại đồn Tháp Mười, Thiên Hộ Dương giao lại binh quyền cho Đốc binh Kiều, còn ông đi các nơi vận động phát triển lực lượng. Thời gian này, ông Phòng Biểu là cánh tay đắc lực của Đốc binh Kiều trong việc xây dựng lại căn cứ và phát triển lực lượng nghĩa quân ở Đồng Tháp Mười. Qua năm sau thực dân Pháp tấn công vào Đồng Tháp Mười một lần nữa, Đốc binh Kiều thất trận và mất sau đó.
Chôn cất Đốc binh Kiều xong, ông rút quân qau Sinh Lớn về cố thủ ở ngã ba Thông Bình. Mặc dù với quân số ít, vũ khí thô sơ, hơn nữa lúc bấy giờ thực dân Pháp đã đàn áp được những cuộc khởi nghĩa khác, những nghĩa quân dưới quyền ông đã chiến đấu cầm cự kéo dài suốt bốn năm. Trong thời gian này, đích thân ông trừng trị tên tay sai Phạm Công Khanh để trả thù cho Thiên Hộ Dương, Đốc binh Kiều và nah6n dân vùng Đồng Tháp Mười.
Sau vụ này, giặc Pháp và bọn Việt gian truy lùng tìm bắt ông ráo riết, nhưng không kết quả, chúng quay sang bắt con cháu ông. Túng thế ông phải cải họ người con trai duy nhất của ông từ họ Nguyễn sang họ Võ và giao cho bà Nguyễn Thị Chung (người cháu gái ông lúc bấy giờ đã theo chồng về ở rạch Cái Da, xã Nhị Mỹ) trông nom giúp.
Bọn Pháp truy lùng ngày một gắt gao, lực lượng nghĩa quân hao mòn dần. Thấy không thể tiếp tục chiến đấu được nữa, ông ra lệnh cho nghĩa quân giải tán về quê quán làm ăn. Riêng ông phiêu bạt nay đây mai đó, thỉnh thoảng có về quê nhà trong lòng lúc nào cũng mang mối hờn vong quốc.
Bọn Pháp ra sức bình định, thiết lập bộ máy kềm kẹp. Một hôm, chúng đi “kinh lý” trong Đồng Tháp Mười bằng ghe, nước cạn không thể chèo chống được, nên chúng huy động dân địa phương kéo ghe cho chúng đi. Trong số dân bị bắt đi kéo ghe có ông Phòng Biểu. Nhờ ông có sức mạnh phi thường nên kéo ghe đi rất mau, bọn chúng thích chí, bắc ghế trước mũi ghe ngồi vắt chân chữ ngũ mặt vênh váo ngắm cảnh nhìn trời. Bất ngờ ông kéo mạnh một cái, ghe chao đảo hất bọn chúng xuống sông, còn ông nhanh chân phóng mất.
Từ đó về sau ông sống ẩn dật. Ông mất năm 1914, lúc được 84 tuổi. Phần mộ của ông hiện ở xóm Giồng, rạch Cao Miên thuộc xã Nhị Bình, huyện Cao Lãnh.
Tục truyền sau khi ông mất ít lâu, triều đình Huế sắc phong ông làm thần thành hoàng đình Mỹ Long, một trong hai đình lớn nhất ở Cao Lãnh. Lâu ngày dân chúng chỉ biết đình Mỹ Long có sắc thần, chớ không rõ là thờ vị nào. Sắc thần thường được cất kỹ tại nhà ông hương cả vì sợ bị mất cắp. Năm nọ, sắc thần được cất giữ tại nhà ông cả Non, đáo lệ kỳ yên, các chức làng phải đến nhà hương cả thỉnh sắc thần về đình. Lúc đi ngang qua đình, trời chạng vạng tối, các chức việc cặp xuồng vào bờ để lên đình thắp nhang thấy tại nhà mát ở mé sông có một người cao lớn, bụng to, cổ và tay mang giáp đang ngồi, hỏi là ai thì người ấy đáp.
– Ta là Ba Bụng, tức Phòng Biểu, được vua sắc phong làm thần đình làng Mỹ Long từ lâu mà các người không biết sao?
Nói xong đứng dậy thi thẳng vào trong đình. Nghe vậy, các chức việc mở sắc ra xem mới biết đình làng Mỹ Long thờ ông Phòng Biểu.
Nguồn: dDo chú Hai tánh, 60 tuổi, ở rạch Cái Da (Nhị Bình); bác Hai Kiên, 75 tuổi, ở rạch Bà Bướm, Hòa An; và bác Tư Tề, 70 tuổi, thầy thuốc bắc tại chợ Cao Lãnh kể.