Phan Văn Trị (1839-1910), người làng Hạnh Thông Tây, tỉnh Gia Định. Hai mươi tuổi đỗ cử nhân nên thường gọi là Cử Trị. Vốn người có tính ngang tàng, cương trực nên không chọn đường làm quan mà lấy việc ở nhà dạy học và bốc thuốc. Ông là một nhà thơ yêu nước, đã để lại một số tác phẩm có giá trị, nhất là mười bài thơ ông họa lại thơ của Tôn Thọ Tường. Thơ ông được nhiều người đương thời tán tụng và được lưu truyền rộng rãi. Thơ ông là ngọn roi, là mũi giáo tấn công thực dân Pháp và bọn tay sai!
Khi Pháp chiếm Gia Định, Phan Văn Trị lánh xuống Vũng Long.
Trần Bá Lộc, lúc đó được thực dân Pháp cho chức Tổng đốc, vốn nghe danh Phan Văn Trị, nên khi qua Vĩnh Long cho lính đòi ông đến, ý muốn răn đe ông. Lộc bắt ông ứng khẩu làm một bài thơ. Ông bảo Lộc ra đầu đề. Lộc buông lời tục tĩu: Cục cứt!
Ông đứng ngâm ngay bốn câu.
Đương cơn lộn xộn ló đầu ra,
Người thấy, ai mà chẳng sợ va!
Cậy thể khom lưng nồi dưới đít,
Biết đâu sắp bị chó liền tha!
Bài thơ miêu tả rất chân thật cái sự vật mà Trần Bá Lộc muốn nhà thơ miêu tả. Nhưng cái phần “ý tại ngôn ngoại” của bài thơ lại càng chân thật hơn, chân thật đến mức dữ dội. Do vậy, nghe xong bài thơ, Trần Bá Lộc tức lộn ruột. Nhưng không sao bắt bẻ được.
Lúc còn ở kinh đô Phú Xuân, nhân một buổi dạo chơi trên bờ sông, thấy những người lặn xuống sông bắt ốc khi trồi lên thì cổ họ bị rong quấn, đầu vướng đầy rác rêu, Phan Văn Trị chép miệng ngâm.
Phú quý trường An rong quấn cổ,
Phong lưu king địa rác đầy đầu!
Một hôm, có người bạn giễu cợt mời Phan Văn Trị thử làm một bài thơ vịnh “tứ khoái”. Ông mỉm cười dễ dãi rồi ngâm.
Cơm Phiếu Mẫu, gối Trần Đoàn,
Gối nghiêng loan phụng, nhẹ nhàng nương long.
Để ám chỉ viêc ăn, Phan Văn Trị đã lấy tích Hàn Tín (thời Hán – Sở tranh hùng), lúc công danh chưa thành đạt, nhà nghèo phải đi câu cá ở dưới thành Hoài Âm được bà Phiếu Mẫu cho cơm ăn. Còn việc ngủ, ông lại dùng tích Trần Đoàn, đời Ngũ đại, tu tiên đắc đạo ở dưới Hỏa Sơn, đã ngủ ba mươi năm liền cho khỏe mắt trong thời loạn lạc. Nói về cái khoái thứ ba và thứ tư, bài thơ đã dùng điển thích thanh tao là loan phụng và nương long. Loan phụng là giống chim quý. Con mái gọi là phụng, con trống gọi là loan. Điển tích này thường dùng để chỉ việc vợ chồng, tình duyên trai gái. Còn nương long là mỹ từ dùng để ám chỉ hậu môn.
Một hôm Phan Văn Trị đi ăn giỗ. Trong đám giỗ hôm ấy, các danh sĩ cùng nhau ngồi đàm luận văn chương, một người ra đối: Sắc nan.
Phan Văn Trị lên tiếng: Dung dị.
“Dung dị à? Thử đối lại coi.”
“Tôi đối rồi đó. Dung dị.”
“Dung dị?”
“Vâng”
Lúc đó mọi người mới hiểu ra. Ai cũng khen ngợi. Người ra đối cũng như cử tọa chậm hiểu, bởi lẽ từ “dung dị” có nghĩa là “dễ dàng”. Do đó, người ta tưởng Phan Văn Trị bảo vế đối đã ra là dễ dàng, chẳng khó khăn gì mà không đối lại được nên bảo Phan Văn Trị hãy thử đối đi. Họ không dè Phan đã dối ngay rồi. “Sắc” đối với “Dung”, còn “Nan” đối với “Dị” không gì chỉnh hơn được nữa.
Có người đang ăn quít, gặp quả quýt ngọt tấm tắc khen: “Quít ngọt.”
Phan Văn trị tưởng người ấy ra đối để thử thách mình, bèn gắp miếng chả vào miệng nhai rồi đáp: “Chả ngon”.
Cử tọa vỗ tay tán thưởng. Bởi lẽ, từ “quít ngọt” còn có nghĩa bóng là “lường quịt khéo”, “chả ngon” có nghĩa bóng là “chẳng đẹp đẽ, chẳng xứng đáng gì” được dùng để đối lại chỉnh cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Phan Văn Trị thường tới lui chơi rất thân với Nguyễn Đình Chiểu. Có lần trong bữa cơm, Phan bĩu môi nói với cụ Đồ: “Thằng Tường làm quan lớn cho Tây vì vậy thiên hạ nói nó khôn, còn tôi vầy, họ nói tôi khùng. Mà anh nghĩ coi, khùng thì khùng chớ!
Di, tề nào khứng giúp Châu,
Một mình một núi ai hầu hơn ai!”
Nghe Phan nói, Nguyễn Đình Chiểu cười xòa. Rồi đang gắp con mắm trong chén cơm, Nguyễn Đình Chiểu giơ con mắm lên mà nói; “Phải anh là Tây thì đâu biết ăn mắm sống, thằng Tường theo Tây nay chắc quen rượu chát, bánh mì không còn biết ăn mắm sống nữa rồi.”
Phan Văn Trị tá thưởng: “Đúng vậy, hễ còn biết ăn mắm sống thì không phải là Tây!”
(Theo Huỳnh Ngọc Trảng, sđd.)