Tác giả: Trần Văn Rạng
Nguồn: Thư viện Tổng Hợp Tp. HCM, Việt Nam
Chúng tôi may mắn được đọc tác phẩm Truyện Đất Nam kỳ của cụ Trương Vĩnh Ký, trong dòng họ Trần – Văn, được ông Trương Vĩnh Thạnh vì tình bằng hữu cố giao tặng trọn tác phẩm. Đây là một bản thảo, có được tác giả sửa chữa đôi chút, giấy và chữ đã ngả màu vàng, các tờ không đánh số trang, có nhiều tờ bị hư nát, nhiều chỗ không đọc được. Chúng tôi nghĩ rằng những gì của cụ Trương Vĩnh Ký thì nay đã đều thuộc về lịch sử mà đoàn hậu tấn có bổn phận phải giữ gìn và triển khai.
Mùa hè 1973, chúng tôi đã du khảo Hậu Giang và đến tận Hà Tiên để khảo sát địa danh và nhân danh, hầu chú thích tác phẩm, nhưng chắc không khỏi còn nhiều khiếm khuyết.
Về phần tác giả viết quyển này, mục đích ghi công ơn các chúa Nguyễn đã có công mở rộng nước ta về phương Nam mà thành lập đất Nam kỳ, đồng thời cho kẻ hậu lai biết những khó khăn của tổ tiên. Tác giả đã đề cao chúa Nguyễn như tác giả Sử Ký Đại Nam Việt (1), coi các chúa Nguyễn là các vua độc lập với nhà Lê, kể từ khi chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, con thứ sáu Nguyễn Hoàng “dư bất thọ sắc” của chúa Trịnh Tráng (coi bài thơ tác giả viết ở bìa sách này).
Theo Quốc triều tiền biên thì chúa Sãi (1623-1635), từ lúc được Đào Duy Từ phò tá đắc lực, nên có ý định tuyệt giao với chúa Trịnh Tráng (1623-1657). Khi Trịnh Tráng mượn tiếng cua Lê viết sắc đòi chúa Nguyễn triều cống. Chúa Sãi bề ngoài nhận sắc, nhưng sau đó sai người làm mâm hai đáy đựng cống phẩm, rồi cửa Văn Không đi sứ; bên trong mâm có đề bài thơ như sau:
Mâu nhi vô địch
Mịch phi kiến tích
Ái lực tâm trường
Lực lai tương địch.
Tương truyền, chúa Trịnh Tráng nhờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528-1613), giải thích mới biết đó là câu: “dư bất thọ sắc” tức tôi (chúc Nguyễn) không nhận sắc (của chúa Trịnh). Từ đó, chúa Nguyễn bước dần đến chỗ tuyện giao với phương Bắc, nhưng đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1756) thì mới xưng Vương hiệu.
Song xét lại tiểu sử của Phùng Khắc Khoan thì thấy cụ mất từ năm 1613 mà Trịnh Tráng lên cầm quyền 1623, sau mười năm sao lại xảy ra chuyện ấy?
Ta có thể đoán chủ đích của cụ Trương Vĩnh Ký khi đề bài thơ trên ngoài bìa sách là để biện minh sự xưng tụng các chúa Nguyễn bằng vua.
Quyển Truyện Đất Nam kỳ có đặc điểm đáng được nêu tên là tác phẩm Việt ngữ đầu tay của cụ Trương Vĩnh Ký, quyển sử đầu tiên viết bằng Quốc ngữ và là bản văn Việt ngữ trong thời phôi thai cách đây gần 150 năm.
Theo Khổng Xuân Thu, cụ Trương Vĩnh Ký khởi sự viết văn từ năm 1864 (2), nhưng đúng ra theo Vũ Ngọc Phan thì sớm hơn một năm (3) mà tác phẩm Truyện Đất Nam kỳ tác giả viết vào ngày 29-12-1864 (dưới có ký tên). Vậy đây là một truyền sử đầu tiên của nước ta viết bằng tiếng Việt và cũng là bản văn đầu tiên của cụ Trương Vĩnh Ký, nhưng sau cuốn viết bằng tiếng Pháp Notice sur Le Royaume de Khmer ou de Kambodge (4) một năm và trước quyển Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích ấn hành vào năm 1866 (5). Năm 1875, cụ đem tái bản quyển Đại Nam Quốc sữ diễn ca, có lẽ cụ dùng bản in năm 1870 của Trí Trung Đường (hà Nội) vì trong lời tựa cụ chỉ nói đến Lê Ngô Cát là tác giả mà không nói đến Phạm Đình Toái (6).
Năm 1875, cụ co ấn hành quyển Cours d’Histoire Annamite à l’usage desécoles de la Basse Cochinchine. Bộ này có hai cuốn:
- Cuốn thứ nhứt: từ Hồng Bàng đến Hậu Lê (278 TCN đến 1428 SCN), Saigon, Imp. du Gouvernement 1875, 1184 trang.
- Cuốn thứ hai: từ Hậu Lê đến đầu nhà Nguyễn (1428-1875), Saigon. Imp. du Gouvernement 1877, 278 trang.
Ernest Renan hết lời khen ngợi quyển này trong bản phúc trình đọc tại Á Châu Học hội như sau:
“Ông Trương Vĩnh Ký trình bày cho chúng ta biết rõ ràng những ý kiến của người An Nam và lịch sử của họ. Người ta phải nhận thấy trong quyển sách nhỏ của ông một tinh thần minh mẫn, một sự vô tư hiếm có ở Á Đông. Nhiều nước ở Âu Châu không có cho những trường tiểu học của họ một cuốn sách có giá trị như sách của ông Trương Vĩnh Ký”. (7)
Bouchot có nhắc đến quyển Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức khi giới thiệu Cours d’Histoire Annamite. Người ta cho rằng, ngoài quyển Gia Định thành thông chí ở Nam kỳ bấy giờ không còn quyển nào có giá trị, khiến Aubaret đã dịch và xuất bản tại Paris, Imp. Impérial 1863 và sau đó cụ Trương Vĩnh Ký cứ vào sách dịch này làm tài liệu kê cứu viết quyển Truyện Đất Nam kỳ.
Chúng tôi viết thế, vì trong quyển Histoire et Description de la Basse Cochinchine, từ trang 1-67, Aubaret dịch đoạn sử trong Gia Định thành thông chí, từ chúa Thái Tông năm thứ 111 (1658) đến lúc Mạc Công Du làm trấn thủ hà Tiên (1818) thì trong quyển Truyện Đất Nam kỳ, cụ Trương Vĩnh Ký cũng biên chép trong khoảng thời gian đó. Cách sắp xếp niên đại và cách dùng chữ cũng giống Aubaret.
Trang 4, Aubaret dịch nhầm là Dương Ngạn Nghịch, thì cụ Trương Vĩnh Ký cũng viết là Dương Ngạn Nghịch.
Trang 33, Aubaret dịch Mạc dien, Mạc thương, Mạc Dung, cụ cũng phiên âm như vậy: Mạc Diên, Mạc Thương, mạc Dung. Trong khi Gia Định thành thông chí ghi rõ Mạc Dien là Mạc Tử Hoàng.
Nhất là các năm dương lịch, Aubaret viết năm dương lịch ngoài lề, cụ Trương Vĩnh Ký cũng xếp như vậy và cũng có sự sai lầm như Aubaret.
Trang 15, năm Bính Tý (1757) đúng là năm 1756.
Trang 44, Ất vị (1776) đúng là năm 1775.
Trang 44, năm Đinh Dậu (1778) đúng là năm 1777
Trang 51, Aubaret viết là Vancong, cụ Trương Vĩnh Ký cũng viết như vậy. Trong khi đó Gia Định thành thông chí ghi rõ là Thiếu Phó Mân, tức Tôn Thất Mân.
Trang 66, Aubaret dịch Diao thì cụ cũng dịch lại ông Dia1o. Gia Định thành thông chí chép là Trương Phúc Giáo.
Tuy nhiên quyển sách dịch của Aubaret chỉ là một trong những quyển sách kê cứu của cụ Trương Vĩnh Ký để viết Truyện Đất Nam kỳ; vì trong đó còn nhiều tài liệu khác mà trong quyển Histoire et Description de la Basse Cochinchine không có đề cập tới.
Đến năm 1885, cụ ấn hành Souvenirs historiques sur Saigon et ses Environs (Conference faite au collège des interprètes), Saigon, Imp. Colonial 1885, 30 trang. Năm áp chót cuộc đời thì cụ cho in Biên tích Đức thầy Vê-ro Pinho Quận công phò tá Nguyễn Ánh là Đức Cao Hoàng, Saigon, Imp. Et Librairie nouvelles, 1897, 48 trang.
Ngoài giá trị là một quyển sử đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, Truyện Đất Nam kỳ còn là chứng tích của tie61nt rình ngôn ngữ. Chữ Việt tuy đã xuất hiện, nhưng khởi đầu nó chỉ là phương tiện truyền giáo của các cố đạo, chưa ai nghĩ đem phổ biến trong dân gian để trở thành thứ chữ chính thức của một nước. Cụ Trương Vĩnh Ký đã nghĩ trước tiên việc đó. Cụ yêu cầu chính phủ Pháp bó buộc học sinh học chữ Quốc ngữ trog các trường tiểu học (8).
Trong chiều hướng phát triển chữ Quốc ngữ, Gia Định Báo, tờ báo đầu tei6n tiếng Việt ra đời ngày 1-4-1869. Lúc đầu do Ernest Poteau trông coi, đến ngày 16-9-1869 một nghị định của thủy sư đô đốc Ohier giao cho cụ Trương Vĩnh Ký toàn quyền trông coi bài vở. Cụ liền nhắm vào ba mục đích: cổ động tân học, truyền bá Quốc ngữ, giáo dục quốc âm để phát triển văn hóa nước nhà.
Tóm lại, theo Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, sự nghiệp và thân thế cụ Trương Vĩnh Ký có thể đúc kết làm ba tiếng: bác học, lương tâm và khiêm tốn (Cette viè que L’on peut résumer en trois mots: science, conscience et modestie) (9). Cụ thật xứng vói danh vị là sữ gia đầu tiên viết lịch sử Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ.
(1) Quyển Đại Nam Việt quốc triều sử ký in tại nhà in La Mission à Tân Định 1879. Năm 1885 tái bản đổi nhan đề Sử ký Đại Nam Việt quốc triều. Lần thứ ba tái bản (1903) giống như lần thứ tư (1909) với nhan đề Sử ký Đại Nam Việt đều cùng một nhà in.
(2) Khổng Xuân Thu, Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn, Tân Việt 1958, tr.9.
(3) Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, Sài Gòn, Thăng Long 1960, tr.3
(4) Trương Vĩnh Ký, Notice sur Le Royaume de Khmer ou de Kambodge. Bulletin de la Sociéte de Géographie (7-12-1863), tr.326-332.
(5) Bouchot, Pétrus J.B. Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn, Nguyễn Văn Của 1927, tr.99.
(6) Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, Đại Nam quốc sử diễn ca, Hoàng Xuân hãn tựa và dẫn, Sài Gòn, Trường Thi 1956, tr.23
(7) Bouchot, sđd. Tr.29
(8) Le Thanh, Trương Vĩnh Ký, Hà Nội, Phổ thông chuyên san, số 3 (9-1943), tr. 38.
(9) Kỷ yếu của Hội Trí Tri bắc kỳ số 1-2 năm 1937