Tác giả: Nhà báo Minh Châu – Sưu tầm và đăng trên Báo Xuân Canh Tuất – 1970.
“Phiên Trấn Dinh”
Mới đọc qua ba chữ đó, ai cũng tưởng là một địa danh xa lạ. Ít ai ngờ đấy là cái tên đầu tiên của vùng Sài Gòn – Gia Định ngày nay.
Theo tập quán Việt Nam, mỗi khi Xuân về Tết đến, mọi người thường nhắc lại chuyện xưa tích cũ để ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân và đồng thời để nuôi lòng tin tưởng ở tương lai. Chúng tôi không đi ngoài thông lệ đó: trước thềm năm Canh Tuất, chúng tôi mời bạn đọc trở lại lịch sử, viếng thăm một vài di tích của mảnh đất thân yêu mà chúng ta đang sống.
Vài nét lịch sử
Theo sử liệu, cuộc đất Gia Định phì nhiêu, choán phần lớn lưu vực sông Đồng Nai, làm một phần di sản của giòng họ Nguyễn Phúc bình định xứ Thủy Chân Lạp, sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam.
Cuộc nam tiến của dân tộc Việt Nam đã phát khởi từ đời Hồng Đức (đầu thế kỷ thứ XV) nhưng mãi đến thế kỷ thứ 17, những người dân Việt Nam đầu tiên mới dùng thuyền đến cửa Cần Giờ, giao thương cùng dân tộc Chân Lạp. Dầnn dần, các nông gia thuộc các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận mới lũ lượt vào nam và định cư lập nghiệp luôn.
Đến năm 1623, người Việt Nam đã khẩn nhiều vùng hoang vu dọc theo hai bờ sông Soài Rạp, và vào khoảng năm 1663 thì dân Việt đã thật sự tràn đến mạn trung lưu và chiếm ngụ các vùng đất phì nhiêu.
Năm Mậu Dần (1698) thì Miền Nam xứ Chân Lạp hoàn toàn do người Việt Nam chiếm cứ. Chúa Nguyễn Phúc Chu sai ông Nguyễn Hữu Kính (còn gọi là Nguyễn Hữu Cảnh) làm kinh lược, chia đất ra làm dinh, làm huyện, đặt quan cai trị.
Tỉnh Gia Định được thành lập từ đó, với tên là Phiên Trấn Dinh. Năm 1802, sau khi thống nhất Nam – Bắc thành một mối, vua Gia Long chia lại địa giới làm hai thành, mỗi thành do một vị Tổng trấn cai quản. Hai thành ấy là Bắc Thành và Gia Định Thành.
Thành Gia Định hồi ấy gồm năm trấn: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Vĩnh Tường và Hà Tiên.
Đến năm 1832, vua Minh Mạng bỏ chức Tổng trấn, đổi trấn thành Tỉnh – mỗi tỉnh do một Tổng Đốc hay Tuần Phủ cai trị. Hồi đó Gia Định trở thành một trong sáu tỉnh miền Nam gọi là “Nam Kỳ Lục Tỉnh“: Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên. Nên nhớ là Gia Định lúc bấy giờ chiếm một diện tích rất rộng, bao gồm cả những vùng nay thuộc tỉnh Long An, Tây Ninh.
Năm 1874, do Hòa ước Giáp Tuất ký giữa Triều đình Huế và Thủy Sư Đô Đốc Dupré, 6 tỉnh miền Nam nói trên được hoàn toàn nhượng cho Pháp làm thuộc địa. Người Pháp bèn chia phần đất này ra làm 4 khu, 216 hạt. Tỉnh Gia Định chỉ còn là một hạt trong số 5 hạt của Khu Sài Gòn.
Thời gian qua, bao nhiêu vật đổi sao dời,… Rốt cuộc, cái gì của người Việt Nam cũng đã được trả lại cho người Việt Nam.
Thượng công Lê Văn Duyệt
Quanh năm, và nhất là trong những ngày Tết đi thăm “Lăng Ông” đã trở thành một thói quen đối với người Việt miền Nam.
Đức Lê Văn Duyệt sinh năm 1764 tại Long Hùng, Định Tường. Lúc thiếu thời, Ngài không ham văn mà chỉ chuộng võ. Năm 1780, khi mới 17 tuổi , Ngài đã theo phò Chúa Nguyễn, tức Vua Gia Long và đã chia xẻ nỗi gian nguy ròng rã trong 22 năm (Vua Gia Long chống Tây Sơn trong 24 năm).
Ngoài hai lần tòng vong sang xiêm, Đức Lê Văn Duyệt đã lập nhiều chiến công hiển hách như phá thủy quân Tây Sơn, thâu phục thành Phú Xuân (Huế ngày nay), thâu hồi thành Bình Định, thâu luôn cả Bắc Hà, mang đất nhà Lê về cho nhà Nguyễn.
Về mặt hành chánh, Ngài được cử giữ chức Tổng trấn Gia Định thành hai lần: một lần vào triều vua Gia Long từ 1812 đến 1815 và một lần nữa triều Minh Mạng từ 1820 đến 1832.
Suốt đời Ngài đã dùng trí, dõng, nghĩa, khí thực hiện nhiều công nghiêp lớn lao như: ngăn ngừa được quân Xiêm xâm lăng, dùng cương nhu xử trí với người Pháp để tránh đổ máu vô ích cho Việt, xin giải ngũ binh sĩ lúc thái bình, tế cấp vợ góa con côi của quân nhân, ân xá quân giặc qui hành như bọn Lê Văn Khôi, Đỗ Hoàng, Tống Trầm, can thiệp không cho giết hai người công giáo v.v…
Tuy nhiên, đối với triều đình – nhất là đối với Vua Minh Mạng – Ngài đã không gây được “cảm tình” vì chính tính khẳng khái cương trực. Ngài đã thẳng thắnv can Vua không nên chọn Hoàng Tử Đảm (tức Vua Minh Mạng) làm Đông Cung Thái Tử vì không thuộc ngành con trưởng.
Lúc Vua Minh Mạng đã lên ngôi, Ngài lại không chịu lạy Vua lúc vào chầu với lý do là thời tiền triều Ngài đã được quyền “nhập triều miễn bái”. Sự hiềm khích càng bị đào sâu thêm, khi Ngài cương quyết xin xử tử Huỳnh Công Lý phạm tội nặng, mặc dù Lý là cha ruột 1 cung phi yêu quí của Vua Minh Mạng.
Một cuộc đời cương trực đã kết thúc vào năm 1832: Đức Lê Văn Duyệt tạ thế đêm 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn, hưởng thọ 69 tuổi.
Lăng của Ngài được xây ngay năm Ngài mất. Sau này khi phu nhân là Đỗ Thị Phân qua đời, cũng được táng ngay cận bên, nơi mà khách thập phương ngày nay gọi là Lăng Ông, Lăng Bà.
Một năm sau khi đức Lê Văn Duyệt chết, tức là vào năm 1833, Lê Văn Khôi (bộ tướng và cũng là con nuôi của Ngài) bất mãn Vua Minh Mạng nổi lên chống lại Triều Đình. “Giặc Lê Văn Khôi” kéo dài trên hai năm mới dẹp xong.
Nhân dịp này, Vua Minh Mạng, trước đã có hiềm Ngài, có cớ rửa hận: nhà vua sai san phẳng mộ Ngài, lấy lòi tói xiềng chung quanh và dựng trụ trước mộ, đề 8 chữ lớn “Quyền Yêm Lê Văn Duyệt phúc pháp xử” có nghĩa là “Đây là chỗ tên Thái giám lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu hình phạt”.
Tục truyền anh hồn của Ngài quá phẫn uất nên nơi lăng mộ khi gặp trời âm u, thường nghe tiếng kêu than ai oán. Từ đó Ngài thường hiển linh ban phúc cho kẻ lành, giáng họa cho kẻ ác. Dân cư lân cận kiêng sợ nên lập đền thờ, hương khói rất thành kính. Người Trung hoa cũng sùng bái Ngài không kém, hay gọi Ngài là “Phụ Mã” hay “Phụ Mã gia gia”.
Đến năm Thiệu Trị thứ nhứt (1841) Đông các học sĩ Võ Xuân Cẩn xin ân xá hình phạt trên mộ, nhưng mãi đến năm Tự Đức thứ hai (1849), vua mới ban chiếu bãi bõ cây trụ hài tội, chặt bỏ xiềng xích và cho trùng ty phần mộ.
Năm 1868, Tả quân được truy phụ hàm “Vọng Các công thần”, “Chưởng Tả quân Bình Tây Tướng quân Quận công” và được thờ vào Miếu Trung Hưng Công Thần.
Mặc dù khuất bóng 138 năm nay, thanh danh của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt vẫn còn lừng lẫy như xưa.
Nhà Bè nước chảy chia hai …
Không một người Việt Nam nào – kể cả em bé vừa biết nói – mà không thuộc lòng hai câu hát đượm tình quê hương
Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về, …
Nhưng “Nhà Bè” là gì? Đó là tên một con sông, nhưng tại sao lại là sông Nhà Bè?
Tục truyền rằng khoảng 100 năm trước đây, có người tên là Thủ Hườn, gốc gác ở Cù Lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa, tỉnh Biên Hòa) đến miền sông này lập nghiệp. Ông là người gian ác, keo kiết chuyên cho vay nặng lãi mà trở nên cự phú. Một đêm nằm mơ, ông thấy lạc xuống Âm Phủ và trông rõ các dụng cụ hình phạt của Diêm Vương dành cho ông ta. Tỉnh dậy, ông rất kinh hải, ăn năn hối lỗi và bắt đầu làm các việc từ thiện để chuộc lại các tội ác xưa.
Ông lập một nhà bè ở ngã ba sông để tiếp tế nước uống và lương thực cho những kẻ lỡ đường ( hồi đó chỉ di chuyển trên sông rạch, chưa có đường bộ). Cái nhà bè của ông Thủ Hườn trở nên nổi tiếng và khi đi qua khúc sông, người ta gọi mãi thành quen là sông Nhà Bè.
Nhân dịp này, chúng ta cũng tìm hiểu nguồn gốc của một vài địa danh quen thuộc trong tỉnh Gia Định.
Gò Vấp
Theo truyền thuyết, nơi đây xưa kia là một ngọc đồi (gò) trồng cây vấp (Krai – theo tiếng Chàm – một loại cây lim). Thứ cây này ngày xư được coi như thần mộc yểm trợ cho dân tộc Chàm.
Thủ Đức
Theo lời truyền khẩu của các bậc lão thành địa phương thì xưa kia có vị thủ đồn đầu tiên tên là Đức. Đến sau ông Tạ Dương Minh đứng ra sai dân lập chợ, nhờ công vị thủ đồn, lấy tên đặt cho chợ gọi là chợ Thủ Đức.
Thị Nghè
Đây là tên của một làng thuộc quận Gò Vấp, tức xã Thạnh Mỹ Tây ngày nay. Địa danh này còn để chỉ một cái kinh phân địa giới Gia Định với Sài Gòn, gọi là rạch Thị Nghè hay rạch Bà Nghè.
Tục truyền bà Nguyễn Thị Canh, con gái thống suất Nguyễn Cửu Vân tức Vân Trường Hầu, đẹp duyên cùng một ông Nghè. Để chồng tiện đường qua rạch hằng ngày vào làm việc trong thành, bà cho dựng một cái cầu mà đồng bào cũng có thể dùng chung. Do đó, người ta gọi là cầu Thị Nghè.
Cầu Bông
Tên chiếc cầu lớn nằm trên đường Hai Bà Trưng, phân địa giới Sài Gòn Gia Định. Tục truyền gần nơi này, xưa kia Tả quân Lê Văn Duyệt có lập một vườn hoa rất ngoạn mục, nên cầu đó được đặt là Cầu Hoa. Sau này “Hoa” phải đổi ra là “Bông” cho khỏi phạm húy vì tên Hoa trùng với tên bà Hoàng hậu Bùi Thị Hoa – mẹ vua Thiệu Trị.
Bà Chiểu
Định danh chỉ Tỉnh lỵ Gia Định. Có người cho rằng Bà Chiểu là một trong những bà vợ của vị lãnh binh đã xây cái cầu gọi là “Cầu Ông Lãnh”. Thời xưa đa thê là chuyện rất thường. Ông Lãnh áp dụng phương pháp “kinh tế gia đình tự túc” nên đã lập ra 5 cái chợ, giao cho 5 bà vợ, 1 người cai quản 1 cái. Đó là Bà Hạt, Bà Quẹo, Bà Chiểu, Bà Hom và Bà Điểm.
Những nét lịch sử, những giai thoại về Phiên Trấn Dinh còn nhiều, nhưng khuôn khổ bài báo có hạn. Chúng tôi xin tạm dừng nơi đây. Ước mong rằng những tư liệu vừa kể đã giúp cho bạn đọc những phút thoải mái, thả mình vào một quá khứ êm êm của Đất Nước mình ngày trước.