Ngày 16/6, Amanda được một số điện thoại mã vùng quốc tế liên lạc qua ứng dụng WhatsApp, đề nghị “công việc nhẹ lương cao thời dịch”. Những gì cô cần, là điện thoại, hoặc máy tính kết nối internet.
Wendy, người giao việc, chỉ giao tiếp qua WhatsApp, nói Amanda có nhiệm vụ hỗ trợ hoàn thành các đơn đặt hàng online và kiếm tiền hoa hồng trên số lượng giỏ hàng và giá trị đơn hàng. Công việc này được thực hiện trên một ứng dụng do Wendy cung cấp.
“Tôi nghĩ đó là nhiệm vụ khá đơn giản nên nhận lời. Họ nói sẽ trả lương qua tài khoản ngân hàng điện tử”, nữ nạn nhân trẻ tuổi cho biết.
Amanda phải đăng ký một tài khoản trên nền tảng này, và hoàn thành 60 lệnh mỗi ngày để rút số tiền kiếm được. Trên trang chính của ứng dụng, cô phải nhấp vào nút “lấy đơn đặt hàng”, sau đó nhấp vào nút gửi trên cửa sổ bật lên – một quá trình mất chưa đầy 30 giây. Wendy cũng cung cấp cho Amanda một mã giới thiệu, đảm bảo mã sẽ mang lại hoa hồng tới 16%.
Hai ngày sau, cô nhìn thấy một “đơn hàng kép”, thứ được quảng cáo sẽ giúp họ có thể kiếm được hoa hồng cao hơn, song không thể bấm thao tác đặt hàng. Được Wendy hướng dẫn liên hệ với bộ phận kỹ thuật, Amanda được yêu cầu thanh toán trước tiền hàng hoàn tất đơn đặt hàng và kiếm về hoa hồng gấp đôi.
Amanda đã chuyển 1.200 USD vào tài khoản ngân hàng và được trả khoảng 230 USD hoa hồng cho đơn hàng đó. Chuyện này liên tục lặp lại, đến 20/6, cô đã vay hơn 70.000 USD từ bạn bè cho các đơn hàng dạng “yêu cầu thanh toán trước” như trên và vẫn đang được ứng dụng này yêu cầu “ứng trước” 4.200 USD.
Tuyệt vọng vì không có tiền, Amanda gọi cho ngân hàng xin đảo ngược các giao dịch trước đó. Ngân hàng nói với rằng cô có thể là nạn nhân của một vụ lừa đảo. Amanda trình báo sự việc với cảnh sát.
Cảnh sát Singapore cho biết hôm 18/7, Amada không phải là nạn nhân duy nhất. Tháng 5 vừa qua, một phụ nữ đã báo cáo mất 40.000 USD chỉ trong hai giờ, cũng trong một vụ lừa đảo “việc làm online mùa dịch”, sau khi cô ấy trả lời một tin nhắn WhatsApp.
Theo cơ quan điều tra nước này, năm 2020 có tới 133 vụ lừa đảo việc làm tương tự được tố cáo với số tiền lên tới 220.000 USD. Cảnh sát khuyến cáo mọi người không chấp nhận những lời mời làm việc không rõ ràng, “lợi nhuận cao, ít tốn công sức” và không chuyển tiền cho người không quen biết.
Giám đốc điều hành của sàn tuyển dụng việc làm Singapore nhận định, thủ đoạn lừa đảo của nhóm người này ngày càng tinh vi khi chúng tạo ra các hồ sơ giả mạo trên LinkedIn và Facebook để mạo danh cá nhân và doanh nghiệp nổi tiếng nhằm tạo ấn tượng rằng họ làm việc hợp pháp.
“Những kẻ lừa đảo có xu hướng sử dụng tiếng Anh kém, vì vậy, một quảng cáo tuyển dụng giả sẽ luôn chứa đầy lỗi chính tả và ngữ pháp. Ngoài ra, bạn có thể gọi cho họ qua điện thoại di động. Hầu hết kẻ lừa đảo việc làm đều không thoải mái khi nói chuyện qua điện thoại vì sợ bị lộ”, bà nói.
Nhìn lại biến cố của mình, Amanda nói: “Tôi quá bốc đồng, muốn kiếm tiền nhanh chóng và dễ dàng. Dù nghe có vẻ hay ho đến đâu, cuối cùng, chẳng có đồng tiền nào dễ kiếm cả”.