Đôi mắt người xưa – Chương 12

Ngọc Dung ra khỏi cổng trưởng Luật, đi về phía Công trường “Chiến sĩ”. Mỗi bữa, cha nàng đều cho tài xế lái xe đến chờ nàng. Nhưng hôm nay, Ngọc Dung đứng ngẩn ngơ vì không thấy xe. Nàng nhìn quanh quẩn bỗng nghe tiếng gọị:

– Ngọc Dung…

Dung giựt mình quay lại, Trân lái xe rề rề theo sau nàng. Ngọc Dung lúng túng, chưa biết nên chào hay không thì Trân đã nhảy xuống xe, hỏi:

– Em… về hồi nào?

Ngọc Dung ôm sát chiếc cặp da vào ngực, nhìn Trân, đáp nhỏ:

– Dạ… về hơn tuần nay.

Nói xong nàng ngó quanh quẩn tìm xe. Trân đến bên nàng, cười nói:

– Em tìm gì vậy? Xe ở nhà hả?

– Dạ… Xe ba em cho đến rước.

– Em khỏi tìm. Anh đã bảo tài xế lái xe về rồi.

Ngọc Dung ngạc nhiên:

– Sao vậy? Sao anh làm thế?

Trân đáp giọng nghiêm nghị:

– Hôm nay, có anh rước em rồi.

Ngọc Dung toan nói Trân không có quyền làm vậy, nhưng nàng không … mở lời được. Nàng chỉ nói:

– Em không đi với anh được đâu. Ba cấm đó.

Trân cười nhạt:

– Anh biết dư như vậy mà. Bởi thế anh muốn gặp em hôm nay. Ba cấm em vì ba có lý do riêng…

Ngọc Dung chưa hiểu ý Trân nên nói:

– Ba không cho phép em gặp anh nữa thì anh đừng đến trường tìm em. Em cũng muốn tinh thần được yên để học thôi. Anh đừng gặp em nữa…

Trân toan nắm tay nàng, nhưng Dung lùi lại:

– Anh đừng nên thế? Người ta kìa?

Trân lắc đầu:

– Anh muốn em lên xe. Anh sẽ nói hết cho em nghe.

– Ba cấm không cho đi xe của anh. Em đã hứa với ba rồi.

Trân nài nỉ:

– Em đi với anh một lần nữa thôi. Cho anh giải bày hết ý mình… rồi anh sẽ không làm bận lòng em nữa.

Ngọc Dung lộ vẻ suy nghĩ rồi hỏi:

– Giãi bày cái gì chớ! Sao anh không nói hết ở đây? Anh định làm hại em chớ gì?

Trân kêu lên:

– Khổ quá. Sao em coi anh tàn tệ quá vậy? Em khinh anh vừa vừa thôi!

– Em đâu dám khinh anh. Tại hành động của anh trước kia chứng tỏ điều đó. Em khổ tâm nhưng vẫn phải nói ra như vậy.

– Anh yêu em thành thật mà! Anh nói với em cả ngàn lần rồi, em còn chưa tin sao?

Ngọc Dung nín lặng một lúc mới nói:

– Em chỉ mong được vậy thôi, nhưng tình yêu của chúng ta quá nhiều ngang trái, dù có thành vợ thành chồng cũng khó bền vững được. Đã không thành thì thôi, chứng ta nên xa nhau cho đẹp.

Trân kêu lên:

– Có ngang trái gì đâu! Tất cả chỉ vì “ba” không muốn đó thôi. Chớ má em cũng thương anh mà…

Ngừng lại một phút, Trân nói:

– Anh đã hiểu rõ lý do vì sao ba không chịu gả em cho anh.

Ngọc Dung buồn bã nói:

– Chính tại cuộc sống của anh trước đây.

– Không phải! Còn một lý do khác. Một lý do không tốt đẹp chút nào cả. Em lên xe đi rồi anh nói cho em nghe.

– Anh cứ nói, việc gì phải lên xe…

Trân chỉ muốn kể cho Ngọc Dung nghe chuyện Vũ và Diệp Thúy rồi đưa nàng đến tiệm sách để chứng minh lời nói của mình. Nhưng thấy Ngọc Dung vẫn nghi ngờ minh thì tức bực lắm:

– Trời ơi, khổ quá! Em cứ nghi ngờ tấm lòng thành thật của anh. Câu chuyện rất dài mà nói ngay ra đây làm sao… hết được. Đây nầy, anh sợ không gặp em, nên viết cả một bức thư dài…

Trân nói xong, móc trong áo ra một phong thư, đưa cho Ngọc Dung. Dung nói:

– Thì anh cứ đưa thư đó cho em.

Trân còn lưỡng lự, chợt thấy bác sĩ Vũ lái xe quẹo Công trường Chiến sĩ hướng về phía hai người. Hắn liền đưa bức thư cho Ngọc Dung, nói:

– Ba đến kìa! Đọc thư nầy thật kỹ, mai sẽ gặp… Nhớ đừng cho ba thấy đó.

Ngọc Dung kẹp bức thư sát vào cặp da, vừa quay lại thì Vũ cũng lái xe đến. Trân không muốn gặp Vũ, nên bước mau về phía xe mình, lái đi ngay. Vũ xuống xe, hầm hầm tức giận, nhưng thấy Trân đã đi rồi thì lẩm bẩm một mình:

– Thật là khốn nạn.

Ngọc Dung tưởng cha giận mình, nên vội phân trần:

– Thưa ba… Tại không có xe nên con mới nói chuyện…

Vũ gật đầu:

– Ba hiểu. Và ba nhứt định đuổi tài xế. Sao mà anh ta ngu như vậy không biết nữa?

– Thưa ba! Tại Trân biểu anh ấy về mà.

– Nghe theo nó mới ngu. Trân có quyền gì? Ba biểu anh ta đưa rước con là vì sợ thằng Trân đón đường. Ai ngờ…

Ngọc Dung lên xe, cố bênh vực anh tài xế:

– Thưa ba. Nghĩ cùng tội cho anh ấy! Tại ba không dặn kỹ. Chắc anh ấy tưởng lầm, Trân sắp sửa là hôn phu của con.

Vũ đã nguôi cơn giận, bước lên xe hỏi con:

– Trân đón đường con hỏi cái gì?

Ngọc Dung vẫn nắm chặt bức thư, nói nhỏ:

– Cũng không nói gì khác lạ.

Vũ ngạc nhiên nhìn con, hỏi:

– Thế nó đón đường con để làm gì?

Ngọc Dung ấp úng:

– Anh ấy hỏi con về từ bao giờ? Sao không cho anh ấy biết?

– Rồi con trả lời sao?

– Dạ, con nói ba không bằng lòng.

Vũ nhấn mạnh “ga” cho xe vọt tới, rồi nói:

– Thằng Trân đúng là không biết nhục! Ba đã nói thẳng vào mặt nó, mà nó vẫn còn lò dò tới trường tìm con.

Ngọc Dung nín lặng. Nàng không muốn trở lại câu chuyện mà hai cha con đã bàn cãi nhiều lần. Nàng chợt nhớ đến bức thư mà Trân đã trao cho nàng lúc nãy. Trong thư viết những gì, xem chừng Trân lo sợ cha nàng bắt gặp lắm? Trong khi đó, Vũ lại nghĩ đến cách làm thế nào cho Trân không còn cách quấy rầy Ngọc Dung nữa. Chàng bảo con:

– Từ đây về sau, ba đưa rước con tận trường, không cần tài xế nữa.

Ngọc Dung lắc đầu:

– Không được đâu ba! Ba bận việc nhiều quá, làm sao đưa đón con được?

– Có gì? Thì sáng ba đi làm, đưa con tới trường… Trưa ba rước về.

– Giờ học của con rất bất thường! Có khi chín giờ con mới vào lớp, mà mười một giờ đã ra trường. Như vậy không lẽ con đi sớm cả tiếng đồng hồ sao?

Vũ trầm ngâm suy nghĩ rồi gật đầu:

– Ờ, khó quá há. Ba quên, không chú ý tới thời đụng biểu của con.

Từ đó về đến nhà. Vũ không nói thêm gì nữa và cũng chẳng đá động đến chuyện đuổi anh tài xế. Ngọc Dung đi vào nhà sau và gặp anh tài xế ở hành lang. Anh ta đón nàng, hỏi giọng sợ sệt:

– Cô có bị ông rầy không?

Ngọc Dung lắc đầu:

– Có gì đâu mà rầy, anh Năm?

– Trời, cô không biết chớ hồi nãy ông giận lắm! Cậu Trân thiệt là ác. Phải chi tôi đừng nghe lời cậu thì đâu đến nỗi.

– Mà lại sao anh nghe lời chi vậy?

Anh Năm gãi đầu:

– Tôi đâu có dè, ông ghét cậu Trân. Tôi cứ tưởng cậu ấy sắp sửa cưới cô.

Ngọc Dung mỉm cười:

– Ai biểu anh “tưởng” kỳ vậy?

– Thôi một lần, tôi tởn tới già. Nhưng…

Anh tài xế ngập ngừng hỏi Dung:

– Chắc phen nầy bác sĩ đuổi tôi quá phải không cô Hai?!

– Không sao đâu, ba tôi nóng nói vậy, chớ anh đâu có lỗi gì mà đuổi.

– Dạ. Nhờ cô Hai nói giùm.

Ngọc Dung gật đầu cho anh tài xế yên tâm rồi đi thẳng vào phòng. Nàng khóa cửa lại, nằm ngửa trên giường mở bức thư của Trân ra đọc:

Sài Gòn …

Em Dung yêu quí,

Đáng lẽ ra, anh gởi bức thư nầy lên Đà Lạt cho em, nhưng chỉ sợ em không đọc được và lỡ như lọt vào tay má em thì tai hại lắm.

Anh cố ẩn nhẫn đợi em về Sài Gòn, để được gặp em, nói chuyện rõ ràng hơn. Nếu em không về thì cuối tháng nầy anh cũng sẽ lên Đà Lạt tìm em. Lần nầy, dù có ”trời” cản, anh cũng nhứt định vào nhà. May mắn làm sao! Anh nghe bè bạn nói, em đã đi học trở lại ở trường Luật… Anh có đến trường đón em mấy lần đều không gặp, vì khi ra cổng, em đã vội vã lên xe về ngay… Sao vậy Ngọc Dung? Em định lánh mặt anh phải không? Thật anh buồn quá! Tại sao về Sài Gòn mà em không cho anh biết tin tức gì hết? Em tệ thì thôi! Anh nóng lòng muốn đến nhà thăm em, nhưng sợ gặp bác sĩ. Ông đã cấm anh không được lui tới, amh biết làm sao? Hôm nay, anh lại chờ em trước cửa trường để nói với em một vài việc nhưng lại sợ không gặp hoặc không thể nói chuyện được lâu, vì vậy anh viết thư nầy để giãi bày với em một sự thật rất đáng buồn!

Ngọc Dung,

Mấy lúc gần đây, anh rất khổ tâm nhưng vẫn âm thầm chịu đựng sự đối xử quá khe khắt của ba em. Dung ơi! Chỉ vì anh thương em, nên không phiền trách gì cả. Tuy nhiên, nhiều khi anh tự hỏi: “Không biết vì lẽ gì bác trai lại quá khó khăn đối với anh”.

Bây giờ thì anh đã hiểu rõ lý do rồi!

Anh sẽ nói hết sự thật cho em nghe. Nhưng anh chỉ yêu cầu em một điều là khoan giận anh, khi mới nghe nói đến sự thật. Em hãy hứa đi và cứ tạm tin lời anh, bao giờ có thể, anh sẽ đưa em đến một nơi, để cho em thấy rõ “bằng cớ”.

Ngọc Dung! Chắc em lấy làm lạ không hiểu sao anh cứ rào trước đón sau như vậy! Bây giờ, anh nói rõ đây… “Sở dĩ, từ lâu, bác trai ghét anh và không chịu gả em cho anh, cũng chỉ vì một người đàn bà…”

Ngọc Dung đọc đến đó, liền ngồi phắt dậy, đôi tay run run. Dù Trân đã nói trước là sự thật rất buồn, nàng cũng không bình tĩnh được. Vì một người đàn bà mà cha nàng đã làm thế ư? Người đàn bà đó là ai? Ngọc Dung lại cầm lấy bức thư đọc tiếp:

Anh nói thật đó Ngọc Dung. Chắc em vẫn chưa quên, cô thợ may ở tiệm Tây Thi trước đây mà có lần em đã hỏi anh về cuộc tình duyên ngắn ngủi giữa anh và cô ta. Cô thợ may đó, ngày nay là một vũ nữ trẻ đẹp, nổi tiếng ở các vũ trường thủ đô, tên là Diệp Thúy. Anh thật không ngờ Diệp Thúy đã quyến rũ được bác trai! Và hiện tại, bác trai đã mua nhà cho cô ấy ở… Rồi đây, anh sẽ đưa em đến đó để thấy rõ sự thật.

Anh nói bao nhiêu đó, em cũng hiểu vì sao bác trai oán ghét anh và đối xử hết sức bất công với anh? Bác trai biết rõ chuyện Diệp Thúy dan díu với anh từ ngày chưa làm vũ nữ lận… Ông tức giận là phải… Anh không phiền bác trai đâu, nhưng chỉ buồn vì sự không may của đời mình!

Thôi anh ngừng bút và tha thiết mong được gặp em…

Trân

Ngọc Dung buông bức thư xuống, nằm vật trên giường. Trời ơi! Có thể như thế nầy sao? Cha nàng có người yêu mà lại là một vũ nữ? Diệp Thúy! Diệp Thúy!

Nàng nhớ lại hết. Chính cha đã thuật rõ chuyện Trân làm hại cuộc đời một cô thợ may ở tiệm Tây Thi. Nàng có đến tiệm đó nữa và được nghe chính bà chủ tiệm kể hết câu chuyện. Bà cũng nói rõ là cô thợ may kia, đã trở thành một vũ nữ tên Diệp Thúy. Nhưng tại sao ngày nay, cha nàng lại yêu cô vũ nữ đó. Thế là nghĩa làm sao? Tất cả đều là sắp đặt hết ư? Có đúng như lời Trân nói chăng? Ngọc Dung ngồi dậy và muốn mang bức thư ra để hỏi cha ngay. Ông có thể hành động như vậy sao? Vì yêu một vũ nữ mà oán ghét người sắp sửa là con rể trong gia đình, bóp chết hạnh phúc đời con.

Không! Cha nàng không thể là người như vậy được. Ngọc Dung buộc tội cha rồi bênh vực cha. Nhưng, Trân dám viết bức thư nầy, tức nhiên anh ta đã có ít nhiều bằng chứng xác thực. Phải tìm gặp Trân để hiểu rõ sự việc ra làm sao?

Có tiếng Mộng Ngọc gọi bên ngoài:

– Dung à! Ăn cơm, con.

Ngọc Dung xếp bức thư lại, bỏ vào cặp, rồi lên tiếng cho mẹ yên lòng:

– Dạ! Con ra bây giờ.

Dung thay áo thật nhanh, xô cửa bước ra ngoài thì thấy mẹ vẫn còn đứng đó.

Mộng Ngọc nhỉn con, ngạc nhiên hỏi:

– Kìa con! Sao con xanh quá vậy?

Ngọc Dung đưa tay lên má, gượng cười, nhìn mẹ:

– Dạ… Con có sao đâu?

Mộng Ngọc đỡ lấy cằm con, cất giọng lo lắng:

– Liệu học không lại các bạn thì thôi, con nghỉ luôn sang năm học lại. Con ráng sức quá rồi bệnh cho coi.

Ngọc Dung chưa kịp nói thì Mộng Ngọc đã cất tiếng gọi Vũ:

– Mình à! Có thấy con Dung nó xanh quá không?

Vũ đang ngồi xem báo, trong lòng đang bực bội, nên nhìn về phía vợ nói:

– Ờ… liệu không đủ sức thì nghỉ luôn cũng được.

Mộng Ngọc thầm đoán chồng vẫn chưa hết giận anh tài xế, nên bảo nhỏ Ngọc Dung:

– Ba còn giận chuyện chú Năm lúc nãy đó. Ông có gặp con nói chuyện với Trân không?

Ngọc Dung gật đầu:

– Dạ có!

– Vậy hả? Hèn chi hồi nãy tới giờ, mặt cứ hằm hằm. Biết ổng muốn gây nên má cũng không thèm hỏi.

Vũ nghe vợ con thì thầm với nhau, lại càng bực bội hơn. Chàng buông tờ báo xuống hỏi, giọng gay gắt:

– Bộ tính không ăn cơm hả?

Mộng Ngọc ngước nhìn chồng, mỉm cười, đấu dịu:

– Sao lại không ăn? Kỳ hông…

Nàng đưa mắt nhìn Ngọc Dung như thầm bảo con hãy “thận trọng”, vì trong những lúc như thế nầy, một chuyện nhỏ cũng làm cho Vũ phật ý phiền lòng, sống với nhau ngoài hai mươi năm trời, Mộng Ngọc hiểu rõ tính chồng, nên trong gia đình ít khi có sự cãi vả vô ích. Ngọc Dung nhìn mẹ thầm kính phục sự chịu đựng của bà. Với tánh tình nòng nảy của cha, nếu mẹ không khôn khéo, dịu hiền thì gia đình làm sao êm thắm được! Tuy nhiên, Dung cũng nhận thấy sự nể trọng của cha đối với mẹ nàng, chớ không phải được thế mà ông lấn lướt, đàn áp mẹ nàng luôn.

Nhưng… nếu chuyện trong thư của Trân đúng là sự thật, liệu mẹ nàng có đủ sức chịu đựng để giữ cho gia đình tròn vẹn hạnh phúc không?

Bất giác Ngọc Dung thở dài, trong lòng buồn bã vô hạn. Mộng Ngọc kéo ghế ngồi xuống. Nàng khẽ bảo Ngọc Dung:

– Thôi! Con đi ăn đi chớ…

Ngọc Dung vâng dạ rồi ngồi kế bên cha. Vũ đã dịu bớt sự khó chịu trong lòng vì không gặp chuyện gì phật ý nữa. Sau khi hớp một muỗng canh, chàng cảm thấy khỏe khoắn hơn. Vũ ngước lên nhìn vợ, muốn phá tan bầu không khí nặng nề bao phủ bàn ăn, chàng gợi chuyện:

– Lúc nãy, thằng Trân đón Ngọc Dung ở trường đó…

Mộng Ngọc bắt chuyện với chồng ngay:

– Vậy hả mình?

Rồi nàng hỏi Ngọc Dung:

– Nó có nói gì không con?

Ngọc Dung chưa kịp trả lời Vũ tiếp:

– Thì cũng hỏi thăm nầy nọ vậy thôi. Nhưng tôi không muốn nó theo đuổi con Dung nữa. Thằng sở khanh đó thật là đáng ghét.

Ngọc Dung lặng lẽ nhìn cha và nàng nhớ ngay đến chuyện Diệp Thúy. Trân đã viết trong thư một câu có phần đúng:

Không biết vì lẽ gì, bác trai lại quá khó khăn đối với anh, Bây giờ thì anh đã hiểu rõ rồi…

… Bác trai biết rõ chuyện Diệp Thủy dan díu với anh từ ngày chưa làm vũ nữ lận… ông tức giận cũng là phải.

Tự nhiên, Ngọc Dung nhận thấy cảm tình của mình đối với cha giảm đi rất nhiều.

Vũ lại nói giọng nghiêm khắc:

– Nếu Trân còn quấy rầy con Dung, tôi sẽ đi thưa nó đó.

Mộng Ngọc lo sợ nhìn chồng:

– Mình tính vậy không được đâu? Thưa nó rồi còn chi là phẩm giá của con? Dù không có gì cũng mang tai tiếng, đâu có lợi cho mình!

Vũ lặng thinh, trong lúc Ngọc Dung trân trối nhìn cha. Nàng không ngờ cha tính quyết liệt như vậy! Đi thưa Trân mà không cần nghĩ đến “tai tiếng” của nàng! Vì hận Trân đã lấy Diệp Thúy trước kia mà ông đành lòng như vậy sao?!

Lần thứ nhứt trong đời, Ngọc Dung mới có ý nghĩ bất phục cha. Ồng vì “tình cảm cá nhân” mà ganh ghét với Trân rồi chận đứng cuộc hôn nhân của nàng, chứ có phải vì hạnh phúc của nàng đâu?! Thật đau đớn vô cùng! Cũng chính nhờ có bức thư của Trân mà nàng hiểu hết sự thật! Ngọc Dung cúi gầm mặt xuống “lùa” cho hết chén cơm, rồi đứng lên.

Mộng Ngọc và Vũ đều ngạc nhiên nhìn con, không hiểu sao Ngọc Dung ăn ít như vậy! Mộng Ngọc hỏi nàng:

– Dung! Sao con…

Ngọc Dung quay lại nói mau:

– Con… no rồi, mẹ à…

Nàng đi thẳng về phòng, không nhìn Vũ và cũng chẳng nói thêm một lời. Vũ và Mộng Ngọc đều không hiểu được thái độ của con. Hình như Ngọc Dung ngấm ngầm phản đối một chuyện gì?

– “Chắc nó nghe mình định thưa thằng Trân nên bất mãn?”

Vũ nghĩ thầm như vậy nên cất tiếng bảo vợ:

– Đó, em thấy không?

Mộng Ngọc ngơ ngác hỏi:

– Anh nói chi, em không hiểu?

– Em không thấy thái độ con Dung sao? Thật là con nhà “gia giáo”!

– Nhưng… nó có nói gì đâu mình?

Vũ buông đũa, thở ra:

– Còn nói gì nữa! Nó ra mặt bênh vực thằng Trân, chống lại anh đó, em không thấy sao?

Mộng Ngọc kêu lên:

– Trời! Con nó nào có nói gì mà mình buộc tội nhiều thế? Thì nó no, nó không ăn cơm, mình cũng rầy được.

– Không ăn cơm! Nó giận anh vì chuyện tính thưa thằng Trân đó, em không biết sao? Con gái gì thật…

Mộng Ngọc vẫn bênh con:

– Không phải vậy đâu mình.

– Thôi… anh thấy rõ lắm rồi. Nó còn yêu thằng Trân nhiều như vậy thì có tính toán gì cũng vô ích!

Vũ xô ghế đứng lên bỏ ngang chén cơm. Mộng Ngọc cũng thấy mình không nuốt trôi được nữa. Bầu không khí trong phòng trở nên nặng nề quá. Mộng Ngọc biết mình có nói gì bây giờ cũng bị Vũ gạt ngang. Vả lại, chính nàng cũng không hiểu được thái độ của con.

Tại sao Ngọc Dung lại làm thế? Từ nhỏ đến lớn, Dung vẫn là đứa con ngoan ngoãn, hiền từ. Nếu có phật lòng vì câu nói của cha, nó cũng âm thầm chịu đựng, chớ đâu có phản ứng quá rõ rệt như thế?

Mộng Ngọc gọi chị bếp lên dọn cơm rồi đi lại bàn uống nước. Chị bếp nhìn mâm cơm, nhìn ông bà chủ, không hiểu tại sao cả nhà không ăn cơm. Nhưng chị vẫn lẳng lặng dọn xuống bếp. Vũ ngồi yên trên ghế “salon” nhìn ra ngoài sân. Trời nắng chói chang, trong lòng chàng bực bội, khó chịu lắm. Mộng Ngọc ngó chồng rồi vói tay vặn chiếc quạt máy trên trần nhà. Hơi gió mát làm cho Vũ dịu xuống, thần kinh bớt căng thẳng, nét mặt chàng bớt cau có. Mộng Ngọc bưng tách nước đến bên chàng nói:

– Anh uống nước.

Vũ đỡ tách nước trên tay vợ, hớp một ngụm rồi nói:

– Em thấy rõ thái độ con Dung rồi chớ? Không hiểu tại sao nó thương yêu thằng kia đến như vậy?

Mộng Ngọc ngồi xuống chiếc ghế đối diện với chồng, lặng thinh. Muôn sự cũng tại nàng đã cho phép con giao thiệp với Trân mà không kiểm soát tình ý của nó, hay tìm hiểu rõ về Trân. Nàng để cho nó yêu Trân rồi mới chận đứng mối tình hai đứa thì có hơi muộn màng. Dù sao Trân cũng là người yêu đầu tiên của Ngọc Dung. Muốn cho nó quên đi cũng không dễ dàng gì?! Ngọc Dung rất có hiếu, nên từ mấy tháng qua, nó vâng lời cha mẹ lánh xa Trân, nhưng nó làm sao quên hẳn hình ảnh của Trân được…

Về Sài Gòn gặp lại Trân, có lẽ nó còn thương yêu nhiều hơn! Bởi thế, nên khi nghe Vũ nói đến chuyện đi thưa Trân, Dung mới có phản ứng rõ ràng như vậy. Mộng Ngọc chỉ xét đoán con qua những hiện tượng bên ngoài. Nàng đâu có ngờ, Trân vừa mới gởi cho con nàng một bức thư chứa đựng nhiều lời lẽ rất tai hại… Nàng bảo Vũ:

– Lỗi tại em, ngày xưa không chịu tìm hiểu Trân trước, mà để cho con giao thiệp quá tự do. Con gái mới lớn lên, một khi nó đã yêu rồi thì khó mà quên lắm.

Vũ nhìn vợ hỏi gằn lại:

– Không quên rồi mới làm sao? Gả con Dung cho thằng “sở khanh” đó à?

Mộng Ngọc lắc đầu:

– Mình sao nóng nảy quá! Em có nói như vậy đâu? Đó chỉ là điểm nhận xét của em thôi.

Rồi nàng đứng lên, tiếp lời:

– Để em gặp con xem sao? Từ nhỏ đến lớn, nó không khi nào có thái độ lạ lùng như vậy?

Vũ ngả lưng vào thành ghế, gay gắt:

– Khi đã yêu lậm quá rồi còn biết gì đến cha mẹ nữa.

– Mình nói, sao không tội nghiệp con? Nó không nghe lời mình thì đời nào nó lên Đà Lạt mấy tháng nay?

Mộng Ngọc nói xong đi thẳng về phía phòng con, vì không muốn cãi vã với chồng nữa. Vũ nhìn theo vợ thở dài! Chàng cũng đi vào phòng mình thay áo. Chưa bao giờ chàng thấy giận Ngọc Dung bằng lúc nầy.

Mộng Ngọc đến trước cửa phòng con, lên tiếng gọi:

– Dung à! Dung.

Ngọc Dung nghe tiếng mẹ, đáp lời:

– Dạ.

– Mẹ vào được không con?

Ngọc Dung vội bước xuống giường mở chốt cửa. Mộng Ngọc đi vào phòng và còn thấy những giọt nước mắt đọng trên má Ngọc Dung. Thì ra, Dung đã trở về phòng riêng, để khóc một mình! Nàng khẽ hỏi con:

– Sao vậy con? Hình như có chuyện gì buồn phải không?

Ngọc Dung ngồi xuống bên giường, lắc đầu:

– Thưa má! Con có buồn chuyện gì đâu?

Mộng Ngọc ngồi sát bên con, vỗ về:

– Ngọc Dung… con đừng giấu mẹ, Có chuyện gì vậy? Tại sao con không ăn cơm? Con phiền cha trách mẹ điều gì?

Dung gục đầu vào ngực mẹ, nói qua tiếng nấc:

– Con khổ quá, má à! Ba…

Rồi nàng im bặt. Mộng Ngọc ôm lấy đầu con trong lòng tràn ngập thương cảm. Nàng biết con cũng đã chịu khổ nhiều lắm rồi, nên hôm nay mới có sự phản ứng rõ rệt như thế. Dung nói đến “cha” rồi lặng thinh! Chắc là nó phiền trách Vũ đã đối xử quá khe khắt với Trân.

Nàng bảo con:

– Ngọc Dung… Con hãy nói ra cho mẹ biết vì sao con khổ? Con thấy không thể nào xa cậu Trân được phải không?

Ngọc Dung lắc đầu:

– Không phải… chỉ có vậy thôi…

Mộng Ngọc ngạc nhiên nhìn con:

– Nếu vậy… tại sao con khổ?

Ngọc Dung bối rối vô cùng. Nàng nghĩ không biết có nên đưa bức thư của Trân gởi cho nàng, nói về chuyện Diệp Thúy, cho mẹ xem chăng? Rồi thì mẹ nàng sẽ có thái độ nào trước sự thật quá phũ phàng? Liệu bà có chịu đựng nổi để gia đình được êm thắm không? Bao nhiêu ý nghĩ phức tạp dằng co trong đầu, khiến Ngọc Dung không làm sao mở lời dược.

Mộng Ngọc lại hỏi:

– Sao con không nói gì hết vậy?

Ngọc Dung nhìn mẹ định mở lời rồi lại thôi. Nàng đưa bức thư ra cùng không giải quyết được tình trạng hiện tại mà chỉ gây thêm sự đau khổ cho mẹ nàng. Thà là nàng cam chịu một mình… chớ nói ra rồi thì gia đình không thể nào tránh khỏi cảnh tan nát, chia lìa.

Mộng Ngọc đã hỏi nhiều lần mà Ngọc Dung không chịu nói, nên có vẻ giận đứng lên:

– Sao con khó bảo quá vậy? Buồn phiền gì mà cứ im ẩn như thế?

Ngọc Dung lo sợ nhìn mẹ nói:

– Thưa mẹ… con khổ vì ba con…

Mộng Ngọc quay lại:

– Vì ba con định thưa Trân chớ gì?

Ngọc Dung không biết nói gì thêm, đành gật đầu. Mộng Ngọc lại ngồi xuống bên con, hỏi nhỏ:

– Như vậy là con còn yêu Trân! Con chưa đủ can đảm để xa nó!

Ngọc Dung lặng thinh, không biết phải trả lời như thế nào. Mộng Ngọc thở dài chán nản:

– Thế thì con đi Đà Lạt làm gì mấy tháng nay cho vô ích? Cha mẹ đã nói nhiều về hành động đoản hậu của cậu Trân rồi, mà con vẫn còn yêu ư? Thật không biết phải tính sao bây giờ!

Ngọc Dung bị kẹt trong cái thế không mở lời được, nên chỉ lặng thinh, mặc tình mẹ muốn hiểu thế nào thì hiểu. Nàng không im lặng thì phải đưa ra bức thư và nói hết sự thật về mối tình thầm kín giữa cha và Diệp Thúy!

Mộng Ngọc thấy con chỉ lặng thinh thì cúi đầu buồn bã:

Theo sự xét đoán của cha mẹ thì Trân không đem lại hạnh phúc cho con đâu. Hắn kém “đạo đức” và đã hại biết bao cô gái ngây thơ chân thật. Con không ngại sao?

Thấy con vẫn ngồi im Mộng Ngọc thở dài:

– Mà thôi… mẹ đã nói nhiều rồi. Lặp lại mãi những lời đó con cũng nhàm lai. Mẹ chỉ khuyên con nên nghĩ kỹ hơn nữa đừng để phải khóc hận về sau nầy. Riêng với ba con…

Mộng Ngọc ngập ngừng một lúc mới nói:

– Riêng với ba con… mẹ sẽ lựa lời mà nói cho.

Ngọc Dung ngước lên nhìn mẹ thấy bà rơm rớm nước mắt thì không cầm lòng được, ôm chầm lấy mẹ nghẹn ngào:

– Má ơi! Con không bao giờ lấy chồng đâu…

Mộng Ngọc gượng cười, bảo con:

– Mẹ hiểu lòng con… Con không thế nào quên được Trân, nhưng cũng không muốn làm phật lòng cha mẹ… Giữa sự mâu thuẫn giằng co đó, con không khổ làm sao được! Hãy nghĩ kỹ một lần cuối cùng đi rồi tự quyết định lấy đời con.

Ngừng lại một phút, nàng tiếp:

– Có một điều mẹ khuyên con là hãy khéo đối xử với ba con. Ông tuy nóng nảy hay la rầy, nhưng lúc nào cũng nghĩ đến hạnh phúc của con. Hãy cẩn thận từng lời nói, từng cử chỉ, đừng có thái độ như vừa rồi, không tốt đâu con.

Ngọc Dung cúi gầm mặt xuống! Mẹ nàng không hiểu được sự thật, nên cứ tưởng lầm cha nàng cấm cản cuộc hôn nhân giữa nàng và Trân là vì hạnh phúc của nàng! Chớ bà có biết đâu vì sự ganh ghét riêng tư mà cha nàng đã làm thế!

Mộng Ngọc nhìn thẳng vào mặt con, hỏi:

– Ngọc Dung, con có hứa với mẹ như vậy chăng?

Ngọc Dung khẽ gật đầu:

– Thưa má… con hứa.

Mộng Ngọc đứng lên bảo con:

– Thôi con nằm nghỉ, để mẹ lựa lời nói với ba con. Hãy suy nghĩ thật kỹ, trước khi quyết định một việc hệ trọng nhứt đời! Và con cũng đừng quên là cha mẹ đều không đồng ý cho con kết hôn với người con đang yêu! Có làm như vậy, về sau nầy trong tương lai, con sẽ không phải ân hận hay trách phiền ai cả!

Nàng nói xong bước ra khỏi phòng, Ngọc Dung thẫn thờ nhìn theo mẹ. Cuộc hôn nhân giữa nàng và Trân không mấy quan trọng trong lúc nầy. Nàng chỉ nghĩ đến sự thầm lén giữa cha và cô vũ nữ kia. Đó là một sự việc quan trọng đang đe dọa hạnh phúc gia đình. Cha nàng, từ xưa nay, là một bác sĩ gương mẫu, đã gần 50 tuổi rồi mà không hề mang tai tiếng gì cả. Tại sao bây giờ, ông lại thay đổi tánh tình và nếp sống, đi yêu một cô vũ nữ, hư thân mất nết tự lâu rồi?! Ngọc Dung úp mặt xuống gối, lòng buồn chán hơn bao giờ hết. Nàng cảm thấy mình mất hẳn niềm tin ở cuộc đời.

Cha nàng, người mà nàng kính trọng thương yêu hơn hết, lại có thể hành động như vậy được sao? Với tuổi tác, địa vị hiện thời, ông đâu có quyền làm mất nhân cách, đi yêu một cô gái vũ trường! Ngọc Dung chưa từng hiểu biết về đời sống của những cô gái nhảy. Nàng hiểu theo quan niệm thông thường của các bà trong giới thượng lưu, thì đấy là một hạng “gái điếm” trá hình, sang trọng với hình thức bên ngoài, nhưng thối tha từ bên trong tâm hồn! Nàng hiểu theo cái lối “quơ đũa cả nắm”, nên cũng liệt Diệp Thúy vào hạng “mãi dâm tân thời”, đang bám vào cha nàng để rút ria tiền bạc…

Nàng nhớ đến bức thư của Trân và những lời cuối cùng trong thư:

– “Anh không ngờ Diệp Thúy đã quyến rũ được bác trai! Và hiện tại bác trai đã mua nhà cho cô ấy ở…

Rồi đây anh sẽ đưa em đến đó để thấy rõ sự thật…”

Ngọc Dung ngồi dậy và thấy lòng bình tĩnh trở lại. Nàng có đủ sáng suốt để đối phó trước hoàn cảnh nầy. Vì Diệp Thúy mà cha nàng gây trở ngại cho cuộc hôn nhân giữa nàng và Trân, khiến nàng phải đau đớn khổ sầu.

Giờ đây, nàng đã hiểu rõ sự thật. Nhứt định nàng không để yên cho “con bé” kia làm khổ gia đình nàng! Ngọc Dung biết chắc mẹ nàng sẽ khổ tâm hơn ai hết, khi chuyện kia được phanh phui. Bà khổ vì quá tin chồng, quá kính trọng chồng! Nhứt định là nàng phải chận đứng ảnh hưởng của Diệp Thúy đối với cha nàng, không cho nó “chạm” đến hạnh phúc gia đình nàng!

Tuy nhiên, Ngọc Dung vẫn chưa biết phải làm thế nào? Nàng chưa có kế hoạch rõ ràng để đối phó với hoàn cảnh. Chỉ có Trân mới giúp được nàng thôi, vì chàng hiểu rõ tánh tình Diệp Thúy và biết rõ nơi cha nàng đã mua nhà cho cô ta ở. Ngọc Dung nghĩ mình cần phải đến chỗ đó trước tiên rồi sau sẽ liệu. Và bây giờ thì không còn ai cấm cản nàng gặp Trân được nữa.

***

Bác sĩ Trọng cố lựa lời để hỏi Vũ, về câu chuyện đã khiến chàng thắc mắc. Trong bệnh viện nầy, hình như có một số nhân viên đang cố tình làm mất uy tín Vũ. Họ nghe mập mờ câu chuyện Vũ tỏ ra quyến luyến với nữ bệnh nhân; chỉ có thế thôi, nhưng họ lại tán rộng ra, trong khi trò chuyện, để gây thành luồng dư luận không hay. Vì Vũ là một bác sĩ gương mẫu từ trước đến nay, bỗng nghe nói chàng có hành động không đứng đắn thì ai cùng muốn biết… và ai cũng muốn tỏ ra mình thạo tin trước nhứt với chi tiết đầy đủ!

Do đó mà họ “bắt buộc” phải tạo thêm nhiều tình tiết lâm ly cho câu chuyện. Thế rồi mạnh ai nấy vẽ vời. Có người cho là mình đã gặp Vũ cùng đi với Diệp Thúy ra hãi biển Vũng Tàu. Người thì thở dài “ra điều” hối tiếc cho một vị hác sĩ có lương tâm chức nghiệp như thế mà lại hư hỏng! Người thì có lòng thương hại cho gia đình bác sĩ, đang yên vui tự nhiên xáo trộn.

Họ còn cho rằng vì Vũ yêu Diệp Thúy, nên bà bác sĩ phiền giận mới đem con lên Đà Lạt, không cho về nữa. Toàn là những điều suy đoán bịa đặt vô căn cứ, nhưng nó lại âm thầm lan ra. Trọng cũng biết nguồn dư luận kia đang làm hại danh dự và uy tín của bạn, nhưng không biết chận đứng bằng cách nào. Chàng gặp những nhân viên trong Hội đồng bệnh viện thì ai cũng tỏ ý trách phiền Vũ, nhưng vì Vũ đi vắng, họ cũng không biết phải làm sao?

Rồi không lẽ đem vấn đề kia ra bàn cãi giữa Hội đồng?! Không có nhân chứng làm sao đủ yếu tố bàn cãi để giải quyết?! Họ loan tin ra một cách vô trách nhiệm và không ai dám nhìn nhận chính mình nghe thấy. Thật là một chuyện vu vơ! Nhưng không kém tai hại. Bác sĩ Trọng đứng trước tình thế ấy, liền bàn với các bạn trong Hội đồng là sẽ gặp riêng Vũ để nói thẳng với chàng. Thế nên, sau khi Vũ ở Đà Lạt về, chàng tìm cách dò hỏi tâm tình của bạn ngay, Vũ vô tình không để ý đến thái độ của Trọng mà chỉ lo xem sổ bệnh nhân trong những ngày nghỉ việc, Trọng cũng làm ra vẻ vô tình kéo Vũ vào câu chuyện:

– Hổm nay, anh đi chơi đâu?

Vũ đang xem xét giấy tờ, vụt ngẩng lên nhìn bạn cười:

– Đâu có đi chơi, anh! Tôi lên Đà Lạt rước mẹ con Ngọc Dung về.

– Vậy ư? Chị và cháu về chưa, hả anh?

– Đã về rồi… À! Mộng Ngọc có bảo tôi mời anh hôm nào lại ăn cơm.

Bác sĩ Trọng vui vẻ nhận lời:

– À… Chị Ngọc mời là phải đi ngay. Chừng nào vậy?

– Anh muốn chừng nào cũng được! Đằng nầy sẵn sàng đãi.

Vũ mỉm cười, sau câu nói ấy, nhưng Trọng thoáng nhận thấy vẻ gượng gạo trong nụ cười của bạn. Trên trán Vũ hằn lên những lằn nhăn, chứng tỏ chàng có nhiều chuyện lo nghĩ, buồn phiền. Trọng nín lặng một lúc rồi hỏi bạn:

– Anh Vũ nầy…

Vũ ngước nhìn lên:

– Chi đó anh?

Trọng nghiêm giọng tiếp:

– Cái cô vũ nữ gì mà lúc trước bị lao rất nặng đó?

Vũ ngơ ngác, chưa hiểu vì sao Trọng lại hỏi mình câu đó? Chàng khẽ hỏi lại:

– Anh định nói gì?

Trọng nhắc nhở Vũ:

– Anh quên cô vũ nữ mà khi họ chở vào đây thì nặng quá, tôi không dám trị… mới giao cho anh đó sao?

Vũ biết bạn muốn nói đến đứa con bạc phước của mình, nên vội đáp:

– Anh muốn nói đến cô Diệp Thúy chớ gì?

– Phải rồi! Diệp Thúy, cô ấy bây giờ ra sao hả anh?

Vũ nhận thấy qua cái vẻ khác thường trong câu hỏi của bạn. Hình như Trọng muốn dò xét mình? Tuy nhiên chàng cũng đáp:

– Cô ấy hết bệnh đã lâu và đã rời bênh viện của mình rồi mà.

– Điều đó tôi biết, nhưng tôi muốn hỏi anh hiện tại Diệp Thúy ra sao?

Vũ chăm chú nhìn bạn. Nhứt định có chuyện gì xảy ra ở bệnh viện, nên Trọng mới đường đột hỏi mình như thế! Mà là chuyện gì? Chàng hỏi Trọng:

– Tại sao tự dưng anh lại hỏi tôi về chuyện Diệp Thúy?

Trọng đáp:

– Thì anh cứ nói rõ sự thật đi. Còn nhiều chuyện phiền phức lắm.

– Chuyện gì? Mà phiền phức cho ai?

– Anh chớ ai nữa! Tôi là bạn thân của anh, từ mấy mươi năm rồi không lẽ anh giấu tôi sao? Hội đồng bệnh viện sắp sửa nhóm phiên họp bất thường để xét vụ anh đó!

Vũ sửng sốt:

– Xét vụ tôi? Các anh làm như tôi mang trọng tội gì ghê gớm lắm vậy! Tại sao? Tôi làm gì mà các anh định đưa tôi ra Hội đồng?

Trọng lắc đầu:

– Thật khổ quá! Anh đã làm gì mà không tự biết sao? Thì đó. Tôi vừa mới hỏi anh mà anh vẫn chưa chịu trả lời cho rõ ràng. Cô Diệp Thúy hiện giờ ở đâu?

Vũ hỏi gằn lại:

– Việc đó có liên quan gì đến bệnh viện?

Bác sĩ Trọng thấy mình không thể nói quanh quẩn nữa. Cứ đi thẳng vào vấn đề, xem Vũ nói sao?

Vũ lại hỏi:

– Anh nói rõ đi. Tôi nóng lòng lắm.

Trọng đứng lên, qua lại trong phòng rồi lựa lời hỏi bạn:

– Giữa anh và cô Diệp Thúy có liên quan… mật thiết gì không? Trong bệnh viện mấy hôm nay, có một luồng dư luận không tốt cho anh. Họ bảo anh…

Thấy Trọng ngập ngừng, Vũ hỏi ngay:

– Họ bảo thế nào, anh cứ nói thẳng ra.

Trọng đứng dừng lại, nhìn thẳng vào mặt bạn:

– Họ hảo anh… có “đặc ân” riêng cho cô Thúy.

Vũ ngả lưng vào thành ghế, thở dài:

“Đặc ân” cho Diệp Thúy! Thật họ khe khắt quá. Tôi đoán biết thế nào cũng có người ganh ghét việc nầy. Họ muốn nói về chuyện tôi cho Diệp Thúy nằm quá thời hạn qui định của bệnh viện chớ gì? Thậl khổ cho tôi! Tôi hy sinh cả đời cho bệnh viện mà chỉ vượt qua quyền hạn mình một lần vì chút “tình cảm riêng tư”, cũng bị họ trách! Sao vậy hả anh? Mà những người đang chỉ trích tôi là ai vậy? Các đồng nghiệp hay nhằn viên trong bệnh viện?

Trọng đáp:

– Đó là dư luận chung, chớ không ai dám ra mặt chất vấn anh? Vả lại, họ chỉ nói đến chút “tình cảm riêng tư” đó, chớ không phải chỉ trích việc anh vượt quyền hạn.

Vữ ngạc nhiên hỏi:

– Sao? Anh nói gì tôi chưa hiểu kịp?

– Họ xoi bói về chuyện riêng tư giữa anh và cô Diệp Thúy.

– Nghĩa là sao?

Trọng đành nói thẳng:

– Họ bảo anh… “nặng tình riêng” với cô Diệp Thúy, nên mới lo lắng cho cô ấy!

– Trời! Anh nói gì vậy? Sao họ có thể hiểu chuyện riêng tư của tôi?

– Tôi đã bảo anh là dư luận chung hiện giờ như thế đó. Họ còn bảo anh mua nhà riêng cho cô Diệp Thúy ở nữa.

Vũ sửng sốt kêu lên:

– Giỏi thật. Vậy mà tôi cứ tưởng không ai biết chuyện của mình.

Đến lượt Trọng hoang mang, nhìn bạn:

– Anh Vũ! Như vậy chuyện đó có thật sao? Thế mà, tôi đã hết lời bênh vực anh.

Vũ lặng thinh không biết nói thế nào cho bạn hiểu rõ hây giờ? Theo dự tính của chàng thì khi tiệm sách của Diệp Thúy khai trương xong, chàng mới nói rõ sự thật cho con biết, mình là cha ruột của nó. Xong xuôi, chàng mới bảo cho Mộng Ngọc hiêt là mình đã gặp con của Hiền khi xưa. Rồi sau đó, chàng mới lần lượt giới thiệu con với các bạn thân. Nhưng bây giờ, Trọng lại biết trước chuyện riêng của chàng! Vũ khẽ gật đầu:

– Sự thật đúng như lời họ nói đó anh. Hiện tại, tôi đã lập xong một tiệm sách cho Diệp Thúy rồi.

Trọng nhìn bạn ngập ngừng:

– Nhưng… tại sao anh lại làm thế? Gia đình đang yên vui. Chị Ngọc là người vợ hiền. Cháu Dung sắp sửa lấy chồng… Anh không nghĩ đến sao?

– Sao lại không nghĩ tới? Mà gia đình tôi có mất niềm vui bao giờ đâu?

Trọng lắc đầu, nói:

– Chắc là chị chưa hay biết gì hết. Để rồi anh xem. Khổ lắm! Uy tín và danh dự của anh trong bệnh viện nầy đàng bị sút giảm nhiều rồi. Tại sao ngoài 50, mà anh còn nghĩ đến chuyện đó?

– Anh Trọng! Anh nói gì lạ vậy? Tôi không nghĩ đến làm sao được! Hình như có một sự hiểu lầm nào đó trong câu nói của anh.

– Còn lầm gì nữa! Chính anh vừa nói thật cho tôi nghe.

Vũ ngơ ngác nhìn bạn:

– Tôi nói gì?

– Thì… cái “tình riêng” giữa anh và cô Diệp Thúy! Anh còn tính chi chuyện đó cho mất tăm tiếng hết vậy? Cô ta là một vũ nữ, còn anh là một bác sĩ đã 50 tuổi rồi. Vợ con, gia đình đang sống yên vui, hạnh phúc. Anh yêu cô ta để rồi đi đến kết quả nào?

Vũ kêu to lên:

– Trời ơi! Anh điên rồi hả? Sao anh lại nghĩ một chuyện lạ lùng như thế được? Khốn nạn chưa? Cả bệnh viện đều nghi ngờ cho tôi là như vậy sao?

– Tại hành động của anh không được rõ ràng, minh bạch.

– Khổ quá! Các anh lầm cả rồi! Tôi… làm thế nào yêu… Diệp Thúy được. Trời ơi! Nó là con Lệ đó… Nó là con gái của tôi mà!

Bác sĩ Trọng chết sững, mở miệng mà không nói ra lời. Diệp Thúy là Lệ, là con gái của Vũ? Sao có chuyện trớ trêu như vậy được? Vũ tiếp:

– Các anh không chịu xét đoán cho kỹ càng, lại gán cho tôi một trọng tội. Diệp Thúy chính là con ruột của tôi mà. Suốt hai mươi năm trời tìm kiếm, tôi mới gặp được con.

Trọng ngồi xuống ghế, ôm lấy đầu:

– Tôi không còn hiểu thế nào được nữa! Diệp Thúy chính là con ruột của anh… nhưng sao lại thất lạc? Từ trước đến giờ, có bao giờ tôi nghe anh chị nói đến chuyện đó đâu? Tại sao tìm được nó mà anh vẫn giấu giếm chị Mộng Ngọc?

Vũ đốt thuốc, rồi ngả lưg vào thành ghế đáp:

– Vì Diệp Thúy có phải là con của Mộng Ngọc đâu? Mẹ nó đã chết lâu rồi…

Trọng trố mắt nhìn bạn, không ngờ từ bao nhiêu năm nay, Vũ vẫn mang trong lòng một nỗi tâm sự u hoài.

Chàng bảo bạn:

– Tôi không biết một mảy may gì về chuyện đó. Chúng mình là bạn thâm giao mà bao lâu nay anh vẫn giấu tôi.

– Tôi có nói ra thì cũng chỉ gây sự buồn phiền cho anh, ích lợi gì?

– Nhưng… mẹ của Diệp Thúy là ai vậy anh? Chúng mình biết nhau khi còn trên đất Pháp, tôi thấy ngoài chị Ngọc, anh có yêu ai nữa đâu?!

Vũ nhìn lên trần nhà, đôi mắt có vẻ xa xôi… Một lúc, chàng bảo bạn:

– Đó là chuyện ngông cuồng ngày còn trẻ, yêu thương mà không nghĩ tới trách nhiệm mai sau… Mẹ Diệp Thúy tên thật là Hiền, một thôn nữ ở làng Bình Hòa Phước, tỉnh Vĩnh Long. Tôi gặp nàng trong một dịp nghỉ hè, rồi yêu nàng trong sự bồng bột của tuổi trẻ. Tôi đã hứa hẹn để rồi không bao giờ nhớ đến những lời hứa của mình.

Vũ nín lặng, vẻ mặt hằn lên nét khổ đau. Trọng thở dài an ủi bạn:

– Tuổi trẻ lầm lẫn nhiều. Ai cũng vậy thôi!

Vũ tiếp:

– Thế rồi khi sang Pháp, quên hẳn nàng. Sau đó tôi cưới Mộng Ngọc và cuộc tình duyên của chúng tôi diễn biến như thế nào, anh cũng đã rõ… Duy chỉ có điều nầy, không ai biết…

Trọng chăm chú nhìn Vũ, chờ đợi. Vũ cất giọng từ từ:

– Khi ở Pháp về, tôi mở phòng mạch được gần hai năm thì một hôm Hiền mang con đến.

– Trời đứa bé đó là Diệp Thúy?

– Phải… Lúc ấy, nó tên là bé Lệ, Thanh Lệ. Tôi bối rối vô cùng, trước hoàn cảnh ngang trái đó vì không ngờ mình lại có con với Hiền. Khi đó Ngọc Dung cũng đã ra đời, mà Mộng Ngọc không hề biết một mày may gì đến chuyện kia?

Trọng nóng lòng hỏi:

– Rồi chị Hiền và Ngọc có gặp nhau không?

– Có anh à, nhưng không hề trò chuyện với nhau.

– Rồi làm sao anh?

Vũ buồn bã đáp:

– Hiền hy sinh, bồng Thanh Lệ ra đi biệt tích. Tôi đã tìm kiếm khăp nơi, nhưng chỉ hoài công.

Trọng tò mò hỏi:

– Thái độ của chị nhà… lúc ấy ra sao hả anh?

Vũ đáp nhỏ:

– Mộng Ngọc cũng thông cảm được hoàn cảnh khó xử của tôi, nên tỏ lòng hy sinh cao quí. Nàng âm thầm cho người tìm kiếm Hiền… cũng như đăng báo để nhắn tin cho Hiền…

Trọng gật đầu nói:

– Chị là người hiền dịu, xưa nay ai cũng biết. Nhưng rồi làm sao anh dám chắc Diệp Thúy chính là Thanh Lệ khi xưa?

– Lúc bệnh tình của Diệp Thúy hơi kha khá, nó lấy bức ảnh của mẹ ra xem, tôi nhìn thấy ảnh Hiền, mới dám chắc nó là con tôi.

Trọng lặng thinh không hỏi nữa. Chàng có ngờ đâu trong bệnh viện nầy, đã diễn biến một chuyện thương tâm đến thế. Mọi người đã không thấu hiểu giùm tâm sự đau thương của Vũ mà còn nghi ngờ một chuyện không đâu! Chàng vụt hỏi Vũ:

– Nhưng tại sao anh không nói thật ra cho anh em cùng biết; giấu giếm một mình làm gì cho mang tai tiếng. Nói với nhiều người, anh ngại thì anh cũng nên nói riêng cho tôi biết chớ.

Vũ thở dài nói:

– Tôi bối rối quá anh. Phần Diệp Thúy đang bệnh nặng, tính mạng như sợi chỉ mành. Nó lại mang trong lòng một mối hận đối với cha. Tôi sợ nói với một người nào đó rồi lỡ tiết lộ ra, nó biết được tôi là cha nó thì nguy hiểm vô cùng. Vì xấu hổ, vì hờn giận chuyện ngày xưa, nó dám tự tử lắm. Bởi thế mà tôi mới lặng thinh, chăm sóc cho con, lo cho nó hết bệnh trước đã.

– Theo lời anh thì chị Mộng Ngọc đâu quá khắt khe, tôi thấy chuyện nầy, anh nên nói thật với chị là phải chớ.

– Tôi cũng định thế nhưng lại muốn để chậm thêm ít lâu, lập cho Diệp Thúy một cơ sở vững vàng, cho nó quên đi cảnh đời nhơ nhớp cũ. Rồi nó gặp Mộng Ngọc và em nó là Ngọc Dung, nó cũng không mấy xấu hổ…

– Thế là chị Ngọc vẫn chưa biết chuyện nầy. Và Diệp Thúy… anh đã nói sự thật cho nó nghe chưa?

– Chưa anh à! Nhưng tiệm sách đã hoàn thành, tôi cũng sẽ cho nó biết nay mai.

Bác sĩ Trọng ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

– Tôi thấy anh không nên để chậm hơn nữa. Anh hãy nói rõ sự thật cho Diệp Thúy nghe đi, để tránh những sự hiểu lầm tai hại khác.

Vũ còn đang suy nghĩ thì Trọng đã nói thêm:

– Nhân viên trong bệnh viện nầy còn hiểu lầm anh được thì rất có thể Diệp Thúy cũng phân vân phần nào trước tấm lòng tốt của anh. Tôi nói ít, chắc anh cũng đủ hiểu.

– Nghĩa là anh sợ Diệp Thúy vì không biết mà… yêu lầm tôi.

– Vâng! Tôi sợ xảy ra chuyện đó lắm! Diệp Thúy không rõ được anh là cha của cô ta… thì sẽ phải nghĩ như thế nào, khi anh lại hết lòng chăm sóc đùm bọc, chở che?! Trị hết bệnh cho cô ta rồi anh còn mướn nhà, lập nghiệp cho cô ấy nữa! Hành động như vậy mà không giải thích rõ ràng làm sao người bên ngoài và cả Diệp Thúy khỏi phải hiểu lầm?

Những lời bày giãi của Trọng làm cho Vũ giựt mình.

Chàng hỏi bạn:

– Bây giờ tôi phải làm sao, hả anh?

Trọng nói:

– Anh nên gặp Diệp Thúy ngay và giải thích cho cháu hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện.

– Còn sự hiểu lầm của các nhân viên trong bệnh viện… Tôi làm sao nói rõ cho họ biết được?

– Việc đó anh không lo. Còn có tôi. Mai đây, tôi xin triệu tập Hội đồng bệnh viện mà xin một phiên họp bất thường với toàn thể nhân viên. Chính tôi sẽ giải thích cho họ rõ trường hợp anh tìm gặp Diệp Thúy.

Ngừng lại một phút, Trong tiếp:

– Sự thể đã như thế nầy, mình cứ nên nói sự thật là hay hơn cả. Ta chẳng nên úp mở hay bịa ra chuyện khác làm gì. Cũng cứ nói thẳng Diệp Thúy không phải con chị Mộng Ngọc.

Vũ không biết tính sao, chỉ gật đầu, nhưng chàng cũng nói thêm:

– Mong anh đừng đá động gì đến Hiền, để linh hồn nàng được thảnh thơi.

Trọng đáp:

– Anh không phải lo, Tôi sẽ lựa lời mà nói rõ cái tình “cha con” giữa anh và Thúy. Bây giờ, anh đi ngay đi. Đừng quên là còn phải giải thích cho chị Ngọc và cháu Dung hiểu rõ nữa đó.

Vũ nhìn bạn, gật đầu:

– Tôi hiểu rồi. Anh giúp tôi trông nom bệnh viện thêm vài hôm nhé. Tôi giải quyết yên chuyện nhà rồi mới lo tròn trách nhiệm của mình được.

Trọng nói:

– Anh không lo! Để mặc tôi.

– Bây giờ thì tôi đi đây.

Hai người bắt tay nhau. Vũ ra cửa lên xe lái thẳng đến tiệm sách của Diệp Thúy. Trọng nhìn theo bạn, trong lòng nghĩ ngợi băn khoăn. Không biết tai tiếng của Vũ và Diệp Thúy đã đến tai Mộng Ngọc chưa? Nếu Mộng Ngọc cũng nghe phong thanh chuyện đó như mình thì tai hại lắm.

Phải làm sao gỡ hết tai tiếng cho Vũ, đó là điều Trọng quan tâm hơn hết hiện giờ!

error: Content is protected !!