Đôi mắt người xưa – Chương 9

Bàn tiệc đặt xong, giờ khách hẹn viếng thăm cũng sắp đến. Ngọc Dung đang ngồi rắc hoa giấy lên bàn, trong lòng cảm thấy nôn nao khác thường.

Hôm nay bà Hội đồng, mẹ của Trân, hứa sang gặp cha mẹ nàng để làm quen. Đó là bước đầu chính thức hóa tình yêu giữa hai người. Thỉnh thoảng, Dung lại nhìn về phía phòng làm việc của cha. Từ sáng đến giờ, ông vẫn ngồi yên xem sách và hình như quên mất giờ hẹn tiếp mẹ Trân.

Mấy lần, Ngọc Dung toan nhắc nhở cha, nhưng rồi lại không dám. Nàng biết cha không thích Trân, nhưng chưa rõ vì sao? Đến khi đồng hồ gõ mười một tiếng. Ngọc Dung không còn tự chủ được, chạy xuống bếp nghẹn ngào:

– Má! Ba không thương con chút nào hết…

Mộng Ngọc ngạc nhiên:

– Chuyện gì vậy, Dung?

Ngọc Dung tiếp:

– Hôm nay là ngày quan trọng cả đời con mà xem chừng ba rất dửng dưng. Từ sáng đến giờ, ba vẫn ngồi xem sách trong phòng. Giờ nầy, ba cũng chưa thay quần áo nữa má.

Mộng Ngọc cũng hơi phiền lòng, nhưng cố an ủi con:

– Con đừng nghĩ quấy. Chắc ba đang bận nghiên cứu gì đó. Để má bảo ba con. Hơn nữa, mới 11 giờ hà. Khách 12 giờ mới sang, con quên sao?

Ngọc Dung lặng thinh, vẻ mặt vẫn chưa hết buồn. Mộng Ngọc giao công việc cho chị bếp rồi bảo Ngọc Dung:

– Vui lên chớ! Mặt buồn thảm như vậy coi chừng bà Hội chê đó.

Ngọc Dung bèn lẽn cúi đầu. Hai mẹ con vừa lên đến nhà trên thì thấy Vũ đã thay quần áo xong, đang ngồi đọc báo ở ghế “sa lông”.

Mộng Ngọc bảo nhỏ con:

– Con thấy ba chưa? Đâu phải ổng không biết nghĩ đến hạnh phúc của con. Nhưng chắc trong đầu ổng có điều gì lo nghĩ lung lắm. Lúc ngủ, ổng vẫn thường hay thở dài.

Ngọc Dung lo ngại:

– Hồi nào vậy má? Sao má không hỏi ba xem?

– Liên tiếp mấy đêm nay, ba con làm như người có tâm sự gì vậy, giống như hồi…

Mộng Ngọc thấy mình lỡ lời vụt nín lặng. Dung hỏi ngay:

– Giống như hồi nào, mẹ?

– Không! Mẹ nói lộn. Mẹ hỏi thăm đến thì cha con chỉ lắc đầu bảo không có gì hết. Nhưng mẹ biết chắc cha con còn giấu giếm điều gì.

Suýt chút nữa, Mộng Ngọc đã nói hớ đến câu chuyện giữa Hiền và Vũ ngày xưa, cho con biết rồi. Chuyện đó từ bao lâu nay, Vũ và nàng đều không muốn cho Ngọc Dung nghe đến.

Mộng Ngọc bước gần bên chồng:

– Xong hết rồi đó mình. Bây giờ chỉ còn chờ khách.

Vũ buông tờ báo xuống, quay lại nhìn vợ và con mỉm cười:

– Anh cũng sẵn sàng rồi đây.

Mộng Ngọc nhìn Dung cười nói:

– “Cô Hai” mới xuống bếp “nhỏng nhẻo” đó!

Vũ hỏi:

– “Nhỏng nhẽo” gì?

Ngọc Dung sợ mẹ nói ra sự thật, ôm lấy tay mẹ, năn nỉ:

– Thôi mà má…

Mộng Ngọc cười:

– “Cô Hai” trách ông không thương. Gần giờ khách qua mà không chịu thay quần áo, cứ ngồi xem sách.

Ngọc Dung mắc cỡ nói:

– Má kỳ quá hà.

Rồi nàng chạy vụt vào phòng, đóng chặt, cửa lại. Mộng Ngọc và Vũ mỉm cười nhìn nhau, Vũ nói nhỏ:

– Xem chừng con Dung nó thật tình thương cậu Trân, mình à.

Mộng Ngọc gật đầu:

– Thì em đã nói với anh… hôm trước. Anh vẫn cứ hay dè dặt.

– Mình cũng cần thận trọng chớ. Ngọc Dung đã yêu thì đâu còn biết phải trái gì! Em xem chừng cũng ưng ý rồi, thì phải để anh dò xét chớ? Cả một đời con gái nào phải chuyện thường. Lỡ ra cậu ta đã có con rơi, con rớt ở đâu, rồi mới làm sao?

Vũ nói một hơi dài mà quên nghĩ tới chuyện mình. Mộng Ngọc nhìn chồng mỉm cười. Nàng muốn nói một câu: “Như anh ngày xưa vậy đó “, nhưng không dám mở lời. Tuy nhiên, Vũ cũng đọc được ý nghĩ kia trong đôi mắt vợ, Chàng nín lặng không nói thêm nữa.

Hình ảnh bé Lệ vụt hiện lên trong óc chàng, một thân hình ốm đau tiều tụy. Mộng Ngọc thấy chồng tự nhiên buồn bã thì tự trách mình có cữ chỉ không đúng. Nàng vội nói để phá tan bầu không khí nặng nề:

– Mình lo lắng như vậy cũng phải. Em đâu có nói gì. Làm cha, làm mẹ là phải cẩn thận trước khi gả con…

Vũ vẫn lặng thinh nhìn ra ngoài trời. Mộng Ngọc ngồi xuống bên chồng, hỏi nhỏ:

– Mấy hôm nay, anh thấy trong mình thế nào? Sao em có cảm tưởng anh không được vui, hình như anh đang lo nghĩ nhiều lắm!

Vũ lắc đầu:

– Có chuyện gì lo đâu? Em cứ hỏi hoài.

Chàng nghĩ kỹ rồi. Không thể nào nói cho Mộng Ngọc biết chuyện Diệp Thúy. Điều đó sẽ gây thêm nhiều khó khăn khác. Nếu biết rõ sự thật, liệu Mộng Ngọc có thật tình yêu thương Diệp Thúy không? Hay nàng lại đâm ra khinh ghét!? Rồi còn Ngọc Dung? Còn Trân? Chuyện nầy biết đâu sẽ gây trở ngại cho cuộc hôn nhân giữa hai người. Diệp Thuy đang bệnh nặng, nếu có chuyện gì không khéo xảy ra, sợ nàng không sống nổi. Thấy chồng lặng thinh, Mộng Ngọc khẽ hỏi:

– Hay là vì chuyện gả Ngọc Dung mà anh lo?

Vũ lắc đầu:

– Không phải đâu em.

Rồi chàng nói, giọng hơi gắt:

– Anh đã nói không có chuyện gì hết sao em cứ hỏi tới, hỏi lui mãi? Nếu có anh giấu làm gì?

Mộng Ngọc cười, đấu dịu:

– Thì em lo, nên hỏi cho biết mà anh cũng rầy em.

– Em hay có tật đổ lỗi cho người ta quá hả. Anh có rầy em đâu?

Mộng Ngọc lại cười:

– Thì thôi. Em không hỏi nữa. Chuyện ít anh không nói ra để nhiều rồi… rồi không biết làm sao mà tính!

Vũ biết vợ ám chỉ câu chuyện ngày xưa nên rất khó chịu. Chàng thấy rõ theo thời gian, Mộng Ngọc lấn lướt chàng về chuyện đó. Đôi khi trong lúc bàn bạc vui chơi, nàng lại nói những câu xa xôi bóng bẩy, có ý ngầm trách chàng.

Một vài lần Vũ còn trả lời, nhưng nhiều lần khác, chàng lại thôi và làm như không hiểu được những ẩn ý của vợ. Lần nầy cũng thế, chàng lấy sự yên lặng để trả lời. Mộng Ngọc rất sâu sắc và tế nhị, phản ứng của nàng đối với chuyện Hiền trước kia cứ ngấm ngầm, dằng dai mãi. Hai người yên lặng rất lâu. Mộng Ngọc lại hỏi chồng:

– Anh đã tìm hiểu về cậu Trân chưa?

– Có. Hình như…

Mộng Ngọc nôn nao hỏi:

– Hình như sao anh? Chắc là không được đứng đắn chớ gì?

Vũ lắc đầu nói:

– Anh chưa rõ được. Anh nói hình như cậu Trân là bạn của Phiên, em anh Trọng đó!

– Vậy à! Thế mình hỏi cậu Phiên chắc biết mà.

– Anh định gặp Phiên, nhưng mấy hôm nay bận luôn.

Mộng Ngọc hỏi tiếp:

– Thế anh Trọng đã biết chuyện mình gả Ngọc Dung chưa?

– Chưa! Anh nhớ đã có lần gặp cậu Phiên và Trân đi chơi chung với nhau. Bây giờ, vì chuyện Ngọc Dung, anh mới để ý nhớ lại.

Ngay khi đó, có tiếng xe ngừng trước cổng. Vũ nhìn ra, bảo vợ:

– Bên cậu Trân sang kìa!

Mộng Ngọc đứng lên hỏi chồng:

– Mình ra đón họ vào hay cần có em.

– Để mình anh được rồi. Họ đến là để xem nhà xem cửa, xem mắt Ngọc Dung thôi, chớ có phải lễ lộc gì đâu mà phải giữ kỹ.

– Mình kỳ quá. Cứ nói đùa mãi. Thôi, em vào trong với con.

Vũ bước ra sân thấy Trân đi vào với mẹ. Bà Hội đồng xem chừng lớn tuổi hơn Mộng Ngọc, dáng đi khoan thai, sang trọng. Ở đàng xa, bà Hội đã chấp tay xá chàng, Vũ đáp lễ ngay. Trân cũng chấp tay vái chàng rất cung kính. Vũ mời bà Hội đồng và Trân vào nhà. Trong khi đó Mộng Ngọc dăn dò Ngọc Dung xong, bước ra chào bà Hội, rồi hai người ngồi đối diện với nhau trên “đi văng”. Vũ cũng ngồi xuống “sa lông” rồi bảo Trân:

– Cậu ngồi đi.

Trân không dám ngồi ngang mặt chàng mà ngồi xuống chiếc ghế ở cạnh cửa sổ.

Vũ cười nói:

– Cậu cứ sang đây. Quen biết nhiều, cần gì phải giữ lễ như vậy.

Bà Hội tuy đang ngồi nói chuyện với Mộng Ngọc, nhưng vẫn dòm chừng con trai. Trân thoái thác mãi. Vũ bảo hai ba lần mới chịu sang. Bà Hội xem chừng rất vừa ý về cử chỉ của con, nên bảo Mộng Ngọc:

– Thưa bà! Cháu tuy Tây học, nhưng tôi bắt giữ theo cổ tục ông bà. Coi cũng là “ông nầy, ông kia” rồi, chớ mỗi lần tôi giận là lạy sói trán.

Mộng Ngọc chỉ cười đáp lời bà Hội. Thỉnh thoảng, nàng mới hỏi một câu để hiểu qua về gia cảnh bà Hội. Nhưng xem chừng bà Hội là người thích nói nhiều, nên nàng chỉ hỏi hai câu là đủ rõ hết từ chuyện góa bụa của bà đến điền đất sự sản, sự cố gắng học hành đổ đạt của Trân, lòng chí hiếu của con v.v…

Bà Hội nói nhiều đến nỗi Mộng Ngọc không còn thì giờ để nói về gia đình mình. Chính Trân hình như cũng hơi khó chịu về tật nói nhiều của mẹ. Vũ để ý thấy thế. Chàng hỏi Trân rất ít, nhưng đề tìm hiểu những chỗ giao du của chàng:

– Cậu đỗ kỹ sư ở Sài Gòn?

– Dạ! Cháu đỗ từ năm 1956.

– À, có phải Phiên là bạn của cậu không?

Trân ngập ngừng nhìn Vũ:

– Thưa… Phiên nào?

– Phiên, em bác sĩ Trọng đó.

– Dạ… phải! Thưa bác, anh Phiên là bạn học cùng lớp với cháu từ hồi nhỏ ở Chasseloup.

Vũ gật đầu nói:

– Tôi nhớ có lần gặp hai anh em đi chơi chung với nhau.

– Dạ… trước kia, chúng cháu thân nhau lắm.

Rồi Trân lại tìm cách hỏi sang chuyện khác:

– Thưa bác! Lúc nầy bệnh viện có… đông khách không?

– Nhiều lắm! Không lúc nào có phòng trống! Nếu cố tiền mở thêm cũng còn bệnh nhân.

Chàng đáp lời Trân nhưng trong lòng còn nghĩ ngợi vẩn vơ. Chàng thấy rõ Trân không muốn mình hỏi thăm về Phiên!? Sao lạ vậy? Đã là anh em chơi thân với nhau, thì càng muốn nhắc nhở tới nhau chớ? Hay là tại Phiên đã hiểu quá nhiều về cậu ta? Vũ càng muốn được gặp Phiên để hỏi thăm tính tình của Trân. Mộng Ngọc bỗng quay nhìn vào trong. Theo sự sắp đặt của Mộng Ngọc thì Ngọc Dung phải ra cho bà Hội xem mặt một lần cho đúng phép. Đây là giờ phút nghiêm trọng dành để bà mẹ chồng tương lai xem tướng “nàng dâu”. Xem tướng đi có phúc hậu, giọng nói có vụt chạt, miệng có rộng quai xách, lưỡng quyền có sát phu, cầm có lẹm, chân mày đôi mắt có phải thuộc vào thứ lang chạ hay chăng? Bà Hội cũng như bao nhiêu bà mẹ chồng khác đang làm một cuộc “khảo sát” cô dâu, căn cứ theo kinh nghiệm bản thân, hay theo sự nhận xét thông thường của thiên hạ. Ngọc Dung bước ra.

Vũ chú ý nhìn và tự nhiên chàng thấy Ngọc Dung lớn hẳn ra. Con gái chàng trở nên điềm đạm, nghiêm nghị khác thường. Và Trân cũng trân trối nhìn người yêu, trong nét điểm trang kiều diễm và y phục hoàn toàn mới.

Cuộc viếng thăm “cầu thân” giữa hai gia đình kết thúc sau bữa cơm trưa và xem chừng bà Hội vui vẻ lắm. Vũ và Mộng Ngọc tiễn bà ra tận ngoài xe. Bà Hội lại nhắc thêm lần nữa mời hai vợ chồng Vũ sang bên nhà chơi. Như vậy chứng tỏ mười phần bà đã bằng lòng Ngọc Dung hết chín. Khi xe khách đi về rồi, hai vợ chồng lững thững trở vào nhà. Vũ không nói gì và cũng không bày tỏ một cử chỉ nào cả…

Mộng Ngọc có vẻ nghĩ ngợi:

– Sao bà Hội nói nhiều quá, mình ha?

– Ờ! Anh cũng nhận thấy thế!

– Xem chừng bà ta vừa ý Ngọc Dung lắm!

– Dĩ nhiên là vậy rồi. Tài sắc như con gái mình nào phải đâu dễ kiếm giữa thành phố nầy.

Mộng Ngọc nhìn chồng mỉm cười:

– Thôi đi ông! “Mèo khen mèo “…

Vũ cũng cười với vợ nhưng chàng nghĩ đến Phiên, em ruột Trọng… Chỉ có Phiên mới giúp được chàng trong sự quyết định gả Ngọc Dung.

***

Vũ đến nhà bác sĩ Trọng vào buổi chiều, nhưng Phiên đi chơi chưa về. Trọng hơi ngạc nhiên không hiểu sao tự nhiên Vũ đi tìm Phiên. Chàng hỏi bạn:

– Anh muốn gặp Phiên có chuyện gì?

Vũ cười đáp:

– Không có chuyện gì quan trọng đâu. Tôi định hỏi thăm Phiên về một người bạn của cậu ấy.

– Mà ai vậy anh? Bạn của Phiên tôi cũng biết nhiều lắm.

Vũ nghĩ mình có cho bạn biết về chuyện gả Ngọc Dung cũng không hại gì, nên nói:

– Tôi muốn hỏi thăm Phiên về cậu Trân đó.

– Trân nào? Kỹ sư Công chánh hả? Trước vẫn thường đi chơi với Phiên phải không?

– Phải! Đúng là cậu ấy rồi.

Trọng nhìn chàng dọ hỏi:

– Chi vậy anh?

– Tôi muôn biết rõ về cậu ta.

– Xem cũng lễ phép lắm mà.

Vũ cười:

– Bọn trẻ bây giờ ghê gớm lắm! Bề ngoài thì vậy chớ trong lòng thế nào mình làm sao hiểu thấu được. Có chơi thân với nhau, họa chăng mới hiểu rõ tánh tình.

Bác sĩ Trọng ngập ngừng hỏi:

– Sao tự nhiên anh chú ý tới tánh tình của cậu Trân đó nhiều vậy?

Vũ cười:

– Chẳng nói giấu gì anh. Trân yêu cháu Ngọc Dung và xem chừng cháu cũng mến cậu ấy lắm.

– À ra thế! Anh tính gả Ngọc Dung cho Trân?

– Tôi chưa định! Nhưng bên gia đình Trân lại tính tới… Hồi trưa nầy, bà Hội, mẹ cậu Trân có sang thăm và dùng cơm bên nhà tôi nữa.

Trọng đã hiểu hết mọi việc, nhưng chàng ngập ngừng muốn nói với Vũ một chuyện gì rồi lại thôi. Từ lâu, chàng có ý định hỏi cưới Ngọc Dung cho Phiên, ai ngờ Trân lại đến trước. Thôi, thà là nín lặng luôn để giữa bạn bè khỏi có sự bỡ ngỡ. Ngay khi đó, Phiên đi chơi về. Trọng gọi chàng vào phòng khách, Phiên thấy Vũ, cúi đầu chào rồi hỏi anh:

– Anh Hai gọi em.

– Anh Vũ muốn hỏi thăm em chuyện gì đó. Em ngồi xuống đi.

Phiên ngồi bên cạnh anh, nhìn Vũ chờ đợi. Vũ cất tiếng:

– Chắc cậu Phiên hiểu nhiều về kỹ sư Trân?

– Vâng! Trân trước học với em. Có dạo chơi thân với em lắm.

– Nghĩa là bây giờ không thân nữa.

Phiên gật đầu cười:

– Dạ hiểu nhiều nên khó chơi với nhau lắm anh.

Trọng xen vào:

– Em nói sao kỳ vậy? Bè bạn càng hiểu càng mến chớ. Như anh với anh Vũ đây, thân với nhau ngoài 20 năm trời có sao đâu!

Phiên đáp:

– Dạ cùng là người tốt với nhau thì đâu có hại anh. Càng hiểu nhiều càng mến nhau hơn chớ… Đàng nầy, khó nói quá anh.

Vũ nghiêm giọng nói:

– Như vậy là tôi đã hiểu cậu Trân không phải là người tốt.

Phiên lặng thinh không đáp. Vũ nhìn Phiên lặp lại câu hỏi:

– Có phải vậy không cậu? Chắc Trân không phải là người tốt?

Phiên không trả lời ngay câu hỏi đó, chỉ cất tiếng:

– Nhưng… Sao anh thắc mắc về tánh tình Trân quá vậy? Có chuyện gì không anh?

Vũ chưa kịp đáp, Trọng đã thay lời chàng:

– Chuyện nầy cũng hơi quan hệ đó em! Nói cho anh Vũ nghe, không ai trách em nói xấu bạn đâu!? Em xem như chuyện trong gia đình.

Phiên lặng thinh hồi lâu, mới nói:

– Trân không thành thật và trung hậu đâu anh. Chính vì vậy mà em không chơi với anh ta nữa. Mới biết qua, ai cũng mến Trân, nhưng một thời gian sau, hiểu anh ta hơn thì ai cùng tìm cách lánh xa.

Vũ gật đầu:

– Cậu nói có phần đúng. Nhìn vào đôi mắt Trân, tôi cũng đoán được sự thiếu thành thật…

– Anh ta nói thì dễ mến lắm, tưởng chừng như anh ta mang hết ruột gan ra chơi với mình… Nhưng sự thật, Trân nói cho có nói mà thôi. Những chuyện anh ta nói phần nhiều là chuyên bịa đặt, để chứng tỏ mình sành sỏi trong đời, hoặc để đề cao giá trị mình…

Trọng xen vào:

– Người như vậy cũng chưa hẳn là xấu lắm. Anh ta “dóc” mà không làm hại ai thì thôi chớ em.

Phiên nhìn anh:

– Sao lại không anh? Coi vậy mà Trân mánh lới lắm. Anh ta nhờ cái tốt mã mà nhiều người lầm. Nhứt là đối với các cô thì anh ta tồi lắm…

Vũ như bị điện giựt:

– Sao? Sao hả cậu? Trân không…

– Hắn ta chuyên môn phá hại đời các cô đó anh. Cô nữ sinh nào được hắn ghé mắt vào thì nhứt định thất thân với hắn.

Trọng lắc đầu bảo em:

– Bộ em nói con gái bây giờ dễ gạt lắm sao mà ai cũng có thể thất thân với anh ta.

Phiên lắc đầu:

– Em đã nói là Trân nhiều mưu chước lắm. Hắn đủ mánh lới để gạt các cô.

Vũ tái mặt trước những lời Phiên nói. Liệu Ngọc Dung có thoát được những mánh khóe của Trân chăng? Hay là con chàng đã … Trọng cảm thông nỗi lo âu của bạn, nhưng không biết phải nói sao bây giờ. Phiên vô tình vẫn tiếp tục nói:

– Em biết Trân nhiều, biết cả những mánh lới của y nữa! Các anh nghĩ xem, y giàu, có xe hơi Huê Kỳ, nhiều cô lại thích đi mới chết chớ. Trân có mướn một căn phòng thật sang ở buyn-đinh Rose… Em có lên một lần. Không cô nào bị Trân gạt đưa về đó mà khỏi thất thân với hắn.

Vũ lẩm bẩm:

– Bậy thật. Phải chi anh gặp Phiên sớm hơn!?

Trọng nói cho có:

– Thanh niên bây giờ chịu ảnh hưởng Âu Mỹ nhiều quá. Mướn phòng riêng để làm hại đời các thiếu nữ ngây thơ nhẹ dạ thì thật là quá lắm.

Phiên nói thêm:

– Đối với những tiểu thư nhà giàu đú đởn, ham chơi… có bị Trân gạt gẫm làm hại, em không nói làm gì. Vì không gặp Trân, họ cũng tự làm hại đời họ với những thanh niên khác, trong một trường hợp nào đó. Nhiều cô gặp trào lưu “đợt sống mới” Tây phương đang muốn mình trở nên nhân vật tiểu thuyết của Sagan. Những thứ người đó, mà anh giảng đạo đức với họ sẽ bị cho là lạc hậu ngay. Và họ gặp nhữhg người như Trân thì hợp lắm. Gặp nhau một vài tuần, vui chơi thỏa thích rồi xa nhau, chẳng ai đòi hỏi gì ai. Có khi gặp lại, họ xem như người dưng, kẻ lạ…

Trọng nhìn Phiên. Lần đầu tiên, chàng thấy em nói nhiều như vậy. Hình như những cảm nghĩ về thanh niên thời đại chất chứa trong lòng tự bấy lâu, nay được dịp, Phiên cho tuôn ra hết. Vũ hỏi Phiên:

– Nhưng cụ thể, cậu có thể cho tôi biết Trân đã có những thành tích xấu xa nào?

Phiên lắc đầu nói:

– Không thiếu gì anh ạ! Duyên nè, con của ông Trường, thương gia, sang Pháp phá thai cũng vì Trân. Chị Hạnh, bạn học cùng lớp với em và Trân đó, cũng bị Trân. Ối… còn biết mấy cô nữa anh …

Trọng kêu lên:

– Trời! Sao “ông đó” quá sức như vậy! Các cô biết tiếng anh ta sao không bảo chuyền nhau mà để mắc lừa mãi thế.

Vũ lo sợ cho Ngọc Dung lắm! Nhứt là lúc gần đây, Dung tỏ ra quá mến Trân, chàng càng lo ngại hơn lên. Phiên bỗng nói:

– Những… những cô kia là con nhà giàu anh ạ, họ thất thân một lần cùng không hại gì. Tự họ còn có cách làm lại cuộc đời. Chỉ tội nghiệp cho những cô gái nhà nghèo, đi làm việc mà gặp phải tay Trân. Có người phải đi vào con đường lầm lỡ luôn. Em vì bất nhẫn thái độ của Trân đối với cô thợ may mà em tuyệt giao với hắn.

Vũ nói trong sự lo âu:

– Tôi thật không ngờ cậu Trân đó lại là người ghê gớm đến vậy. Suýt chút nữa tôi cũng lầm luôn.

Phiên nói:

– Ở Sài Gòn bây giờ thiếu gì người như Trân? Có người còn dám làm “collection” hình hằng mấy mươi tình nhân của mình! Nói thì nghe như trong hát bóng.

Trọng bỗng hỏi Phiên:

– Lúc nãy, em nói cô thợ may bị Trân gạt như thế nào?

Phiên nhìn anh:

– Kìa hình như em có nói cho anh nghe một lần rồi. Cô ta trước học may ở tiệm Tây Thi của bà Sáu, ở góc đường nầy đó…

– Anh quên mất rồi.

– Cũng tại Trân lại đây chơi với em rồi thấy cô bé đó, nên mới sanh chuyện.

Thấy anh mình và Vũ đều chăm chú nghe, Phiên nói tiếp:

– Cô ấy ở Lục tỉnh lên nhà bà Sáu học may rồi làm công luôn ở đó. Cô ta đẹp lắm: con gái nhà nghèo nhưng gương mặt đều đặn, mũi cao, tóc xõa xuống vai giống như những cô gái Huế. Duy chỉ có đôi mắt thật là buồn.

Trọng mỉm cười hỏi:

– Sao mà em chú ý đến sắc đẹp của cô bé đó quá vậy? Em cũng mến cô ta nữa sao?

Phiên thành thật đáp:

– Vâng! Em mến cô ta không chỉ vì sắc đẹp, mà vì hoàn cảnh cô ta. Hình như cô ta bơ vơ có một mình, ở đùm đậu nhà bà Sáu học nghề để ăn cơm. Không lúc nào, em thấy cô ta cười. Cuộc đời cô ta có lẽ buồn lắm.

Trọng lắc đầu:

– Em không đỗ kỹ sư cũng phải, vì tâm hồn em là tâm hồn một thi nhân…

Vũ khẽ hỏi tiếp:

– Trân đã làm hại cuộc đời cô bé đó thế nào hả cậu?

– Dạ, có gì đâu khó khăn anh! Trân thấy cô bé đẹp mà lại ngây thơ thì thích ý nên chiều nào cũng lái xe đến thăm em. Cả tháng trời như vậy…

Trọng gật đầu nói:

– Anh nhớ ra rồi! Có lúc Trân đến nhà nầy rất thường, bữa nào đi làm về anh cũng gặp.

Phiên nói:

– Đó! Lúc ấy anh ta đã tò vè làm quen với cô gái bên tiệm Tây Thi rồi.

Vũ hỏi:

– Làm sao cậu Trân lại dụ dỗ cô kia được. Chắc cô kia là người không đàng hoàng?

Phiên lắc đầu:

– Em đã nói Trân mưu mô lắm! Em không rõ hắn nói thế nào mà tự nhiên bà Sáu chủ tiệm Tây Thi đuổi cô bé ấy đi. Hắn cho tiền hay phao vu cho cô kia việc gì đó, em không rõ nữa…

Trọng kêu lên:

– Trời! Sao Trân làm vậy được? Ý nó muốn gì?

– Nó muốn cho cô bé bơ vơ rồi giả bộ ra tay nghĩa hiệp. Nó đến chơi tiệm bà Sáu mấy lần, đặt may đồ cho mấy cô “bồ bịch” nó và nói là may cho mấy cô em gái. Bà Sáu được thêm khách, còn mấy cô kia đi may đồ khỏi trả tiền ai lại không ham? Nhưng ai thấu được dụng ý của Trân. May đồ, mà anh nghĩ, nó thưởng tiền cho mấy cô thợ may trong tiệm?! Cô nào cũng mến ông khách giàu và rộng rãi đó.

Phiên ngừng lại một lúc rồi nói:

– Thế rồi cô bé bị đuổi. Trân hờm sẵn để giúp đỡ cô ta trong khi hoạn nạn.

Vũ thở dài:

– Mưu mô của Trân khéo thật! Cô kia còn nhỏ dại lại bơ vơ, làm sao khỏi mắc lừa. Rồi sao nữa cậu?

Phiên cất giọng buồn buồn:

– Cô bé kia trong hoàn cảnh bơ vơ, đói rách, phải nhận sự giúp đỡ của Trân, vả lại, anh ta làm ra vẻ bất vụ lợi và chinh phục cô bé từ từ. Đến lúc em thấy cô bé về ở buyn-đinh Rose và chưng diện như một thiếu nữ đài các là em biết cuộc đời cô ta đã hỏng! Từ đó không có tiệc tùng nào mà Trân không đưa cô ta đi. Lúc đầu, anh ta mê cô bé ấy lắm và bỏ rơi hết những cô khác. Trân có lần tuyên bố với các bạn sẽ cưới cô ấy luôn.

Trọng lắc đầu:

– Coi bộ cậu nầy lên đến hàng “đểu” quốc tế rồi… Ai cậu ta cũng tuyên bố cưới hết vậy!

– Đúng thế, anh ạ. Chị Hạnh, cô Duyên đều bị anh ta gạt cưới hỏi mà khổ cả một đời…

Vũ khổ tâm lắm! Liệu Ngọc Dung có bị Trân lừa dối mà thất thân với hắn không? Chàng nôn nao muôn trở về nhà ngay để nói chuyện cho Mộng Ngọc nghe rồi thì tùy nàng khéo hỏi con thế nào thì hỏi. Nhưng chàng vẫn thắc mắc về chuyện cô bé thợ may, nên hỏi Phiên:

– Thế Trân có cưới cô bé đó không?

Phiên cười chua chát:

– Thằng “đểu” mà cưới ai anh? Nó làm bộ cho ai cũng thấy nó thành thật. Nó tập cho cô bé khiêu vũ nữa, rồi đưa đi dự những buổi “trà vũ” tại nhà bè bạn. Mấy năm trước, cô bé đó là hoa khôi của những “bal” gia đình các sinh viên. Nhưng tánh Trân hay chán lắm. Đâu được một năm gì đó là nó bỏ rơi cô bé…

Trọng cất tiếng:

– Tội nghiệp không. Rồi cô ta mới làm sao?

– Lúc Trân bỏ rơi cô ta còn đẹp lắm, nên cũng có một hai cậu nhảy vào, làm ra tay “hào hiệp” cứu vớt đời hoa! Cô bé bơ vơ cứ phải sống như thế, cho đến một ngày kia đành đi làm vũ nữ! Nguyên nhân vì sắc đẹp của cô ta giảm đi rất nhiều, người “hào hiệp” không còn để tâm tới nữa!

Mọi người đều lặng thinh, sau câu chuyện mà Phiên vừa kể. Vũ đã hiểu rõ lắm rồi… Bao nhiêu đó cũng đủ chàng chỉ cho Ngọc Dung thấy sự đểu giả của Trân. Một điều khiến chàng lo hơn hết là không biết Ngọc Dung bị Trân làm hại chưa? Nếu Ngọc Dung không biết giữ gìn để thất thân với Trân thì chắc chàng sẽ giết chết tên khốn kiếp đó quá!

Vũ đứng lên bảo Phiên:

– Cám ơn cậu lắm. Cậu đã giúp tôi rất nhiều.

Rồi chàng quay sang Trọng:

– Tôi về đây. Tôi có chuyện nhà cần giải quyết gấp, ngày mai anh thế giùm tôi một hôm ở bệnh viện nghen!

Trọng gật đầu, vừa đưa bạn ra cổng, vừa nói:

– Anh cứ yên tâm, đã có tôi. Riêng về chuyện cháu Ngọc Dung, tôi muốn khuyên anh một điều…

Vũ nhìn bạn chờ đợi. Trọng cất tiếng:

– Anh liệu khéo léo từ chối cuộc hôn nhân. Đừng nên nóng nảy, cháu Dung sẽ buồn khổ nhiều mà mình còn mang tai tiếng nữa.

– Cám ơn anh! Tôi sẽ liệu cách cho Dung hiểu rõ tâm địa của Trân. Kể ra cũng may lắm đó. Nếu không gặp cậu Phiên thì chắc gia đình tôi còn khổ nhiều hơn…

Vũ xiết chặt tay bạn rồi lên xe. Chàng về đến nhà không thấy Ngọc Dung đâu mà chỉ có Mộng Ngọc nằm đọc báo trên “đi văng”. Mộng Ngọc nghe tiếng giày của chồng, liền ngồi dậy, mỉm cười. Vũ ngồi xuống bên nàng hỏi nhỏ:

– Ngọc Dung đâu rồi em?

Nhìn thấy vẻ nghiêm trọng của chồng, Mộng Ngọc lo ngại đáp:

– Con ở trong buồng. Có chuyện gì vậy anh?

Vũ nhìn quanh xem có ai ở đó không rồi bảo vợ:

– Anh đã gặp cậu Phiên, em anh Trọng.

– Phiên nói sao? Trân có được không?

Vũ lắc đầu đáp nhỏ:

– Chúng ta lầm hết rồi! Trân “đểu cáng” lắm!

Mộng Ngọc sửng sốt kêu lên:

– Sao! Mình nói sao? Trân “đểu”? Không có lý… Cậu ấy хеm hiền hậu như vậy mà? Anh coi chừng “người ta” thấy mình sắp gả con cho cậu ấy nên đặt điều nói xấu đó.

Vũ lắc đầu:

– Em bình tĩnh, đừng nói không suy nghĩ mà mích lòng anh Trọng và cậu Phiên. Phiên có biết mình sắp gả Ngọc Dung cho Trân đâu mà đặt điều. Vả lại, chuyện cậu ấy kể cho anh nghe, đều có bằng cớ hẳn hòi.

Thấy Mộng Ngọc lặng thinh, Vũ từ từ thuật lại tất cả những chuyện về Trân, từ gian phòng ở buyn-đinh Rose đến chuyện lường gạt cô thợ may ở tiệm Tây Thi của bà Sáu… Chàng kể lại tỉ mỉ từng đoạn và Mộng Ngọc chỉ còn biết kêu trời. Sau cùng Vũ nói:

– Bây giờ anh chỉ còn đi tìm những nạn nhân của Trân để xác minh những lời cậu Phiên đã nói.

Mộng Ngọc tức bực bảo chồng:

– Con người như vậy mà dám đi hỏi Ngọc Dung. Mà con mình nó cũng ngu lắm, không chịu xét người cho kỹ.

Vũ mỉm cười nhìn vợ, nói nửa chơi nửa thật:

– Đến mẹ nó cũng không khôn gì hơn! Một cũng gả, hai cũng gả. Tôi có ý cản mà cũng có người muốn phiền thì sao?

Mộng Ngọc biết lỗi lặng thinh. Một lúc, Vũ khẽ nói:

– Còn một chuyện mà anh lo quá mình.

– Chuyện gì hả anh?

Vù thấy khó nói vô cùng. Chàng ngập ngừng mãi mới mở lời được:

– Thằng Trân… nghe đâu có nhiều mánh khóe làm hại các cô gái ngây thơ lắm! Nó có một gian phòng ở buyn đinh Rose rất sang trọng… Cô nào tin lời nó lên đó là thất thân với nó ngay. Anh sợ Ngọc Dung…

Mộng Ngọc hiểu ngay ý chồng, vội lắc đầu:

– Không đâu! Em tin con mình lắm! Ngọc Dung ngoài giờ đi học, không bao giờ đi đâu mà chẳng hỏi em.

Vũ vẫn không hết lo âu:

– Con gái mới lớn lên, dù có học nhiều cũng chưa hẳn đã khôn về vấn đề ấy. Anh thấy mấy lúc gần đây, Ngọc Dung tỏ ra quá quyến luyến thằng Trân. Anh sợ…

– Em đã bảo là không nên sợ gì hết. Con em, em biết tánh ý nó mà…

Vũ đứng lên gắt:

– Em cứ tin chắc mà không chịu tìm hiểu, cần phải hiểu rõ sự thật rồi mới nói cho con biết sự đểu giả của thằng Trân chớ. Lỡ ra nó bị… hại rồi, mình đem nói những chuyện “tồi” của thằng Trân ra, nó quá tuyệt vọng đi tự tử rồi em làm sao?

Mộng Ngọc lặng thinh, Vũ nói có lý. Nàng ngước lên nhìn chồng hỏi:

– Bây giờ phải hỏi con như thế nào anh? Em thật bối rối quá.

Vũ ngẫm nghĩ một lúc, bảo vợ:

– Thôi em khỏi bận tâm. Cứ để mặc anh…

– Trời! Anh đi hỏi con về chuyện đó, coi sao phải… Vả lại, nó đâu dám thú thật với anh?

– Em không lo. Từ trước đến nay, anh đâu có khe khắt với con. Anh sẽ lựa lời để nói với con và anh tin chắc nó sẽ không giấu giếm gì hết.

Mộng Ngọc phản đối:

– Em thấy kỳ lắm. Đâu có người cha nào trong gia đình mà đi hỏi con gái như vậy…

– Anh cũng biết thế! Nhưng mai đây, anh còn đưa Ngọc Dung đến những nơi mà Trân đã phá hại đời người ta… cho nó hiểu rõ “ý trung nhân” của nó hơn! Trước tiên, anh đưa con đi đến tiệm “Tây Thi”” may đồ, rồi liệu cách hỏi về cô thợ may kia! Nghe đâu, bây giờ đã đi làm vũ nữ rồi đó…

Mộng Ngọc không nói nữa. Vũ ngồi xuống bên vợ:

– Hoàn cảnh hơi khó khăn, em cứ tin cách giải quyết của anh. Anh có cách hỏi và Ngọc Dung sè thẳng thắn trả lời.

Mộng Ngọc gật đầu:

– Vâng! Em xin nghe lời anh. Thôi, anh thay đồ rồi ăn cơm trước đã.

Suốt bữa cơm, hai vợ chồng không đá động gì đến chuyện Trân. Ngọc Dung có vẻ vui lắm, vì sáng nầy nghe chừng bà Hội và cha mẹ nàng rất hòa hợp với nhau. Hơn nữa, lúc chiều, Trân có lái xe đến nhà và hẹn gặp nàng trưa mai khi tan lớp học, chàng hứa sẽ đưa nàng đến căn phòng trên một buyn-đinh sang trọng mà chàng vừa mới mướn, để vợ chồng ở với nhau, sau khi cưới hỏi.

Ngọc Dung rất nôn nao trong dạ, trước những dự định về tương lai. Sau bữa cơm tối. Mộng Ngọc đi vào phòng để cho Vũ tự do nói chuyện với con. Ngọc Dung cũng đứng lên định bước ra hành lang hứng mát thì Vũ đứng lên nói:

– Dung! Con chờ ba với.

Ngọc Dung quay lại nhìn cha mỉm cười. Hai cha con đi sát vào nhau, ra sân ngoài. Ánh đèn tỏa sáng tờ mờ đủ cho Vũ nhìn thấy vè mặt tươi vui của con gái. Lát nữa đây, Dung sẽ được nghe hết câu chuyện tồi tệ về Trân, liệu nàng có giữ được vẻ mặt như thế chăng? Ngọc Dung đến bên một chiếc băng ngồi xuống rồi ngước nhìn cha hỏi:

– Ba thấy má anh Trân thế nào hả ba?

Vũ ngồi xuống bên con, đáp:

– Bà Hội cũng vui tính quá chớ con?

– Dạ. Sớm mai nầy, sao con run hai cái chân quá ba! Con hỏi má, má nói cô gái nào, cha mẹ chồng đi coi cũng vậy hết… À… Mà má con hồi đó có vậy không hả ba?

Vũ phì cười:

– Ba với má hồi đó cưới nhau bên Pháp, có ai đi coi mắt đâu mà run!

Ngọc Dung chớp đôi mí mắt:

– À há… Ba má cưới bên Tây nè, con nhớ rồi. Ông ngoại ưa nói chuyện đó cho con nghe lắm! Ông ngoại nói cưới hỏi ở bên ấy mà ở Sài Gòn, ông ngoại cũng đãi tiệc rần rần, đông lắm…

Rồi Ngọc Dung ngừng lại hỏi Vũ:

– Mà ba có chịu anh Trân chưa ba? Có chịu làm sui với má anh ấy không ba? Hồi chiều, má con nói “bả” chịu rồi đó.

Vũ nhìn con thấy khó mở lời. Chàng nói đẩy đưa:

– Bà Hội cũng là người đàng hoàng đó. Để rồi… xem sao?

Ngọc Dung hỏi tới tấp:

– Nghĩa là ba… chưa quyết định hả ba?

Vũ vụt nhớ ra điều gì vội nói:

– Kìa con! Người ta mới làm quen, chớ nào đã chính thức hỏi cưới con đâu mà bảo ba quyết định? Bên cậu Trân, chưa đánh tiếng hỏi nữa mà? Chắc gì bà Hội chịu cưới con cho cậu ấy?

Ngọc Dung mỉm cười bí mật:

– Chịu rồi, ba à!

– Sao con biết?

– Con có gặp anh Trân hồi chiều nầy.

Vũ ngạc nhiên nhìn con, hỏi lại:

– Đã gặp rồi? Mà con hẹn ở đâu?

– Dạ anh ấy lái xe đến sau biệt thự của mình nè. Ảnh nhờ chị bếp gọi con. Ảnh cho biết là má ảnh vừa lòng con lắm… Độ ít lâu nữa, bà sẽ đến hỏi con cho anh Trân. Nếu xong bà sẽ xin cưới ngay.

Vũ lộ vẻ suy nghĩ:

– Vậy hả? Sao mà bà Hội tính gấp quá vậy kìa! Mới hôm nào đây, ba nghe “đứa nào” tính hỏi rồi để đó, đợi ra trường đã…

Ngọc Dung bẽn lẽn cúi đầu:

– Dạ, con tính vậy, nhưng anh Trân, ảnh muốn cưới gấp hà ba. Ảnh nói cưới rồi mướn nhà ở riêng, con cứ đi học, ảnh đi làm việc có sao đâu? Con nghe cũng phải… hả ba?

Vũ chỉ gật đầu lấy lệ:

– Ờ… Ờ…

Chàng đã nhìn thấy phần nào toan tính của Trân. Nhưng tại sao, Dung lại quá nghe lời Trân như vậy? Vũ nhìn con thấy cần biết rõ mối tình giữa Dung và Trân đã đi đến mức độ nào rồi? Trước sau gì, chàng cũng hỏi, thì có quanh quẩn cũng vậy thôi… Vũ khẽ gọi Ngọc Dung:

– Con!

– Dạ.

– Con là đứa con duy nhứt của ba má. Chắc con cũng hiểu lòng thương yêu của ba má đối với con như thế nào?

Ngọc Dung cúi đầu đáp nhỏ:

– Dạ, con hiểu lắm.

Rồi nàng ngước nhìn lên:

– Nhưng sao ba hỏi con như vậy? Con có làm điều gì lầm lỗi chăng?

– Không có gì đâu! Nếu có lầm lỗi cũng không phải hoàn toàn do con. Mà ba má cũng có phần trách nhiệm…

– Ba nói gì con không hiểu?

Vũ chậm rãi tiếp lời:

– Lần lần rồi con sẽ hiểu! Bây giờ con hãy hứa với ba một lời nghen?

– Dạ… hứa thế nào, hả ba?

– Hứa là con nói hết sự thật. Con đừng giấu giếm ba bất cứ việc gì.

Ngọc Dung gượng cười nói:

– Thưa ba. Từ nhỏ đến lớn con vẫn vậy… Không bao giờ con giấu giếm ba má việc gì cả!

Vũ gật đầu:

– Như vậy con ngoan lắm! Nhưng việc nầy rất hệ trọng, không phải chuyện thường đâu. Nó có liên quan tới hạnh phúc tương lai của con.

Ngọc Dung sững sờ nhìn cha, không hiểu tại sao tự nhiên ông nói lạ vậy? Nàng hỏi:

– Xin ba nói ngay đi. Con băn khoăn quá.

Vũ cất giọng đột ngột:

– Con có thường đi chơi riêng với Trân không?

Ngọc Dung vẫn chưa hiểu gì, nên ngập ngừng đáp:

– Dạ. Cũng một đôi khi… rảnh rang. Nhưng lần nào đi chơi với anh Trân con cũng có hỏi má hết.

– Con thường hay đi đâu? Ra ngoại ô? Hay đi ciné?

Ngọc Dung lắc đầu:

– Dạ không! Con đâu có ra ngoại ô lần nào? Còn ciné thì có đi một lần với mấy chị bạn nữa.

Vũ cảm thấy nhẹ nhõm cả người. Chàng thở ra khoan khoái. Nếu vậy, chắc Ngọc Dung… chưa bị Trân làm hại. Nhưng muốn chắc chắn hơn, chàng hỏi thêm:

– Thế Trân và con thường đi chơi ở đâu?

– Dạ… Đi vòng vòng chợ Sài Gòn, đường Lê Lợi… Có lần đi vô Sở Thú, vô Viện Bảo tàng… xem đồ cổ đó ba.

– Như vậy thôi sao?

– Dạ!

Đến lượt Ngọc Dung nhìn cha hỏi lại:

– Sao tự nhiên ba lại hỏi con như vậy?

– Ba muốn biết rõ cậu Trân đưa con đi chơi những đâu vậy mà! Cậu ấy có mời con lên… buyn đinh… không?

– Dạ có… ba à.

Vũ sửng sốt nhìn con rồi hỏi ngay:

– Trân có mời con lên buyn-đinh nữa sao?

– Vâng!

– Từ bao giờ vậy con? Mà con có đi không?

Ngọc Dung ngạc nhiên, mở to đôi mắt ngó cha. Tại sao, tự dưng cha nàng hốt hoảng lên như vậy? Nàng ngập ngừng đáp:

– Thưa ba! Anh Trân mới mời con hồi chiều nầy. Con… chưa nhận lời… nhưng con hứa sau giờ học ngày mai… Dạ, ảnh nói sẽ đưa con đi coi gian phòng ở buyn-đinh nơi vợ chồng sẽ ở với nhau, sau ngày cưới… có được không ba?

Vũ yên tâm hơn, nhưng chàng cũng hỏi thêm Ngọc Dung:

– Nói rõ ra, từ trước đến nay… chưa bao giờ con đi với Trân vào một chỗ nào, mà thiên hạ có thể hiểu ngầm những điều không tốt hả con?

Ngọc Dung nhìn sững cha và chỉ lắc đầu không đáp. Vũ mừng lắm. Chàng thấy rõ một phần dã tâm của Trân. Hắn không để chậm trễ một phút nào cả! Nhứt định là hắn sẽ đưa Ngọc Dung về buyn đinh Rose chớ không đâu khác, nơi mà hắn đã phá hoại bao nhiêu mảnh đời non dại! Vũ chợt nghĩ:

– “Nếu Trân có hậu ý tồi tệ đó, sao hắn lại đưa mẹ tới đây hỏi cưới Ngọc Dung? Tại sao hắn ràng buộc mình vào chuyện “chính thức” của hai gia đình cho thêm phiền phức ?”

Rồi chàng thầm nhủ:

– “Có lẽ Ngọc Dung khéo giữ nề nếp nên Trân không giở thói “đểu giả” ra với nàng được, buộc lòng hắn phải dùng tới lá bài “cưới hỏi giả hiệu” cho nàng tin tưởng!” Với thủ đoạn đó, con nhà nề nếp, gia giáo cũng có thế bị lừa. Vì các cô tin tưởng trước sau gì, người đó cũng là chồng mình, việc “phạm trái cấm” có cần gì phải tránh. Nhưng có biết đâu, khi toại nguyện rồi những thằng đàn ông như Trân rất có thể giở ngón phủ phàng, tìm cách “hồi hôn” với nhiều lý lẽ chính đáng, mà chúng sẽ tìm ra không khó”.

Ngọc Dung thấy cha lặng thinh, ngập ngừng hỏi:

– Thưa ba! Sao ba lại hỏi con lạ vậy? Có ai đàm tiếu gì về chúng con chăng? Về chuyện đến buyn-đinh xem phòng… có hại gì không ba? Con có bảo anh ấy hỏi ba, nhưng ảnh bảo: “Đi coi phòng một chút mà cần gì hỏi”.

Vũ thấy đến lúc không nên giấu giếm con gì nữa hết. Chàng nghiêm giọng bảo Ngọc Dung:

– Hiện giờ thì chưa ai đàm tiếu gì về con đâu? Nhưng ba muốn dặn con một điều là kể từ nầy về sau, con không nên đi đâu một mình với Trân cả. Con hãy ghi nhớ lời ba dặn.

Ngọc Dung ngơ ngác như người từ cung trăng mới rớt xuống. Như vậy nghĩa là sao?

Vũ từ từ cất tiếng:

– Con hãy bình tĩnh nghe hết câu chuyện mà ba sắp nói ra đây. Nó sẽ làm cho con buồn, nhưng thà thế còn hơn để cho con khổ cả một đời!

Ngọc Dung từ từ đứng lên, nhìn cha lo sợ:

– Ba! Trời ơi! Có chuyện gì vậy ba? Ba làm con lo quá.

Vũ ra dấu bảo Ngọc Dung ngồi xuống, tiếp lời:

– Con ngồi xuống đi. Câu chuyện hơi dài. Con ráng bình tĩnh sẽ thấy mình ít khổ hơn…

Ngọc Dung ngồi xuống sát bên cha, hơi thở dồn dập. Nàng nhìn Vũ với đôi mắt âu lo! Vũ thương con vô cùng và chàng thấy càng rào đón nhiều, Ngọc Dung mới chịu đựng nổi một sự thật quá phũ phàng. Chàng nhìn con với đôi mắt trìu mến:

– Ngoài ba má, có lẽ cậu Trân hiện giờ là người được con quí mến nhứt phải không?

Ngọc Dung gật đầu:

– Thưa ba … dạ.

Vũ nghiêm giọng nói:

– Nếu cần phải xa cậu Trân, con có đủ can đảm chăng?

– Trời… Có chuyên gì vậy ba?

– Trân không xứng đáng với con!

Nét mặt Ngọc Dung thật là buồn. Nàng nói nhỏ:

– Nghĩa là… ba không bằng lòng gả con cho anh Trân. Sao vậy ba? Con muốn được biết rõ lý do.

Vũ chậm rãi nói:

– Mấy hôm trước, con có hỏi ý kiến ba. Ba bảo để chầm chậm ba dò xét thêm về Trân. Nay ba đã biết rõ, Trân không phải là người tốt. Cậu ta không thành thật và nhiều cô gái đã bị cậu lường gạt ái tình.

– Trời ơi! Có lý nào như vậy? Người ta đặt điều hại anh ấy đó ba.

Vũ lắc đầu:

– Ba cũng đã nghĩ như con nhưng có những bằng chứng xác thật rồi con nghĩ sao?

Ngọc Dung vẫn một mực bênh vực Trân:

– Không có đâu ba! Con tin tưởng anh Trân không phải là hạng người như vậy? Anh là một kỹ sư tốt, một sinh viên có hạnh kiểm trong sạch mà.

– Ai nói với con như vậy?

– Dạ… anh Trân đã nói. Vả lại bạn bè, ai cũng thương anh ấy hết.

Vũ lắc đầu:

– Trân tự cho mình là tốt mà con cũng tin nữa sao? Còn bè bạn nó… con đã biết đủ hết chưa? Những người hiện tại đang chạy theo nịnh bợ, muốn nhờ vả nó… Trân dư dả tiền bạc, con không thấy sao?

Ngừng một lúc, Vũ tiếp:

– Được rồi! Con đã quá tin Trân thì ba sẽ cho biết nhiều sự thật phũ phàng hơn… Có thế, con mới xóa bỏ được “thần tượng” trong đầu. Con nên biết gian phòng ở buyn-đinh kia, không phải Trân mới mướn mà đã có từ lâu rồi. Ba còn biết đó là buyn- đinh Rose nữa.

Ngọc Dung lộ vẻ không hiểu, nhìn cha:

– Thưa ba! Dù cho gian phòng đó trên buyn-đinh kia, anh Trân mướn đã lâu cũng chẳng hại gì. Sao con thấy ba cứ thắc mắc về chuyện đó!

Vũ cất giọng nghiêm nghị:

– Trân đã mượn gian phòng đó làm chuyện không tốt. Nó đã phá hại cuộc đời bao cô gái nhẹ dạ, non lòng rồi đó con!

Ngọc Dung lặng người đi, trước những lời quá đột ngột của cha. Trời! Có thể như thế được sao? Trân là người hư hỏng vậy ư? Nàng hỏi lại Vũ:

– Có thật không ba? Ai nói cho ba biết?

Vũ đáp nhỏ:

– Chính bè bạn chơi thân với Trân từ lâu đã nói cho ba nghe.

– Biết chừng đâu, có chuyện gì mích lòng nhau, họ đặt điều nói xấu anh Trân đó ba.

– Không đâu con! Không phải tự nhiên họ đến nói với ba, mà tại ba nài nỉ hỏi họ. Vả lại, còn những bằng chứng xác thực khác, rồi con sẽ thấy.

Ngọc Dung nhìn cha hỏi:

– Bằng chứng gì hả ba?

– Ba sẽ đưa con đến những nơi mà ta có thể hiểu sự thực về Trân.

Ngọc Dung nôn nao hỏi:

– Đi ngay bây giờ hả ba?

Vũ lắc đầu:

– Không! Ban đêm mà đi đâu con. Mai hẵn hay. Con cứ tin những lời ba nói là đúng với sự thật. Bao nhiêu cô gái vì quá tin Trân, ôm hận suốt đời. Có cô cũng là con nhà khá giả đó. Ai bị Trân gạt lên buyn đinh đó rồi thế nào cũng thất thân với nó. Lúc nãy, ba nghe con nói Trân mời con lên buyn-đinh, ba hết hồn.

Ngọc Dung lắc đầu:

– Thật con không ngờ Trân tệ đến như vậy. Nhưng thưa ba… anh ấy chính thức muốn cưới hỏi con. Không lý anh ấy còn dự định làm chuyện tồi tệ đó. Như vậy bà Hội đồng cũng “một ý” với anh Trân sao ba?

Vấn đề rất phức tạp, chính Vũ cũng không đám quả quyết bà Hội có biết rõ tâm địa của con không? Nên khi nghe Dung hỏi, chàng thấy khó trả lời. Vũ đành giải thích cho con nghe, theo sự suy luận của mình:

– Ba không tin bà Hội biết được ý Trân. Nhưng chắc do con quá đoan trang nên Trân phải làm ra vẻ thành thật đến mức đi hỏi con làm vợ. Dù là người nề nếp, biết suy nghĩ dè dặt, con cũng sẽ tin tưởng ở tấm lòng của Trân. Và với ý nghĩ “người nầy trước sau gì cũng sẽ là chồng mình”, con rất dễ bị Trân làm hại.

Ngọc Dung lắc đầu:

– Thưa ba! Trân không dám làm như vậy đâu. Đã chính thức hỏi con, trước mặt gia đình đôi bên, anh ấy sẽ liệu sao?

Vũ cất giọng nghiềm nghị:

– Đám hỏi với nhau rồi mà người ta còn “từ hôn” được đó con. Họ tìm một cớ nào đó cũng không khó mà! Chừng ấy lỡ con đã thất thân rồi, con có dám thưa kiện chăng? Còn danh giá gia đình! Mình có làm ra cho to chuyện chỉ xấu hổ thêm.

Ngọc Dung nín lặng, Vũ nói tiếp:

– Bởi thế mà mấy cô con nhà danh giá bị Trân lừa gạt, chỉ cam chịu không dám hở môi. Có cô phải sang Pháp phá thai đó…

– Trời! Cô nào vậy ba?

Vũ ngẫm nghĩ rồi nói:

– Cô Hạnh hay cô Duyên gì đó. Ba quên tên rồi. Còn nhiều lắm. Ba hỏi kỹ rồi tự con đi tìm hiểu thêm về Trân хеm. Tệ hơn nữa là có cô thợ may, nghèo khổ, bơ vơ, cũng bị Trân khuyến dụ, rồi bỏ rơi người ta… đến nỗi cô ấy phải đi làm gái nhảy.

Ngọc Dung không còn bình tĩnh được nữa. Nàng ôm mặt khóc:

– Thật con không ngờ… Con không ngờ Trân là tên Sở hhanh hèn hạ. Gạt ai chớ gạt con thì không sống được đâu?

Vũ hoảng hốt:

– Kìa con! Con đừng có nghĩ như vậy! Thằng Trân không ra gì thì mình cố lánh xa, có thiệt thòi gì đâu. Con làm thế thì hại cả một đời. Danh dự gia đình ta sẽ mất hết.

Ngọc Dung thấy nguôi dần, trước những lời tha thiết của cha. Ờ, phải rồi! Giữa nàng và Trân nào đã có gì đâu. Nàng chỉ lầm tin tưởng hắn trong một thời gian, chớ nào hắn đã chạm được đến người nàng. Nhưng, cứ nghĩ tới Trân, nghĩ tới những lời Trân đã nói, nàng không thể nào tin được anh ta là tên “đểu giả” đến vậy! Biết chừng đâu cha nàng đã lầm. Hay có kẻ nào đó đang muốn phá hoại cuộc hôn nhân giữa nàng và Trân?

Nàng phải biết rõ kẻ ấy mới được. Ngọc Dung ngước lên nhìn cha hỏi:

– Thưa ba! Con đã hiểu rõ con người của Trân rồi. Như vậy thì dù có muốn làm hại con, Trân cũng sẽ thất bại. Con chỉ thắc mắc có một điều…

– Điều gì con?

– Ai đã nói cho ba nghe tâm địa hèn mạt của Trân. Con muốn được gặp người đó để hỏi rõ ràng hơn.

Vũ lộ vẻ suy nghĩ. Cho Ngọc Dung gặp Phiên thì bất tiện lắm! Thật ra, Phiên cũng chẳng hiểu gì về cuộc hôn nhân nầy!

Vũ lắc đầu bảo con:

– Con có gặp người đó thì cũng chỉ biết bao nhiêu đó thôi. Mà chưa chắc họ chịu nói. Ba cố nài nỉ, mới được biết rõ như thế, chớ họ có muốn nói xấu bạn bè đâu. Hay là con không tin ba?

Ngọc Dung lắc đầu:

– Dạ không! Con đâu dám vậy. Nhưng con muốn biết thêm về thủ đoạn của Trân. Nếu biết con sắp sửa là hôn thê của Trân, chắc họ không nỡ giấu con đâu?

– Người ấy, đến giờ nầy vẫn chưa biết ba muốn gả con cho Trân.

– Thì mình nói thật với họ chớ gì ba.

Vũ thấy con tha thiết muốh gặp người đã nói về Trân thì nghĩ mình không nên từ chối. Ngọc Dung có thề hiểu lầm mình đã bịa ra câu chuyện đó. Chàng bảo con:

– Được rồi! Ba sẽ đưa con đến gặp người đó. Nhưng theo ý ba, con không nên nói rõ sự thật cuộc hôn nhân giữa con và Trân!

– Sao vậy ba?

– Nếu biết rõ chưa chắc họ chịu nói gì thêm! Dù Trân là người xấu, họ sẽ ân hận khi đã tiết lộ chuyện đó với mình. Người tử tế đâu ai muốn mang tiếng “nói xấu bạn bè vắng mặt”.

Ngọc Dung gật đầu nói:

– Con hiểu rồi. Nhưng con muốn được biết thêm về Trân nhiều hơn nữa, trước khi quyết định một việc hệ trọng. Con không muốn sau nầy phải ân hận.

Vũ đáp:

– Ba đồng ý với con như vậy. Mai nầy, con nên đi với ba đến tiệm may Tây Thi.

Ngọc Dung nhìn cha lộ vẻ ngơ ngác. Vũ tiếp:

– Mình đến tiệm Tây Thi để được hiểu thêm về Trân. Ba đã nói lúc nãy, con quên sao? Trân dụ dỗ một cô thợ may, làm hại cuộc đời người ta rồi bỏ rơi. Đến đỗi bây giờ, cô ta phải đi làm gái nhảy.

– Dạ… nếu vậy con sẽ đi với ba.

Hai cha con trở vào nhà. Ngọc Dung xin phép cha về phòng riêng, vẻ mặt nàng buồn bã khác thường. Vũ nhìn theo con trong lòng thương hại lắm. Chàng biết Ngọc Dung đang trải qua một cơn xáo trộn ghê gớm trong tâm hồn. Đêm nay chắc con chàng không thể nào ngủ được. Bao nhiêu dự tính về tương lai phút chốc tiêu tan. Chàng bước nhanh về phía phòng mình. Mộng Ngọc vẫn còn thức và thấy chồng đi vào liền ngồi dậy hỏi:

– Thế nào mình? Con có buồn lắm không?

Vũ gật đầu:

– Anh muốn mình qua ngủ với Ngọc Dung. Nó đang khổ lắm.

Mộng Ngọc bước xuống giường hỏi:

– Bộ mình nói với con là em cũng biết nữa sao?

– Anh không nói, nhưng tự nhiên nó cũng hiểu là anh đã cho em biết. Ráng khuyên nhủ nó vì ngày mai nó còn chịu thêm nhiều “thử thách” nữa?

– Thử thách gì mình?

Vũ đáp:

– Anh sẽ đưa nó đến tiệm Tây Thi như đã nói với em hồi chiều đó.

– À! Anh muốn nó thấy rõ những việc làm tồi tệ của Trân chớ gì?

– Đúng vậy! Có điều anh lo, không biết cậu Phiên có chịu giúp mình nữa không?

– Giúp gì anh?

– Đưa anh và Ngọc Dung đến gặp bà chủ tiệm Tây Thi.

Mộng Ngọc tin tưởng:

– Sao lại không? Em anh Trọng mà mình! Gia đình đó với ta quen thân nhau tự lâu rồi.

Vũ lắc đầu nói:

– Anh cũng biết vậy! Song… có điều khó quá…

Thấy Vũ ngập ngừng, Mộng Ngọc hỏi tiếp:

– Gì mà khó anh? Em không hiểu gì hết!

– Hồi chiều cậu Phiên không biết chuyện mình định gả Ngọc Dung cho Trân nên tiết lộ những hành động xấu xa của bạn. Mai đây, khi biết được điều dự tính của mình, chắc Phiên không chịu nói thêm, để tránh phải mang tiếng.

Mộng Ngọc ngắt ngang lời chồng:

– Mang tiếng gì hả anh? Không lẽ cậu ấy cứ nín thinh cho minh gả lầm Ngọc Dung sao?

Vũ nín lặng một lúc rồi nói:

– Theo anh biết thì gia đình bên ấy cũng tính hỏi Ngọc Dung cho Phiên đó.

Đôi mắt Mộng Ngọc vụt sáng lên:

– Thế ư? Phải chi em biết sớm chuyện đó?

Vũ thở dài:

– Như vậy mới rắc rối. Bây giờ, cậu Phiên biết chuyện nầy, chắc sẽ phiền lòng lắm. Cậu ấy vô tình nói rõ tâm địa của Trân, nhưng người ngoài và bạn bè của cậu ấy làm sao hiểu được ẩn tình? Có thể họ cho Phiên muốn tranh cưới Ngọc Dung mà nói xấu bạn.

Mộng Ngọc chắc lưỡi lắc đầu:

– Thật phiền quá há! Nhưng mình thì hiểu rõ cậu Phiên đâu phải là người như vậy.

Hai vợ chồng lặng thinh. Một lúc, Vũ lên giường nằm nói:

– Mai nầy, anh sẽ đưa Ngọc Dung đến gặp Phiên, nhờ cậu giới thiệu với bà chủ tiệm Tây Thi. Nếu cậu ngần ngại, anh sẽ nói cho cậu biết là mình cũng ái ngại lắm. Rồi tùy cậu ấy liệu định.

Mộng Ngọc suy nghĩ một lúc nói:

– Sao anh không đưa Ngọc Dung đến thẳng tiệm Tây Thi? Cần chi phải làm phiền cậu Phiên.

Vũ nhìn vợ hỏi:

– Không lẽ, chẳng quen biết gì hết, mình đi hỏi thăm việc riêng trong tiệm người ta sao? Chắc gì bà chủ đó lại chịu nói. Ý anh muốn đưa Ngọc Dung đến may đồ và để cậu Phiên hỏi chuyện bà chủ. Rồi làm như vô tình nhắc đến Trân cùng với cô thợ may trước kia. Anh muốn Ngọc Dung nghe rõ hết để khỏi băn khoăn khi quyết định thái độ đối với Trân.

Mộng Ngọc nhìn chồng:

– Anh tính thế nào cũng được. Em sang bên phòng Dung đây.

Vũ gật đầu dặn vợ:

– Nếu Ngọc Dung không đá động gì tới chuyện Trân thì em cũng đừng nhắc đến. Chỉ làm buồn lòng nó thôi.

Mộng Ngọc mỉm cười:

– Em hiểu lắm. Anh không lo.

Nàng với tay tắt đèn cho Vũ dễ ngủ rồi bước ra ngoài khép chặt cửa lại. Vũ xây mình nằm nghiêng nhìn ra cửa sổ. Bỗng nhiên, chàng nhớ đến Diệp Thúy ở bệnh viện. Cả ngày bận lo cho Ngọc Dung, chàng không có thì giờ nghĩ đến bé Lệ.

***

Phiên không nhìn Ngọc Dung mà chỉ ngó Vũ chờ nghe hết câu chuyện của chàng. Chiều hôm qua khi Vũ về rồi, Trọng đã nói cho Phiên biết lý do nào khiến Vũ phải tìm hiểu đời tư của kỹ sư Trân. Phiên đã lớn tiếng trách anh:

– Sao anh không nói trước, để em nói với anh Vũ như vậy có phải kỳ không?

Trọng đã bảo chàng:

– Không có gì là “kỳ” hết! Em đừng thắc mắc không nhằm chỗ… Gia đình anh Vũ với gia đình mình thân nhau có trên hai mươi năm, từ khi em còn bé. Chuyện riêng của anh ấy, như chuyện của mình; chúng ta đều có bổn phận lo lắng giúp nhau! Nếu em nghĩ đúng như vậy thì sẽ thấy không còn thắc mắc gì cả. Em không phải nói xấu Trân mà chỉ lo cho Ngọc Dung; không lẽ để cho Ngọc Dung có một người chồng quá hư hỏng, tồi tệ như vậy sao?

Những lời của Trọng nói thật chí lý, khiến Phiên cũng đỡ thắc mắc. Sáng nay, khi chàng ra phòng khách thì Trọng lại bảo:

– Em ở nhà đợi Vũ và Ngọc Dung sang! Anh Vũ vừa mới điện thoại cho anh đó.

Phiên ngạc nhiên hỏi Trọng:

– Anh Vũ muốn gặp em chi vậy anh?

– Chắc cũng chuyện Trân. Anh mắc đến bệnh viện ngay bây giờ. Em ở nhà ráng giúp anh ấy.

Phiên vâng lời anh, nhưng trong lòng vẫn thấy khó chịu. Tuy không ưa Trân vì những hành động quá tồi tệ của hắn, nhưng Phiên không muốn mang tiếng là kẻ “phản bạn”. Ở vào hoàn cảnh của chàng, thật khó quá! Chàng có bổn phận giúp Vũ và Ngọc Dung, dù có phải mang tiếng cùng đành. Phiên ngồi nhà đợi chỉ khoảng nửa giờ sau, Vũ và Ngọc Dung đến. Chàng mời hai người vào phòng khách rồi hỏi Vũ:

– Dạ, anh cần em giúp việc chi?

Vũ liền nói thẳng ra câu chuyện và không quên bày tỏ nỗi lo ngại của mình. Phiên nghe xong, nhìn về phía Ngọc Dung hỏi:

– Cô đã may đồ ở tiệm Tây Thi lần nào chưa?

– Dạ chưa!

Ngọc Dung ấp úng không biết gọi Phiên bàng chú, bằng cậu hay bằng gì? Phiên là em của bác Trọng nàng, nhưng chỉ hơn nàng vài tuổi thôi. Kêu bằng chú nghe cũng kỳ quá. Kêu bằng “anh” cũng không thuận, vì Phiên kêu cha nàng bằng “anh”? Sau cùng nàng quyết định kêu bằng cậu vậy…

Phiên bảo Vũ:

– Anh không phải ái ngại gì cả. Anh Trọng đã nói hết cho em nghe từ hồi chiều hôm qua. Em xem chuyện nầy cũng như chuyện trong gia đình vậy thôi. Anh muốn cho cô Dung hiểu rõ sự thật chớ gì?

Ngọc Dung thấy không khéo, Phiên sẽ hiểu lầm mình không tin lời nói của chàng nên vội cất tiếng:

– Thưa “cậu”! Không phải cháu không tin lời “cậu”. Nhưng trước khi quyết định một việc hệ trọng nhứt đời, cháu muốn được hiểu rõ tận tường.

Phiên gật đầụ:

– Tôi hiểu điều đó, Ngọc Dung an tâm.

Rồi Phiên bảo Vũ:

– Em muốn đưa anh và cô Dung tới tiệm Tây Thi trước đã. Bà chủ tiệm nầy quen với em. Vả lại, bà ta rất phiền về việc Trân dụ dỗ cô thợ may trước đây. Em sẽ gợi chuyện, để anh và cô Dung được biết thêm nhiều chi tiết. Sau đó, mình sẽ đến chơi nhà chị Hạnh, người bạn gái của em. Em sẽ chỉ đứa con rơi của Trân cho anh và cô Dung xem…

Vũ gật đầu:

– Cậu tính sao cũng được, cốt ý của tôi là muốn cháu Dung hiểu hết sự thật về Trân.

Phiên đứng lên mời Ngọc Dung và Vũ ra xe. Chàng chỉ dặn dò Ngọc Dung:

– Cô cứ lựa đồ may để mặc, tôi gợi chuyện với bà chủ tiệm. Đừng có vẻ gì khác lạ mà họ chú ý.

– Dạ, “cậu” khỏi lo. Cháu rất bình tĩnh.

Vũ nhìn con vững lòng lin. Chàng mừng vì sắp sửa giúp con vượt qua một giai đoạn khó khăn nhứt trong cuộc đời. Chàng không rõ những người cha khác, gặp trường hợp như chàng sẽ giải quyết như thế nào? Họ có thẳng thắn giúp con giải quyết “chuyện lòng” như chàng không?

Phiên lái xe thẳng đến tiệm Tây Thi. Bà chủ niềm nở mời ba người vào phòng khách. Bà nói liền miệng:

– Cậu Phiên lâu quá không ghé chơi. Lúc nầy cậu không giới thiệu các cô tới, nên tiệm tôi cũng vắng khách…

Phiên cười:

– Bà nói quá lời. Tiệm bà nổi tiếng lắm rồi, còn ai ở SàiGòn mà không biết. Nhưng hôm nay, tôi cũng có khách cho bà đó.

Chàng nói xong chỉ Ngọc Dung. Bà chủ cười toe toét, với dáng điệu “câu khách” rất hạ cấp:

– Vậy hả? Cô may gì nào?

Ngọc Dung nhìn Phiên rồi điềm đạm trả lời:

– Dạ, tôi may một ít áo dài. Ở đây bà có hàng đẹp không bà?

Bà chủ tiệm dẫn Ngọc Dung đến chỗ tủ kiếng, mặc tình “quảng cáo” hàng. Phiên lấy thuốc mời Vũ rồi bảo nhỏ:

– Anh để cho bà ấy nói hả hơi một lúc đã.

Vũ hiểu ý gật đầu. Ngọc Dung muốn việc mình mau xong, nên cố ý may năm sáu thứ hàng. Bà chủ tiệm rất mừng và rất vui vẻ với khách. Trong lúc các cô thợ lo đo “kích thước” của Ngọc Dung, bà chủ trở ra trò chuyên với Phiên và Vũ. Giọng nói của bà rang rảng, đến nhức óc. Bà hỏi Phiên:

– Cô đây là cháu của cậu hả? Sao từ lâu cậu không đưa tới may đồ? Cậu tệ thật.

Phiên ấp úng không biết nói sao thì Vũ đã đỡ lời:

– Cháu đi học ở xa, nên cậu nó chưa có dịp đưa tới đây đó bà.

Bà chủ tiệm gât đầu:

– Như vậy là đúng rồi, chớ đời nào cậu Phiên lại bỏ rơi tôi. Ba bốn năm về trước, hồi tiệm may nầy mới mở, không có mấy cậu giúp đỡ, chắc là tôi đã dẹp rồi. Ơn mấy cậu, đời nào tôi dám quên…

Phiên nhìn bà chủ, nói tự nhiên:

– Có mình Trân giúp bà nhiều, chớ tụi tôi có là bao?

Bà chủ sa sầm nét mặt:

– Giúp gì? Giúp như vậy thà đừng giúp! Cậu đừng nhắc tên đểu giả đó nữa.

Vũ lặng lẽ nhìn bà chủ tiệm Tây Thi, Ngọc Dung đang đứng cho mấy cô đo “kích thước” bên kia bức màn cũng chăm chú nghe, không bỏ sót một lời.

Phiên mỉm cười hỏi bà chủ:

– Mấy năm nay, Trân có còn đến chơi với bà không?

– Hắn mà dám vác mặt đến đây nữa sao?!

Vũ muốn đi thẳng vào câu chuyện nên giả bộ hỏi Phiên:

– Trân nào cậu? Phải kỹ sư Trân không?

Bà chủ cướp lời Phiên:

– Trân đó đa… Ở Sài Gòn nầy, có tay đó là đáng gờm hơn hết.

Vũ gật đầu nói:

– Kỹ sư Trân thì tôi có quen, nhưng хеш chừng cũng nhã nhặn, bặt thiệp lắm mà…

Bà chủ tiệm bĩu môi:

– Thôi đi ông ơi! Ông coi chừng lầm chết đó…

Rồi bà ta nói nhỏ, cốt ý để cho Ngọc Dung khỏi nghe thấy:

– Nhứt là ông có cô con gái đẹp thế kia thì đừng nên cho giao thiệp với Trân.

Vũ làm ra bộ sửng sốt:

– Vậy sao? Mà cậu ta làm gì?

– Một tên “sở khanh” trí thức. Sài Gòn nầy họ lầm nó nhiều rồi.

Phiên cười nói:

– “Sở khanh” thì đủ rồi, bà còn thêm chữ “trí thức” làm gì cho rắc rối.

Bà chủ nhìn Phiên, đáp ngay:

– À! Nguy là ở chỗ “trí thức” đó đa cậu! Nhiều người đã lầm vì cái cấp bằng kỹ sư của nó.

– Mấy năm trước bà cũng lầm “bằng cấp” sao?

– Tôi thì khác! … Tôi lầm vì đã xem Trân như mấy cậu… cũng thật thà với bạn, giúp người không vụ lợi! Ai ngờ hắn lại quá mưu mô.

Vũ hỏi thêm:

– Trân đã làm gì mà xem chừng bà vẫn còn giận?

Bà chủ quay sang Vũ:

– Không đâu ông! Kỹ sư Trân cũng chẳng cướp tiền giựt bạc gì của tôi, nhưng tôi khinh cậu đã mưu mô, gạt gẫm luôn những người đã xem cậu như bè bạn. Ở đời, có một điều nên tránh là không bao giờ phản bội bạn bè phải không ông?

Vũ gật đầu nói:

– Dạ… đúng trên cái tình “bè bạn” thôi, chớ ở đời còn biết bao điều phải tránh đó bà!

– Phải rồi! Đối với “bè bạn” ai đi dùng cái lối “miệng mật gươm lòng”. Ông nghĩ xem cậu Phiên cũng quen với tôi một lượt với kỹ sư Trân đó, nhưng lúc nào tôi cũng mến, cũng trọng cậu Phiên. Coi đó cũng đủ thấy “tư cách, đạo đức” con người là quí ông à.

Vũ thấy bà chủ tiệm may cứ “con cà con kê” mãi thì nóng lòng, lặp lại câu hỏi lúc nãy:

– Kỹ sư Trân đã làm gì vậy bà?

Bà chù kể lể:

– Ông nghĩ xem mình làm ông kỹ sư, đến đây chơi thì tôi tiếp đãi như hàng thượng khách. Ai ngờ, cậu ta sanh tâm ve vãn mấy cô thợ may của tôi đây. Những chuyện đó lúc ban đầu, tôi cũng đâu có hay biết gì. Lần đó, có một con bé ở Mỹ Tho… lên trên nầy học may. Con nhỏ cũng đẹp lắm. Trân mê mệt đeo theo. Nhưng sao tôi ngu quá ông ạ, tôi không chú ý! Trân ve vãn không được, lại bày mưu cho tôi đuổi con bé đó đi.

Vũ hỏi:

– Mưu gì vậy bà?

– Có hôm Trân đến chơi, ngồi ở phòng nầy nè, vắt áo ngoài trên chiếc ghế kia… thì chỉ có con bé đó làm khuy nút ở đây thôi. Hôm sau, cậu lại nói với tôi mất sáu ngàn đồng (tiền tính theo giá trị của năm 1950 ở Sài Gòn trong bóp. Ông nghĩ coi có kỳ không? Tôi định gọi con bé vào hạch hỏi thì Trân lắc đầu bảo số tiền đó có nhằm gì. Đừng làm lùm xùm, mang tiếng, Nhưng cậu có ý nói với tôi là nên đuổi con bé đó đi. Thứ gian xảo để trong tiệm có hại lắm!

Vũ thở dài trước thủ đoạn của Trân. Ngọc Dung vẫn chú ý nghe không bỏ sót một lời.

Bà chủ tiếp:

– Lúc đó, tôi đã nói với ông là tôi tin Trân lắm! Muốn làm vừa lòng khách mà chỉ phải đuổi con bé kia tôi đâu có ngại. Nhưng ai ngờ được?! Trân muốn đuổi cô bé để con nhỏ bơ vơ, đặng cậu ta có dịp ra tay “nghĩa hiệp”! Nghĩ thật tội… con bé không có chỗ nương tựa bị Trân dụ dỗ làm hại cả một đời. Khi tôi hiểu rõ tâm địa hèn hạ của Trân thì chuyện đã muộn…

Vũ đã rõ phần sau về câu chuyện cô bé thợ may, nhưng lại muốn hỏi thêm cho Ngọc Dung được tỏ tường:

– Cô bé ấy bây giờ ở đâu hả bà?

– Tôi không rõ lắm. Nghe chừng nó đã đi làm vũ nữ rồi thì phải!

Rồi bà ta gọi lớn:

– Năm à!

Một cô thợ may từ bên kia phòng chạy sang:

– Dạ! Thưa dì gọi con.

– Cái con Lệ trước kia bị cậu Trân dụ dỗ đó, bây giờ làm vũ nữ rồi phải không?

– Dạ! Cháu có gặp Lệ một lần, coi bộ xấu hơn hồi trước nhiều. Mà Lệ đổi tên rồi dì à.

– Vậy hả? Tên gì?

– Dạ. Diệp Thúy! Diệp Thúy…

Vũ kinh hoàng kêu lên:

– Trời! Diệp Thúy…

Mọi người quay lại nhìn Vũ. Chính Ngọc Dung cũng ngạc nhiên, bước sang. Nàng không hiểu tại sao cha nàng lại kêu lên như thế?

Nhưng Vũ đã kịp trấn tĩnh tâm thần. Chàng khẽ nói:

– Tên gì nghe lạ quá! Diệp Thúy… Diệp Thúy nghĩa là gì?

Bà chủ tiệm hời hợt đáp:

– Ôi! Mấy cô đó mà cần gì nghĩa với không? Họ cứ chọn tên nào nghe hay hay, để gọi là được. Nhưng con bé đó, đáng tội lắm ông. Nghe đâu nó mồ côi cha lẫn mẹ. Từ nhỏ ở với bà ngoại, rồi bà ngoại chết mới phải bơ vơ như thế.

Không ai hiểu rõ hoàn cảnh cô bé đó bằng Vũ! Vì chính chàng là kẻ sinh thành, nhưng không dưỡng dục. Chàng là cha ruột của Lệ, người cha thiếu bổn phận đối với con. Vũ muốn gào to lên như vậy, trước mặt mọi người, nhưng bao nhiêu là ràng buộc. Phải chi chàng nói lên được những lời đó, lương tâm chàng đỡ phải cắn rứt và tâm hồn chàng cũng thảnh thơi hơn! Thật là chua chát! Lệ là Diệp Thúy mà Diệp Thúy lại chính là cô thợ may đã bị Trân làm hại cả cuộc đời! Chàng muốn tránh cho con gái một cảnh đời buồn thảm, nên sắp đặt cuộc gặp gỡ hôm nay, nào ngờ một đứa con gái khác của chàng lại gặp Trân ở chỗ nầy! Vũ gượng bảo Phiên và Ngọc Dung:

– Đã xong rồi. Thôi chúng ta về chớ.

Phiên gật đầu vâng dạ, trong lúc Ngọc Dung đưa trước cho bà chủ tiệm một số tiền đặt hàng. Bà chủ tiệm đưa ba người ra đến cửa và cám ơn rối rít. Phiên đưa Vũ và Ngọc Dung về nhà mình nhưng vì Trọng còn bận ở bệnh viện, nên Vũ cũng kiếu từ về luôn. Chàng xuống xe bảo Phiên:

– Tôi cám ơn cậu nhiều lắm!

Riêng Ngọc Dung chỉ cúi đầu chào Phiên, nét mặt đăm chiêu buồn bã. Phiên muốn khuyên nàng một câu, nhưng e ngại có sự hiểu lầm, lại thôi.

Vũ bảo Ngọc Dung lên xe rồi nói thêm với Phiên:

– Không có cậu, chắc gia đình tôi đã lầm Trân rồi.

– Em muốn đưa anh và cô Dung đến nhà chị Hạnh để thấy một cảnh khác còn đáng giận hơn.

Vũ lắc đầu:

– Thôi cậu ạ! Như thế nầy cũng đủ lắm rồi. Trân hành động quá đoản hậu, ngày sau trong cuộc đời, sẽ chịu nhiều hậu quả đớn đau. Tôi dám tiên đoán như vậy.

Phiên mỉm cười cho vừa lòng Vũ. Hai người bắt tay nhau một lần nữa rồi Vũ lên xe. Từ đó cho đến khi về đến nhà, chàng và Ngọc Dung không nói với nhau một lời. Hai cha con, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng biệt.

Vũ nghĩ tới luật quả báo của nhà Phật: tự chàng gây khổ cho Hiền ngày xưa nên con ruột của chàng phải gặp cảnh sầu não đớn đau. Nhưng sao cuộc đời bé Lệ lại phải gian truân, chìm nổi thế kia? Mẹ nó đã chịu khổ nhiều rồi chưa đủ sao? Còn chàng, chàng đã làm khổ cả đời Hiền thì bắt chàng chịu sự trừng phạt, chớ bé Lệ nào có tội tình gì?! Càng nghĩ Vũ càng đau đớn, xót xa. Cứ hình dung đến những ngày bơ vơ của con, chàng muốn chết đi được. Lệ đã bị nghi ngờ ăn cắp tiền, bị đuổi ra khỏi tiệm may, bị Trân dụ dỗ lường gạt, đã phải sống như một gái điếm thượng lưu, để rồi đi làm vũ nữ. Trời ơi! Con chàng có tội tình gì? Trong lúc chàng dư tiền, dư bạc, lập bệnh viện thí, giúp người không công mà con chàng lại sống một cuộc đời nhơ nhớp, đến ngày tàn đau không thuốc uống ở trong một xó hẻm tối tăm?! Vũ nghĩ ngợi liên miên và chỉ lái xe bằng tiềm thức.

Ngọc Dung cũng thế. Tuy ngồi ở bên cha nhưng trí nghĩ ở đâu đâu. Nàng đã thấu hiểu hết hành động của Trân rồi. Thật là nhơ nhớp quá. Sao con người tri thức như Trân lại có thể làm được những việc đó!? Rồi thì cơn tức giận cũng đi qua! Càng suy nghĩ nàng càng thấy có nhiều lý lẽ để bênh vực Trân. Tuổi thanh niên, ai lại không thế! Ít có người đàn ông nào, khi đến lúc cưới vợ mà chỉ biết có mỗi một người đàn bà. Nàng vẫn thường nghe thiên hạ nói thế. Thì Trân cũng là con người. Chàng đâu có làm sao khác được. Nàng giận Trân nhiều lắm nhưng vẫn thấy yêu Trân. Đối với nàng, Trân không hề tỏ ra suồng sã bao giờ! Trân chưa từng nói một câu thiếu êm dịu đừng nói chi có những cử chỉ khả ố. Một sự giả hình, giả dạng chăng? Ngọc Dung không tin như thế. Rất có thể Trân có nhiều người yêu, nhưng chàng thành thật yêu nàng và muốn cưới nàng làm vợ. Ờ! Có thể như vậy lắm! Nếu quả thật Trân xem trọng nàng thì tại sao nàng lại quá khắt khe đối với dĩ vãng của Trân. Những gì đã qua thì ai còn kể đến làm gì nữa, miễn Trân thành thật nói hết ra, nàng sẽ tha thứ tất cả! Bây giờ, đã đến lúc thử thách tấm lòng cùa Trân đối với nàng, xem thử chàng thành thật yêu thương, hay chỉ coi nàng như bao nhiêu thiếu nữ qua đường khác! Ngọc Dung nhớ đến lời hẹn với Trân lên buyn đinh, sau giờ học. Nhưng hôm nay, bận đi với cha, nàng không đến trường. Hay là đợi đúng giờ nàng đến gặp Trân rồi thử lên buyn đinh với chàng xem sao? Nếu Trân cư xử đứng đắn thì chàng thành thật yêu nàng và chỉ nghĩ đến hôn nhân. Bằng ngược lại, nàng cũng còn đủ thì giờ, mắng vào mặt tên “sở khanh” định lợi dụng nàng. Ngọc Dung nghĩ thế, nên quay sang nhìn cha. Nàng muốn nói cho Vũ biết là nàng sẽ đến gặp Trân, nhưng khi nhìn thấy vẻ đăm chiêu nghĩ ngợi của cha, nàng lại thôi. Thà là nàng lén đến gặp Trân để thử thách tình yêu của chàng, chớ nói với cha, “ông” sẽ còn hỏi lôi thôi lắm. Vũ cho xe đậu trước sân nhà, rồi bảo Ngọc Dung:

– Con vào nhà! Ba đến bệnh viện một lúc. Nói cho mẹ con biết.

Ngọc Dung vâng dạ, xuống xe. Vũ lui xe ra khỏi cổng rào, đi ngay. Mộng Ngọc ngó thấy Ngọc Dung, ngơ ngác hỏi:

– Ba con đi đâu vậy?

Ngọc Dung đáp:

– Ba đến bệnh viện, má à…

Mộng Ngọc gật đầu khẽ hỏi Ngọc Dung:

– Thế nào con?

– Đúng rồi má. Trân là người không được đứng đắn. Nhưng đó là chuyện trước kia, bây giờ không biết sao?

Mộng Ngọc là người hoang mang hơn hết trong chuyện nầy. Nàng đã đề xướng việc gả Ngọc Dung cho Trân, nên trong trường hợp nầy, thật khó mở lời. Nàng hỏi con:

– Ba con nói sao?

– Dạ, ba phiền lắm má. Từ đó về đây, ba không nói một tiếng nào.

Mộng Ngọc nói:

– May là con dè dặt đối với Trân. Để nó “suồng sã” hơn nữa, không biết tai hại đến đâu. Thôi từ nay, đừng gặp Trân nữa. Để má tìm cách nói cho nó hết đến đây!

Ngọc Dung ngước nhìn mẹ rồi bước vào trong nhà. Nâng đã định thưa với mẹ về chuyện đến buyn đinh để thử thách Trân, nhưng chưa chi, mẹ đã có ý không muốn nàng gặp Trân nữa. Thôi thì đành giấu mẹ luôn, chớ nói ra sẽ lôi thôi lắm. Ngọc Dung nhìn đồng hồ thấy 10 giờ rưỡi thì yên tâm đi thay đồ. Còn một tiếng nữa Trân mới đến đón nàng ở trước cửa trường. Nàng xin phép mẹ vào phòng nằm nghĩ để suy nghiệm những gì sắp sửa phải nói với Trân.

Cứ lên buyn đinh rồi hẳn hay. Nếu Trân cư xử đúng đắn, lễ độ thì mình hỏi thẳng chàng về những chuyện cũ. Nếu Trân chịu nói hết sự thật là chàng thành thật yêu mình, bằng giấu giếm hay nói khác đi, mình sẽ có cách đối phó sau! Ngọc Dung chưa từng biết thủ đoạn của những tên “sở khanh”, khi ở bên một thiếu nữ, trong phòng vắng. Đúng 11 giờ 15 nàng thay đồ, xin phép Mộng Ngọc đến nhà một người bạn gái. Mộng Ngọc ngạc nhiên hỏi con:

– Gần đến giờ ăn cơm rồi, con đi đâu? Sao không để chiều hãy đi?

Ngọc Dung ngập ngừng:

– Dạ… con đến mượn bài gấp, má à. Con quên…

Mộng Ngọc gật đầu:

– Ờ! Thôi con đi đi, nhớ mau về nhé. Mà xe ba con đi rồi, lấy gì đi?

– Dạ, con di tắc xi.

Nói xong. Ngọc Dung chào mẹ rồi ra cổng, hấp tấp gọi xe. Mộng Ngọc nhìn theo con, song không chú ý tới vẻ khác thường của Ngọc Dung.

Đến 12 giờ hớn, Vũ về rồi mà Ngọc Dung vẫn chưa về. Mộng Ngọc mới lo ngại bảo chàng:

– Sao đến giờ nầy con Dung chưa về kìa…

Vũ ngạc nhiên:

– Mình nói gì vậy? Chính anh đưa nó về đây mà.

– Nó nằm nhà một chút rồi xin phép em đến nhà bạn mượn bài.

Vũ thoáng nét nghi ngờ:

– Ngọc Dung đi hồi nào?

– Dạ, hồi 11 giờ mấy gì đó… Đã hớn một tiếng đồng hồ rồi.

– Lạ không? Em có biểu nó về ăn cơm không?

Mộng Ngọc gật đầu:

– Có anh à! Xem chừng nó vội vã lắm.

Vũ nhớ đêm hôm qua, Ngọc Dung bảo chàng là Trân hẹn trưa nay sẽ đón nàng đưa lên buyn đinh coi phòng. Hổng lẽ Ngọc Dung đi đến trường để gặp Trân. Vô lý! Dung đã hiểu rõ những hành động xấu xa của Trân rồi mà. Không lẽ con chàng liều lĩnh để thử thách? Chàng bảo Mộng Ngọc:

– Hôm nay nó hẹn với thằng Trân đi xem phòng trên buyn đinh đó. Hay là nó đến gặp thằng kia.

– Không lẽ con làm vậy mà không cho mình hay. Lúc nãy, em đã bảo nó đừng gặp Trân nữa.

Vũ gật đầu nói:

– Ngọc Dung cứng đầu lắm! Anh sợ nó muốn thử thách thằng Trân.

– Còn thử thách gì nữa. Thằng “sở khanh” đã có con rơi con rớt như vậy ai lại gả con cho nó.

Mộng Ngọc vụt thấy mình lỡ lời vội nín bặt. Vũ chỉ nhìn vợ không nói gì khác. Trong lòng chàng còn bận lo nghĩ về Ngọc Dung nên không chú ý đến những lời của vợ. Chàng nói:

– Ngọc Dung chắc đang muốn thử xem Trân có thành thật yêu nó không? Tai hại quá. Thằng “đểu giả” đó dám làm hại con Dung lắm.

Mộng Ngọc lo lắng:

– Bây giờ anh tính sao?

Vũ bảo vợ:

– Anh đến buyn đinh Rose ngay bây giờ. Có chuyên gì chắc anh không để thằng Trân sống đâu. Thằng khốn nạn…

Chàng bước nhanh ra cửa. Mộng Ngọc sợ hãi chạy theo gọi:

– Mình… Mình đừng hành động như vậy không được đâu.

Vũ hình như không nghe tiếng vợ, leo lên xe, vọt nhanh ra cổng. Nhưng khi xe ra đến đường cái, chàng mới nhìn thấy cử chỉ và lời nói mất bình tĩnh của mình. Không phải chỉ vì chuyện Ngọc Dung mà chàng có ý muốn giết Trân! Trong lòng chàng còn mang một mối hận với tên “sở khanh” kia, vì cuộc đời của Lệ, của Diệp Thúy…

***

Chiếc tắc xi vừa quẹo qua công trường “Chiến sĩ”, Ngọc Dung đã thấy xe Trân đậu ở đầu đường Duy Tân. Không biết Trân đến tự bao giờ?

Dung bảo tài xế ngừng lại, trả tiền, xuống xe. Trong khi đó, Trân cũng vừa thấy Ngọc Dung, liền mở máy cho xe trờ tới. Hắn chạy cập theo lề đường, mở cửa hỏi Dung:

– Hôm nay, em không đi học sao?

Ngọc Dung không đáp. Nàng chờ xe ngừng hẳn lại, bước lên rồi mới nói:

– Dạ. Em có chuyện nhà.

Trân cho xe vọt sang đường Hai Bà Trưng, thẳng lên chợ Tân Định. Đi một khoảng xa, hắn lại hỏi:

– Chuyện gì vậy em? Có quan hệ lắm không?

Ngọc Dung không nhìn Trân, chỉ lắc đầu:

– Không quan hệ gì anh đâu.

Trân cười nói:

– Đã bận không đi học mà em cũng đến với anh.

Nàng ngập ngừng:

– Em… sợ… anh… chờ.

Trong lòng Dung bây giờ bối rối lắm. Nàng nghĩ đến phương cách đối phó với Trân, một khi hắn giở trò “đê tiện” nhưng không biết có thực hành được không?

Trân lộ vẻ sung sướng rõ rệt. Chàng liếc nhìn Ngọc Dung với sự hãnh diện trong lòng. Chưa cưới hỏi gì cả, nhưng Trân thấy rõ Ngọc Dung đã hoàn toàn thuộc về mình. Ngọc Dung bỗng hỏi:

– Anh! Mình đi đâu đây?

Trân âu yếm nhìn nàng:

– Kìа! Anh đã nói với em hôm qua là mình đi xem phòng ở buyn đinh, nơi anh mướn để “vợ chồng” mình về đó?

– Nhưng ở đâu hả anh?

– Buyn đinh Rose… gần đến nơi rồi em!

Ngọc Dung lẩm bẩm:

– À! Buyn dinh Rose.

Nàng nhớ ngay đến lời cha. Ông đoán biết trước Trân sẽ đưa nàng đến buyn đinh Rose. Vậy, đúng là Trân mướn gian phòng đó lâu rồi và đã phá hoại bao mảnh đời hoa! Trân nào hiểu được những nghĩ ngợi trong đầu Ngọc Dung, hắn nói liên miên:

– Sau tuần “trăng mật”, chúng ta về đó em nghen. Yên tĩnh và sang trọng lắm! Lần đầu tiên đến đó, anh chịu liền.

Ngọc Dung khẽ hỏi:

– Anh đã mướn chưa?

Nằng khéo hỏi, xem thử Trân có thật tình với mình không? Nếu thành thật, Trân sẽ nói là mướn lâu rồi! Nhưng Trân lại đáp lời không suy nghĩ:

– Anh mới mướn đó. Họ định sửa lại phía ngoài hành lang cho đẹp.

Một lúc sau, xe đến nơi. Ngọc Dung nhớ là mình vẫn thường qua ngang đây, nhưng không chú ý đến cái buyn đinh rộng lớn nầy. Trân đậu xe ở “ga ra” rồi chỉ tay lên bảo Ngọc Dung:

– Bảy từng tất cả đó em ạ. Mình ở từng nhì kia, ba phòng ăn thông nhau.

Trân vụt nín bặt, khi thấy mấy người thợ đang trét hồ, quét vôi ngay gian phòng mình.

Ngọc Dung thấy thái độ kỳ lạ của chàng khẽ hỏi:

– Gì vậy anh?

Trân nói ngay:

– Có gì đâu em! Thôi chúng ta lên lầu.

Hắn đưa Ngọc Dung đến thang máy, nhưng trong lòng chỉ nghĩ đến sự hiện diện của mấy người thợ hồ. Hắn đã bảo gác dan ngày mai mới bắt đầu cho sửa chữa, nhưng hôm nay sao bọn thợ đã khởi công? Thật là phiền quá! Thang máy ngừng lại ở từng hai, Trân đưa Ngọc Dung đến phòng mình.

Người Chà gác dan thấy chàng, vội cúi chào:

– Chào ông! Tui có đưa chìa khóa cho họ sửa phòng rồi đó.

Trân muốn hỏi anh ta về chuyện sửa phòng không đúng hẹn nhưng trước mặt Ngọc Dung thấy không tiện, hắn chỉ gật đầu. Hắn đưa Dung đến trước cửa phòng, chỉ vào:

– Đó… Anh đang cho họ sửa lại phòng mình. Em vào xem đi.

Ngọc Dung bước vào trong rồi thì Trân nói nhanh:

– Em ở đây, anh hỏi chuyện ông gác dan một chút.

Hắn quày quả trở ra, đến chỗ phòng trực cự nự:

– Anh… sao kỳ vậy? Tôi hảo mai mới bắt đầu sửa phòng mà. Tự nhiên, hôm nay lại cho thợ tới.

Người Chà gác dan vốn nể Trân vì chàng hay cho tiền nên đáp nhỏ:

– Ông quên đó đâu phải tui. Ông dặn thứ Sáu cho sửa phòng. Hôm nay, thứ Sáu… Vendredi… mà.

Trân chợt nhớ ra chắc lưỡi thở dài:

– Nguy quá! Thế mà tôi quên mất… bây giờ… làm sao? Biểu họ nghỉ được không?

– Sao vậy ông? Họ làm không được hả?

– Không phải! Tôi có khách mà họ cứ ra vô hoài bất tiện lắm.

Người gác đan đã quen cái trò đưa rước “giai nhân” của những người ở buyn đinh rồi nên cười nói:

– Ô! Tui hiểu rồi. Tui biểu họ nghỉ vậy. Ông chờ tui.

Người gác dan vừa bước đi thì Trân gọi giựt lại:

– Thôi đi anh. Kỳ quá, không được!

Hắn thấy bất tiện lắm! Mấy người thợ đang làm tự nhiên bảo họ nghỉ… coi sao được?! Người xung quanh sẽ chú ý đến gian phòng của Trân ngay. Nhưng bực thiệt, bao nhiêu toan tính đều hỏng cả.

Người gác dan khẽ hỏi:

– Sao ông? Cho họ nghỉ không?

– Thôi! Không cần. Cứ để họ làm! Nhưng chừng nào rồi?

– Làm thì chừng hai hôm là xong. Ông chủ tôi nể ông lắm, mới chịu cho sửa bên ngoài cửa sổ theo ý ông.

Trân nói:

– Tôi ở buyn đinh nầy trên 5 năm rồi, ông chủ không nể tôi, còn nể ai?

Người gác dan cười nhe hai hàm răng trắng xác. Trân không hỏi chuyện nữa mà trở vào phòng. Ngọc Dung đang đứng ngắm những bức họa treo trên vách. Mấy người thợ đang tô hồ ngoài cửa sổ thấy Trân vào, liếc nhìn nhau rồi cúi xuống làm việc. Trân đến bên Ngọc Dung hỏi nhỏ:

– Em thấy thế nào?

Ngọc Dung không quay lại nhìn chàng mà chỉ đáp nhỏ:

– Đẹp lắm!

Dù cố trấn tình tinh thần, nhưng nàng cảm thấy run lên khi Trân nắm lấy tay nàng. Nàng rút tay lại ngay, trong lúc Trân làm như không chú ý, hỏi tiếp:

– Anh muốn hỏi em về gian phòng kìa, chớ không phải bức tranh?

Dung bước đến bên cửa sổ, để lấy một cái nhìn tổng quát rồi nói:

– Đẹp lắm, anh!

Trân chăm chú nhìn vào đôi mắt của Dung âu yếm bảo:

– Em đẹp quá. Đứng bên cửa sổ, giữa một khung trời trong sáng, em “lộng lẫy” không khác nào một nàng tiên.

Rồi Trân bước đến bên Dung, quên mất nhữg người thợ đang làm việc ở cạnh đó. Hắn choàng tay qua người Dung kéo sát vào mình.

Thiếu nữ ngượng quá xô nhẹ Trân ra, nói nhỏ:

– Đừng anh… người ta… kìa.

Rồi nàng cố gỡ tay Trân bước ra xa. Có tiếng ốc hụ 12 giờ trưa. Mấy người thợ thu xếp đồ đạc về nghỉ. Họ chào Trân và Ngọc Dung rồi ra cửa. Trân chỉ gật đầu đáp lễ, nhưng trên khuôn mặt lộ vẻ khó chịu rõ rệt.

Từ nãy đến giờ, trạng thái tâm hồn của Ngọc Dung biến đổi liền liền. Nàng cũng thấy xúc cảm trước sự âu yếm của Trân, nhưng cố gắng chống trả lại, để khỏi ngả vào lòng anh ta.

Những dự tính lột trần bộ mặt “đểu giả” của Trân lúc ra đi, khi gặp mặt đều tiêu tán hết! Chính trong lòng nàng mong mỏi Trân đừng có cử chỉ gì thái quá, để nàng có dịp tha thứ dĩ vãng đã xa. Khổ cho người con gái, khi đã thành thật yêu rồi, trong lòng khó thể quên. Trân đóng cửa xong, quay lại nhìn Ngọc Dung rồi ngó cánh cửa sổ đang sửa chữa dở dang. Cánh cửa bên trái bị gỡ ra, không thế nào đóng kín lại được. Đứng ở trong phòng nầy, những người dưới kia nhìn lên rõ mồn một.

Trân bực lắm! Thật phí đi một dịp tốt. Nhưng rồi hắn lại nhủ thầm:

– Lo gì… không sớm thì muộn…

Điều cần thiết hôm nay là chuẩn bị tình cảm cho Ngọc Dung. Phải làm cho nàng thấy sự âu yếm “gần gũi” giữa hai người sắp sửa cưới hỏi nhau chỉ là chuyện thường! Trân bước đến bên nàng cất tiếng:

– Dung!

Ngọc Dung khẽ đáp:

– Dạ…

– Em không thích anh nắm lấy tay em sao!

Dung ấp úng:

– Dạ… đâu có. Em thấy có “người” ở trong phòng.

Trân khôn khéo rào trước đón sau:

– Em đừng để tâm tới chuyện đó. Chúng ta sắp sửa là “vợ chồng” rồi mà. Gia đình chính thức gặp gỡ nhau thì dù có “gần gũi” nhau hơn nữa cũng chẳng sao? Hay là em không tin lòng anh?

Ngọc Dung ngước nhìn Trân không nói gì hết. Trong lòng nàng hiện đang hoang mang giữa sự “thành thật” và sự “giả dối” của Trân! Nàng không biết Trân xem mình như thế nào? Đúng là một người vợ sắp cưới hay cũng như bao nhiêu cô gái khác? Trân cúi xuống hôn nhẹ lên mái tóc của Dung:

– Em thấy thế nào? Lời anh nói có đúng không?

Ngọc Dung lắc đầu:

– Em không… rõ nữa.

Trân bỗng quay lại nhìn về phía cửa sổ. Hình như ở chỗ cây xăng dưới đường, có người đang đứng nhìn lên phòng mình. Hắn thấy khó chịu lắm, nhưng không biết làm sao? Trong lòng đang sôi nổi, tự nhiên lại dịu xuống. Trân ngồi xuống ghế lấy thuốc ra hút rồi nói giọng hờn dỗi:

– Thế nghĩa là em chưa tin anh?

– Không phải vậy… Nhưng… em khó nói quá.

– Có gì mà khó… giữa anh và em đâu còn gì phải giấu nhau nữa.

Ngọc Dung nhìn Trân với vẻ nghi ngờ:

– Anh có chắc vậy không?

Trân đã quen nói dối nhiều lần, nên giọng nói của hắn trở nên rắn rỏi, y như thật:

– Sao lại không? Anh không muốn giữa chúng ta, còn có sự giấu giếm nhau. Anh định bảo em là hôm nào mình sẽ nói ra hết những chuyện “yêu đương” thầm vụng trước kia! Đừng để về sau, có sự hiểu lầm…

Trân khôn ngoan lắm! Hắn “mượn” cách giải quyết tiến bộ của những đôi vợ chồng thành thật yêu nhau: Họ nói hết những lỡ lầm trong dĩ vãng, chỉ một lần thôi rồi không nói tới nữa. Cho dù người chồng có bê tha trụy lạc, có con rơi con rớt, người vợ có thất trinh, có dang dở tình đầu, cũng phải nói cho nhau hết trong giờ phút thiêng liêng ấy. Cả hai người cùng thành thật tha thứ lỗi lầm, khi xét thấy trong lòng vẫn tha thiết yêu nhau. Đó là phương cách giải quyết tiến bộ trong buổi giao thời, giữa khi nền luân lý cổ truyền rạn nứt và nền tảng luân lý của những tư tưởng mới chưa thâm nhập vào lòng người một cách sâu xa.

Ngọc Dung ngây thơ nên dễ tin những lời Trân nói. Không thành thật yêu nàng sao chàng lại chọn phương cách giải quyết tiến bộ đó?

Nàng vui mừng nắm lấy tay Trân:

– Thật vậy hả anh? Thế mà em tưởng…

Trân nhìn Dung hỏi lại:

– Em tưởng thế nào?

Ngọc Dung cúi đầu đáp nhỏ:

– Em tưởng rằng anh thiếu… thành thật với em!

– Đời nào có chuyện đó.

Trân rất khôn ngoan. Nhìn dáng điệu Ngọc Dung, nghe giọng nói của nàng, hắn đoán biết có kẻ nói đến “thành tích bất hảo” của mình. Nhưng kẻ đó là ai? Họ đã nói với Ngọc Dung đến mức độ nào?

Có thể một cô nào đó, ganh ghét với Ngọc Dung rồi thố lộ ra chăng? Trân nghĩ rất nhanh và thấy cần phải đóng kịch cho thật khéo mới mong giữ vẹn sự tin tưỏng trong lòng Ngọc Dung. Hắn với tay mở quạt, để có đủ thời giờ suy nghĩ những gì sắp sửa nói ra.

Ngọc Dung ngồi xuồng chiếc ghế cạnh bàn viết, như chờ đợi những lời thú nhận của người yêu. Nàng sẵn sàng tha thứ nếu Trân thành thật. Trân bỗng quay lại nhìn nàng:

– Em có đồng ý nói hết dĩ vãng cho nhau nghe không?

– Dạ, em đồng ý lắm. Em cũng muốn về sau nầy, mình không hiểu lầm nhau về những chuyện không đâu.

– Đúng đó.

Rồi hắn khéo léo bảo Ngọc Dung:

– Khi chưa gặp em thì anh đã có nhiều lần yêu… nhưng vì hoàn cảnh mà bất thành. Nhiều chuyện đau lòng lắm! Có lúc anh gần như tuyệt vọng. Song từ khi được em yêu, anh thấy đời mình đổi khác! Một nguồn sinh lực mới rào rạt trong tâm hồn anh.

Ngọc Dung sung sướng mỉm cười. Nàng hãnh diện trong lòng vì tình yêu của nàng đã cảm hóa được con người như Trân. Nàng khẽ nói:

– Em rất mừng vì anh thành thật với em. Mong sao, anh đừng giấu em gì hết. Em hứa với anh là không bao giờ để tâm tới những chuyện đã qua.

Trân gật đầu nói:

– Anh hiểu lòng em lắm. Chuyện anh thì còn dài, bây giờ anh muốn nghe em nói trước những mối tình đã qua… những người em yêu trước khi gặp anh.

Ngọc Dung trố mắt nhìn Trân:

– Anh nói sao? Em? Những mối tình của em? Trời ơi! Em… có yêu ai đâu? Anh… là người em yêu đầu tiên mà.

Vẻ bàng hoàng, sửng sốt của Ngọc Dung khiến Trân tin ngay. Nhưng hắn làm ra bộ không mấy ”chắc” để Ngọc Dung giải thích rồi quên chú ý những gì hắn sắp phải nói ra.

Trân có nhiều mánh lới. Nhiều cô yêu hắn trước đây, đã thành thật nói hết lòng mình, đưa cả những bức thư tình của người yêu cũ. Trân lợi dụng những chuyện đó, những kỷ vật đó, để làm bằng cớ khi cần phải lánh xa người mà hắn hết yêu!

Nhiều cô con nhà danh giá, sợ mang tiếng nên đành ôm hận, không dám làm to chuyên với hắn. Thấy Trân vẫn im lặng, Ngọc Dung tha thiết:

– Trời ơi! Anh… không tin lòng em sao? Em… chưa từng yêu ai hết. Từ nhỏ đến lớn, em chỉ biết lo học thôi.

Trân nhìn nàng nói:

– Em đẹp thế kia mà không ai yêu em sao? Anh thật lạ quá, Từ Trung học đến Đại học mà không một cậu trai nào gởi thơ hoặc theo đuổi em sao?

Ngọc Dung cúi đầu như nhớ lại chuyện xưa, rồi nói:

– Dạ có chớ! Nhưng lần nào em cũng đem về đưa cho má. Rồi đọc cười chơi, chớ em đâu chú ý. Có đứa sỗ sàng còn đón đường em để chọc ghẹo. Song em có yêu ai đâu? Đến như tên, em còn không nhớ một người nào? Anh đừng nghi em như vậy chớ!

Trân đứng dậy đến bên Ngọc Dung, nắm lấy hai vai nàng:

– Em… Em đừng giận anh. Anh hỏi để chúng mình hiểu rõ lòng nhau vậy thôi. Anh đã khổ nhiều rồi. Anh không còn muốn phải khổ thêm nữa.

Rồi hắn lắc đầu tiếp:

– Anh đã bị đàn bà lừa dối nhiều rồi. Anh tin tưởng sự trong trắng của em sẽ giúp anh tìm lại nguồn vui sống trong đời.

Ngọc Dung nhìn Trân trong lòng tràn ngập yêu thương. Nàng tin là Trân đã khổ thật! Những chuyện mà Phiên và cha nàng đã nói chắc có nhiều ẩn tình khác!

Và do những ý nghĩ đó mà Ngọc Dung chưa dò xét được Trân đã để lộ cho hắn biết những người đang bảo vệ nàng, trước mưu mô quỉ quyệt của tên “sở khanh”. Nàng nhìn Trân nói:

– Anh nên nói cho em nghe những chuyện đã qua đi, đừng giấu giếm gì cả. Em tin lòng anh, dù cho… ai có nói xấu cũng vậy?

Trân nhủ thầm:

– “Đúng rồi! Nhứt định có kẻ đang cố tâm làm hỏng việc của mình. Mà kẻ đó là ai? Quen thân hay chính là một trong những cô đã yêu mình?”

Hắn ngước nhìn Ngọc Dung, hỏi:

– Em nói thật cho anh biết có ai nói gì về anh với em không?

Ngọc Dung không quen nói dối, nên ấp úng đáp:

– Dạ… có nhưng không can hệ gì đâu anh. Em tin tưởng ở anh nhiều hơn. Vả lại, chuyên cũ đối với em không có nghĩa gì đâu.

Trân nôn nao lắm và chỉ muốn biết tên kẻ cố phá hỏng việc của mình. Nhưng không lẽ lại hỏi thẳng Ngọc Dung? Kẻ kia đã nói cho nàng biết chuyện cũ của mình, mà là chuyện nào, xảy ra ở đâu, với cô nào? Trân lo ngại lắm, nhưng không biết phải làm sao? Hắn sợ không khéo lại thú nhận một việc mà chính Ngọc Dung chưa hề biết. Ngọc Dung nhìn Trân khẽ hỏi:

– Anh nghĩ gì vậy?

Trân đành đáp:

– Anh đang nhớ những chuyện buồn khổ xa xưa. Anh không hiểu sao mình có thể sống như vậy đưực? Có nhiều lúc, anh như kẻ mất hồn. Số anh, đúng là số khổ vì tình mà.

Ngọc Dung lắc đầu, âu yếm bảo Trân:

– Không đâu anh? Em sẽ không bao giờ làm cho anh phải khổ đâu.

Trân choàng tay qua ngang lưng Ngọc Dung, kéo sát nàng vào mình, nói qua hơi thở:

– Anh… tin… tưởng như vậy. Em…

Ngọc Dung không còn nhớ gì nữa hết. Nguồn yêu đương tràn ngập trong lòng, nàng gục đầu vào vai Trân gọi nhỏ:

– Anh…

Một lúc, nàng ngẩng lên và qua vai Trân, nàng thấy cánh cửa sổ trống trơn. Có vài người đứng chỗ cây xăng nhìn lên. Ngọc Dung giựt mình gỡ tay Trân ra. Trong giây phút sôi nổi trong lòng, nàng quên giữ ý. Trân bỡ ngỡ hỏi nàng:

– Chuyện gì vậy em?

– Người ta… nhìn lên kìa. Kỳ quá!

Trân bực lòng lắm, nhưng chỉ biết thở dài ngồi xuống ghế, cố giữ sự bình tĩnh:

– Họ sửa sang gì chậm quá không biết nữa.

Ngọc Dung nhớ đến hành động của hai người vừa rồi, bẽn lẽn cúi đầu. Nàng thấy mình không làm đúng theo dự tính, trước khi đến đây. Tuy nhiên, nàng mừng vì Trân có vẻ thành thật với nàng, dù chưa nói ra những gì thuộc về dĩ vãng. Ngay trong khi đó, Dung nghe có tiếng trò chuyện trước cửa phòng rồi có người gõ cửa. Trân ngạc nhiên, đứng lên hỏi:

– Ai đó?

Bên ngoài có tiếng người Chà gác dan đáp:

– Ông Trân! Có ai hỏi ông đây.

Ngọc Dung lo ngại:

– Ai vậy anh?

Trân lắc đầu:

– Không biết! Anh đâu có hẹn với ai!

Chàng bước ra mở cửa và Ngọc Dung vụt nhìn thấy Vũ đang đứng bên ngoài.

Nàng kêu lên:

– Ba…

Rồi không nói gì được nữa. Trân cũng mất hết bình tĩnh. Hắn không ngờ là Vũ lên tới đây. Vũ không thèm nhìn vào mặt hắn mà chỉ bảo Ngọc Dung:

– Con thế mà giỏi. Dung ha!

Ngọc Dung sợ hãi ấp úng:

– Dạ thưa ba… Không phải con…

Vũ quay sang Trân nhìn hắn với vẻ khinh bỉ:

– Cậu Trân! Chưa chi cậu đã lợi dụng lòng tin của vợ chồng tôi. Như vậy là quá lắm.

Trân đã sành sỏi ở trong đời! Vả lại, hắn chưa làm hại Ngọc Dung nên mạnh miệng trả lời Vũ:

– Thưa bác! Xin bác xét lại giùm, chúng con không làm điều gì sái quấy đâu.

Rồi thấy có vài người đứng bên ngoài, tò mò nhìn vào, hắn liền khép cửa lại. Vũ bảo Trân:

– Không! Cậu khép cửa làm gì? Để cha con tôi về chớ…

– Dạ, xin bác nán lại một chút cho cháu giãi bày… Để bác hiểu lầm tội nghiệp cháu…

Ngọc Dung cũng van nài:

– Thưa ba! Thật mà ba…

Vũ nghe giọng nói của con, nhìn qua dáng điệu của nó và nhứt là thấy cánh cửa sổ trống không thì chắc Ngọc Dung chưa bị hại. Chàng thấy yên lòng hơn và muốn ở lại xem hắn muốn nói gì. Trân mời chàng vào ngồi trên ghế “salon” rồi nói:

– Thưa bác! Cháu chỉ đưa Ngọc Dung tới đây coi phòng rồi đưa về nhà thôi! Nào có ý gì khác đâu. Nếu bác không tin xin hỏi Ngọc Dung.

Ngọc Dung tiếp lời ngay:

– Đúng như vậy, ba à! Con xin thề với ba…

Vũ nhìn Trân nhủ thầm:

– Tên nầy “mồm mép’’ giỏi quá, làm sao các cô không mê và lầm được. Đến như Ngọc Dung mà vẫn còn tin, dù đã biết rõ phần nào dĩ vãng của hắn. Phải chi Dung biết được chị nó là Lệ, bị tên nầy mà khổ cả một đời, chắc là nó sẽ không nói như vậy…

Và chàng nhận thấy mình đang ở trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn! Bắt Ngọc Dung tuyệt giao ngay với tên “sở khanh” nầy thật không dễ đâu, vì hiện tại con gái chàng đang tin tưởng ở hắn.

Bởi thế, chàng đấu dịu:

– Thế hả! Nếu vậy thì bác lầm. Thôi, cháu bỏ qua cho.

Trân khôn khéo cúi đầu:

– Thưa bác! Dù sao, cháu cũng có lỗi nhiều với hai bác, vì đã mời Ngọc Dung lên đây mà không thưa cho bác rõ. Mong bác tha thứ cho một lần.

Vũ đứng lên nói:

– Được rồi, cậu không phải bận tâm nữa. Tôi chỉ mong từ rày về sau, trước khi đưa Ngọc Dung đi đâu nên bảo qua cho tôi biết.

Ngọc Dung sung sướng hơn bao giờ hết, nàng đến bên cha nũng nịu:

– Ba… làm như con còn bé lắm vậy!

Vũ giận Ngọc Dung lắm, nhưng chỉ nhìn con với đôi mắt nghiêm nghị mà không nói gì. Nhìn vào đôi mắt của cha, Ngọc Dung cùng nhận thấy sự phiền giận đó. Nàng lặng thinh. Trân khẽ trả lời Vũ:

– Dạ, cháu xin nghe lời bác.

Vũ bảo Ngọc Dung:

– Thôi về con, để mẹ con trông.

Nhưng khi ra đến cửa, chàng quay lại hỏi Trân:

– Tại sao đã có nhà mà cậu còn mướn chi gian phòng buyn đinh nầy cho tốn?

Trân đáp mau:

– Dạ cháu mới mướn, dự định cưới hỏi xong…

Vũ làm ra vẻ ngạc nhiên, chận lời hắn:

– Ủa! Sao lạ vậy? Anh gác dan bảo với tôi cậu đã ở đây trên 5 năm rồi mà?

Trân ấp úng mãi không biết trả lời làm sao! Chàng ta cứ vâng vâng, dạ dạ cho qua “tang lề”. Vũ quay lại nhìn Ngọc Dung, nhưng nàng đã bước quá tầm và chắc là không nghe thấy câu hỏi của chàng.

Vũ thấy hoàn cảnh chưa thuận tiện để vạch mặt tên “sở khanh” nên làm như không chú ý đến vẻ lúng túng của hắn. Chàng bắt tay hắn một lần nữa rồi bước xuống thang lầu.

Đến lúc hai cha con lên xe rồi, Ngọc Dung mới hỏi Vũ:

– Chắc ba giận con lắm hả ba?

Vũ không đáp, rồ máy cho xe chạy ra khỏi vòng rào buyn đinh. Ngọc Dung nói tiếp:

– Ba đừng giận con mà. Dù sao con cũng phải thử lòng Trân, chớ không lẽ chỉ nghe lời cậu Phiên và bà chủ tiệm Tây Thi rồi tuyệt giao luôn sao?

Vũ quay lại hỏi Ngọc Dung:

– Thế con cãi lời cha mẹ, đến buyn đinh Rose hôm nay, để tìm hiểu được gì?

Ngọc Dung nói với giọng tin tưởng:

– Trân cư xử rất đứng đắn với con. Chàng không hề có một cử chi suồng sã nào. Hơn nữa chàng rất thành thật với con.

Vũ ngạc nhiên nhìn con:

– Trân “thành thật” với con?

Ngọc Dung gật đầu nói:

– Đúng thế, ba à! Trân nhìn nhận đã biết nhiều đàn bà trước khi gặp con nhưng số chàng khổ về tình yêu, nên thường bị phụ tình! Chàng đau khổ đến khi gặp được con…

Vũ đã hiểu hết cái trò “giả dối” của Trân, nhưng không biết làm sao nói cho con hiểu. Chàng biết hiện giờ mình có nói gì Ngọc Dung cũng không nghe và cho là chàng có thành kiến đối với Tràn. Ngọc Dung lại tiếp:

– Nếu không yêu con và thành thật muốn cưới con, tại sao Trân thú nhận những chuyện tình đã qua? Ảnh cũng khuyên con nên nói hết những gì xảy ra trong cuộc đời, con đã yêu ai cũng phải thú thật, một lần thôi, rồi không nhắc đến nữa. Nhưng con từ trước tới giờ có yêu ai đâu?

Vũ nhớ ngay tới một câu nói của một người bạn:

– “Trong đời con gái, không lúc nào họ dại dột bằng lúc bắt đầu yêu!”

Ngọc Dung đúng là đang ở trong thời kỳ đó. Nàng lại bảo cha:

– Cả anh Trân cũng thế ba à! Anh hứa sẽ nói ra hết những gì đã xảy ra trong dĩ vãng, không giấu giếm gì cả, để sau nầy vợ chồng không phải hiểu lầm nhau.

Vũ hỏi giọng ngập ngừng:

– Trân có nhắc đến chuyện… cô bé… thợ may đồ không? Chuyện cô Duyên, cô Hạnh?

Ngọc Dung lắc đầu:

– Thưa ba! Ảnh chưa kịp nói thì ba lên đó. Như vậy là ảnh thành thật với con lắm phải không ba?

Vũ hỏi gằn lại con:

– Thế con đã quên hết những hành động nhơ nhớp của Trân mà sáng nay con vừa được biết đó sao?

Ngọc Dung nói không cần suy nghĩ:

– Con sợ người ta bịa đặt thêm cho Trân! Vả lại, những chuyện kia đã thuộc về dĩ vãng rồi, không lẽ mình cố chấp mãi? Anh Trân có yêu con mới thành thật thú nhận chớ!

Vũ không biết nói gì hơn, chỉ lặng thinh đăm đăm nhìn phía trước. Chưa bao giờ chàng thấy giận con như lúc nầy: nó đã mù quáng tin theo Trân và bất kể những lời khuyên dạy của cha mẹ! Xe vừa vào trong sân biệt thự thì Ngọc Dung đã thấy mẹ đứng đợi ở trước thềm. Nàng mở cửa xe đến bên mẹ, nói:

– Má tha lỗi cho con. Con làm má phải lo.

Mộng Ngọc nhìn thấy dáng điệu nghiêm nghị của Vũ, trong lòng rất lo âu. Nàng không biết chuyện gì đã xảy ra, nên hỏi Ngọc Dung:

– Chuyện gì vậy con? Con đã đi đâu?

Ngọc Dung thành thật đáp:

– Dạ con… đến đằng anh Trân.

Mộng Ngọc nóng nảy hỏi:

– Tại sao vậy? Mẹ vừa mới cấm con không được giao thiệp với Trân nữa, mà sao con cãi lời mẹ?

Ngọc Dung cúi mặt, không dám trả lời. Vũ thấy trường hợp của con không thể dùng lối “trách mắng” hời hợt như vậy được, nên bảo Mộng Ngọc:

– Thôi em, để đó đã. Ngọc Dung đi thay đồ đi.

Mộng Ngọc nhìn Vũ không hiểu sao chàng không để mình dạy dỗ con? Vũ lắc đầu như ngầm bảo nàng câu chuyện không giản dị như thế đâu. La rầy, trách mắng con cho vừa với tự ái của mình sẽ không giúp ích được gì nó, mà đôi khi còn làm hại tương lai của con nữa. Phải tìm cách khác, chỉ cho con thấy rõ lỗi lầm của nó, dẫn dắt con qua đoạn đường nguy hiểm! Thiếu bình tĩnh trong lúc khuyên dạy con là tự mình làm hỏng đời con!

Ngọc Dung ngước nhìn cha rồi nhìn mẹ với vẻ âu lo sợ sệt, nhưng không dám đi vội. Vũ bảo tiếp:

– Đi thay đồ rồi ăn cơm… Dung.

Đến lúc đó, Ngọc Dung mới bước nhanh vào nhà.

Mộng Ngọc nhìn Vũ khẽ hỏi:

– Sao anh không để em rầy con? Nó còn kể gì lời em nữa.

Vũ thở ra:

– Trong lúc nầy nó chẳng kể gì đến lời dạy của mình đâu! Nó chỉ nghe và tin lời Trân thôi?

Mộng Ngọc sửng sốt nhìn chồng:

– Mình nói gì lạ vậy! Tin lời Trân?

– Phải! “Cậu đó” nguy hiểm lắm! Nó nhiều thủ đoạn nên các cô gái đều lầm! Cả đến con Dung nhà mình.

– Nhưng sáng nầy, Dung nó đã biết rõ mặt thật của Trân rồi mà?

Vũ đáp:

– Phải! Nó biết nhưng không tin lời Phiên hay bà chủ tiệm Tây Thi… nên nó mới đi thử thằng Trân.

Mộng Ngọc lo ngại hỏi:

– Thử Trân? Bằng cách nào anh?

– Thì nó đến phòng Trân trên buyn đinh Rose đó. Nơi mà Trân đã phá hại không biết bao cuộc đời trong trắng ngây thơ.

Mộng Ngọc sửng sốt:

– Trời! Con Dung… có làm sao… không mình?

Vũ lắc đầu bảo vợ:

– Không hề gì đâu em!

Mộng Ngọc quay nhìn về phía phòng riêng của Dung không hết lo âu:

– Anh tính sao bây giờ? Phải la rầy con như thế nào chớ! Để nó như vậy sao?

Vũ đi vào nhà, ngồi xuống chiếc ghế bành, thở ra:

-Anh cũng đang nghĩ đến chuyện đó. Thằng Trân nguy hiểm và nhiều thủ đoạn lắm. Ta hành động không khéo rất có hại cho con.

– Sao mà không khéo mình?

– Theo ý anh phải từ từ mới được! Hiện giờ, Ngọc Dung đang lầm và yêu Trân, có la rầy trách mắng, nó cũng không nghe, vì theo ý nó, Trân rất thành thật trong tình yêu. Nếu ta lấy quyền cha mẹ bắt con tuyệt giao với Trân thì cũng được vậy, nhưng sợ có nhiều hậu quả không hay. Nó dám hành động ngông cuồng lắm!

Mộng Ngọc lo ngại nói:

– Mình thấy hại mà không ngăn cản con, sợ quá… trễ tràng chăng?

– Sao lại không ngăn cản? Nhưng phải khéo léo, uyển chuyển trong vấn đề. Mình phải theo sát tâm tình của con, vạch rõ lần lần bộ mặt đểu giả của Trân.

– Đành vậy thôi, nhưng lỡ mình hớ hênh… thì sao?

Vũ nghiêm nghị nói:

– Đó là lỗi của mẹ nó!

– Em thấy khó quá hà… Đâu phải mỗi chuyện gì nó cùng kể hết cho em nghe?

– Tại từ trước tới nay, em bỏ lơi “tâm tình” của con! Vào thời buổi nầy, muốn dạy dỗ con cái thì đừng nên quá tách rời với nó… Làm thế nào cho con thấy em là người bạn tâm tình, buồn, vui, giận, ghét gì nó cũng sẽ nói hết cho em nghe. Em phải đối xử với con như thế, mới có đủ thì giờ khuyên dạy con chớ!

Mộng Ngọc thở ra:

– Lối dạy con cái của mình mới mẻ quá, không biết có thành công được không?

– Kể ra thì cũng mới đó… nhưng anh chắc chắn sẽ thành công. Em thấy hằng ngày bao người vì sinh kế cũng có, vì cẩu thả cũng có, không chịu theo dõi lâm tình con cái, nhứt là con gái… Mỗi một chuyện gì xảy ra là la hét, đánh đập… Đôi khi do chính lỗi của họ mà con cái đâm hư thân mất nết… Phải chịu khó theo dõi tâm tình của con mới được!

Ngừng lại một phút, Vũ tiếp:

– Ví dụ như Ngọc Dung bây giờ, nó đang mù quáng yêu thương Trân. Con nó lầm là phải, vì nó chưa từng trải sự đời, thằng kia nhiều thủ đoạn. Mình làm cha mẹ phải từ từ vạch cho con thấy rõ những sự giả dối của thằng kia. Cái gì còn giấu được chớ tâm địa xấu xa, không giấu được lâu đâu! Chớ mình làm bức quá, tức nhiên con sẽ hành động sai lầm. Tuổi trẻ bồng bột và nông nổi, không bao giờ biết nhìn sự việc cả hai mặt nên thường hành động kém suy xét. Ta làm cha mẹ, phải chịu trách nhiệm về chuyện đó…

Mộng Ngọc lặng thinh và nhận thấy lời chồng rất đúng. Từ lâu nay, quả tình nàng không theo sát tâm tình con. Bây giờ nàng phải thay đổi cách đối xử với Ngọc Dung. Phải gần gũi với con hơn nữa. Mộng Ngọc nhủ thầm như vậy…

error: Content is protected !!