Chương 32: Có những thế giới rất khác

Bốn cô gái trẻ như hồng mai lan cúc, mỗi đóa hoa mang một vẻ thanh tân, góp cho đời bằng nét đẹp riêng của mình.

Laurent vừa rực rỡ vừa thuần khiết như hoa hồng mới nở. Mái tóc hơi quăn ôm hai bên má, uốn lượn buông xuống vai. Hôm nay cô ấy trang điểm kỹ hơn mọi ngày, đôi môi đỏ, viền mắt kẻ sắc sảo nhưng má vẫn còn phúng phính căng đầy của cô gái nhỏ, chưa thuần thục. Cái váy xanh đậm và áo trắng viền cổ cầu kỳ thêm phần nữ tính quyến rũ.

Hòa vẫn mặc kiểu áo dài màu trắng cổ cao như thường lệ. Đôi hoa tai mù u có cẩn ngọc xanh biếc tinh khôi. Những lúc đi làm cô ấy dùng một ít son môi hồng nhạt thật dễ thương. Thật ra cách trang điểm này “hiền” quá, không giống một nữ ký giả tương lai chút nào.

Những năm gần đây, chịu ảnh hưởng văn hóa Tây Âu nên người phụ nữ tân thời đã bước chân ra xã hội. Họ có thể làm việc ở công sở, thương mãi và gia nhập vào hàng ngũ văn nhân, được công khai viết văn chương, xuất bản thơ. Đa số phụ nữ tân thời ủng hộ “bình đẳng” với nam giới nên cách ăn mặc của họ rất cách tân, đi đứng nói năng rất mạnh mẽ, tự tin.

Laurent hay nói Hòa phải mạnh mẽ hơn mới làm nghề ký giả được, phải “xông pha” làm một cô gái hiện đại. Liên phì cười bảo vệ Hòa, cô nói quan trọng là tinh thần, nghị lực bên trong, hình thức chỉ là một trong những cách thể hiện thôi. Dù thế nào thì Hòa vẫn giữ các ăn mặc truyền thống nhu mỳ, dịu dàng hài hòa với gương mặt trái xoan nhỏ nhắn, còn có hai lún đồng tiền đắt giá.

Hôm trước Thảo đã uốn xoăn rồi cắt ngắn mái tóc, làm khuôn mặt đã tròn nay còn tròn hơn. Thảo than thở mấy tuần nay, đang dưỡng lại tóc để đổi kiểu. Lúc nãy đến nhà Thảo sau cùng, mà chờ Thảo trang điểm, mặc quần áo lâu nhất. Bốn cô gái đã lục tung phòng của Thảo vì mỗi người mỗi ý. Cuối cùng là Thảo mặc quần lãnh đen ống suôn và áo dài lụa màu xanh lá đậm. Thảo nhờ Laurent trang điểm hơi đậm. Từ ngày nghỉ học, Thảo muốn “lột xác” thành thiếu nữ thành thục, còn học theo mấy minh tinh trên phim mang giày cao gót, kẻ mắt đỏ rực.

Thời thiếu nữ ngày vui ngắn tợ gang tay! Liên nhắc nhở Thảo và cũng nhắc nhở mình, cứ thong thả tận hưởng những ngày thanh xuân hồn nhiên này! Mai sau mình có muốn cũng không thể quay lại. Và dù không muốn thì rất nhanh thôi các cô cũng phải “trưởng thành” để gánh vác trách nhiệm, nếm trải thăng trầm vinh nhục của đời người.

Bốn giai nhân mỗi người một vẻ, Tư Tấn đương nhiên vui vẻ tháp tùng các cô. Nhưng mà sao các cô nói chuyện tây ta lẫn lộn hắn không hiểu. Thật ra ngày thường Tư Tấn chỉ lõm bõm mấy chữ tiếng Pháp, nói cho ra vẻ thôi. Gặp các cô nữ sinh học trường Tây ra thì làm sao bì được.

Mới đầu Tư Tấn hơi ngượng, cảm thấy mất mặt. Nhưng mà các cô không để ý lắm, vẫn vui vẻ tám chuyện, hỏi đủ thứ chuyện ở Mỹ Tho. Tư Tấn lấy lại tự tin, ga-lăng hết chỗ nói, đưa các cô đi ăn kem, đi xem ci-nê, mua sắm đủ thứ, còn tự mình xách hết túi lớn túi nhỏ.

Chốn vui chơi của mấy cô gái nhỏ này rất khác với chốn vui của Tư Tấn mỗi đợt lên Sài Gòn. Hắn chưa bao giờ đến quán kem “bốn mùa” trang trí tươi sáng như vầy. Tiếng nhạc Tây hân hoan nhịp nhàng phát ra, xung quanh là những gương mặt trẻ trung, tràn đầy sức sống. Đám thanh niên thiếu nữ vui đùa hớn hở, trêu chọc nhắng nhít. Nhìn mấy cô gái hào hứng thử đủ loại kem hương vanilla, hương hoa hồng. Thật sự yêu thích như vậy sao?

Lúc hắn mười tám, mười chín tuổi hắn làm gì? Chắc chắn là không vui vẻ cùng bạn bè ngồi ăn kem hay đi xem phim hài rồi cười ngất ngư, té ghế như các cô rồi.

Hắn đương nhiên có bạn, vài người cũng coi là thâm giao. Nhưng nơi hắn đến là những nơi “sang trọng” với ánh đèn mờ ảo, những cô gái xinh đẹp, thuần thục dịu dàng nhỏ to bên tai. Nơi đó có đầy mùi thuốc, mùi hương phấn, đầy tiếng cười nhưng làm sao trong trẻo, thanh tao như tiếng cười hắn đang nghe.

Ừ, lúc tuổi nhỏ hơn hắn cũng đã cùng bè bạn có những ngày vui vẻ hồn nhiên như vậy. Đó là những ngày cưỡi ngựa chạy đua trên đường làng dài mút mắt. Giữa những cánh đồng lúa cò bay mỏi cánh, hắn tự hào hét lớn ruộng lúa này là của mình, ao cá kia là của mình. Hay những ngày đua ghe trong ngày hội. Đội ghe nhà hắn sống chết lao về phía trước. Về nhứt để nhận phần thưởng gì hắn không quan tâm, cái hắn muốn là về nhứt, vậy thôi. Bao lâu rồi hắn không còn ham muốn mãnh liệt về một cái gì đó? Hình như rất lâu rồi.

Đợi đến khi đưa Laurent về nhà thì trời đã tối. Liên đi xuống theo, quay lại lễ phép nói.

– Cám ơn cậu tư, tôi vào gặp bác Phó có chút chuyện. Chút tôi nhờ bác trai cho xe đưa về. Hẹn cậu tư lần sau lên Sài Gòn gặp lại.

– Phải, cảm ơn cậu.

Laurent biết điều chạy đến cảm ơn, chào rồi hai cô chạy nhanh vào cổng đã mở sẵn. Chạy đến bậc thềm nhà thì cả hai không nhịn được mà ôm bụng cười.

– Cái gì mà chưa vào nhà đã cười vậy?

Mẹ Laurent là cô giáo Lê ở trường Nữ sinh Áo tím nên thi thoảng Liên quen miệng gọi là cô. Cô từ trong nhà đi ra hỏi hai đứa. Laurent lắc lắc tay nói.

– Không có gì, mama, không có gì.

– Nhìn bộ dạng của con kìa, lại trêu chọc ai rồi hả?

– Lần này mama đổ oan cho con. Là Liên bày đầu.

Laurent thiệt chẳng nghĩa khí gì cả, chưa gì đã khai ra rồi. Cô Lê nhìn hai đứa vẫn còn khúc khích mà lắc đầu.

– Vào nhà đi, đã ăn tối chưa?

– Chưa mama,

Vừa nói đến đó hai đứa lại cười vui vẻ. Haiz, nếu không phải sợ ăn xong trời tối quá chắc bốn cô gái đã ‘hành’ tư Tấn thêm một chút nữa. Liên từ chối dùng cơm ở nhà cô Lê nói.

– Con về ăn chung ba má. Hồi trưa Thảo nói là nhà trò ấy không làm chung chuyện mua bán quần áo coc-xê được. Ba má con rất muốn làm nên con đến hỏi cô tính như thế nào?

– Ừ, mình ơi, rảnh không mình?

Cô Lê gọi vói vào trong phòng làm việc của bác Trần. Tất cả ngồi xuống bộ sofa bằng da mềm mại. Bộ sofa này rất mắc tiền đó, nhập nguyên từ Ý Đại Lợi về, da bò thuộc.

Bác Trần hiện là Phó sở cảnh sát – An ninh của Sài Gòn, mọi người hay gọi Ông Phó Trần. Nghe ba Hoài nói quyền lực rất lớn, còn lấn cả ông Chánh. Nhưng tuổi còn hơi trẻ, vài năm nữa chắc nắm toàn bộ an ninh ở Sài Gòn Lục tỉnh.

– Có gì sao?

– Cái vụ buôn bán quần áo cooc-xe đó, nhà mình làm chung với ông bà Châu Long Hồ, ý mình sao?

– Không phải là đã quyết định rồi, mình và con làm đi.

– Em tính hẹn ông bà Châu gặp mặt để bàn cho rõ hơn, ngày nào mình rảnh?

– Cái này mình và bà Châu gặp đi, tôi theo nói cái gì?

Bác Trần liếc nhìn cô Lê ý nói ‘không hiểu chuyện’, hai vợ chồng mình nói vụ áo sống này còn được. Bà Châu bên kia được sao? Cô Lê ha ha cười xoay sang nhìn Liên.

Thật ra Liên cũng hơi ngượng nên chỉ cúi đầu, rủ mi lắng nghe. Laurent bật cười nói.

– Papa đi chỗ khác đi, trò Liên ngượng kìa!

Thiệt là, có cần nói trắng ra vậy không đây? Bác Trần đứng dậy đi vào phòng. Cô Lê mới tính ngày hẹn với Liên.

– Hẹn gặp ở cửa tiệm cháu được không? Cháu nghĩ mình phải đặt thêm quầy bày hàng, thêm mấy cái khác nữa.

– Phải đó, phải làm thêm phòng thử thật đẹp, có gương dài nữa.

Laurent tả lại cửa tiệm ở Paris như thế nào, cần có cái gì, trưng bày ra sao. Xem ra trò ấy cũng quan sát rất kỹ.

– Được, vậy qua cửa tiệm cháu đi, sau đó đi ăn trưa gần đó luôn.

– Dạ, cô thấy mình nhập kịp về bán trước Tết Nguyên đán không? Dịp đó bán rất tốt.

– Ừ, mình à! Kịp không?

– Kịp cái gì?

Tiếng bác Trần từ trong phòng vọng ra.

– Trời đất, nãy giờ mình không nghe à? Mình ra đây chút đi.

Liên hơi hâm mộ nhìn cô Lê gọi to gọi nhỏ. Thật hiếm có cảnh vợ chồng như thế này. Gia đình người Việt truyền thống chắc chắn không có rồi. Những gia đình đã từng sống ở nước ngoài cũng tuỳ nhà, có nhà vẫn giữ nếp cũ, chồng chúa vợ tôi.

– Hàng từ Paris về đây cũng mất cả tháng. Mình tính nhanh rồi nhờ dì tư đặt trực tiếp bên kia mới kịp Tết.

– Dạ, em biết rồi.

Nói được một câu bác Trần lại bị đuổi vào trong. Liên nghe cô Lê nói thêm mấy câu thì đứng dậy xin phép về. Chú hai tài xế hôm trước đi Tân Châu chở Liên về nhà.

error: Content is protected !!