Chương 29: Nhiều anh hùng quá!

Ga Mỹ Tho giờ này nhộn nhịp hơn ga Sài Gòn. Một phần người ở đây dậy sớm làm ăn buôn bán, một phần là muốn chở hàng tươi sống lên Sài Gòn. Người Sài Gòn sáng sớm ngủ dậy ăn tô hủ tíu mì thì con tôm, rau sống là tươi rói từ lục tỉnh đưa lên. Công cán phải kể đến mấy chuyến xe lửa, ghe xuồng trên sông này.

Dì tư Lành xin về nhà em trai chơi mấy ngày, chiều chủ nhựt mới lên. Hai má con Liên ngồi ở toa đầu xe lửa nhìn ba Hoài và chú năm đi về bến ghe. Đồ đạc thím tư gửi lên đều gửi trong khoang hàng hoá. Liên chỉ mang túi xách da bò nhỏ, má Ngọc thì xách giỏ mây. Má đeo giỏ trên khuỷu tay, úp nón lá lên trên ngồi bắt chuyện với một bác gái bên cạnh. Câu chuyện qua lại cũng hỏi thăm quê, nhà ở, làm ăn.

Bác gái đi cùng một thanh niên, thứ năm tên Đẩu. Anh năm Đẩu ngồi im giống Liên, lẳng lặng nghe hai người lớn nói chuyện. Ban đầu Liên không chú ý lắm, nhưng lát sau cô lại nhận ra người nọ có chút kỳ lạ. Anh ta đội nón lá quá thấp, gần như không nhìn được gương mặt, vậy có thấy đường đi không? Liên nghĩ rồi tự cười mình, lo chuyện thiên hạ.

Gần mười giờ thì đến ga Sài Gòn, Liên bước xuống theo má Ngọc đi vào bên trong chờ lấy hành lý. Ngồi liên tục mấy tiếng nên má Ngọc hơi mỏi nên đứng lên đi lại một vòng. Liên nhìn toa cuối xe lửa trông chừng thùng đồ nhà mình. Chưa kịp thấy gì thì,

 ‘Phựt’

Có một người giựt cái túi xách trên tay cô. Liên hoảng hồn chưa kịp la lên thì người đó chen trong đám người đông đúc bỏ chạy. Bỗng có hai người cùng lúc lao đến chặn hắn lại. Một người là anh năm Đẩu, một là người dáng nho nhã, gương mặt như quen như lạ, còn ai nữa, là Văn Bản. Vừa thấy hắn Liên không la lớn mà trầm mặt xuống nhìn ba người đánh nhau. Không, phải là hai người đánh một người mới đúng. Tên cướp người gầy, gương mặt đầy râu lởm chởm, đen đúa chỉ có thể yếu ớt chống trả.

Thấy có đánh nhau, ngững người xung quanh hơi ngỡ ngàng rồi hiểu chuyện rất nhanh. Má Ngọc cũng chạy tới hỏi Liên có sao không. Ai đó đã báo cảnh sát trật tự ga đến. Tên cướp bị đè xuống, bẻ ngoặt tay nằm trên đất. Văn Bản lấy lại túi xách mang đến. Hắn hơi giật mình khi thấy má Ngọc và Liên, lớn tiếng nói.

– Không biết là bà chủ và cô ba ở đây. Giỏ xách của cô?

– Phải, cảm ơn. Sao anh ở đây?

– Thưa cô, tôi đi nhận hàng từ Tân Châu chuyển lên.

Má Ngọc thấy hắn thì ngạc nhiên rồi vui vẻ hỏi han xem hắn có bị gì không. Liên liếc nhanh thấy anh năm Đẩu lẩn vào trong dòng người đi mất, bác chín gái cũng không thấy đâu. Trước khi đi ảnh còn nhìn lại đây một thoáng. Cái nón lá đã rớt xuống lúc đánh nhau, để lộ gương mặt trắng trẻo và đôi mắt rất sáng. Liên hơi thoáng giật mình thấy ánh mắt đó như quen như lạ.

Theo lẽ thường, hai người đó nên đến hỏi han một chút chứ. Liên vừa tự hỏi vừa dõi mắt nhìn hai người rời đi thì hai cảnh sát đã đẩy tên cướp đến rồi nói.

– Mời bà và cô theo tôi về đồn khai báo.

Má Ngọc chần chừ không muốn đi. Một phần là đã lấy lại được túi xách, một phần là đàn bà con gái đi vô mấy chỗ đó dễ mang tiếng. Liên hiểu má đang phân vân cái gì định nói thì có tiếng người cắt ngang.

– Ông cảnh sát muốn gì hỏi tôi đi. Tôi ở gần, tôi thấy hết.

Người nói là một thanh niên ăn mặc rất sang trọng, bộ đồ tây vải màu kem nhạt, giày đinh bóng loáng, tóc chải bảy ba láng mướt. Người cảnh sát còn phân vân chưa quyết thì có người tài xế bước đến nói.

– Cậu tư nhà tôi vừa từ Mỹ Tho lên, xe cậu tư tôi đậu đằng kia. Nhìn rõ chuyện ở đây.

Bên lề đường gần đó có chiếc xe hơi Peougot màu trắng đang đậu, màu sơn láng bóng. Ai nhìn cũng hiểu là ‘cậu tư’ gia thế ra sao rồi. Mà người ta hay nghĩ người giàu có sang trọng chắc không gian lận hay gian dối.

Liên xoay sang nói với Văn Bản.

– Anh cầm giấy này đi nhận hai thùng xé đồ thím tư gửi lên với một vali quần áo, đem về nhà cho tôi.

Hắn hơi chần chờ nhưng thấy cô không lay chuyển thì gật đầu bước đi.

– Má qua tiệm nhắn anh tư Bốn lại đây đi má? Hay anh ba Hảo cũng được.

– Ừ, má đi liền, con không đi theo vô đồn nghe!

– Dạ, con biết mà!

Cô mỉm cười vỗ vỗ tay má. Đợi má đi xa, cô mới quay sang nói với hai ông cảnh sát.

– Hai ông cảm phiền đưa người này về đồn trước. Người nhà tôi sẽ đến sau. Hơn nữa có vị công tử này ở đây kể lại chắc đủ rồi. Cảm ơn cậu đã nói giúp.

Câu sau là Liên quay sang vị ‘cậu tư’ nói.

– À, cái này không có gì. Nhà cô ở đâu tôi có thể đưa cô về.

– Phiền cậu đi lên đồn làm chứng kể lại chuyện ban nãy trước. Tôi sẽ cảm tạ.

Cái gì vậy? Mình lên đồn làm gì, xui xẻo!

Hai viên cảnh sát nghe vậy không chờ nữa mà vừa kéo vừa đẩy kẻ cướp đi về đồn cảnh sát gần đó. Liên gật đầu như cảm ơn cậu tư rồi đứng vào phía trong chờ. Cậu tư cũng đi theo sau, không bỏ lỡ cơ hội giới thiệu.

– Tôi là Trương Văn Tấn, con điền chủ Hoàng ở Mỹ Tho. Cô ba từ Long Hồ lên chắc có nghe tiếng nhà tôi. Tôi có bạn làm ăn cũng ở làng Long Hồ, chú tư Tân. Cô biết chú ấy không?

– Dạ, chú tư là chú của tôi. Thì ra là cậu tư. Hôm trước có nghe chú tư kể chuyện nhà cậu. Cậu tư lên Sài Gòn làm ăn hay đi dạo.

– A, cô ba đừng gọi cậu tư, nghe xa lạ quá. Gọi tôi anh tư là đặng rồi.

Thấy Liên không đáp chỉ hơi gật đầu nên Tư Tấn nói tiếp.

– Tôi đi lần này là dạo chơi thôi. Còn chưa đến mùa thu lúa. Cô ba nhà ở đây chắc rành đất Sài Gòn lắm, nhờ cô ba rảnh rỗi chỉ dẫn cho tôi được không?

– Dạ được, khi nào rảnh tôi dẫn cậu đi.

Chưa kịp phản đối tiếng cậu của Liên thì anh tư Bốn đến. Anh chạy nhanh lại chỗ Liên. Liên kể sơ anh nghe tình huống rồi nói.

– Cậu tư nhận lời làm chứng rồi. Giờ anh thay tôi đến đồn. Cần làm việc gì anh cứ làm.

– Dạ cô ba. Cảm ơn cậu tư. Mời cậu!

Cậu tư bất đắc dĩ ngoắc tay với người tài xế, ý bảo anh ta lái xe tà tà đi theo. Liên không ở lại mà quay bước đi nhanh về tiệm Ngọc Phước gần đó. Bà Ngọc và mấy chị trong tiệm đang chờ cô về. Liên thuật lại mấy chuyện xảy ra xong thì bà nói.

– Cũng may có hai Bản giúp, mà còn một người nữa y như là năm Đẩu cháu chị chín trên xe lửa phải không?

– Dạ phải má, chắc ảnh có chuyện gấp nên đi luôn, ở lại biết đâu cảnh sát rày rà hỏi tới lui.

– Ừ, cũng phải. Thôi mình về nhà đi.

Hai má con Liên căn dặn mấy câu rồi ngoắc chiếc xe ngựa chở khách về nhà. Chuyện cướp giựt tại bến xe, bến tàu hay xảy ra nên mọi người bàn tán một chút rồi thôi.

Lúc Liên lên phòng mình đi tắm thay quần áo thì cô không nhịn được nữa mà phì cười. Cậu tư Tấn đó thiệt là, sao chú tư tìm được người ngây ngô vậy? Chưa gì đã lậu ra hết, mới nói chuyện ba câu đã biết con gái người ta thứ ba, nhà ở Long Hồ, haiz.

Anh năm Đẩu và bác chín gái đó là ai? Hoặc nói rõ hơn là người phe nào? Chắc không phải người chú tư xếp đặt, là do ký giả Đoàn Biền sao? Nhưng chuyện mình lên Sài Gòn sớm hơn ông ấy không biết. Người qua đường ra tay nghĩa hiệp? Liên gạt ngay ý nghĩ này.

Mà vì sao chú tư để cả Văn Bản và Tư Tấn ra mặt. Liên nhớ lại nét mặt Văn Bản hơi ngạc nhiên khi thấy Tư Tấn, hắn không biết có thêm diễn viên mới sao? Kế anh hùng cứu mỹ nhơn này xưa quá rồi, mà còn thêm có tới ba anh hùng lận, chú tư cũng không khéo léo cho lắm!

Liên nằm chợp mắt hơn một tiếng thì dậy. Cô định ra tiệm Ngọc Phước, xuống nhà thì thấy anh tư Bốn đã về, đang ngồi kể cho má Ngọc, chị bảy A và em Bê nghe chuyện trong đồn. Cậu Tư Tấn không có đi vào mà sai người lái xe đi với tư Bốn. Chuyện đã rõ ràng nên hai viên cảnh sát lấy lời khai cho đúng thủ tục. Chuyện xử lý tên cướp như thế nào thì anh tư nói.

– Cô ba nhà tôi dặn là làm theo luật. Cô ba tôi xin cảm ơn hai ngài cảnh sát, cảm ơn cậu tư.

Trước khi về, anh tư biết điều nhét tờ năm đồng vào tay hai viên cảnh sát, tài xế kia thì hai đồng bạc.

– Cháu làm vậy phải lắm. Sau này ra đường con phải cẩn thận đó.

Câu sau là má Ngọc quay sang nói với Liên. Má dặn em Bê, chị bảy sắp xếp đồ đạc rồi cũng lên xe ra tiệm. Văn Bản mang đồ từ ga về thì ở lại ăn cơm trưa, hắn không nhiều lời ngồi bên ngoài chỗ đánh xe với anh tư Bốn. Sau chuyện lúc sáng, mọi người đều thân thiện hơn với Văn Bản, không phớt lờ hắn nữa.

error: Content is protected !!