Chương 28: Không nhường nhịn thì sao?

Thím tư dù bận bịu chuyện mua bán ở tiệm nhưng vẫn nuôi gà nuôi vịt phía sau vườn. Lúc má Ngọc và thím đi chợ thì người ở nhà lo làm gà vịt, nấu cơm, nấu nước. Nhà dưới bận rộn, nhà trên cũng bận. Có mấy chị, mấy thím hàng xóm qua phụ một tay.

Liên như thiên lôi, ai sai gì làm đó, chạy lăng xăng từ nhà sau ra nhà trước. Mấy lần ba Hoài kêu ra thưa hỏi khách quen của ba má Phước. Ai cũng nói mấy câu, đại loại như.

– Con gái chú thím lớn đại rồi nghen, tội nghiệp.

– Có nơi có chỗ chưa anh hai?

– Cháu có mở tiệm may ở Sài Gòn hả, ừ, theo nghề ba má vậy được à,

– Mai mốt chú/ thiếm lên Sài Gòn đặt may thử coi.

Liên chỉ nhớ mang máng vài người quen, nghe ba Hoài gọi thì gọi theo, gật gật gù gù, lần nào cũng vậy. Không biết người ta thương cảm cho hoàn cảnh của cô thiệt tình hay không, nhưng đa số nói một hai câu thấy Liên hơi gật hơi cười rồi thôi. Sau đó quay sang nói chuyện tiếp với ba Hoài, chú tư, chú năm Ngòi. Câu chuyện lại râm ran, xôm tụ như trước.

Hơn mười một giờ là bắt đầu dọn mâm đãi khách. Khách đi đám giỗ luôn mang theo đồ ăn hay món gì đó là lễ. Trước là cúng trên bàn thờ, sau đó thì tuỳ chủ nhà đem xuống dọn ra dùng ngay hay để lại. Thức ăn hay nước uống như thịt heo quay, bánh in, bánh lớp, rượu trắng hay trái cây thường được chủ nhà đem xuống. Chủ nhà luôn để một nửa hoặc ít hơn chút để ‘trả lễ’ cho khách mang về.

Năm nay má Ngọc và Liên đi Tân Châu, rồi Liên bị thương nữa nên má dặn thím tư không gói bánh ít, bánh quy gì hết. Thím tư dặn cửa tiệm làm bánh ngoài chợ làm. Lúc sáng ở nhà có đổ bánh bò. Liên đang ngồi trên bộ ván phụ má Ngọc chia và xếp các thứ ‘trả lễ’ cho khách. Ngoài nửa phần khách mang đến sẽ thêm mấy cái bánh ít, bánh quy. Chị hai Tầm ngồi gần đó nhắc nhà nào có con nít thì cho thêm bánh tây hay thèo lèo cứt chuột.

Lần đám giỗ này định ở lại thêm mấy ngày nhưng Liên cứ cảm thấy bồn chồn. Hôm nay thứ năm, hay là ở lại hết ngày mai thì về.

– Má, con tính về trển sớm hơn, sắp tựu trường nên nhiều đồ khách hối gấp.

– Hôm trước thấy ngồi may ngày đêm, vẫn chưa xong à?

– Dạ chưa. Áo dài học trò, may lâu hơn.

– Ừ, để tối má hỏi ba con coi sao, chứ ba con tính đi đâu nữa đó.

– Dạ.

Lúc khách về đã gần năm giờ chiều, cả nhà dọn dẹp rồi ngồi xuống ăn cơm chiều. Nhà mình đám giỗ, đồ ăn ê hề nhưng đâu có kịp ăn. Bàn tròn lớn ngồi đủ hết chỗ. Ăn chưa hết chén cơm đã nghe chú tư hơi dài giọng nói.

– Hổm rày ai cũng hỏi con Liên có nơi có chỗ chưa. Nó lớn hơn con Thanh một tuổi, học cũng xong rồi. Anh chị hai tính đi để trễ.

Lại nhắc chuyện này nữa, Liên không nhìn chú tư cũng không phản ứng gì. Ba Hoài ăn hết chén cơm rồi mới từ từ nói.

– Qua năm rồi tính, năm nay con Liên không được tuổi.

– Con gái lớn rồi, không nhanh mất công sau này xui rủi thì mang tai tiếng.

Má Ngọc buông chén cơm nói.

– Chú tư nói vậy là ý gì? Con Liên có tôi bên cạnh thì mang tai tiếng cái gì?

– Phải rồi, mình nói gì vậy!

Thím tư cũng chen lời, liếc chồng khó hiểu. Năm trước lúc con ba Thanh tính chuyện hôn nhân thì không thèm ngó ngàng tới. Giờ lại xen vào chuyện con Liên, còn anh chị hai ở đây mà. Hơn nữa ai lại nói cháu mình xui rủi mang tai tiếng chứ?

– Nói vậy thôi, thời buổi bây giờ bất an. Số con Liên, nó …

Chú tư định nói gì nữa nhưng má Ngọc buông chén cái cộp, hơi lớn giọng.

– Chú khỏi lo. Con Liên có phước lắm, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm nói rồi. Còn tôi với anh hai chú ở đây, ai dám làm nó mang tai tiếng chứ.

– Má, má đừng giận. Chú tư đi nhiều nơi, thấy nhiều chuyện ác nên nhìn đâu cũng lo lắng, nghĩ nhiều người hay làm chuyện xấu thôi.

‘Thấy chuyện ác rồi làm ác theo’ Liên nhủ thầm trong bụng, ‘người thân mà còn muốn hại, huống chi’.

Châu Tân nghe Liên nói thì hơi nhíu mày, rồi sẵn giọng như giận dữ.

– Tao lo con gái lớn mà cứ chạy ngoài đường, bây không biết thì thôi.

Liên không thèm nói lại, không cần giả bộ ngoan ngoãn. Má Ngọc cũng không hoà giải, mềm mỏng như ngày thường. Hai má con đều không nói làm Châu Tân sượng mà không biết làm sao. Giả bộ giận nữa coi không được, mà im lặng cũng không xong.

Bữa cơm đang yên lành, nói mấy câu làm ai cũng không muốn ăn tiếp. Chú tư thật là biết gây ngột ngạt cho người ta. Mấy lần trước chú hay hoạch hoẹ thím tư và mấy đứa con gái của mình. Bốn người đó đều nhịn xuống, cúi đầu nghe chú làm khó. Lần này má Ngọc và Liên không chừa mặt mũi cho chú, còn xiên xỏ chú làm ác, làm xấu.

Châu Tân từ giả bộ giận giờ thì tím mặt giận thật. Ông chưa từng coi bà Ngọc là người nhà hay chị dâu đáng trọng. Chỉ là đàn bà nhờ anh hai ông mà được ăn sung mặc sướng. Con Liên cũng vậy, chút tài sản ba má nó để lại đáng bao nhiêu? Cũng nhờ ông và anh hai ông cực khổ làm ra, sinh lời cho nó hưởng. Vậy mà bây giờ hai người này nói chuyện xiên xỏ ông, không nhường hay coi trọng lời ông nói. Còn làm trước mặt vợ con ông nữa!

Ông nhìn mặt anh hai vẫn im lặng không lên tiếng. Đúng là không trông cậy được người anh hai yếu đuối này. Cái gì là coi trọng, thương vợ chứ? Đàn bà thì phải làm đúng bổn phận, thờ chồng, nuôi con, lo chuyện bếp núc. Ai lại để vợ ra làm chuyện buôn bán, còn hỏi ý kiến, bàn bạc nữa. Thêm ít thời gian nữa thôi, khi tài sản này về tay ông mọi chuyện sẽ khác. Ông xem hai má con này còn lên mặt với ông không! Lúc đó sẽ phải ngoãn ngoãn nghe lời để xin của ông từng đồng bạc mà sống.

Châu Tân biết mình chưa thể phát tác cơn giận nên đứng dậy đi ra ngoài. Ông đi thẳng xuống ghe, nổ máy chạy đi. Vừa hay tối nay ra rạp hát chợ giải khuây với đào với kép. Thấy ông ta đi rồi, má Ngọc mới e hèm nói với chồng.

– Chuyện này ông không tính một mình được, mà không cần gấp gáp đâu.

Ông Châu phì cười nói.

– Tôi giành tính một mình hồi nào? Không phải chuyện gì cũng bàn với bà sao? Bà còn không biết mấy anh em bạn hàng đặt tôi hỗn danh gì sao?

Mọi người đều hơi mỉm cười, Liên phì cười hỏi.

– Là gì vậy ba? Sao con không biết ?

– Xuỳ, xuỳ, hỏi làm gì.

Lần này là má Ngọc vội vàng khoả lắp.

Ha ha ha, không khí đã vui vẻ trở lại. Thật ra chuyện ba Hoài ‘coi trọng vợ con’ rất nhiều người biết. Có người vỗ tay nói ‘anh hùng khó qua ải mỹ nhân’, có người chê cười ông nhát gan, không có bản lĩnh. Chuyện ông không cưới vợ bé để kiếm con trai nối dõi tông đường cũng làm nhiều người lời ra tiếng vào. Ông bà nội trước khi mất cũng dặn dò chuyện hương khói tổ tiên. Ba Hoài im lặng không nhận lời cũng không cự tuyệt.

Nhiều lúc Liên nghĩ má Ngọc cũng có phước, mấy ai được như ba Hoài. Bên ngoài ông chí thú làm ăn, giữ chữ tín. Trong nhà thì ông biết yêu thương vợ con, không gia trưởng, lại càng không khó hầu hạ, đòi hỏi nhỏ nhặt.

Liên tưởng chuyện hôm qua đã làm chú tư chùng bước, tìm cách khác. Ai ngờ hôm sau chú mời khách từ chợ Vĩnh Long về. Khách là đàn ông nên Liên không biết mặt, chỉ nghe tiếng loáng thoáng nói chuyện ở nhà trên.

Lúc khách về chú tư kể rất nhiều chuyện về nhà người đó. Là công tử Tấn con chủ điền Hoàng ở chợ Vĩnh Long. Nhà giàu có nhất nhì ở đây, ruộng đất bao la, có gần trăm nhà là tá điền thuê ruộng của cậu Tấn. Hàng năm thu lúa ruộng không cũng đủ nuôi cả chợ Vĩnh Long ngồi không mà ăn một tháng. Còn có hai nhà máy xay xát gạo, một nhà máy làm mía đường. Mỗi tháng hai ghe lớn chở qua Nam Vang bỏ mối bạn hàng.

Không phải chú tư muốn cài Văn Bản vào nhà sao? Bây giờ đổi ý hay có kế khác? Theo như đời trước chú tư kiên nhẫn đợi đến năm sau mới bắt đầu để Văn Bản tiếp cận cô. Thời gian này là hắn đang tiếp cận ba má cô mới đúng? Liên đã hỏi dò anh tư Bốn. ảnh nói ông chủ ít ghé tiệm Long Hồ. Chẳng lẽ không thân cận ba má được nên hắn đổi chủ ý qua cô. Chuyện cuốn tạp chí hôm trước làm cô buồn cười mà còn muốn nôn nữa, thiệt là vụng về quá. Không hiểu sao đời trước cô không nhận ra? Có lẽ vì gương mặt giống anh hai?

Ừ, có thể chú tư thấy không hiệu quả nên nôn nóng muốn thay đổi?

Chiều hôm đó thím tư hái rau cải ngoài vườn, bắt hai cặp gà mái nhốt lại. Chú tư thấy mới hay là má Ngọc và Liên lên Sài Gòn trước, chỉ mình ba Hoài ở lại. Chú tư nghe xong không nói gì nhưng tối đó lại chạy ghe ra chợ Vĩnh Long tiếp, nói là có hẹn với công tử Tấn gặp bạn hàng bàn chuyện làm ăn.

Buổi sáng ba Hoài và chú năm Ngòi đưa hai má con ra ga xe lửa ở Mỹ Tho. Chiếc ghe gắn máy chạy tạch tạch trên dòng sông. Hai bên bờ từng rặng dừa nước xanh ngát, những mái nhà chen lẫn giữa vườn cây. Người dân miệt lục tỉnh này vẫn giữ thói quen xưa, ‘nhất cận thị, nhị cận giang’. Dựng nhà thì hoặc là ở gần chợ, hoặc là cạnh mé sông.

– Năm nay nước cao không chú?

Liên xoay sang hỏi chú năm. Chú ấy là dân miệt Sa Đéc, cưới vợ rồi theo về đây sinh sống. Nhà chú thím cách nhà Liên một con rạch nhỏ, hai người sáng chiều đi về. Trước đây chú năm có một lần đổ bịnh nặng, không thể làm việc ruộng rẫy được nên theo ba Hoài học buôn bán. Mà nghe nói vì bịnh nên chú thím không có con được.

– Nghe khách thương hồ ở thượng nguồn về nói lại chắc không cao như năm rồi. Mấy chỗ đất cao ở Nam Vang đang thiếu nước ngọt, họ trông nước về quá đỗi.

– Coi bộ năm nay lúa gạo bán được giá rồi.

– Phải đó anh hai, mấy nhà máy xay gạo đang gom lúa khắp nơi, còn kiếm thêm người làm. Năm nay chủ điền lại trúng lớn.

Mùa lúa trúng, lại bán được giá nên chủ điền và tá điền đều được lợi. Những năm này lúa gạo từ miệt này đã có mặt khắp nơi trên thế giới. Mấy hãng tàu đậu ở cảng Khánh Hội cứ đến mùa lúa là náo nhiệt, ngày đêm phu bốc vác lên xuống không kịp thở.

error: Content is protected !!