Vụ án 256: Xác chết lộn ngược trong hốc tường

Cô gái tài năng

Annie Marie Le sinh ngày 3/7/1985 trong một gia đình nhập cư tại San Jose, California, Hoa Kỳ. Annie mang vẻ đẹp đặc trưng của người phụ nữ Á Đông. Cô có một vóc người nhỏ bé, rất duyên dáng và xinh đẹp.

Cuộc sống trên đất Mỹ của người nhập cư như gia đình cô không phải dễ dàng, thế nhưng cô gái xinh đẹp này vẫn chứng tỏ được tài năng và nghị lực học tập của mình. Ngay từ khi còn nhỏ, Annie đã là một cô bé có trí thông minh trời phú, cho đến khi đi học, cô luôn đạt được những thành tích học tập xuất sắc đáng ngưỡng mộ.

Càng lớn dần, Annie càng có hứng thú đặc biệt với lĩnh vực toán học và sở thích nghiên cứu các ngành khoa học khác. Cô là thủ khoa khi tốt nghiệp trường trung học Union Mine và được bình chọn là “Einstein thế hệ tiếp theo”.

Với thành tích nổi trội của mình, Annie đã dễ dàng vượt qua nhiều đối thủ để nhận được học bổng lên đến 160.000 USD tại trường Đại học Rochester ở New York với chuyên ngành sinh học phát triển tế bào. Sau đó cô tiếp tục được nhận vào một chương trình thạc sĩ tại Đại học Yale danh tiếng. Những nghiên cứu của Annie đã đạt được những thành công nhất định và hứa hẹn sẽ được ứng dụng hiệu quả trong việc điều trị bệnh tiểu đường và ung thư.

Về tính cách, những người quen biết Annie đều nhận xét cô là một cô gái rất vui vẻ, hài hước, luôn mang lại cho người đối diện một cảm giác dễ chịu mỗi khi tiếp xúc. Có thể nói, cả về mặt học thức lẫn nhân cách, Annie đều được cho là một cô gái trẻ đáng ngưỡng mộ.

Bên cạnh con đường sự nghiệp rộng mở với một tương lại rực rỡ phía trước, Annie còn có một mối tình tuyệt đẹp với Jonathan Widawsky, một sinh viên tốt nghiệp ngành vật lý và toán học ứng dụng tại Đại học Columbia. Sau một thời gian yêu nhau, họ đã đính hôn và dự định sẽ kết hôn vào ngày 13/9/2009.

Mất tích bí ẩn

Ngày 8/9, dù gần tới ngày tổ chức hôn lễ nhưng Annie vẫn bận rộn với những nghiên cứu của mình. Sáng hôm đó, cô đã rời khỏi căn hộ để đến phòng nghiên cứu nằm trong khuôn viên của Đại học Yale ở New Haven, Connecticut, Hoa Kỳ.

Vào khoảng 10 giờ sáng, Annie đi bộ sang tòa nhà bên cạnh để đến kiểm tra những chú chuột sẽ được dùng làm vật thí nghiệm. Trước khi đi, cô đã để lại ví, điện thoại di động, thẻ tín dụng và tiền mặt ở lại văn phòng.

Đoạn băng ghi hình tại tòa nhà ghi lại được cảnh Annie di chuyển giữa hai tòa nhà, cô mặc một chiếc váy nâu và áo sơ mi màu xanh. Đó cũng là lần cuối cùng Annie được nhìn thấy.

Mãi cho đến khoảng 21h, những người bạn cùng phòng không thấy Annie quay trở về, cũng không thể liên lạc được với cô nên đã báo cho cảnh sát. Đồ cá nhân của Annie vẫn còn để nguyên tại phòng thí nghiệm nhưng không một ai biết Annie đã đi đâu. Khi truy xuất lại đoạn băng ghi hình của camera an ninh, cảnh sát chỉ thấy bước vào tòa mà không thấy Annie đi ra.

Sau nhiều ngày tìm kiếm không có kết quả thì đúng vào ngày 13/9, ngày mà đáng lẽ sẽ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời của Annie thì gia đình và hôn phu của cô đã ngã quỵ khi nhận một tin tức vô cùng khủng khiếp.

Cuộc điều tra quy mô

Ban đầu khi nhận được tin báo mất tích, cơ quan điều tra cho rằng, có thể Annie chỉ là đang cảm thấy ngại ngùng trước lễ kết hôn của mình nên tạm thời ẩn mình ở chỗ nào đó. Tuy nhiên, theo bạn bè và gia đình cô, Annie tỏ ra rất vui vẻ và hào hứng đếm từng ngày tới lễ kết hôn và tuần trăng mật ở Hy Lạp đã được cô đặt sẵn vé máy bay, khách sạn.

Khi truy xuất lại đoạn băng ghi hình của camera an ninh, cảnh sát chỉ thấy Annie đi vào mà không hề thấy cô ra khỏi khu thí nghiệm. Điều này khiến cho họ nghi ngờ Annie rất có thể đã gặp bất trắc gì đó và cô vẫn đang ở trong tòa nhà này.

Lực lượng cảnh sát được huy động tối đa, ngay cả FBI, cảnh sát tại New Haven và cảnh sát bang Connecticut cũng đều tham gia vào cuộc tìm kiếm manh mối về Annie. Họ phong tỏa toàn bộ khu vực phòng thí nghiệm. Những chú chó nghiệp vụ cũng được sử dụng nhưng không thể đánh hơi được vì không khí và những thứ lộn xộn trong phòng thí nghiệm. Bãi rác tại Hartford, nơi mà rác thải ở Yale được chở tới cũng được lục tìm nhưng không thấy điều gì khả nghi.

Cơ quan điều tra làm rõ mối quan hệ giữa Annie và vị hôn phu Jonathan Widawsky. Mối quan hệ của họ vô cùng tốt đẹp và cũng giống như vợ sắp cưới của mình, Jonathan đang đếm từng ngày để cả hai có thể chính thức trở thành vợ chồng.

Họ cũng tìm hiểu thêm thông tin về người thầy giáo dạy cô. Vì theo một nguồn tin tại trường, người thầy này bỗng nhiên cho lớp nghỉ học vào đúng hôm Annie mất tích, nhưng khả năng này bị loại bỏ ngay sau đó.

Công tác điều tra bắt đầu được mở rộng ra toàn bộ khu dân cư Yale. Vì không tìm được nghi can trong số những người thân và quen biết với Annie, cảnh sát quay sang với giả thiết hung thủ là một kẻ lạ, đột nhập vào tầng hầm nơi cô làm thí nghiệm.

Phát hiện khủng khiếp

Tới ngày 13/9, 5 ngày sau khi Annie mất tích và cũng chính là ngày cưới của cô, cảnh sát nhận được tin báo đã tìm thấy một thi thể trong tư thế lộn ngược đầu, bị phân hủy một phần giữa hốc tường trong phòng thay đồ ở tầng hầm. Cảnh sát vội tới hiện trường để xác minh thông tin này, đi theo đoàn thanh tra là cơ quan pháp y của Connecticut.

Sau khi giám định thi thể, các bác sĩ kết luận đây chính là xác của Annie Le. Áo ngực của cô bị đẩy lên phía trên đầu còn quần lót bị kéo xuống quanh mắt cá chân của cô ấy. Trong số nhiều vết thương trên thi thể, xương hàm và xương cổ của cô đã bị gãy trước khi chết. Annie đã bị cưỡng hiếp và siết cổ đến chết.

Bộ quần áo dính đầy máu của nạn nhân cũng được tìm thấy được giấu trên trần nhà trong cùng một tòa nhà.

Ngày vui hóa thành ngày tang tóc, cả gia đình bạn bè của cô sinh viên tài năng đều vô cùng khủng hoảng và suy sụp trước hung tin này. Điều mà mọi người thắc mắc hơn cả chính là vì sao một cô gái đáng yêu, dễ mến như Annie lại bị sát hại một cách dã man đến thế.

Trong quá trình điều tra, cảnh sát suy luận rằng, tại một nơi được bảo mật nghiêm ngặt với 75 chiếc camera theo dõi như phòng thí nghiệm tại Đại học Yale, thì chỉ có sinh viên hoặc nhân viên phòng thí nghiệm được cấp thẻ mới có thể dễ dàng ra vào khu vực này như vậy. Sau khi điều tra, mọi sự tình nghi đều đổ dồn vào một nhân viên kỹ thuật ở đây.

Người đàn ông độc đoán

Trong quá trình điều tra cái chết của Annie Marie Le, cảnh sát suy luận rằng, tại một nơi được bảo mật nghiêm ngặt với 75 chiếc camera theo dõi như phòng thí nghiệm tại Đại học Yale, thì chỉ có sinh viên hoặc nhân viên phòng thí nghiệm được cấp thẻ mới có thể dễ dàng ra vào khu vực này như vậy.

Các nhà điều tra đã thẩm vấn 150 người, trong đó nhiều người liên quan đến khu nghiên cứu này. Cuối cùng, mọi sự tình nghi đều đổ dồn vào một nhân viên kỹ thuật tên là Raymond Clark (24 tuổi).

Raymond Clark lớn lên ở Brandford trong một gia đình công nhân. Jessica Del Rocco, bạn gái hồi cấp 3 của Clark, cho biết người yêu mình là một người độc đoán và thậm chí còn bạo lực. Anh ta luôn ép Rocco phải tránh xa bạn bè, rồi ra lệnh cho cô mặc loại quần áo gì, cách cư xử ra sao.

Rocco còn tiết lộ cô từng buộc tội Clark vì tội cưỡng hiếp cô nhưng lời buộc tội này chưa bao giờ được cảnh sát chú ý tới vì bản thân cô khi ấy vẫn mang danh nghĩa là người yêu của Clark. Từ khi Rocco tố cáo Clark thì anh ta càng trở nên đáng sợ hơn. Rocco phải có người hộ tống từ trường về nhà vì lo sợ Clark sẽ khiến cô gặp nguy hiểm.

Những người hàng xóm hiện tại của Clark cho biết, người này đang ở chung với bạn gái Jennifer Hromadka. Cả hai đã đính hôn và định tổ chức đám cưới vào tháng 12/2011. Clark thường hay la mắng trẻ con và kiểm soát bạn gái rất kỹ. “Cậu ta không bao giờ để cô ấy nói chuyện với bất cứ ai. Tôi thường nghe tiếng la hét ở trong căn hộ đó. Clark quản lý bạn gái chặt chẽ”, một người sống cạnh căn hộ của nghi phạm nói.

Những chi tiết gây chú ý

Sau khi tốt nghiệp, Clark may mắn được nhận vào làm việc trong trường Đại học Yale, nơi nạn nhân Annie Marie Le làm việc. Đầu tiên, Clark được giao làm công việc chùi rửa những đồ thí nghiệm. Sau đó, nhờ có kinh nghiệm và kiến thức về động vật mà anh ta được nhận vào làm nhân viên kĩ thuật trong phòng thí nghiệm nơi Annie làm việc. Công việc thường ngày của Clark là chăm sóc cho những chú chuột thí nghiệm.

Clark cũng là người giám sát những người tới đây làm việc sao cho đúng quy trình và không được làm những con vật thí nghiệm này bị thương. Mọi người cho biết, ở trong phòng thí nghiệm, Clark luôn tỏ ra là người độc đoán và thích đặt ra những điều luật và quy định buộc người khác phải làm theo.

Những công việc thường ngày ấy khiến cho Clark trở thành nghi can đầu tiên khi vụ án mạng xảy ra. Ngoài ra, cảnh sát càng để mắt tới Clark sau khi anh ta không vượt qua được cuộc kiểm tra bằng máy nói dối đồng thời lại có những vết thâm tím và vết xước trên cánh tay, ngực, tai và cả phía dưới mắt. Đây có thể là hậu quả của một cuộc vật lộn với ai đó.

Hơn thế nữa, ghi nhận trong hệ thống cũng cho thấy Clark chính là người cuối cùng dùng thẻ vào phòng thí nghiệm với Annie. Hắn và nạn nhân đã ở bên trong đó khoảng 1 tiếng đồng hồ và chỉ có hắn quay trở ra còn Annie thì không.

Clark một mực phủ nhận tình nghi cho rằng hắn là người cuối cùng gặp Annie. Vào ngày phát hiện xác của nạn nhân, Clark vẫn tỏ ra vô cùng bình tĩnh và còn đi xem thi đấu thể thao ở trường như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Cho đến khi tòa án ra lệnh Clark phải cung cấp mẫu ADN để phục vụ việc điều tra, mọi uẩn khúc mới được sáng tỏ.

Bằng chứng rõ ràng

Tại buổi thẩm vấn đầu tiên, Raymond Clark một mực phủ nhận tình nghi cho rằng anh ta có liên quan đến cái chết của Annie Marie Le. Anh ta cũng phủ nhận việc nhìn thấy Annie vào ngày cô mất tích và để chứng minh điều này, Clark phải làm một cuộc kiểm tra nói dối do các thám tử đưa ra.

Ngay ở câu hỏi đầu tiên, tín hiệu điện tim đồ của Clark đã có dấu hiệu thay đổi. Tuy nhiên, Clark cũng khá tỉnh táo khi yêu cầu dừng buổi thẩm vấn ở đây. Anh ta muốn nói chuyện với luật sư của mình trước khi trả lời bất cứ câu hỏi gì. Điều này giúp Clark kết thúc cuộc chất vấn và được thả ra.

Tuy nhiên, may mắn ấy không tiếp diễn được lâu khi tòa án ra lệnh Clark phải cung cấp mẫu ADN để phục vụ việc điều tra. Song song với đó, cảnh sát vẫn tiếp tục tra hỏi Clark về sự thật của vụ án nhưng anh ta vẫn tỏ ra không hợp tác. Cho đến khi có kết quả xét nghiệm ADN chính thức, mọi uẩn khúc mới được sáng tỏ.

Đối chiếu với mẫu tinh dịch phát hiện tại hiện trường và mẫu máu tìm thấy trên quần áo của Annie và ADN của Clark, tất cả đều hoàn toàn trùng khớp. Ngoài ra cảnh sát đã tìm được tóc của Annie trên quần áo của Clark cũng như ADN của hắn trong cây bút rơi phía dưới thi thể nạn nhân.

Sáng 17/9/2009, cảnh sát tới nhà Clark với lệnh bắt giữ.

Nỗi đau còn lại

Ngày 13/9/2009, xác của Annie Le được tìm thấy và 4 ngày sau, Clark đã bị bắt. Tuy nhiên, mãi cho tới tháng 3/2011, Clark mới cúi đầu thừa nhận toàn bộ tội ác tấn công tình dục và giết hại Annie Le theo một thỏa thuận với các công tố viên để giảm mức án tử hình xuống còn 44 năm tù giam.

Thẩm phán Roland Fasano cho biết, tội ác của Raymond Clark là không thể dung thứ, hắn đã cướp đi cả tương lai đầy hứa hẹn của một cô gái trẻ, đồng thời hủy hoại cuộc sống của rất nhiều người trong cả hai bên gia đình.

Trước khi bị giải đi, Raymond Clark đã bày tỏ sự hối hận muộn màng của mình bằng cách quay về phía 15 thành viên của gia đình nạn nhân và nói trong tiếng khóc: “Hôm nay, tôi đứng đây chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Annie là một cô gái tốt. Tôi thực sự xin lỗi vì đã cướp đi mạng sống của cô ấy và khiến cho nhiều người phải tổn thương”.

Dù vậy, gia đình Annie cho biết, không thể tha thứ cho hành động khủng khiếp đó. Mẹ của Annie, bà Vivian Le vì không thể chịu đựng nổi cú sốc tinh thần nên đã không tham dự phiên tòa cuối cùng này. “Con gái tôi đáng ra đã có một cuộc đời rất hạnh phúc. Con bé đã từng nhiều lần tâm sự với tôi về những dự định sau này của nó nhưng không ngờ ngày dự định tổ chức hôn lễ lại là ngày chúng tôi nhận được hung tin về con. Tôi đã mất con gái vĩnh viễn và sẽ không bao giờ được gặp mặt những đứa cháu của mình nữa rồi”, bà Vivian nói.

Sau cái chết của Annie, trường Đại học Yale đã thành lập một quỹ học bổng mang tên Annie Marie Le. Họ còn dành riêng ngày 12/10 là ngày để tưởng nhớ cô nữ sinh tài năng này.

error: Content is protected !!