Gia thế giàu có, cha mẹ tử tế, thành tích học giỏi là các lý lẽ làm “lu mờ” đi tội lỗi của những “cậu ấm” ngay cả khi họ gây chuyện tày trời, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Năm ngoái, một thiếu niên giấu tên ở New Jersey (Mỹ) phải ra hầu tòa với cáo buộc hãm hiếp cô gái 16 tuổi tại bữa tiệc. Người này lấy điện thoại quay lại hành động của mình và chia sẻ rộng rãi với bạn bè kèm lời lẽ tục tĩu.
Tuy nhiên, những gì diễn ra ở phiên tòa không đứng về phía nạn nhân như nhiều người ta mong đợi.
James Troiano, người chịu trách nhiệm giải quyết vụ kiện, đã bác bỏ báo cáo của cảnh sát.
Thay vào đó, vị thẩm phán lại đặt câu hỏi về phía nạn nhân liệu đã cân nhắc đến mức độ ảnh hưởng của việc tố cáo lên cuộc sống của người bị kiện.
“Cậu ta xuất thân từ một gia đình có nền tảng tốt, theo học tại trường danh giá và có kết quả học tập xuất sắc. Thậm chí, cậu ấy còn tham gia làm hướng đạo sinh. Với khả năng của mình, chàng trai ấy có cơ hội ghi danh vào đại học top đầu”, ông Troiano nói.
Chỉ đến gần đây, những phán xét của thẩm phán Troiano mới được dư luận biết đến rộng rãi. Làn sóng phẫn nộ bùng lên nhanh chóng cùng nhiều lời kêu gọi cách chức người đàn ông khỏi vị trí trong tòa án.
Một kịch bản khiến dư luận phẫn nộ, song cũng đã quá quen thuộc với người dân nước này: Một thanh niên nhà giàu phạm tội nghiêm trọng, bị bắt và truy tố. Sau cùng, án phạt chỉ ở mức nhẹ nhàng, không thỏa đáng.
Nhà giàu, học giỏi được dễ tha thứ?
Nỗi thất vọng sâu sắc của người dân Mỹ đến từ việc về hệ thống tư pháp hình sự luôn có chiều hướng ưu tiên những con người thuộc tầng lớp nhiều “đặc quyền đặc lợi”.
Cụ thể, nếu xuất thân giàu có, nền tảng tốt, người đó sẽ dễ nhận được sự khoan hồng của pháp luật như mức án nhẹ nhàng so với tội, chỉ bị chịu án treo, quản chế hay ngồi tù ngắn hạn.
Josie Rice, người dẫn chương trình Justice in America (tạm dịch: Công lý trên đất Mỹ), chia sẻ ý kiến về sự việc: “Những trường hợp như vậy là lý do tại sao phụ nữ thường chọn im lặng bỏ qua, không báo cáo các vụ tấn công tình dục họ gặp phải”.
Tại Mỹ, các trường hợp thu hút sự chú ý của dư luận và truyền thông trong những năm gần đây là minh chứng rõ rệt nhất.
Trước khi đối diện với bản án về tội tấn công tình dục người bạn cùng trường, Owen Labrie từng là học sinh ưu tú tại ngôi trường nổi tiếng hàng đầu tại New Hampshire.
Năm 2015, trong buổi gặp mặt của học sinh cuối cấp với đàn em khóa dưới, Owen, khi đó 18 tuổi đã mời một cô gái 15 tuổi lên sân thượng và cưỡng hiếp cô.
Tuy nhiên, nhờ “cải tạo tốt”, anh ta đã được ra tù sớm, khi mới thụ án được 6 tháng.
Năm 2016, Brock Turner, cựu vận động viên bơi lội học tại Đại học Stanford danh giá, bị buộc tội có hành vi đồi bại với một phụ nữ trong bữa tiệc.
Sau cùng, Brock bị kết án 6 tháng tù giam và 3 năm quản chế với tội danh cố cưỡng hiếp người đang trong trạng thái bất tỉnh. Nhưng mới chỉ ngồi sau song sắt 3 tháng, anh ta đã được trả tự do.
Ethan Couch, thiếu niên ở Texas khiến 4 người thiệt mạng và nhiều người bị thương nặng khi lái xe trong tình trạng say xỉn, được các công tố viên đề nghị mức phạt tù 20 năm.
Song, cậu công tử con nhà giàu đã tìm cách trốn tránh tội lỗi bằng cách làm giả hồ sơ bệnh án. “Mắc vấn đề về tâm lý do lớn lên trong cảnh cô đơn, cha mẹ giàu có nhưng không quan tâm” là những gì bác sĩ kết luận về lý do khiến Ethan mất tỉnh táo, gây tai nạn.
Cuối cùng, Ethan chỉ phải thụ án vỏn vẹn 720 ngày trong một nhà tù ở Texas, mức hình phạt khiến một gia đình nạn nhân cho rằng hoàn toàn nhờ vào sự giàu có kếch xù của gia đình thủ phạm.
Phụ nữ vẫn là trung tâm đổ lỗi
“Trong một hệ thống luật pháp với các vị thẩm phán như vậy, khi tài năng của người đàn ông vẫn được coi trọng hơn cảm xúc phụ nữ, các nạn nhân liệu có nên cất tiếng nói đòi công bằng”, bà Rosie bức xúc nói về việc thẩm phán Troiano bênh vực bị cáo và cố tình phớt lờ nỗi đau của nạn nhân.
Và đây không phải là trường hợp hiếm gặp bên trong các tòa án ở xứ cờ hoa.
“Ông ấy không phải người duy nhất. Những lời lẽ đó xuất phát từ lối suy nghĩ sai lệch đã ăn sâu vào nền văn hóa của chúng ta. Coi thường nỗi đau nạn nhân và thay vào đó, lo lắng cho thủ phạm”, Deborah Tuerkheimer, chuyên gia nghiên cứu bạo lực tình dục, đánh giá.
Giáo sư Deborah gọi hiện tượng này dưới cái tên “care gap” (tạm dịch: lỗ hổng quan tâm).
Trong đó, sự chú ý, cảm thông của cộng đồng thường có xu hướng dành cho người đàn ông bị buộc tội, đặc biệt khi họ có địa vị cao trong xã hội, chứ không phải dành cho nữ giới là nạn nhân của tấn công và bạo lực tình dục.
Elizabeth Jeglic, giáo sư tâm lý học tại Đại học Tư pháp ở New York, nói rằng vụ việc phản ánh thứ tình cảm phổ biến thường xuyên can thiệp vào khâu kết luận hình sự. Đó là quan tòa hay bồi thẩm đoàn thường đồng cảm với những người thuộc cùng tầng lớp, có hoàn cảnh, cuộc sống tương tự mình.
“Có lẽ thẩm phán đã bị định kiến về nạn nhân và gia đình. Mỗi người thường có xu hướng thiên vị một bên. Sự giàu có ảnh hưởng đến việc kết án, cũng như chủng tộc hay địa vị”, giáo sư Elizabeth nói thêm.
Tâm lý đẳng cấp, gia thế làm lu mờ sự thật
Trước làn sóng tức giận về vụ án ở New Jersey, tòa án Mỹ đã khiển trách thẩm phán xử lý vụ việc vì sự hời hợt và thiếu trách nhiệm. Hồ sơ vụ kiện cũng đã được chuyển sang ban bồi thẩm đoàn khác.
“Chúng tôi cam đoan sẽ không phán xét những đứa trẻ đến từ các gia đình bình thường hay có kết quả học tập không nổi trội với những người xuất thân từ nhà có điều kiện, thành tích xuất sắc. Luận tội sẽ dựa vào cáo trạng, không phải vào địa vị”, phía tòa án Mỹ phản hồi.
Các nghiên cứu đồng thời chỉ ra người Mỹ gốc Phi phải nhận bản án dài hơn người Mỹ da trắng. Còn các thẩm phán đôi khi phụ thuộc quá nhiều vào trực giác khi đưa ra quyết định.
Laura Palumbo, phát ngôn viên của Trung tâm Chống bạo lực tình dục Quốc gia, tổng hợp dữ liệu và cho biết quá nhiều vụ tấn công tình dục diễn ra mà không bị đem ra ánh sáng.
“Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn khi hành động sai trái của một số nhóm người không được nhìn nhận đúng mức phạm tội chỉ vì thành tích giỏi hay gia thế giàu có của họ”, bà Laura khẳng định.