Người giống người, ngay gian khó biện,
Mặt nhìn mặt, đệ-tử kinh tâm.
Việc Mã-Chiêu ám hại Bạch-Hổ xảy ra chưa được bao lâu, Bạch-Hổ hãy còn giận Bình-vương, oán Xương-Cấp, kế Sầm-Bích ở bên Thường-Phú qua tới Đằng-châu.
Vả Sầm-Bích đi đường xa mệt mỏi, lại khi tới Đằng-châu thì mặt trời đã trịch bóng rồi, nên tìm quán vào nghỉ ngơi, tính để sáng bữa sau sẽ vào thành xin ra mắt Tổng-trấn, mà cầu người hưng binh đánh đuổi Dương-tam-Ca đặng lập Thái-tử Xương-Cấp lên ngôi. Ở đời thường hay có nhiều cái cảnh ngộ rủi ro không dè mà ngăn ngừa trước. Sầm-Bích qua Đằng-châu trong lòng chẳng có chút gì lo sợ bởi vì anh ta vẫn biết Bạch-Hổ là nghĩa-sĩ trượng-phu hễ có lời Thái-tử ai-cầu thì chắc người sẽ sẵn lòng tá-trợ. Nói cùng mà nghe, ví dầu người không khứng giúp đi nữa, thì cũng không lẽ người đành bắt Xương-Cấp mà nạp cho Tam-ca. Nào dè tướng mạo Sầm-Bích lại giống hịch Mã-Chiêu, ai không quen biết nhiều, ai không gần gũi lâu, ai không có ý nhìn cho kỹ cạnh tai chơn tóc, thì ắt tưởng hai người là một. Sự Mã-Chiêu ám hại Bạch-Hổ chẳng may bị Bạch-Hổ bắt giam rồi vượt ngục mà trốn thì cả thành Đằng-châu từ trẻ đến già ai cũng đều hay hết, nhưng vì dân-sự không biết mặt phạm nhơn là Mã-Chiêu, nên họ thấy Sầm-Bích lạ thì họ ngó mà thôi chớ họ không nghi.
Sầm-Bích vào quán nầy chánh là quán Mã-Chiêu đến ở đậu hôm trước. Chủ quán là Lương-Túc, vì Mã-Chiêu ở đậu mấy ngày rồi trốn mất không trả tiền, nên có lòng giận, lại đêm Mã-Chiêu trốn đó là đêm Phạm Tổng-trấn bắt được thích khách nên chủ quán nghi kẻ thích khách ấy chính là Mã-Chiêu, nhưng vì sợ tội chứa đứa gian, nên không dám nói ra. Nay thấy Sầm-Bích bước vô, tưởng là Mã-Chiêu trở lại, nên vùng hỏi rằng: “Ông thôi làm thầy đạo-sĩ rồi sao? Hôm trước ông ở đậu mấy ngày chưa trả tiền mà sao ông bỏ đi đâu mất vậy ?”
Sầm-Bích nghe mấy lời lấy làm ngạc-nhiên, không hiểu chi hết, nên đứng ngó Lương-Túc trân trân một hồi rồi đáp rằng: “Chú lầm rồi, tôi chẳng hề có làm thầy đạo-sĩ bao giờ, mà cũng chưa từng đến quán chú lần nào”
Lương-Túc trợn mắt nói rằng: Ông đừng làm mặt lạ ! Ông ở đậu quán tôi, ông ăn cơm của tôi, rồi bây giờ ông tính chối hay sao nè ! Tôi nói cho ông biết, người tử tế nếu thiếu tiền người ta mà không thể trả được thì hạ mình năn nỉ với người ta, duy có quân ăn cướp với lũ côn-đồ mới nói ngược”.
Sầm-Bích nghe mấy lời vô lễ thì giận đỏ mặt, nên nạt lớn rằng : “Đồ súc sinh nếu mi khinh thị ta thì ta chém đầu cho mi coi”. Sầm-Bích và nói và rút gươm ra rồi đi xốc lại gần chủ quán. Lương-Túc kinh hãi nên lật đật chạy ra nhà sau mà trốn. Sầm-Bích thấy vậy không thèm rượt theo đứng nhà trên mà nói với rằng: “Mi chạy đi đâu ? Sao không ở đây nhìn lại cho kỹ mặt ta như vầy mà nói ngược với mi”. Lương-Túc rút ở dưới bếp không dám trở lên, mà cũng không dám trả lời nữa.
Sầm-Bích dắt ngựa vào buộc trong chuồng rồi kêu chủ quán biểu nấu cơm ăn. Lương-Túc giận lắm mà không dám nói ra, nên lui cui nấu cơm, song trong trí tính thầm rằng để đi mạch với quan đặng họ coi như phải người ấy là kẽ thích khách hôm nọ thì họ bắt phứt cho rảnh.
Lương-Túc dọn cơm khách ăn rồi thì trời đã chiều, Sầm-Bích đứng thơ-thẩn trước quán mà chơi, còn Lương-Túc lén đi ngả sau lại trước cửa dinh báo cho lính gác cửa hay rằng có một người lạ mặt mới ghé quán ở đậu, người ấy trong lưng có đai gươm, bộ tịch phi thường, không biết có phải là người thích khách hôm nọ hay không, nên xin lính vào dinh bẩm giùm lại cho Phạm sứ-quân hay. Quân nghe báo như vậy lật đật chạy vào dinh mà bẩm liền. Phạm-bạch-Hổ nghe báo liền cho đòi Trần-Hỉ mà dạy phải đến quán Lương-Túc xét coi như người khách ở trong quán đó phải là phạm-nhơn hôm nọ thì bắt đem về đặng trị tội.
Trần-Hỉ vưng lời dắt mười tên quân ra cửa thành thấy Lương-Túc còn đứng đó, bèn đi với Lương-Túc mà về quán. Vả hôm nọ Mã-Chiêu bị bắt giam vào ngục rồi Trần-Hỉ vào làm quen mà khuyến dụ, thì nhằm lúc ban đêm, bóng đèn leo lét, nên Trần-Hỉ nhớ mặt là nhớ mày-mạy mà thôi, chớ không nhớ rõ. Lại cũng vì Mã-Chiêu mà Trần-Hỉ, bị đòn 20 chục trượng nên Trần-Hỉ giận sẵn trong lòng, nay nói có Mã-Chiêu đến quán thì hầm-hầm quyết bắt cho được đem về mà đánh trả thù.
Trần-Hỉ với quân lính đi gần tới quán, thấy Sầm-Bích đương đứng trước cửa. Trần-Hỉ nhìn một hồi thấy áo quần thì khác, song gương mặt thì phải là Mã-Chiêu bèn hô biễu quân lính bắt trói Sầm-Bích. Sầm-Bích đương đứng chơi, thình lình thấy quân lính áp bắt, không hiểu có việc chi, nên lấy tay xô dan ra mà hỏi rằng: “Ta có tội chi mà bắt ta? ai dạy các ngươi bắt ta đây ?” Trần-Hỉ bước tới nói lớn lên rằng: “Lịnh sứ-quân dạy bắt mi, mi dám cượng sao nè ? Mi không biết tội của mi hay sao ? Nếu muốn biết thì đễ vể dinh rồi ta sẻ nói cho mi biết”
Sầm-Bích hỏi rằng: “Sứ-quân là ai?” Trần-Hỉ trợn mắt đáp rằng: “Mi điên hay sao mà hỏi dại như vậy ? Sứ-quân là Phạm thượng-công chớ ai mà hỏi” Sầm-Bích gặt đầu mỉm cười thầm nghĩ trong trí rằng nếu Bạch-Hổ đã xưng là Sứ-quân thì chắc không thuận với tân triều rồi, vậy mình cũng nên để cho quân lính bắt đặng vào thấy mặt Bạch-Hổ cho mau mà cầu Bạch-Hổ phò Thái-tử. Sầm-Bích nghĩ vậy nên không chống cự cứ đưa tay cho quân lính bắt trói. Khi Trần-Hỉ dạy phãi dắt riết về dinh thì Sầm-Bích kêu Lương-Túc mà nói rằng: “Chủ quán mi phải coi cho con ngựa ta ăn uống trước cho no, đặng sáng mai ta đi xa. Nếu mai ta ra thấy ngựa ta đói thì ta sẽ đánh mi đa”.
Lương-Túc trề môi rồi nói nhỏ nhỏ rằng: “ Tao bán con ngựa của mầy để tao trừ tiền cơm tiền quán, chớ mầy ra sao được mà mong đánh tao”
Sầm-Bích đi dọc đường tuy bị trói mà chẳng chút chi lo sợ nên ngó ngoái lại sau mà hỏi Trần-Hỉ rằng: “Tại sao mà ta vừa đến đây lại có lịnh của Sứ-quân dạy bắt ta như vậy ?” Trần-Hỉ cười gằn mà đáp rằng: “Mi đừng làm bộ khờ khạo. Vậy chớ mi quên ta hay sao ? Sầm-Bích chưng hửng nên lơ láo hỏi rằng: “Mi là ai ? Ta gặp mi bao giờ mà mi nói ta quên mi ?” Trần-Hỉ đáp rằng: “Ta là Trần-Hỉ đội coi ngục, hôm nọ mi bị bắt giam rồi ta vào ngục nói chuyện với mi đó, chớ ai”. Sầm-Bích nghe càng dị kì hơn nữa nên hỏi rằng: “Ta làm việc chi mà bị giam?” Trần-Hỉ đáp rằng: “Mi đả toan ám sát Sứ-quân rồi bây giờ mi tính giả điên mà gở tội phải không ?”. Sầm-Bích càng nghe càng lấy làm lạ, không hiểu vì cớ nào mình đến Đằng-châu, mới vào quán, chủ quán nói mình là thầy đạo-sĩ rồi lại nói mình thiếu tiền cơm, bây giờ quân lính đến bắt mình, rồi nói mình ám-sát Phạm sứ quân bị giam rồi vượt ngục mà trốn. Anh ta còn đương ngơ ngáo, bỗng thấy đã đến cửa thành, quân lính túa ra chong mắt ngó lườm lườm dường như ngó kẻ đại thù vậy, Trần-Hỉ dắt thẳng vào dinh, dạy Sầm-Bích quì trước thính đường mà chờ lịnh.
Lúc ấy trời đã chạng-vạng tối, trong dinh đèn đuốc đốt sáng lòa, Phạm-sứ-quân thăng đường quân đứng hầu hai bên tay cầm đao trần coi nghiêm-chỉnh lắm. Hôm nọ Phạm-sứ-quân bắt được Mã-Chiêu trong lúc ban đêm, bóng đèn lờ mờ nên nhìn mặt không rõ, nay thấy Sầm-Bích gương mặt giống hịch Mã-Chiêu, cũng tưởng Sầm-Bích là người ám sát hôm nọ, nên nổi giận nạt lớn lên rằng: “Đồ súc sanh, mi làm tướng mà không biết ơn vua nợ nước, theo xu phụ loài gian nịnh, rồi lại còn nghe lời đứa tiểu-nhơn là thằng Xương-Cấp đến đây quyết ám hại ta, mi đã thoát khỏi tay ta một lần rồi sao mi không tởn, lại còn trở lại đây nữa? Tại mi muốn chết, thời ta cũng không để mi sống làm gì. Mà ta nói cho mi biết, thằng Xương-Cấp sợ ta không dám kéo binh đến đây giao chiến với ta, nên sai mi lén mà thích ta. Nó nhát lắm, tánh tình như vậy chúng cướp ngôi đáng lắm, còn ta đây, ta không sợ nó đâu. Ta sẽ đánh mà bắt cho được nó, rồi tay ta giết nó chớ ta không thèm cậy tay người khác như nó vậy đâu.”
Bạch-Hổ nói dứt lời rồi truyền lịnh dắt Sầm-Bích ra ngoài thành chém bêu đầu mà răng chúng, Sầm-Bích không hiểu vì cớ nào mà Bạch-Hổ vu cho mình đến ám hại mà cũng không biết tại sao lại oán thù Xương-Cấp, vừa muốn kêu oan, thì bị quân áp vả miệng, rồi kéo lôi ra không cho nói chi hết.
Lương-chánh-Tôn ở ngoài bước vào thưa với Bạch-Hổ rằng: “Thưa Sứ-quân, thằng Mã-Chiêu toan ám hại Sứ-quân, bởi vậy tội nó đáng phân thây mà răn chúng. Nhưng nghĩ vì nó là đứa thủ-hạ của Xương-Cấp, nghe lời Xương-Cấp đi làm như vậy, nay dầu Sứ-quân có giết nó nữa, thì dơ lưỡi gươm của Sứ-quân chớ không ích gì. Vậy xin Sứ-quân tạm giam nó lại đó, để lo mưu tính kế kéo binh về triều đánh bắt cho được Xương-Cấp với Tam-ca rồi sẽ giết một lượt cho hết những quân loạn-thần tặc-tử mà rửa hờn cho Ngô chúa.”
Bạch-Hổ nghe lời nên kêu Trần-Hỉ dạy đem giam Sầm-Bích và dặn phải canh giữ cho nghiêm-nhặc, đừng để trốn nữa.
Trần-Hỉ vì Mã-Chiêu mà bị đòn 20 trượng, trong lòng còn oán hận hoài, nên dắt Sầm-Bích xuống ngục thì cặp mắt lườm-lườm, lấy dây trói chặc Sầm-Bích, rồi tay thoi chơn đá tưng-bừng, Sầm-Bích lấy làm bất-bình ngặt vì tay chân bị trói hết không thể chống cự được, nên nằm chèo queo để Trần-Hỉ đánh. Chẳng hiểu Trần-Hỉ đánh đạp thét rồi mỏi tay trặc cẳng, hay là anh ta hổ thẹn vì đánh người đã bị trói rồi mà anh ta đánh một hồi ngừng lại, bỏ đi ra ngoài, miệng nói lầm bầm rằng: “Để tối rồi sẽ đánh nữa, tao đánh cho mầy hết trốn được tao mới thôi.”
Thiệt đến tối Trần-Hỉ trở vào trong ngục mà đánh nữa. Mà anh ta nghĩ nếu thoi đá hoài thì mỏi tay đau cẳng, còn nếu dùng côn thì rủi tội-nhơn chết mình chẳng khỏi bị tội, bởi vậy anh ta lấy roi mây cứ đích Sầm-Bích mà khệnh. Ban ngày đánh một lần, ban đêm đánh một lần. Lúc đầu Sầm-Bích cắn răng mà chịu không rên la chi hết. Cách vài ngày chỗ mấy lằn roi bị đánh đập thêm hoài nên rách da khuyết thịt, bởi vậy hễ đánh thì đau đớn, chịu không nổi. Ghe phen Sầm-Bích năn nỉ hỏi Trần-Hỉ vậy mình có tội chi mà bị đòn bọng hoài như thế, còn Thái-tử Xương-Cấp làm việc chi mà hôm nọ nghe Phạm bạch-Hổ buông lời oán hận. Trần-Hỉ cười gằn mà đáp rằng: “Mầy đừng giả bộ ngu. Mầy không biết mầy có tội chi ? Mầy không biết tại sao mà Sứ-quân giận Xương-Cấp ? Sứ-quân đương sửa soạn đi đánh Xương-Cấp, hễ bắt được rồi thì mầy sẽ biết. Thằng Xương-Cấp là thằng khốn ! Nó sai mầy đến đây làm thích khách mà ám hại Sứ-quân; Sứ-quân có nhơn để cho mầy sống ít ngày nữa đó là may cho mầy lắm.”
Lúc giáp mặt với Bạch-Hổ, Sầm-Bích bị quân vả miệng nên không biện bạch chơn tình được. Nay xuống ngục rồi muốn thừa dịp nầy mà tỏ với chúa ngục cậy nó lên bẩm lại với Bạch-Hổ. Song anh ta nghĩ lại Bạch-Hổ oán hận Xương-Cấp, thế thì chắc Bạch-Hổ đã qui-thuận tân-vương rồi, nếu mình tỏ chơn tình thì sợ e Bạch-Hổ tìm đến Thường-Phú bắt Xương-Cấp đem nạp cho tân-vương, bởi vì anh ta dụ dự, tính giấu luôn, thà là chết mà thôi, chớ không nỡ lập kế thoát-thân, rủi kế không thành phải hại lây đến chúa. Sầm-Bích nghĩ như vậy nên bị đánh bao nhiêu cũng cắn răng mà chịu, không dám xưng mình là bộ hạ của Xương-Cấp, cứ kêu oan nói rằng: mình không có ám-sát Sứ-quân hồi nào mà cũng không có bị bắt bớ bao giờ.
Còn Phạm Bạch-Hổ nghe lời Lương-chánh-Tôn tính dấy binh về triều đánh Tam-ca với Xương-Cấp, mà nằm đêm hễ nghĩ đếm Xương-Cấp không biết tiếc cơ nghiệp của cha, không biết thù người soán ngôi, lại chui đầu theo xu-phụ, tức thì giận nên đêm nọ thình lình thọ huyết rồi nhóm bịnh không ra khỏi phòng được.
Chủ quán Lương-Túc có công đến báo cho quan bắt kẻ thích khách, thì đắc ý gặp ai khoe với nấy, bộ tướng coi như người đã dưng mưu cao kế xảo để tế-thế an bang. Anh ta ra vào trong thành hằng ngày, nghe Trần-Hỉ nói đánh Sầm-Bích bì khai nhục phá, đợi Sứ-quân đánh bắt được Thái-tử Xương-Cấp rồi sẽ xử trảm một lượt, thì vui lòng khoái chí vô cùng. hễ chiều thì Lương-Túc bắt con ngựa của Sầm-Bích cỡi đi chơi, nhưng vì anh ta thuở nay không quen cỡi ngựa, nên cứ gò thẳng dây cương để đi từ bước, chớ không dám cho chạy.
Hai người môn đệ của Sầm-Bích ở Thường-phú, một người tên là Lê-Khương, một người tên là Hồ-Lũy, từ khi thấy Xương-Cấp với cha con lão Hà-Mai bị quan bắt rồi, thì mỗi người cỡi một con ngựa, ngày đi đêm nghỉ, tuốt qua Đằng-châu tìm Sầm-Bích mà báo tin. Hai người đến Đằng-châu nhằm lúc mặt trời vừa chen lặn. Hai người đương tìm quán trước an nghỉ sau dọ tin, bỗng thấy Lương-Túc cỡi ngựa ở xa thủng thẳng đi lại, dòm coi con ngựa thì quả là ngựa của Sầm-Bích, không hiểu vì cớ nào mà người lạ được cỡi nên lần đi theo được một khúc rồi Hồ-Lũy hỏi rằng: “Anh mua con ngựa của ai, ở đâu mà tốt dữ vậy anh ?”
Lương-Túc nghe người ta khen con ngựa của mình thì vui lòng, nên trả lời hơi tự đắc rằng: “Ừ, ngựa tôi mới mua, mà mua khỏi trả tiền”.
Lê-Khương với Hồ-Lũy nghe nói thì trong lòng phát nghi, muốn hỏi phăng tới nữa, song không chịu hỏi ngay, lại kiếm lời mà hỏi quanh rằng: “Lúc trước hai anh em tôi kiếm ngựa mà mua, rủi không gặp con ngựa của anh mua đó, hai anh em tôi mua đỡ cặp ngựa nầy dở quá. Anh mua của ai đó vậy?”
Lương-Túc lặng thinh một hồi rồi đáp rằng: “Ngựa nầy của người ta ở xa mới cỡi đến mà dưng cho tôi”. Hồ-Lũy hỏi nữa rằng: “Chủ ngựa ấy ở đâu mà gọi rằng ở xa?” Lương-Túc đáp rằng: “Ở kinh đô.”
Hồ-Lũy ngó Lê-Khương, hai người bán tính bán nghi, muốn hỏi phăng tới tên họ người bán ngựa ấy, song nghĩ ở giữa đường khó nói chuyện nhiều được, tính đi theo Lương-Túc về nhà rồi sẽ hỏi nữa, nên Lê-Khương mới nói rằng: “Hai anh em tôi đi gần một ngày nay, người mệt ngựa mỏi, muốn kiếm nhà ở đậu mà nghỉ một đêm rồi sáng mai sẽ đi nữa ngặt vì chúng tôi không quen với ai hết, vậy xin anh làm phước cho hai anh em tôi nghỉ nhờ một đêm. Nhà anh ở gần đây chăng ?”.
Lương-Túc nghe khách xin ở đậu thì mừng nên cười mà đáp rằng: “Tôi là chủ quán, nếu hai anh em muốn nghỉ thì đi theo tôi về quán mà nghỉ. Bữa nay quán tôi không có khách nào hết”.
Lê-Khương với Hồ-Lũy bèn đi theo Lương-Túc vào quán. Đến tối Lê-Khương mới đem chuyện con ngựa ra mà nói nữa, ban đầu khen ngựa tốt, rồi sau mới hỏi phăng vì cớ nào chủ ngựa có ngựa tốt như vậy không để mà dùng, lại đem mà dưng cho Lương-Túc, Lương-Túc muốn khoe mình có công chỉ bắt kẻ thích khách, nên thuật hết đầu đuôi sự quan bắt giam và đánh khảo Sầm-Bích lại cho hai người khách nghe. Tuy trong lúc thuật chuyện, Lương-Túc kêu Sầm-Bích là Mã-Chiêu, song theo hình trạng của Lương-Túc tả ra, lại sẵn có con ngựa làm dấu tích đó nữa, bởi vậy Hồ-Lũy với Lê-Khương liệu chắc người bị quan bắt đó Sầm-Bích, chớ không phải Mã-Chiêu nào hết. Hai người lấy làm lo sợ, nhưng không dám lộ ra cho chủ quán biết. Lê-Khương ngồi suy nghĩ hồi lâu, rồi hỏi Lương-Túc rằng: “Vì cớ nào anh dám chắc người ấy là Mã-Chiêu, mà đi báo cho quan bắt ? Người hay giống người ví như anh nhìn lầm thì chẳng là oan cho người vô tội lắm.”
Lương-Túc cười mà nói rằng: “Anh tưởng tôi điên hay sao ? Cách mấy ngày trước nó đã có đến quán tôi mà ở đậu. Nó đi làm ám-sát bị bắt rồi vượt ngục trốn không trở lại trả tiền cơm. Chuyến sau nó trở lại cỡi con ngựa khác, lại mặc áo khác, nó tưởng tôi nhìn không được nên thạnh-nộ muốn đánh tôi nửa chớ! Tại nó làm phách nên tôi giận đi báo quan bắt chém nó phức cho rảnh. Nó thiếu tiền cơm của tôi mà tôi bắt con ngựa nầy nghĩ cũng không lỗ gì”.
Đêm ấy Lê-Khương với Hồ-Lũy nằm trằn trọc ngủ không được, không hiểu vì cớ nào thầy mình là Hồng-Dực lại cải tên Mã-Chiêu mà làm thích khách, mà cũng không biết người bị bắt đó có phải là thầy mình hay không. Hồ-Lũy tính kế để sáng vào thành cáo gian nói có tên Mã-Chiêu giết anh mình rồi bỏ trốn mất đặng xin với quan đem Mã-Chiêu ra cho mình nhìn mặt. Lê-Khương cho kế ấy là hay, song nghĩ nếu nhìn mà phải Hồng-Dực thì giữa mặt quan cũng khó mà hỏi tâm-sự cho được. Lê-Khương khuyên Hồ-Lũy chậm chậm mà tính chẳng nên hốt tốc lắm.
Sáng bữa sau hai người nói với Lương-Túc rằng hôm qua tính ở đậu một đêm mà thôi, nhưng nay xem thành Đằng-Châu phong cảnh xinh đẹp nên tính ở thêm ít ngày đặng xem chơi rồi sẽ đi. Lương-Túc nghe khách tính ở lại thì mừng lòng, nên bải-buôi niềm-nỡ đặng đòi tiền cơm cho nhiều. Ba người nói chuyện chơi với nhau, Lê-Khương hỏi thăm lần lần, biết thủ-ngục quan Trần-Hỉ ghét Mã-Chiêu nên đánh khảo tối ngày, lại biết Lương-Túc quen Trần-Hỉ nhiều, mà cũng quen với quân lính canh cửa thành nữa. Lê-Khương lập chước cậy Lương-Túc dắt mình vào thành chơi trước là xem cho biết đền đài cũa Sứ-quân, sau nữa thấy mặt Mã-Chiêu coi người ra thể nào mà to gan dám đi làm thích-khách.
Lương-Túc bổn tánh háo thắng, nghe khách cậy thì đẹp lòng vừa ý, nên chịu lãnh dắt khách vào thành. Lê-Khương với Hồ-Lũy xin với Lương-Túc theo một bầu rượu đặng làm lễ ra mắt ông đội Trần-Hỉ. Lương-Túc gật đầu nói rằng: “Được, được lắm ! Trong quán tôi đã có sẵn rượu đây, hai anh muốn mua mấy bầu cũng được.” Lê-Khương với Hồ-Lũy mua hai bầu rượu rồi xách đi theo Lương-Túc.
Khi đến cửa thành, Lương-Túc nói rằng Lê-Khương với Hồ-Lũy là bà con vào thăm ông đội Trần-Hỉ nên lính giữ cửa cho vào không ngăn cản chi hết. Ba người đi đến trước ngục, Trần-Hỉ ở trong vừa bước ra dòm thấy Lương-Túc đi với hai người lạ, không biết là ai nên đứng ngó châm-bẩm. Lương-Túc bước tới nói rằng: “Thưa ông, hai người nầy là bà con của tôi ở xa mới đến thăm tôi, nghe tôi nói tôi có giúp ông bắt được đứa ám-sát, thì muốn biết coi thẳng mặt mày thể nào mà to gan dám đi làm việc như vậy, nên tôi dắt vô đây thăm ông và coi thằng gian đó luôn thể.”
Lê-Khương nghe Lương-Túc nói lộng cộng sợ Trần-Hỉ phát nghi không cho mình giáp mặt với phạm-nhơn, nên cầm hai bầu rượu lật đật bước tới vòng tay thưa rằng: “Thưa thượng-quan, tuy tôi đây ở Đằng-châu, nhưng mà thuở nay hai đứa tôi không có dịp đến đây lần nào. Nay hai đứa tôi đến thăm anh tôi, nghe nói ở đây thượng-quan có lòng chiếu cố đến anh tôi, nên hai đứa tôi lật đật tạm vài bầu rượu làm lễ mọn đến ra mắt thượng-quan, cho được thấy mặt người khoan-hồng đại-độ.”
Trần-Hỉ được kêu “thượng-quan” thì đẹp mặt nở mày, mà lại thấy có hai bầu rượu càng hoan-tâm hứng chí, nên đầu gục gặt, miệng chúm chím, lấy tay khoát mời vào. Khi bước vào Lê-Khương thấy trên bộ ván có để vài chén với một bầu rượu liền đem hai bầu rượu của mình mà để chung vô đó. Trần-Hỉ thấy vậy chạy lấy hai cái chén nữa rồi rót mời khách uống với mình cho vui. Lê-Khương với Hồ-Lũy làm bộ ké né không dám uống. Trần-Hỉ mời và Lương-Túc ép quá nên phải ngồi lại mà uống rượu.
Trần-Hỉ đã có uống trước rồi, nên mới nhậu thêm vài chén thì xoàn xoàn rồi đem chuyện mình đánh khảo Mã-Chiêu ra mà khoe. Lê-Khương với Hồ-Lũy nói đưa hơi, Trần-Hỉ lấy làm đắc ý, nên dắt hết vào trong cho hai người thấy mặt Mã-Chiêu. Lê-Khương với Hồ-Lũy nhìn thấy phạm nhơn nằm rên, bì-khai nhục-phá đó quả là thầy mình thì đau đớn trong lòng vô cùng, song không dám lộ ra cho Trần-Hỉ biết. Còn Sầm-Bích nằm thấy hai người học trò của mình vào, thì sợ Xương-Cấp ở nhà có việc chi, song cũng không dám hỏi, chỉ lấy mắt nhìn nhau mà thôi.
Lê-Khương bước lại gần dòm coi một hồi rồi day lại nói với Trần-Hỉ rằng: “Phạm-nhơn đã có bịnh như vậy thì có thể gì mà trốn nữa được đâu, mà hôm trước nó trốn ngã nào đâu, xin thượng-quan chỉ thử coi.” Trần-Hỉ đáp rằng: “Đây, ra ngoài nầy tôi chỉ cho mà coi.” Nói rồi bỏ đi riết ra ngoài cửa. Lương-Túc với Hồ-Lũy đi theo, Lê-Khương ở nán lại, hỏi nhỏ Sầm-Bích rằng: “Vì cớ nào ân-sư đến nỗi nầy ?” Sầm-Bích đáp rằng: “Em hãy về Thường-phú cho mau, mà nói với em ta phải kiếm nơi khác mà ẩn mặt. Ta chắc phải chết rồi, đừng kể đến ta nữa. Môn-đệ phải ráng phò tá giùm em ta, đừng để em ta bị hại, nhứt là đừng cho nó qua đây.”
Lê-Khương nghe mấy lời ruột đau như cắt, nên quên hết mọi việc, không nhớ sự Hồng-Phi với Hà-Mai toàn gia bị bắt, mà báo tin cho Hồng-Dực hay. Đương lúc bối rối ấy lại nghe Lương-Túc chạy vào kêu biểu ra coi chỗ Mã-Chiêu trốn, nên Lê-Khương không dám đứng lâu, phải bỏ đi ra ngoài.
Lê-Khương với Hồ-Lũy nhìn quả phạm-nhơn là thầy mình rồi, thì trong trí bối-rối, không còn lòng nào muốn xem vật chi hết, bởi vậy nếu Trần-Hỉ nói thì dạ cầm chừng mà thôi.
Hai người trở về quán, đêm ấy bàn tính với nhau, rồi rạng ngày Lê-Khương giả đau ở lại, còn Hồ-Lũy thì lên ngựa trở về Thường-Phú đặng báo tin cho dân trong làng hay và dọ coi Hồng-Phi với cha con Hà-Mai quan đã thả hay chưa?