Gái thương chồng quan thả chẳng đành về,
Quân tham bạc người cầu mới dám hứa.
Tên gia dịch của Cao-Phi là Mã-Kỳ đi với Trầm Tri-châu qua làng Thường-phú, thấy quan Tri-châu mời Xương-Cấp về phủ, không hiểu có ý gì, nên nán ở lại mà dọ nghe tin cho chắc. Đến tối Mã-Kỳ thấy quân đến bắt Hà-Mai với Kiên-Trinh, thì biết chắc Trầm Tri-châu lập mưu mời Xương-Cấp đến phủ đặng bắt cho dễ, nên lật-đật trở về Thường-Thạnh mà báo tin cho chủ-gia hay.
Cao-Phi nghe quan Tri-châu bắt Xương-Cấp rồi thì mừng, chừng nghe nói Hồng-Dực đi khỏi nên chưa bắt được thì lo, đến chừng nghe nói hai cha con Kiên-Trinh cũng bị bắt nữa, thì chưng hửng, lắc đầu chắc lưỡi than rằng: “Ta lập mưu cáo gian cho quan bắt hai anh em họ Hồng là có ý muốn cho hai thằng đó bị giam-cầm, đặng ta thong thả mà đoạt nàng Kiên-Trinh. Nay quan Tri-châu lại bắt luôn nàng nữa, thì cơ mưu ta lập đó có ích gì cho ta đâu”.
Mã-Kỳ thấy chủ ngồi buồn xo, bèn kiếm lời mà nói rằng: “Thưa chủ gia, tôi coi ý Trầm Tri-châu chiếu-cố chủ-gia lắm. Tôi tưởng nếu chủ gia chịu khó đem lễ vật qua phủ mà cầu ngài tha Kiên-Trinh thì chắc ngài nhận lời liền. Vả cha nàng đã bị giam rồi; nếu quan thả nàng ra thì nàng bơ vơ một mình, lúc nàng đi về đường, chủ gia đón bắt dễ như chơi”.
Cao-Phi nghe nói mỉm cười, khen Mã-Kỳ có trí, rồi lại nói rằng: “Phải! Được lắm! Hôm qua ta có nói với quan Tri-châu rằng Lữ-hà-Mai bà con bên ngoại của ta. Vậy nếu ta lấy tình bà con mà xin quan Tri-châu tha nàng Kiên-Trinh thì chắc được. Nói cùng mà nghe, nếu như ngài có làm khó thì ta quăng ra thêm một vài chục lượng bạc nữa, tự nhiên được liền chớ có khó gì.
Cao-Phi thay áo đổi quần, sắm đủ lễ vật rồi dắt Mã-Kỳ đi theo mình mà qua phủ. Trương-Thị, là vợ Cao-Phi núp trong buồng nghe chồng toan mưu liệu kế mà bắt Kiên-Trinh nữa, thì trong lòng không vui, nên bước ra can rằng: “Thưa lang-quân, trong châu nầy chẳng thiếu chi con gái, chẳng phải có một nàng Kiên-Trinh mà thôi. Nếu nàng không khứng vào làm thê thiếp cho lang-quân thì lang-quân kiếm nơi khác. Thiếp xin lang-quân đừng có bày mưu cường bức quá như vậy không nên, bởi vì hễ mình hại người dầu người không hại lại mình cũng tổn đức”.
Cao-Phi châu mày nạt rằng: “Đàn-bà biết gì mà nói nào!”. Rồi lên ngựa đi với Mã-Kỳ.
Nàng Kiên-Trinh bị bắt giam vào ngục, không biết cha con nàng với chồng có tội chi, nên nàng lo sợ than khóc nghe rất thảm-thiết. Ngày trước nàng bị cường khấu bắt nhốt cũng như ngày nay vậy, nàng cũng than khóc nhưng mà nàng đã quyết định bề nào cũng phải chết, nên nàng khóc là khóc thương cha mà thôi chớ không phải sợ mà khóc. Hôm nay cha với chồng đồng bị bắt nhốt như nàng, không biết chồng ở đâu không biết cha tội gì, bởi vậy nàng khóc hôm nay chẳng những là khóc thương cha thương chồng mà thôi, lại còn lo sợ mà khóc nữa.
Qua bữa sau mấy ông kỳ-lão ở làng Thường-phú thấy Lữ-gia-trang chủ khách đồng bị bắt thì đau lòng xót dạ nên dắt nhau lên phủ rồi vào lạy Trầm Tri-châu mà kêu oan cho cha con họ Lữ và cho Hồng-Phi.
Trầm Tri-châu dạy quân dắt Hà-Mai với Kiên-Trinh lên thính đường biểu đứng riêng ra một bên, còn mấy ông kỳ-lão đứng một bên rồi hỏi rằng: “Mấy ông kỳ-lão có biết Lữ-hà-Mai có tội chi hay không?”. Ai nấy đều lẵng lặng cúi đầu mà nghe, song sợ quá nên mồ hôi nhỏ giọt, Trầm Tri-châu cười rồi nói tiếp rằng: “Tội của Lữ-hà-Mai nặng lắm. Số là có chiếu của Hoàng-thượng truyền cho chư trấn phải tìm mà bắt Thái-tử Xương-Cấp với Tổng-binh Sầm-Bích là người phản triều đình. Ai yêm-ẩn trong nhà thì toàn gia bị tru lục. Lịnh nghiêm như vậy, mà Lữ-hà-Mai không sợ, nên chứa Thái-tử Xương-Cấp với Sầm-Bích trong nhà mấy tháng nay. Nay ta bắt được rõ ràng, vậy thì tội chết đã đáng rồi, còn kêu oan nỗi gì”.
Hà-Mai đứng sảng sốt, mặt xanh như chàm. Mấy ông kỳ-lão cũng đứng ngẩn ngơ không nói chi được. Kiên-Trinh bước tới trước án quì và khóc mà thưa rằng: “Bẩm thượng-quan, thiệt là oan cho cha con tôi lắm. Mấy tháng nay có hai anh em họ Hồng, anh tên là Hồng-Dực, em tên là Hồng-Phi, ở trong nhà cha con tôi mà thôi, chớ có Thái-tử và Tổng-binh nào đâu”.
Trầm Tri-châu cười mà đáp rằng: “Đến nước nầy mà nàng còn tính dối nữa hay sao? Hồng-Dực đó là Sầm-Bích còn Hồng-Phi đó là Xương-Cấp, ta đã biết rồi nàng còn dấu chi nữa”.
Kiên-Trinh lạy rồi thưa nữa rằng:
– Bẩm thượng-quan, Hồng-Phi là người học trò đi du học, chớ không phải Xương-Cấp. Xin thượng-quan xét lại, kẻo oan cho cha con tôi và oan cho người vô tội nữa. Tôi biết chắc Hồng-Phi đó không phải là Xương-Cấp.
– Sao nàng dám chắc như vậy.
– Bẩm thượng-quan, nếu người ấy là Thái-tử Xương-Cấp thì có lẽ nào lại hạ mình mà hứa hôn với tôi là một đứa con gái dốt nát quê mùa như vầy đâu.
Trầm Tri-châu nghe nói mấy lời thì ngồi lặng thinh mà suy nghĩ. Mấy ông kỳ-lão thấy vậy mới áp lại mà kêu oan giùm.
Trầm Tri-châu bán tín bán nghi nên dạy mấy ông kỳ-lão về, để cho mình thẩm-án. Người biểu quân đem giam cha con Hà-Mai lại rồi mới dạy dắt Xương-Cấp ra mà tra vấn. Xương-Cấp khóc lóc kêu oan hoài, nói rằng mình là Hồng-Phi, gốc ở Phong-châu, cha mẹ khuất sớm, nên anh em dắt nhau đi du học, chớ không phải là Thái-tử.
Quan Tri-châu khi mới bắt Xương-Cấp thì trong lòng tin chắc là Thái-tử mà nghe Kiên-Trinh nói như vậy, rồi Xương-Cấp, Hà-Mai và mấy ông Kỳ-lão đều nói không phải, thì trong lòng sanh nghi, nên lo lắng vô cùng. Người lo đây chẳng phải vì sợ oan-ức cho người ngay mà lo; người lo là vì sợ giải về kinh nếu nhìn không phải Xương-Cấp thì chắc người chẳng khỏi bị triều-đình quở phạt. Người muốn dạy quân đem Xương-Cấp ra ngoài rồi lấy trượng đánh đòn mà tra khảo. Song người lại nghĩ tuy Xương-Cấp phạm tội với triều đình, nhưng mà người là kim-chi ngọc-diệp, cháu ruột của Tân-vương. Ví như người nầy thiệt không phải là Thái-tử thì đánh chết cũng không hại gì. Còn như thiệt là Thái-tử, mà chừng giải về triều, Tân-vương xá tội, thì mình khó mà ngồi yên nơi châu nầy được.
Trầm-Khuê chẳng có tài lược gì, năm trước nhờ hối lộ với các quan trong triều mới được thăng chức Tri-châu, nên cứ lo giữ gìn chức phận. Người còn đương dụ dự, không biết phải kết án lẽ nào, đặng hễ trúng thì thăng chức, mà dầu có trật cũng khỏi quở phạt. Bỗng có quân vào báo rằng có Tần-cao-Phi là đại-phú gia ở Thường-Thạnh xin vào ra mắt. Trầm Tri-châu sực nhớ Cao-Phi là người nghinh tiếp mình trúng lễ nghĩa hôm nọ, nên hối quân cho vào.
Cao-Phi bước vào, lại có Mã-Kỳ bưng lễ vật theo sau. Quan Tri-châu thấy lễ vật nhiều, thì trong lòng lấy làm vui vẻ, nên cho phép Cao-Phi ngồi rồi nói rằng: “Hôm nọ mi thông tin cho ta qua Lữ-gia-trang, thiệt quả ta bắt được Hồng-Phi rồi, còn Hồng-Dực đi khỏi ta đã cho quân thám dọ hễ nó về tới thì ta bắt nó nữa. Vả theo lịnh truyền hễ nhà nào yêm-ẩn Thái-tử với Sầm-Bích thì toàn gia bị tru lục, vậy ta cũng bắt luôn hai cha con Lữ-hà-Mai rồi. Tuy phạm nhơn đã bắt được, song ta còn nghi quá, không biết Hồng-Phi đó có phải là Thái-tử Xương-Cấp hay chăng nên ta dụ-dự chưa dám giải về kinh”.
Cao-Phi liền đứng dậy thưa rằng: “Bẩm thượng-quan, ở đời có ai mà chịu cha ăn cướp bao giờ. Tôi biết chắc người đó là Thái-tử, song vì sợ tội nên cãi họ như vậy đặng trốn cho dễ”.
Trầm Tri-châu ngồi suy nghĩ một hồi rồi hỏi rằng:
– Sao mi dám chắc?
– Bẩm thượng-quan, tôi bà con với Lữ-hà-Mai, việc trong nhà tự nhiên tôi biết chớ.
– Nếu Hồng-Phi thiệt là Thái-tử thì có lẽ nào người lại chịu hứa hôn với một nàng nghèo khổ quê mùa như vậy?
– Bẩm thượng-quan, việc đó cũng là dối trá nữa. Lữ-hà-Mai chứa Thái-tử trong nhà sợ có tội nên bày chuyện gả con đặng che mắt người trong làng trong xóm. Mà gả là hứa tiếng cầm chừng đó mà thôi, chớ có phải gả thiệt đâu.
– Ta thấy nàng nó đồng khóc kêu oan cho chồng quá, mà sao mi lại nói như vậy?
– Bẩm thượng-quan, con em tôi nó sợ ông già nó liên-lụy nên nó khóc dối mà kêu oan, chớ không phải nó có tình gì với Thái-tử đâu. Xin thượng-quan tra lại.
– Lời mi nói rất có lý. Vậy thì ta phải kết án mà giải về kinh cho mau, bởi vì có lịnh dạy hễ bắt được là phải giải liền.
– Bẩm thượng-quan, thượng-quan phân như vậy htì phải lắm, chớ nếu thượng-quan thả rồi sau triều-đình hay được dễ gì hay sao.
– Ta lo là lo nếu về triều nhìn không phải Thái-tử thì ta có tội chớ.
– Bẩm thượng-quan, nếu không phải thì thôi, chớ thượng-quan có tội gì. Thượng-quan không biết mặt Thái-tử, làm sao mà thượng-quan nhìn được.
– Mi nói phải lắm.
– Bẩm thượng-quan, hôm nọ thượng-quan đi vãng dân, đến làng tôi thượng-quan hạ cố nên ghé tệ-xá, sự ấy làm cho tôi vinh-diệu vô cùng. Tôi cảm đội ơn thượng-quan không biết lấy chi đền đáp cho vừa, nên hôm nay đến đây trước dâng chút lễ mọn, mà tỏ lòng thành kỉnh của tôi, sau dọ coi thượng-quan có bắt được Thái-tử hay không. Chẳng dè đến đây tôi mới hay thượng-quan đã bắt được Thái-tử rồi, mà còn lại bắt luôn người cậu và con em tôi nữa. Bẩm thượng-quan, đã biết người phạm tội với triều-đình thì không thể dung được. Nhưng mà thượng-quan xét lại mà thương giùm con dân. Cậu tôi không có con trai, chỉ có một chút con gái đó mà thôi, nếu thượng-quan không thương giải hết cha con về kinh, thì tôi sợ e hai cha con đồng bị chết chém, rồi bên ngoại tôi tuyệt-tộc, tội nghiệp quá. Vậy xin thượng-quan che chở, làm phước tha cho con em tôi cho nó trở về nhà, đặng như cậu tôi có phải tử hình thì còn có người cúng quảy.
Cao-Phi nói tới đó, rồi làm bộ động lòng ứa nước mắt. Trầm Tri-châu suy nghĩ thầm rằng mình bắt được Thái-tử là nhờ thằng nầy tọc mạch; mà nó lại dưng lễ vật trọng quá, nay nó xin có một chút đó, không lẽ mình hẹp lượng không cho. Mà dầu mình cho cũng chẳng hại gì, mình giải Thái-tử với Hà-Mai là chủ chứa, mình đừng nói tới Kiên-Trinh thì triều-đình đâu biết được.
Quan Tri-châu nghĩ như vậy rồi nói với Cao-Phi rằng: “Mi là dân mà biết lễ nghĩa không lẽ ta hẹp lượng với mi. Vậy thì mi về đi, để ta xét lại rồi ta tha Kiên-Trinh, không sao đâu mà sợ”.
Cao-Phi nghe nói mấy lời thì hết sức mừng rỡ nên lạy quan Tri-châu rồi lui ra. Cao-Phi dắt Mã-Kỳ ra kiếm quán ở đậu, tính đợi quan Tri-châu tha Kiên-Trinh về thì nom theo mà bắt. Khi bước vào quán thấy có 4 người trai-tráng, độ chừng 25 hoặc 27 tuổi, đương nằm tại một bộ ván mà ngủ. Mã-Kỳ giao ngựa cho chủ quán rồi hối dọn cơm cho chủ ăn.
Lúc Cao-Phi đương ngồi ăn cơm bỗng thấy có một người trai nữa, trạc chừng 22 tuổi, da trắng, miệng dài, trán cao, mày rậm, hình vóc ốm yếu, mà bộ tướng lẹ-làng, ở ngoài bước vô đi thẳng lại bộ ván kêu 4 người đương ngủ ấy thức dậy nói nhỏ nhỏ nghe không được, rồi dắt nhau đi hết. Cao-Phi hỏi chủ quán mấy người ấy là ai, thì chủ quán nói rằng mấy người ấy là hành-khách tới ở đậu đã hai ngày rày, song không rõ người gốc ở xứ nào.
Cao-Phi tưởng là dân làng đi kiếm chỗ làm ăn, nên không để ý đến, cứ biểu Mã-Kỳ ăn cơm rồi đi chơi dọ coi hễ quan thả Kiên-Trinh thì về thông báo tin cho anh ta hay.
Tối bữa đó 5 người hành-khách về quán ăn cơm rồi ngủ như thường, không nói chuyện chi với Cao-Phi mà Cao-Phi thấy họ y phục lôi thôi nên cũng không thèm làm quen.
Chiều bữa sau khi quan Tri-châu dạy quân dắt một mình Kiên-Trinh lên thính đường rồi nói rằng:
“Chiếu theo công-pháp lẽ thì ta phải giải cha con nàng về kinh đặng thọ hình. Nhưng vì có anh của nàng ai-cầu, nên ta tha nàng. Vậy nàng hãy về mà coi nhà cửa. Từ rày về sau lấy chồng lo làm ăn, nếu còn làm quấy như vậy nữa thì ta không dung được.”
Quan Tri-châu tưởng tha nàng thì nàng vui mừng lạy tạ ơn, nào dè nàng chưng hửng không biết anh nào lại nghe dạy về lấy chồng lo làm ăn, nàng càng đau đớn trong lòng, nên nàng quỳ xuống khóc mà xin tha luôn cha với chồng, chớ nàng không chịu về một mình. Quan Tri-châu thấy vậy cũng động lòng, không nỡ nạt nộ, nên kiếm lời dịu ngọt mà khuyên nàng về.
Kiên-Trinh cứ kêu oan cho chồng hoài không chịu đi. Quan Tri-châu nổi giận, mới dạy quân đem giam vào ngục lại.
Sáng bửa sau Cao-Phi đợi hoài mà không thấy thả Kiên-Trinh, nên liều mạng trở vào phủ mà khẩn-cầu nữa. Quan Tri-châu nói rằng Kiên-Trinh cứ nài chết sống cũng theo chồng với cha mà thôi, chớ không chịu về một mình, nên người tính phải giải hết về kinh. Cao-Phi năn nỉ xin đuổi nàng ra khỏi dinh, không cho lân-la vào phủ nữa thì tự nhiên nàng phải về. Quan Tri-châu cười mà nói rằng: “Mi xin điều ấy ta không thể cho được. Nàng đã quyết thọ tội mà ta tha sao được? Ví như ta tha mà nàng không chịu về nhà, cứ đi theo cha vào kinh mà khóc, triều-đình hay được sự ta yêm-ẩn thì dễ gì cho ta hay sao?”.
Thôi, nàng muốn chết thì để cho nàng chết mi đừng xin nữa uổng công. Ta đã kết án xong rồi hết, để sáng mai ta sẽ cho một tên đội-trưởng giải hết về kinh cho triều-đình nghị tội”.
Cao-Phi thấy kế mình đã bất thành, mà nghĩ nói thêm nữa cũng vô ích, nên lạy tạ lui về quán mà bàn tính với Mã-Kỳ. Vả Mã-Kỳ là một tay lanh-lợi bặt-thiệp, vừa nghe nói như vậy liền thưa rằng: “Xin chủ gia chớ lo, bề nào mình cũng bắt nàng được. Hổm nay tôi đi chơi tôi có làm quen với quân lính nhiều người”.
“Vậy để tôi hỏi dọ coi ông đội-trưởng nào lãnh đi giải tội nhơn về kinh thì tôi mời ổng đến đây rồì chủ gia xuất bạc hối-lộ trước với ổng, đặng lúc ổng đi dọc đường ổng thả nàng Kiên-Trinh cho mình bắt, tôi nghĩ có kế ấy thì hay hơn hết”.
Cao-Phi gặt đầu khen phải, rồi đưa tiền cho Mã-Kỳ và biểu đi kiếm quân lính đãi ăn uống đặng hỏi dọ mà thi hành kế ấy.
Ngày ấy bốn người hành khách ở chung một quán với Cao-Phi bỏ đi hết chỉ còn có một người nhỏ, da trắng, miệng dài, cáo bịnh nằm trên ván trùm chiếu rên hì-hì.
Đến tối trong quán đã đốt đèn, ngoài sân trời mưa rỉ-rả. Cao-Phi ngồi dựa ghế giữa, mắt ngó ra sân mà trông Mã-Kỳ. Cách chẳng bao lâu, Mã-Kỳ đi về quán sau lưng lại có một người đi theo. Cao-Phi trong lòng mừng thầm bèn đứng dậy. Mã-Kỳ bước vào thưa rằng: “Thưa chủ-gia, tôi có mời ông đội-trưởng đến đây”.
Cao-Phi chấp tay thi lễ, nhìn lại thì ông đội nầy tên là Trịnh-Bưu, hôm nọ đã có theo quan Tri-châu mà đến nhà mình một lần, nên nói rằng: “Tôi kính chào ông. Hôm nọ ông đi với quan Tri-châu đến làng Thường-Thạnh, ông ghé nhà tôi, mà vì tôi mắc sợ sệt nên tiếp không đủ lễ. Nay tôi có việc đến đây muốn vào bái kiến ông, nhưng vì ông ở trong phủ, lính gác nghiêm-nhặt, tôi không dám vào, nên mời ông đến đây đãi ông một ít ly rượu cho phỉ tình ước vọng, xin ông thứ tội”.
Trịnh-Bưu là người ưa uống rượu, nên nghe nói như vậy thì cười mà đáp rằng: “Phú-ông có lòng tốt mời ta, lẽ nào ta lại từ hay sao. Quan Tri-châu thường cấm không cho ta uống rượu, nên ta ở trong phủ buồn quá. Khuya nầy ta sẽ lãnh giải tội nhơn vào kinh, may phú-ông mời ta sớm đa, chớ nếu để mai sẽ mời thì chắc không có ta ở nhà”.
Cao-Phi mời ngồi rồi biểu Mã-Kỳ thúc chủ quán dọn rượu thịt bưng lên cho mau.
Trịnh-Bưu uống được vài chén thì hứng chí, nên nói chuyện om sòm, Mã-Kỳ cầm bầu rượu đứng một bên hễ thấy chén lưng thì rót thêm. Người hành khách đau nằm bên ván yêm-lìm không cục cựa; còn chủ quán thì mắc lui-cui ở dưới bếp nấu ăn. Cao-Phi thấy Trịnh-Bưu vui vẻ bèn dỡ chuyện ra mà nói rằng:
– Hồi nãy ông nói khuya nầy ông mắc đi giải tội-nhơn vào kinh. Vậy chớ có phải ông đi giải Thái-tử với hai cha con ông lão Hà-Mai hay không?.
– Ta đi giải bọn ở làng Thường-phú, ông chỉ đi bắt hôm trước đó đa.
– Ông lãnh đi một mình hay là có quân lính theo đông.
– Quan Tri-châu dạy ta phải dắt theo vài chục tên quân, nhưng mà ta nghĩ đi giải Thái-tử sức yếu trói gà không chặt, với một ông già và một đứa con gái, cần gì phải dẫn quân nhiều, nên ta tính dắt chừng 5 đứa đi theo mà thôi.
– Ông không sợ đi dọc đường họ đánh, họ giựt tội-nhơn hay sao?
Trịnh-Bưu trợn mắt vinh râu, ngó ngay Cao-Phi mà đáp rằng: “Cha chả! Thằng nào dám cả gan đến thế? Ta sợ là sợ bọn cường khấu ở Linh-sơn mà nghe nói thằng Võ-Nhị đã chết rồi còn thằng Võ-Nhứt nhúc-nhác không dám hoành-hành như trước nữa, thế thì còn bọn nào dữ nữa mà sợ”.
Cao-Phi cười mà nói rằng:
– Tôi nói đó là nói chơi mà thôi chớ tôi vẫn đã nghe danh ông anh-hùng đệ nhứt, có ai mà dám vô lễ với ông đến thế.
– Ừ, không thằng nào dám đâu.
Cao-Phi biểu Mã-Kỳ lấy thêm rượu rót mời Trịnh-Bưu uống nữa. Anh ta ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:
– Thưa ông tôi có một việc muốn cậy ông song chưa biết ông có sẵn lòng giùm giúp hay không nên tôi không dám nói.
– Ta với ông khi chưa biết nhau thì chẳng nói làm gì, chớ hễ biết nhau thì là anh em. Ông muốn cậy việc chi cứ nói ra ngay, có can hệ chi mà phải áy-náy.
– Thưa ông, tôi chẳng dấu ông làm chi, số là tôi với nàng Lữ-kiên-Trinh vẫn đà có duyên nợ trước.
– Nàng Kiên-Trinh nào? Người vợ Thái-tử đó phải hôn?
– Thưa phải.
– Húy! Té ra Thái-tử đó giựt vợ của ông hay sao?
– Thưa, tuy không giựt mà cũng như giựt.
– Hứ! Chuyện làm sao đâu ông kể cho ta nghe hết coi.
– Số là năm ngoái tôi đi nói nàng Kiên-Trinh, cha nàng đã hứa gả mà nàng cũng đã ưng thuận tôi rồi. Tôi vừa sắm sửa lễ vật đặng đi cưới, rủi nàng có bịnh, rồi bịnh vừa hết, kế bị cường-khấu bắt. Chẳng biết hai anh em họ Hồng ở đâu đến giải cứu nàng rồi lão Hà-Mai cảm ân nên quên lời hứa với tôi đi, đem nàng mà gả cho Hồng-Phi. Tôi thấy người bội nghĩa tôi giận nên tôi mạch cho quan bắt bỏ ghét chơi.
– Té ra hồng-Phi đó không phải là Thái-tử Xương-Cấp hay sao? Cha chả! Ông báo đời làm cho quan đã thất công mà ta đi giải cũng vô ích nữa. Vậy mà ta tưởng người ấy thiệt là Thái-tử nên ta lãnh đi giải đặng may triều-đình xét công đặng thăng chức cho ta chớ!
– Thưa ông, tôi không biết Thái-tử thì làm sao mà tôi dám chắc Hồng-Phi đó phải hay là không phải Thái-tử.
– Nếu ông không biết chắc thì sao ông dám bẩm với quan Tri-châu. Ta sợ nếu mà không phải Thái-tử đây, thì quan Tri-châu bị quở, rồi ông cũng khó mà yên thân được.
– Thưa ông, việc ấy tôi đã có tỏ với quan Tri-châu rồi, vậy xin ông đừng lo. Mà việc đó không phải là việc tôi tính cậy ông.
– Vậy chớ ông cậy việc chi.
– Tôi muốn cậy ông đi giải tội, khi ra khỏi phủ rồi ông giao nàng Kiên-Trinh lại cho tôi; nếu được vậy thì tôi đền ơn ông 5 lượng bạc.
Cao-Phi và nói và thò tay vào lưng móc ra năm lượng bạc mà để trên ghế. Trịnh-Bưu ngồi ngó năm lượng bạc, miệng chúm-chím cười rồi lắc đầu đáp rằng:
– Ông cậy việc đó khó quá, ta không thể giúp được.
– Có chi đâu mà khó?
– Nếu ta giao nàng Kiên-Trinh cho ông, khi đến kinh ta lấy ai mà nạp thế cho được.
– Có chi đâu! Ông cứ nạp Thái-tử và Hà-Mai, như triều-đình có hỏi Kiên-Trinh thì ông nói quan Tri-châu giao cho ông có hai người đó mà thôi, chớ không có Kiên-Trinh nào hết, tự nhiên êm ru.
– Húy! Ông nói nghe dễ như chơi! Triều-đình hỏi lại quan Tri-châu rồi ta chết chém chớ êm!
– Thôi thì ông nói nàng ấy đi dọc đàng thừa lúc ban đêm trốn mất, được hôn?
– Không được. Ta lãnh đi giải mà để hơ-hỏng cho tội nhơn trốn, thì dễ gì?
– Tôi còn một kế nầy hay lắm: ông nói nàng đi dọc đường sợ thọ hình nên thừa lúc ban đêm tự vận mà chết. Dùng kế đó triều-đình khó mà tra được. Mà tôi tưởng triều-đình hễ được Thái-tử thì họ mừng rồi, họ không cần cật vấn nàng Kiên-Trinh làm gì đâu.
Trịnh-Bưu ngồi suy nghĩ lắm, muốn chịu đặng lấy năm lượng bạc, mà rồi sợ có tội nên không dám chịu. Cao-Phi thấy vậy mở lấy ra thêm 3 lượng nữa để trên ghế mà nói rằng: “Tôi đền ơn thêm cho ông 3 lượng nữa đây. Xin ông nhậm lễ rồi giúp giùm tôi, không hại gì mà sợ”.
Trịnh-Bưu ngồi ngó 8 lượng bạc hoài. Cách một hồi lâu mới quyết định rồi nói rằng: “Ông có lòng tử tế với ta quá, không lẽ ta không giúp ông. Nhưng mà đi dọc đường trong lúc ban ngày, có quân lính đi theo, ta không thể giao Kiên-Trinh cho ông được. Vả đường đi vào kinh, cách đây chừng 5 dậm có một cái truông lớn tên là truông Thuồng Luồng, ở đầu truông có một cái miễu thờ ông Hổ. Vậy ông hãy đi trước lên đó mà núp. Ta giải tội nhơn cứ đi huỡn đãi đợi tối sẽ tới đó mà nghỉ, rồi trong lúc ban đêm quân lính ngủ hết ta sẽ lén giao Kiên-Trinh cho ông dắt về”.
Cao-Phi hết sức mừng rỡ. Trịnh-Bưu lấy 8 lượng bạc bỏ vào lưng rồi từ mà về. Cao-Phi kêu Mã-Kỳ dặn cho ngựa ăn cho no đặng khuya thức dậy mà đi cho sớm.
Cao-Phi đi ngủ thì trời đã hết mưa mà mặt trăng lại mọc lên. Người hành khách đau nằm trên ván bên kia ngóc đầu dòm coi trong quán chủ khách đều im-lìm, mới lén mở cửa đi ra ngoài sân, mà đi ra rồi đi luôn. Đến khuya Cao-Phi với Mã-Kỳ cỡi ngựa đi rồi mà người ấy cũng không trở về quán.