Vào Linh-tự, ơ hờ mất ngựa,
Tới Lữ-trang, hâm hỡ trừ gian.
Xương-Văn tuy bị bắt, nhưng mà tấm thân yên ổn đã khỏi lo rồi; còn phận Xương-Cấp bôn đào linh-đinh, nghĩ thiệt là tội nghiệp. Khi Sầm-Bích dắt Xương-Cấp chạy vào rừng rồi, binh của Lâm-Hổ kéo tới thấy dạng Xương-Văn với Hoài-Nhơn còn cỡi ngựa chạy dựa theo mé rừng thì cứ đuổi theo, không dè Xương-Cấp đã tẽ đường khác. Hai người vào rừng, ngựa đi không được, Sầm-Bích muốn bỏ ngựa mà chạy bộ song nghĩ Thái-tử yếu đuối sợ đi bộ không nổi, nên đi trước lấy đao vẹt đường, gặp nhánh thì chặt, gặp dây thì cắt, đặng ngựa đi cho dễ. Đi chẳng bao lâu may gặp một đường nhỏ băng ngang qua rừng, hai người mới noi theo đường ấy mà đi.
Đến đầu canh năm ra tới mé rừng bên kia; trăng lưỡi liềm đã ló mọc nên trời sáng mờ mờ, Sầm-Bích sợ có binh phục bèn dặn Thái-tử gò cương ngựa đi nhẹ nhẹ đặng xem coi động tịnh thế nào. Ra khỏi rừng lóng nghe trong rừng có tiếng người ta văng vẳng, biết rằng tiếng ấy là tiếng quân càn rừng mà kiếm; còn ngó trước mặt thì thấy đồng rộng minh mông, trước xa nữa lại có một cụm đen lờ mờ không rõ là núi hay là rừng. Sầm-Bích nghĩ thầm trong trí rằng nếu mình trì huỡn đến sáng mà qua không khỏi cánh đồng nầy thì quân sĩ ngó thấy rồi rượt theo chắc là mình chạy không khỏi, vậy mình phải thừa lúc đêm tối mà chạy riết, hễ qua tới cụm đen ấy rồi, dầu núi hay là rừng mình cũng có thể núp mà thoát thân được.
Sầm-Bích bèn hối Thái-tử Xương-Cấp quất ngựa chạy theo mình. Hai người tuy đói khát mỏi mệt, song vì sợ chết nên phải ráng mà đi. Qua khỏi cánh đồng rồi thì trời vừa sáng, Sầm-Bích dừng ngựa lại mà nghỉ, ngó ngoái lại sau lưng thì không thấy binh theo, còn ngó ngay trước mặt thì thấy một hòn núi không cao cho lắm, mà theo triền núi thì cây cỏ thạnh mậu, nên trong bụng mừng thầm. Sầm-Bích mới nói với Xương-Cấp rằng: “Chắc chúng mình thoát thân được.” Xương-Cấp rơi lụy mà than rằng: “Không biết em ta có chạy khỏi hay không?” Sầm-Bích thấy Xương-Cấp mệt quá, nên tính kiếm chỗ nghỉ đỡ một buổi rồi sẽ liệu bề mà chạy nữa.
Hai người cỡi ngựa đi vòng dựa chơn núi, có ý kiếm coi có nhà ai hay không. Đi đến mặt trời mọc, chợt thấy dựa triền núi có một cảnh chùa, trước chùa có một cây cột phướng cao vòi-vọi. Sầm-Bích mừng rỡ hết sức, mới dắt Xương-Cấp noi đường mòn mà vào chùa. Một tên đạo nhỏ đương cuốc đất trước chùa dòm thấy hai người cỡi ngựa đi vào, diện mạo khôi ngô, y phục đẹp đẽ, không biết là ai, nên đứng chống tay trên cán cuốc mà ngó. Sầm-bích nhảy xuống ngựa rồi bước lại đỡ Xương-Cấp xuống. Anh ta buộc hai con ngựa dựa gốc cây cho nó ăn cỏ, rồi bước lại nói với tên đạo nhỏ ấy rằng: “Hai tôi đi lỡ đường đói khát mà lại mệt mỏi, nên vào đây xin thầy mở lượng từ bi cho chúng tôi ăn một bữa cơm, ơn ấy dầu ngàn năm chúng tôi cũng còn tạc dạ”. Tên đạo ấy nghe nói liền quăng cái cuốc mà đáp rằng: “Xin quí quan hãy đứng đây mà chờ, để tiểu tăng vào bạch lại với Hòa-thượng rồi sẽ mời quí quan vào”.
Sầm-Bích gặc đầu. Tên đạo ấy lật đật chạy vào chùa, trong giây phút liền trở ra chấp tay thưa rằng: “Thưa, Hòa-thượng tôi dạy mời nhị vị quí quan vào.” Xương-Cấp với Sầm-Bích đi theo vào chùa, thấy Hòa-thượng đương ngồi tại ghế giữa, liền bước lại quì ngay trước mặt mà thưa rằng: “Bạch Hòa-thượng, chúng tôi là kẻ đi lỡ đường, trong chốn rừng núi không có nhà ai tá-ngụ, nên đến đây xin Hòa-thượng mở lượng từ-bi cho chúng tôi 1 bữa cơm làm phước”. Hòa-thượng gặt đầu đáp rằng: “Mô Phật, bần tăng ở chốn núi non, nếu quí quan chẳng chê tương rau, thì có lẽ nào bần-tăng hẹp lượng”. Hòa-thượng liền mời hai người qua bộ ván lót dựa bên đó ngồi nghỉ, rồi dạy đạo chúng nấu cơm dọn cho khách dùng.
Xương-Cấp mỏi mệt quá, nên lại bộ ván thì nằm liền, Hòa-thượng dòm thấy hai người y-phục đẹp đẽ mới hỏi thăm quê quán tánh danh. Sầm-Bích nói dối rằng: Xương-Cấp là con quan lớn ở dưới Kinh, đi du-học hai năm nay. Bây giờ tìm đường về nhà mà viếng thăm cha mẹ; còn anh ta là bằng hữu theo đưa công-tử xuống Kinh. Hòa-thượng nghe nói như vậy mà không thấy hành lý chi hết, thì lấy làm lạ, song nghĩ người qua đường chẳng cần hỏi cặn kẽ làm gì, nên Sầm-Bích nói vậy thì nghe vậy, không hỏi nữa.
Cách một hồi tăng chúng bưng ra một mâm cơm, dọn tương dưa sơ-sài chẳng có chi hết. Xương-Cấp nằm ngủ quên, chừng Hòa-thượng mời ăn cơm, Sầm-Bích mới kêu Xương-Cấp thức dậy. Hai người đều đói bụng nên tuy tương dưa mà ăn cơm ngon hơn là chả phụng khô lân. Cơm nước xong rồi, Hòa-thượng mới mời hai người nằm đó nghỉ. Hai người đi đường mệt mỏi mà lại thức sáng đêm, nên nằm gió thổi hiu hiu thì ngủ liền.
Đúng giờ ngọ tăng chúng tụng kinh đánh chuông bon bon. Sầm-Bích giựt mình thức dậy, thấy Thái-tử còn ngon giấc mới lén đi ra trước chùa tính kiếm cỏ cho ngựa ăn đặng chừng trời trịch bóng mà đi, nửa sợ trì huỡn ở đây binh theo kịp khó mà thoát khỏi. Chẳng dè ra tới chỗ buộc ngựa hồi sớm mai thì không thấy hai con ngựa, Sầm-Bích đi cùng chung quanh chùa mà cũng không thấy tâm dạng chi hết. Sầm-bích sợ mất ngựa thì khó mà đi xa được nên lật đật trở vào chùa hỏi thăm tăng chúng coi có thấy hai con ngựa đi đâu hay không. Có một tên đạo nói rằng lúc Sầm-Bích đương ngủ có một người lén đến mở dây rồi dắt hai con ngựa đi, nó ngó thấy mà sợ kết oán gây thù nên không dám tri hô.
Sầm-Bích nghe nói nổi giận nên la lớn rằng: “Cha chả! Giữa ban ngày mà nó dám ăn trộm ngựa ta sao? Sao chư tăng không cho ta hay? Chư tăng sợ nó, chớ ta không sợ đâu. Nó ở chỗ nào xin chư tăng làm phước chỉ giùm ta đặng ta đến đó bắt ngựa lại và đánh nó một lần cho nó biết chừng.” Hòa-thượng nghe Sầm-Bích nói om-sòm với tăng chúng, không hiểu có việc chi nên kêu mà hỏi. Chừng tăng chúng bạch rõ đầu đuôi cho Hòa-thượng nghe rồi Hòa-thượng mới khuyên Sầm-Bích rằng: “Thôi, quí quan lỡ mất cặp ngựa thì bỏ luôn cho êm, đừng tìm kiếm làm chi mà mang họa lớn hơn nữa.” Sầm-Bích nghe lời khuyên ấy lại càng tức giận, nên theo nài-nỉ xin chỉ kẽ gian cho mình biết mà bắt ngựa lại.
Hòa-thượng thấy vậy mới nói rằng: “Quí quan là khách ở xa, không hiểu nhơn-vật xứ nầy, nên thấy chư tăng không chịu chỉ kẽ gian, quí quan giận cũng phải. Vậy để bần tăng tỏ hết duyên cớ cho quí quan nghe. Số là ở trên núi Linh-Sơn nầy, có hai anh em họ Võ, anh tên là Võ-Nhứt em tên là Võ-Nhị, tánh tình ngang ngược, mà tài lực cao cường mấy năm tụ-tập những kẻ côn đồ rồi khi thì kéo xuống xóm cướp giựt tài sản của lương dân, khi thì chận nẻo đón đường bắt người cho chuộc. Mấy làng ở gần núi nầy ai cũng sợ oai nên không dám báo quan, bởi vì không biết báo quan có trừ được đảng ấy hay không, như báo mà quan không bắt chúng nó được, chúng nó trả thù lại càng khổ hơn nữa. Hôm qua có anh Lữ-hà-Mai, ở làng Thường-Phú, cách đây chừng ba dặm đường, dắt một đứa con gái lên chùa lạy Phật. Đến trưa cha con dắt nhau về, cha cỡi ngựa, con ngồi kiệu, vừa mới ra khỏi chùa bị anh em họ Võ chận đường đánh bắt người con gái đem lên núi. Lữ-hà-Mai thương con nên than khóc năn nỉ hết sức mà bọn ăn cướp cũng không chịu thả. Quí quan nghĩ mà coi anh em họ Võ oai thế là đường nào? Trong xứ nầy không ai không sợ. Nếu cặp ngựa của quí quan mất thì chắc là bọn ấy bắt chớ không ai dám vô đây. Song chúng tăng không dám chỉ là vì chúng tăng sợ bọn ấy oán rồi đốt chùa không chỗ mà tu. Thôi quí quan lỡ mất ngựa thì bỏ phứt cho xong chớ quí quan kiếm tìm sợ họa càng lớn hơn nữa.”
Sầm-Bích bẩm tánh nóng nảy đứng nghe chuyện anh em họ Võ ngang-ngược thì đã nổi giận rồi, mà chừng nghe Hòa-thượng khuyên bỏ cặp ngựa cho yên đừng kiếm tìm mà mang họa, thì lửa giận càng lừng lên, không thể dằn được, nên đáp rằng: “Thiên hạ sợ bọn nó chớ tôi không sợ nó đâu. Xin Hòa-thượng cho một người dắt tôi lên tại trại của chúng nó đặng tôi bắt cặp ngựa tôi lại, chúng nó có giỏi thì chúng nó cự với tôi.” Hòa-thượng lắc đầu nói không được, còn chúng tăng nghe mượn dắt, thì bỏ đi hết, không ai dám phụng mạng. Sầm-Bích thấy vậy mới tính hỏi thăm đường đặng đi một mình. Hòa-thượng ban đầu không chịu chỉ, chừng thấy Sầm-Bích nằng nằng quyết đòi cho được cặp ngựa mà thôi, túng thế phải chỉ biểu đi theo đường mòn trước chùa xuống tới chỗ có một hòn đá lớn, leo lên hòn ấy ngó ngay trên triền núi, hễ thấy có cái nhà nào thì nhà ấy là trại của anh em họ Võ.
Sầm-Bích nghe nói liền cầm đao ra đi. Song chừng ra khỏi chùa anh ta nghĩ lại mình theo phò Thái-tử, cái mạng Thái-tử mình phải lo bảo toàn, nay mình ra tranh đấu với bọn ăn cướp mình xét tài lược của mình thì chẳng lo thua chúng nó, mà dầu mình có dở thì mình chết nghĩ cũng chẳng tiếc gì. Song chết rồi còn ai phò hộ Thái-tử?
Sầm-Bích nghĩ tới đó thì giựt mình, khi nãy trong lòng nóng nảy bao nhiêu, bây giờ trong lòng lạnh lẽo bấy nhiêu, anh ta đứng dụ-dự muốn trở vào chùa, nhưng mà lại nghĩ nếu không đánh bắt bọn ăn cướp nầy thì ngựa đâu mình đi rồi lại muốn tìm tận nơi mà bắt cặp ngựa lại. Sầm-Bích còn đương lưỡng lự bỗng thấy có một tên đạo nhỏ ở trong chùa chạy ra mà nói rằng: “Tiểu quan nhơn thức dậy, nghe nói đại quan nhơn đi đánh ăn cướp mà giựt ngựa lại thì kinh hãi, nên sai tiểu-tăng chạy theo mời đại quan nhơn trở lại lập tức”. Sầm-Bích nghe nói lật đật trở vào chùa. Hòa-thượng theo khuyên giải nữa, mà Xương-Cấp cũng cản trở, nên Sầm-Bích bỏ không nói tới việc đi đánh anh em họ Võ nữa.
Tuy vậy mà Sầm-Bích không vui, cứ nằm gát tay qua trán mà tính hoài, cách một hồi anh ta ngồi dậy hỏi thăm đường xuống làng Thường-Phú. Hòa-thượng không hiểu ý Sầm-Bích tính mưu gì, nên cứ chỉ đường rõ ràng.
Mặt trời vừa xế bóng, Sầm-Bích kề miệng nói nhỏ với Thái-tử rồi hai người đứng dậy tạ ơn Hòa-thượng mà lên đường. Hòa-thượng đưa ra tới cửa chùa rồi hai đàng mới từ biệt.
Sầm-Bích với Thái-tử đi bộ, nhắm chừng đường của Hòa-thượng chỉ đó mà đi, lần lần xuống làng Thường-Phú, đi đến tối mới mò tới Thường-Phú, Sầm-Bích hỏi thăm nhà Lữ-hà-Mai mà tới.
Khi bước vào gần tới cửa, thấy nhà lá ba căn xịch-xạt, ngoài sân có buộc một đôi trâu, trong nhà đèn đuốc leo lét, lại nghe có tiếng khóc rỉ-rả. Sầm-Bích kêu hỏi có ai trong nhà xin mở cửa. Chừng cửa mở rồi, Sầm-Bích vô trước thấy có một người độ chừng 50 tuổi, râu đen, vóc lớn, da nám, trán cao, đương đứng tại cửa, cặp mắt còn ướt rượi. Sầm-Bích liệu người ấy chắc là Lữ-hà-Mai, bèn cung tay thi lễ và nói rằng: “Thưa ông, anh em tôi là khách phương xa đi lỡ đường, nên ghé đây xin ông làm ơn cho tá túc đỡ một đêm rồi rạng ngày anh em tôi sẽ dời gót.”
Người trong nhà ấy thiệt quả là Lữ-hà-Mai, xem thấy Sầm-Bích tướng mạo đường đường, oai nghi lẫm lẫm, lại có đeo gươm trong lưng, còn Xương-Cấp đứng sau, môi son mắt phụng, y-phục đoan trang, không biết là ai, trong lòng sợ-sệt, song cũng gượng mà đáp rằng: “Thưa nhị vị quí quan, nhà tôi nghèo hèn sợ không có chỗ xứng đáng mà tiếp quí quan, đã vậy mà nhà tôi đương có việc buồn nên sợ mắc bối rối thất lễ cùng quí quan chăng?”
Sầm-Bích cười mà nói rằng: “Xin ông chớ lo, ơn ông cho tá túc giá đáng ngàn vàng, anh em tôi đâu dám trách ông mà sợ.” Lữ-hà-Mai mới mời hai người vào nhà rồi mời ngồi. Thái-tử không quen đi bộ, nên đi ba bốn dậm đường thì mệt mỏi quá, bỡi vậy ngồi nghỉ không nói chi hết. Sầm-Bích ngó Lữ-hà-Mai rồi hỏi rằng: “Hồi nãy ông nói nhà ông đương có việc buồn, thế thì anh em tôi đến làm khách chắc nhọc lòng ông lắm? Thưa ông, ơn ông cho tá-túc, ơn ấy đã trọng rồi. Vậy nếu ông có việc chi xin ông tự tiện, chẳng cần phải nhọc lòng với anh em tôi.”
Hà-Mai nghe nói thì thở dài mà đáp rằng:
– Thưa ngài, nhà tôi có viêc buồn song sự buồn ấy không phải ở tại nhà, bởi vậy lòng tôi lo mà thôi, chớ thân tôi không có bận chi hết.
– Xin lỗi ông, chẳng hay ông cho tôi biết việc buồn ấy có đặng chăng?
– Thưa ngài, sự nầy chẳng có chi bí-mật mà phải giấu giếm, số là nhà tôi có một đứa con gái tên là Kiên-Trinh, năm nay 17 tuổi, hôm tháng trước nó mang bịnh nặng tôi có cầu khẩn phật cho nó qua khỏi tai-ương, chớ tôi góa vợ nhờ có chút con hủ-hỉ, nếu chẳng may con tôi lìa trần thì chắc là tôi sầu não làm ăn không được, may con tôi lành bịnh, nên ngày hôm qua tôi dắt nó lên chùa Linh-sơn-tự cho nó niệm hương, nào dè chừng ra về rủi gặp ăn cướp đánh giựt con tôi đem lên núi rồi biểu tôi đem đủ 30 lượng bạc lên nó mới cho chuộc. Phận tôi nghèo nàn đâu có đến số bạc ấy, tôi có một con ngựa ăn cướp đã giựt rồi, tôi còn một đôi trâu một sở ruộng với căn nhà nầy; hồi sớm mai tôi cậy thằng em đi kiếm nơi mà bán, nó đi tới chừng nầy chưa về, không biết nó bán được hay không, mà dầu họ mua cũng không đủ số 30 lượng, chắc là con tôi phải chết.
Hà-Mai nói tới đó rồi ngồi ôm mặt mà khóc. Xương-Cấp đương nằm mà nghỉ, bỗng nghe tình trạng thê thảm như vậy, thì lồm cồm ngồi dậy nói nhỏ với Sầm-bích rằng: “Khi tỵ nạn ta có đem hờ theo vài chục lượng bạc để hộ thân. Vậy tướng quân hãy lấy mà cho ông già ấy đặng ổng chuộc con ổng, kẻo ổng khóc hoài tội nghiệp quá”. Xương-Cấp vừa thò tay vào lưng mà móc bạc, Sầm-Bích liền cản và nói nhỏ lại rằng: “Xin Điện-hạ cứ nằm đó mà nghỉ, để mặc tôi liệu lượng”.
Sầm-Bích dây lại nói với Hà-Mai rằng: “Thưa ông hồi sớm mai hai anh em tôi đi ngang qua núi Linh-sơn nghe nói có một người con gái bị ăn cướp bắt, không dè người ấy là con của ông. Vả lại anh em tôi là người đi lỡ đường, may đã tới đây, vậy thì ông đừng khóc lóc nữa, để anh em tôi làm ơn cứu giùm cho.” Hà-Mai nghe nói hết sức mừng rỡ liền lau nước mắt mà hỏi rằng:
– Ngài làm sao mà cứu?
– Tôi có bạc, nếu ông muốn chuộc lịnh ái thì tôi giúp cho ông ít nhiều được.
– Nếu hai người hảo-ý khứng giúp đặng tôi chuộc con tôi, thì ơn ấy sánh tày non biển. Cha chả! Mà tôi không quen biết với hai ngài, ngày sau tôi biết làm sao mà đáp nghĩa.
– Không, hễ làm nghĩa thì trông gì người trả. Nhưng mà ông đừng mừng vội, để tôi nói hết cho ông nghe. Ăn cướp mà bắt người cho chuộc thì chắc không phải là tầm thường. Nếu nay ông đem tiền mà chuộc lịnh ái, nó ăn quen rồi sau nó sẽ bắt tới người khác nữa, thì chắc lương dân ở xứ nầy khốn khổ lắm. Vậy sao ông không đến quan mà báo xin quân lính lên đánh bắt mà trị tội một lần cho tuyệt hậu hoạn?
– Ngài ôi! Tôi đâu dám đi báo quan, bởi vì hễ đi báo chúng nó hay được thì chúng nó kéo xuống đốt hết cả làng mà trả thù, chẳng những là hại tôi mà thôi, mà lại hại luôn tới người ta nữa.
– Ông nói tôi nghe tôi giận quá! Ông đi báo quan đi, có tôi đây chúng nó không dám làm hại ông đâu mà sợ.
– Không được ngài ôi! Dầu có đi báo quan, quan cũng không dám lên mà bắt chúng nó.
– Hứ! sợ nỗi gì?
– Chúng nó giỏi lắm.
– Ông nói tức tôi quá! Vậy thì sáng mai ông cho người theo chỉ đường đặng tôi bắt hết chúng nó cho ông coi.
– Hai anh em họ Võ giỏi lắm ngài ôi!
– Đã có ai đánh thử mà sao ông biết chúng nó giỏi. Để tôi đánh thử một lần cho ông coi. Xin ông đừng buồn nửa, tôi hẹn chắc với ông rằng chiều mai tôi sẽ đem lịnh-ái về đây cho ông.
Khi Sầm-Bích mới vào nhà, Hà-Mai xem bộ tướng hùng dõng thì trong lòng đã kiên-nể rồi, đến chừng nghe nói mấy lời khẳng-khái như vậy thì hết sức kính phục, lật đật hỏi thăm quê quán tánh danh. Sầm-Bích nói dối rằng: “Tôi tên là Hồng-Dực còn em tôi tên là Hồng-Phi, anh em gốc ở Phong-châu, cha mẹ khuất sớm, nên dẫn nhau đi du học”.
Hà-Mai tin như lời, không thèm hỏi chi nữa, lật đật kêu con nhỏ ở, tên là Lý-Hạnh rồi hối làm thịt gà dọn cơm mà đãi khách. Xương-Cấp với Sầm-Bích đương ngồi ăn cơm, thì Lữ-hà-Liễu là em Hà-Mai, đi kiếm người bán nhà bán đất không được trở về mặt mày buồn xo, bước vào thấy khách lạ chưng hửng. Hà-Mai chỉ Sầm-Bích mà nói với em rằng: “Quí quan đây tính sáng mai lên Linh-Sơn bắt hết bọn ăn cướp và cứu con Kiên-Trinh đem về; vậy mai em theo mà chỉ đường được hay không?”
Hà-Liễu nghe nói giựt mình, đứng ngó Sầm-Bích một hồi rồi đáp rằng: “Nếu quí khách dám lên mà bắt bọn ấy, em theo chỉ đường có lẽ nào lại không dám?” Hà-Mai lấy làm mừng. Khách ăn cơm rồi thì ngủ liền, coi không có lòng lo sợ chi hết, duy hai anh em chủ nhà nửa mừng nửa sợ nên thao thức hoài ngủ không được.
Đến khuya Xương Cấp thức dậy không thấy hai anh em chủ nhà bèn kêu Sầm-Bích mà nói nhỏ rằng: “Ta nghe hai anh em họ Võ tài lực phi phàm, tướng quân tính đi đánh bọn nó, ta lấy làm lo sợ quá. Thoảng như tướng-quân chẳng may bị bon nó bắt thì ta còn ai mà nương dựa” Sầm-Bích đáp rằng: “Xin Điên-hạ chớ lo, không hại gì đâu mà sợ. Vả mấy làng ở chung quanh núi Linh-Sơn bị anh em họ Võ nhiễu hại nên ai cũng đều có lòng oán hận. Nếu tôi trừ được đảng cường-khấu nầy thì chắc là nhơn dân kính trọng tôi lắm. Lúc nầy mình không có chỗ dung thân, vậy nên tôi tính thi-ân với dân xã đặng họ phục tùng mình, rồi tôi kiếm chỗ để điện-hạ ở cho yên đặng tôi có đi các trấn mà cầu binh dẹp loạn. Nói cùng mà nghe ví tôi chẳng may mà bị cường-khấu giết đi nữa, thì dân xã lại còn cám nghĩa hơn nữa, lại còn trọng điện-hạ hơn nữa. Ở đời duy có cái nghĩa là quí hơn hết. Ví dầu tôi chết mà mua được cái nghĩa cho điện-hạ, thì tôi chẳng hề tiếc thân chút nào; chớ sống mà theo lo cho điện-hạ ăn no ngủ ấm, cách phò tá ấy là cách của đàn bà, không phải là cách cần-vương của kẻ anh-hùng nghĩa sĩ”.
Xương-Cấp nghe mấy lời cảm động bèn ôm Sầm-Bích khóc mà nói rằng: “Ta nhờ gặp hoạn nạn mới rõ được lòng người. Nếu bá quan trong triều mà được như tướng quân thì thân ta đâu đến nỗi nầy?” Sầm-Bích không nói đến việc ấy nữa, lại dặn Thái-tử phải cẩn thận, xưng nhau bằng anh em đặng cho thiên hạ khỏi nghi.
Sáng ngày Sầm-Bích xin Hà-Mai cho gởi em là Xương-Cấp ở lại nhà, bởi vì em là văn-sĩ nên không thể dắt đến hổ huyệt được. Hà-Mai lấy làm vui mà đáp rằng: “Quí quan giúp cứu con tôi, ơn ấy tôi coi như trời biển. Xin quí quan để tiểu quan nhơn ở lại nhà, có tôi phục sự, không sao đâu mà ngại. Nhưng mà xin quí quan để cho tôi tỏ một đều; đêm nay tôi suy nghĩ lại, tôi coi quí quan đi một mình bất tiện lắm. Hai anh em họ Võ tài lực cao cường, mấy làng ở đây ai ai cũng đều sợ, nếu để quí quan đi một mình biết có hại chi không, bởi tôi nghĩ như vậy nên hồi khuya tôi đã sai thằng em tôi qui-tụ hết những dân tráng kiện ở trong làng đặng họ theo tiếp với quí quan, vậy xin quí quan chờ dân tựu tới rồi sẽ đi với nhau một lượt.
Ý Sầm-Bích không cần dân phải đi theo, song chủ nhà cứ nói hoài mà Xương-Cấp cũng nói vô, nên bất đắc dĩ phải chịu. Lúc mặt trời mọc, dân tráng kiện ở trong làng tụ tới gần được 150 người. Hà-Mai bèn tỏ sự Sầm-Bích quyết lên đánh bọn cường khấu ở núi Linh-sơn mà giải cứu con mình và cậy dân đi theo tiêp sức. Dân nghe nói đi đánh ăn cướp ở Linh-sơn thì co đầu rút cổ, phần nhiều không dám phụng mạng, duy chỉ có 6 người bộ tướng vậm vỡ tình nguyện đi theo. Sầm-Bích thấy nhơn dân nhút nhát thì tức cười day lại nói với 6 người chịu đi rằng: “Mấy anh em nghe nói ăn cướp giỏi lắm, mà chưa biết sức nó giỏi như thế nào. Vậy đi đánh thử một lần cho biết rồi sẽ sợ, chớ chưa thử sức mà sợ nỗi gì?”
Hà-Mai mời 6 người ấy vào nhà dọn cơm mà đãi rồi kẻ cầm roi trường, người cầm mác thông, đi với Sầm-Bích và Hà-Liễu mà lên Linh-Sơn.