Công-Hãn đem binh vây Cảnh-Thạc
Ngô-Quyền sai tướng cứu Động-Giang.
Ngô Thứ-sử đóng binh tại Đằng-châu thì trong lòng nóng nảy chịu không được, ý muốn đi riết ra thành Đại-La mà đánh bắt Kiều-công-Tiện cho mau, ngặt quân sĩ đi đường xa mỏi mệt, lại không rõ thế lực của kẻ nghịch ra thể nào, nên phải dừng binh cho tướng-sĩ nghỉ ngơi và phải sai người đi thám-dọ tình hình quân giặc. Đến ngày 14, Ngô Thứ-sử nhóm chư tướng và cho mời Bạch-Hổ với Trần-Lãm đến mà nghị việc tấn binh. Trong lúc đương hội nghị, thám-tử về báo rằng: Kiều-công-Hãn dẫn một đạo binh lên Đỗ-động-Giang vây đánh Cảnh-Thạc, còn Kiều-công-Tiện thì cố thủ Đại-La thành; thế lực mạnh lắm.
Ngô Thứ-sử nghe báo liền hỏi chư-tướng coi ai có kế chi mà phá giặc được không. Lữ-Đường liền đứng dậy thưa rằng: “Ta binh đã gần 2 vạn, tướng đã được 10 viên, người người đều quyết tử chiến mà báo thù cho Dương-tiên-công, thế lực của ta như vậy thì có lo gì mà đánh không thắng. Tôi nghĩ Kiều-công-Tiện là một đứa thất phu tàn bạo, dầu cho nó binh đông tướng giỏi cho mấy đi nữa cũng chẳng đủ cho chúng ta lo sợ. Vậy xin thượng quan kéo binh ra đánh Đại-La, tôi dám chắc hễ binh đi tới thì nghịch tặc phải bỏ thành mà chạy”.
Ngô Thứ-sử còn đương suy nghĩ, Phạm-bạch-Hổ liền đứng dậy mà thưa rằng: “Tôi tuy bất tài, nhưng mà tôi nghĩ theo phép dụng binh chẳng nên khinh địch. Đã biết tướng của ta thì đông, binh của ta sẵn lòng tử-chiến, song binh tướng của ta đi đường xa mệt mỏi, còn họ thì mấy tháng nay an nghỉ, họ dùng binh khoẻ mà đánh với binh mệt của ta, đó là một điều ta yếu thế hơn họ. Còn ta nghe nói Kiều-công-Hãn đã dẫn quân đi Đỗ-động-Giang, mà ta không đề phòng, cứ dẫn binh đến Đại-la-Thành mà khiêu chiến, thoảng như Công-Hãn kéo binh về rồi ngoài đánh vô trong đánh ra, ta ở giữa ắt phải thất bại. Vậy theo ý tôi nên cho một đạo binh đi đường tắt lên Đỗ-động-Giang mà cứu Đỗ-cảnh-Thạc và nhơn dịp ấy chận đường không cho Kiều-công-Hãn trở về, còn đại binh thì đi riết ra Đại-La mà công-thành, làm như vậy mới khỏi sợ thất”.
Ngô Thứ-sử gật đầu khen phải, rồi hỏi chư tướng coi ai muốn dẫn binh đi cứu Cảnh-Thạc. Phạm-bạch-Hổ vỗ ngực xin đi, Ngô Thứ-sử rất vui lòng nên cho liền, lại sai Lữ-Đường dẫn 500 binh theo tiếp ứng.
Qua ngày sau Bạch-Hổ dẫn một ngàn binh Đằng-châu và Lữ-Đường dẫn 500 binh Ái-châu băng đường rừng mà lên Đỗ-động-Giang, còn Ngô Thứ-sử với các tướng khác thì dẫn đại binh đi thẳng ra Đại-La.
Đây nói về Kiều-công-Tiện, từ ngày giết được Dương-diên-Nghệ rồi thấy tướng sĩ ở thành Đại-La thảy đều qui phục, không ai dám chống cự thì thoả lòng đắc ý, bèn đoạt ngôi Tiết-đạt-sứ rồi lo sắp việc cai trị đất Giao-châu. Anh ta vẫn biết Ngô-Quyền, Dương-kiết-Lợi và Đỗ-cảnh-Thạc có tình thân-ái với Diên-Nghệ, chắc sao ba tướng ấy cũng cử binh báo thù, nhưng mà anh ta nghĩ rằng Ngô-Quyền thì trấn thủ ở Nam-cương, Kiết-Lợi thì cheo leo nơi Bắc-giới, còn Cảnh-Thạc ở gần, song binh-thiểu thế-cô, nên không đáng lo sợ. Tuy vậy, mà anh ta cũng là một tay trí lược, không phải như người đứng chờ nước tràn lên tới cẳng mới lật đật nhảy quanh, bởi vậy cướp được ngôi quý thì liền truyền lịnh tuyển tướng mộ binh đấp luỹ sửa đồn mà đề phòng cường địch.
Đến cuối tháng nghe tin Đỗ-cảnh-Thạc dẹp yên loạn Thái-Bình rồi tính kéo binh về mà bắt tội, thì Công-Tiện chúm chiếm cười mà nói rằng: “Con mèo sức lực bao nhiêu mà đòi chống cự với cọp. Ta biết Cảnh-Thạc là người có lòng trung nghĩa, sớm muộn gì cũng phải đánh báo thù, bởi vậy cho nên ta đã liệu trước rồi, ta chờ Cảnh-Thạc về đây đặng lấy lời phải trái mà khuyến-dụ người, như người biết thời thế mà qui hàng thì thôi, còn nếu giữ lòng ngu-muội cứ chống cự nhau thì ta sẽ ra tay mà trừ khử”.
Kiều-công-Hãn nghe cha nói như vậy liền đứng dậy thưa rằng: “Thưa cha, đã biết Cảnh-Thạc binh thiểu thế cô, không đủ chi mà phải lo sợ, nhưng mà con nghĩ cha mới lên ngôi Tiết-đạt-sứ, tuy châu huyện đã cúi đầu qui-phục, song còn e họ phục đó là vì họ sợ oai mà thôi chớ họ chưa mến tình, trong một tháng nay châu huyện bình-an, ấy là vì không ai khởi xướng việc báo thù, nếu cha để Cảnh-Thạc về đây con sợ người mượn danh trung-nghĩa mà khuyến khích dân tình, rồi tứ hướng ứng tiếp, trong ngoài dấy lên thì khó cho mình phục được. Vậy con xin cha cấp cho con ba ngàn tinh binh đặng con đi bắt Cảnh-Thạc đem về nạp cho cha. Con nghĩ kế ấy là kế vẹn toàn, đã trừ bớt một mũi giặc, mà lại làm cho dân tâm khỏi xao động”.
Công-Tiện ngồi suy nghĩ một hồi lâu gật đầu khen phải rồi cấp cho Công-Hãn 3 ngàn binh đặng đi đánh Cảnh-Thạc. Công-Hãn kiểm quân mã, cụ-bị lương thảo, rồi đến ngày mùng 6 tháng hai, mới truyền lịnh khai thành tấn binh. Đi được vài ngày, có người báo tin rằng Cảnh-Thạc đương đồn binh tại Đỗ-động-Giang, Kiều-công-Hãn mới kéo binh đến trước thành khêu-chiến. Cảnh-Thạc đương lo mưu tính kế mà diệt trừ Công-Tiện đặng trả nghĩa cho Công-Nghệ, bỗng nghe quân báo có Công-Hãn dẫn binh đến khêu-chiến thì cả giận, đỏ mặt phừng gan, liền truyền lịnh khai thành xua quân ra cự địch. Hai bên hỗn chiến với nhau từ giờ thìn chí giờ ngọ, Cảnh-Thạc thấy tướng sĩ mõi mệt, mà không có mòi thắng được, bèn dóng chiên thu quân, tính nhập thành rồi sẽ liệu bày kế sách mà phá giặc. Công-Hãn sợ Cảnh-Thạc có kế chi lạ nên trá bại mà dụ mình, bởi vậy cũng dóng chiên thu quân, không dám đuổi theo.
Qua ngày sau, Công-Hãn chờ hoài mà không thấy binh Cảnh-Thạc ra giáp chiến, mới sai người đi vòng chung quanh thành, trước dọ đường đất, sau thám coi cử động của giặc là thể nào. Đến chiều, quân về báo rằng chung quanh thành một phía sát mé sông, còn ba phía khác thì hào hố rất nhiều mà hết hào hố rồi thì kế rừng bụi, chớ không có đất trống; còn trong thành thì im lìm, duy mấy cửa thì có quân gát rất nghiêm nhặt không cho ai vô hết. Công-Hãn biết Cảnh-Thạc yếu sức, sợ thất nên không dám tái chiến, muốn tấn binh vây thành, ngặt vì xem thành trì thiệt là hiểm địa, không phải chỗ dụng binh nên lo lắng hoài, không biết kế chi mà hạ thành cho được. Công-Hãn cùng thế mới sai 10 tên quân đến trước cửa thành kêu Đỗ-cảnh-Thạc mà mắng, có ý muốn khêu-khích đặng cho Cảnh-Thạc giận mà xuất binh, chẳng dè khêu luôn cho đến 6 ngày mà không tin tức chi hết.
Công-Hãn thấy vậy có ý khinh thị Cảnh-Thạc, nên truyền lịnh phân binh vây thành mà công phá. Vả chung quanh thành bị hào-hố nhiều, binh không tiếp với nhau được, phần thì trên thành Cảnh-Thạc dàn binh rồi dạy lấy cung nỏ mà bắn, bởi vậy cho nên binh của Công-Hãn lao nhao lố nhố rồi rút vô rừng mà núp, không dám xáp lại gần thành. Công-Hãn dùng đủ chước mà trọn 6 ngày nữa cũng công-thành chưa được. Đêm nọ vừa lối canh ba anh ta dạy binh sĩ nai nịch khí giới, kẻ núp bóng cây người bò sát mặt đất, lén tới mặt thành rồi dóng trống van rân mà công phá. Binh của Cảnh-Thạc thình lình nghe tiếng trống dựa mặt thành thì hồn phi phách tán, tưởng là giặc đã vào thành rồi, vừa muốn quăng khí giới mở cửa sau mà chạy, may nhờ Cảnh-Thạc ra kịp, khoát nạt đốc sức om sòm nên tướng sĩ mới định tâm rồi kéo nhau dàn trên mặt thành mà chống cự. Kẻ ngoài người trong đánh nhau cho tới sáng mà binh của Công-Hãn cũng chưa phá thành được. Công-Hãn nổi giận, vừa tính cỡi ngựa xông ra trước mặt mà đốc sức, bỗng nghe phía sau lưng trống dóng vang trời, tiếng người la dậy đất thì ngẩn ngơ không hiểu binh ở đâu mà đến đây. Anh ta vừa muốn dóng chiên thâu binh thì liền thấy có một đạo binh xông tới có hai viên đại tướng cỡi ngựa đi trước kêu lớn mà nói rằng: “Kiều-công-Hãn, mi chớ khá diệu võ dương oai, có Phạm-bạch-Hổ và Lữ-Đường đến đây, mi phải đưa tay mà chịu trói”.
Công-Hãn thất kinh, không kịp liệu định, thì binh của Bạch-Hổ với Lữ-Đường đã ào tới rồi áp vô đánh vây, Cảnh-Thạc ở trên thành thấy ngoài có binh ứng tiếp, tuy không hiểu là binh của ai song cũng thừa thế mở cửa thành dẫn quân ra mà đánh. Binh của Công-Hãn lưỡng diện thọ địch, chống cự không nổi, chết quá phân nữa, còn sót lại bao nhiêu thì tản lạc chạy vào rừng mà trốn. Kiều-công-Hãn cũng bỏ ngựa nhảy xuống rồi chung vào rừng, vạch đường mà thoát-nạn.
Đỗ-cảnh-Thạc gặp Bạch-Hổ với Lữ-Đường liền cung thân thi lễ, hỏi ra mới hay là binh của Ngô Thứ-sử sai lên giải cứu thì cảm phục vô cùng; anh ta truyền lịnh thâu quân rồi tiếp hai tướng vào thành mà thương nghị. Phân tân chủ an toạ rồi, Cảnh-Thạc mới nói rằng: “Ngô Thứ-sử có lòng huệ-cố, cho nhị-vị tuớng-quân đến cứu tôi, ơn ấy dầu muôn năm tôi vẫn còn ghi tạc. Nay tôi chẳng biết lấy chi mà tỏ lòng cảm mến nhị vị tướng quân, vậy tôi xin nhị vị tướng quân cho tôi dọn một tiệc mọn đặng anh em ăn uống với nhau chơi một bữa, gọi là lễ sơ kiến”.
Bạch-Hổ và cười và nói rằng: “Chúng ta đồng một lòng, thờ một chúa thì tự nhiên phải nương đỡ nhau, tôi tưởng chẳng có chi đáng cho tướng-quân phải nhọc lòng ái-ngại. Còn việc ăn uống tôi cũng xin tướng-quân đừng có lo, bởi vì lúc nầy chúng ta đương nếm mật nằm gai, để ngày nào chúng ta tru diệt loài phản bạn rồi thì chúng ta sẽ bày diên tiệc mà hỉ-hạ”.
Cảnh-Thạc nghe Bạch-Hổ nói mấy lời khiêm-nhượng mà nhiệt-thành thì kỉnh phục hết sức. Anh ta hỏi thăm Ngô Thứ-sử bây giờ ở đâu, đã có định kế báo thù hay chưa, bởi vì tháng trước anh ta có tiếp được thơ dặn phải chiêu binh mãi mả rồi sau sẽ hiệp nhau mà trừ họ Kiều, song anh ta chờ hoài mà không nghe tin tức, nóng lòng chịu không được nên mới tính kéo binh xuống mà đánh Đại-la-Thành, chẳng dè chưa đi mà Kiều-công-Tiện đã sai con đến vây đánh. Bạch-Hổ với Lữ-Đường bèn tỏ sự Ngô-Quyền kéo đại binh ra đánh Đại-la-Thành cho Cảnh-Thạc nghe. Cảnh-Thạc mừng hết sức, thương nghị với hai tướng rồi định cho quân an nghỉ tới rạng ngày mai sẽ kéo xuống Đại-La mà ứng tiếp.
Đêm ấy Cảnh-Thạc và Bạch-Hổ luận biện với nhau về cách ở đời, về phép dụng binh, thì hai người tâm đầu ý hiệp nên tương đắc với nhau lắm. Qua ngày sau Cảnh-Thạc lựa binh yếu đuối để ở lại giữ thành, còn lối một ngàn rưỡi binh hùng tráng thì hiệp với binh Lữ-Đường và Bạch-Hổ rồi ba tướng gióng trống khai thành nhắm hướng Đại-la-Thành mà kéo tới.