Hữu mê sắc sa nhành thọ bịnh,
Ba ức tình ký hứa nang thơ
Nguyệt Ba thấy mặt chồng mà tủi phận, nghĩ nguồn cơn càng giận tóc tơ, ngặt cùng nhau có chút con thơ, chẳng lẽ ngó lơ sao phải. Ngồi ám ức đôi tròng lụy sái, đoái nhìn con nhỏ dại xót thay. Hữu tưởng là Nguyệt thị không hay, cứu cả tiếng kêu hoài không dứt.
Nói về Hà Hương kể từ ngày bị bắt, cũng đem vào giam tại nam lao, nhưng mà giam để tại phòng sau, cấm kẻ ra vào thầm thỉ. Bữa ấy Hà Hương đang rầu rĩ, xét phận mình riêng lụy tủi thầm, giận mình ghen làm chuyện độc tâm, đến đỗi thân lâm ư dũ lý. “Từ ấy nhẫn nay, Nghĩa Hữu chàng đà không nghĩ, chẳng thèm tới viếng thăm, nhớ đến đây ruột héo gan bầm, xét lại cái nhơn tâm rất mị. Ong bướm khéo đong đưa nút nhụy, lúc rơi nhành chẳng nghĩ đến hoa, riêng than cho cái phận đờn bà, mãn tin chắc mà ra ác dại.”
Mãn luận bàn nhơn ngãi, bỗng nghe có tiếng kêu vang, Hà Hương nhìn quả tiếng bạn vàng, leo song sắt dựa tường mà ngó. Thấy Nghĩa Hữu trên nhành đã rõ! Hà Hương mới hỏi: “Phải nghĩa nhơn tới đó cùng chăng? Nghĩa nhơn ôi! Bấy lâu sao chẳng có tiếng rằng, em quạnh quẽ lòng hằng sầu thảm. nay anh nhành cây, em trong khám, tuy chẳng gần nhau mặc dầu, thấy mặt nhau cũng mầng như cữu hạn gặp mưa rào, anh lo làm sao, tính làm sao, đặng mà cứu em khỏi ngục lao một thuở.”
Hữu đang ngồi kêu phở, xảy nghe có tiếng nói ra, bèn liếc mắt ngó qua, coi có phải ma tà canh gác. Hữu thấy Hà Hương ló mặt, chạnh tình xưa đôi mắt chảy ngay, sắc khuynh thành nghĩ cũng lạ thay. Hữu rủn chí sút tay té xuống. Nhành thì cao đá thì nhọn, lại thêm đang vắng hoe ít kẻ vãng lai, Hữu té xuống nằm dài, ước đã hồn bay phách táng. Nguyệt Ba thấy chồng sa la hoảng; Hà Hương nghe Hữu té hét vang; may đâu chú lính đi ngang, gặp Hữu lâm nàn chẳng bỏ. Bèn ra tay cứu độ, cõng Nghĩa Hữu về nhà, giây lâu Hữu mới thở ra, tội nghiệp vợ chồng họ Đậu, thấy con tỉnh hai ông bà mừng quýnh.
Nói về Hà Hương với Nguyệt Ba trong khám, chẳng thấy mặt nhau mà nghe tiếng cũng rầy rà. Nguyệt Ba mắng Hà Hương rằng: “Thiệt là đồ chẳng biết xấu xa, non nước ấy còn ra mà nói ở.”
Hà Hương giận: “Mầy thiệt là con … vợ chồng tao từ thuở nhỏ đến giờ, chồng tao nghĩ việc tóc tơ, đến thăm tao, sao hử? Tao chẳng phải như loài kỵ nữ, thấy vợ chồng người ta cắng đắng với nhau, chen mình vào mà xử cho rã rời, Nguyệt Ba ôi! Căn duyên nên cùng chẳng tại trời, như mầy vậy già đời mầy cũng vậy.”
Dứt lời liền có lính gác bước tới hai đàng đều nín. Hà Hương tức mình tức mẩy, muốn ăn gan uống huyết Nguyệt Ba, còn Nguyệt Ba tánh thật thà, nên giận quá trí ôm con mà khóc.
Nói về chỗ Nguyệt Ba ở, có một người tội đờn bà, mắc án trữ gian, ở tù sáu tháng, còn ba bữa nữa thì mãn; thường ngày ra quét sân trong ngục; lần lần quen biết với Hà Hương, ngày kia kêu Hà Hương mà nói rằng: “Nay tôi gàn mãn không còn mấy ngày, chị em phải cách phân, bữa hổm Cô nói với tôi rằng nhà Cô ở cũng gần, có nhắn điều chi thì nhắn.”
Hà Hương nghe nói mầng lòng, trả lời rằng: “Nếu chị có lòng làm ngỡi, chừng chị ra tôi gởi phong thơ, nhắn không hết, viết mà kể tóc tơ, xin chị đưa cho Nghĩa Hữu.”
Chị nọ chịu; quét rồi vào ngục vá may, ngồi buồn lại hỏi Nguyệt Ba, mốt nầy tôi ra, chị có nhắn chi thì nhắn. Nguyệt Ba mới nói rằng, sợ đàng xa chị đi không tới. Nếu mà chị có lòng làm ngỡi, đem phong thơ tôi tới nhà chồng, công một lượng của mấy đồng, cha mẹ chồng tôi giàu lắm. Chị nọ nói: Thân ai như thân nấy, chốn rạt ràng ai chẳng buồn tanh, tôi chẳng hay năng thuyết bất năng hành, mà chị phải nghi cho nhọc Viết chi thì viết cho sẵn, chừng tôi ra đem tới nhà cho, nài chi vạn lý trường đồ, chẳng mong còn có đồng bạc.”
Ngày giờ thấm thoát phút đã tới kỳ, người tội đờn bà mãn phạt; Hà Hương với Nguyệt Ba mỗi nàng gởi một phong thơ, cậy đem trao cho Nghĩa Hữu.
Nói về Nghĩa Hữu từ bữa té cây nhờ có tên lính làm ngỡi cõng về nhà cha mẹ, từ ấy chí nhẫn nay, tuy bịnh chưa đến thác, nhưng mà nằm dật dựa không yên, tư tư lòng nọ ưu phiền, thiết thiết dạ kia sầu não.
Bữa nọ, lúc trời đang nóng nực, Hữu ra ván nằm hóng mát đôi hồi, vợ chồng họ Đậu cũng ra ngồi, ngồi mà bàn luận việc Nguyệt Ba, ngồi mà trông Giáo nên, sao bặt tin. Bỗng thấy người đờn bà ngoài ngõ bước vào, hình dung thô tục, quần áo lèn xèn, hỏi thăm vợ họ Đậu rằng: “Chẳng hay trong nhà, có người tên Nghĩa Hữu chăng bà?”
Vợ họ Đậu liền đưa tay chỉ Hữu: “Đó, nó mằm đó.”
Miệng thì hỏi: “Có việc chi chăng?”
Người đờn bà ấy đáp rằng: “Có thơ trong khám gởi ra”, chơn thì lần qua đưa cho Nghĩa Hữu.
Vợ họ Đậu nghe nói có thơ trong khám gởi, chắc sao cũng của Nguyệt Ba, nên mừng, lật đật đứng dậy bước qua, móc túi lấy bạc ra mà đáp ngỡi. Vợ họ Đậu hối Nghĩa Hữu khui ra coi thử, coi mẹ con con Nguyệt Ba mạnh giỏi thế nào? Hữu ngẩn ngơ chưa biết tính sao, vì chẳng rõ thơ của Nguyệt Ba hay hà thị. Muốn hỏi thăm cho kỹ, nhưng mà sợ mẹ cha hãn lý rầy la; bởi vậy mẹ thì nóng nảy hối khui ra, con thì dần dà không muốn mở.
Nghĩa Hữu nghĩ: “ Như khui ra đây, may mà phải thơ Nguyệt Ba, chẳng nói chi, nếu rủi mà nhằm thơ của Hà Hương; Ối hơi nào mà chịu.” Hối lắm, cực chẳng đã Hữu phải vâng, cầm phong thơ run tợ như thằn lằn, mở từ chút hồi lâu mới đặng.
Rút thơ ra, thấy tên Nguyệt Ba, Hữu mừng, hết hồi hộp, thở ra một hơi mạnh, rồi nói rằng: “Thưa mẹ, thơ của Nguyệt thị gởi ra, mà gởi riêng cho tôi.”
“Gởi cho mi mặc dầu, mi cũng đọc ra đây, cho ta nghe thử,”
Hữu vưng lời đọc:
Thơ rằng:
“Nguyệt Ba ngu phụ, trình giữ phu lang,
Trước kính thăm song nhạc tại đáng, sau chúc chữ bình an phước thọ. Niềm tâm sự em xin cạn tỏ, nỗi duyên do phân rõ ngọn ngành. Xưa tưởng là gia thất đắc thành; Nay mới rõ gối chăn bất hiệp. Kể từ thuở chàng đi cưới thiếp; Ngõ đem về nối nghiệp tổ tông, nào hay đâu cao nọ hai lòng, nhân ngỡi đó đành mong dứt biệt. Dầu chàng có chẳng thương bỏ quyết, cũng nghĩ tình khí huyết mển mang, dầu chàng không niệm nghĩa tào khang, nỡ nào khiến tương tàn cốt nhục, mãn sa đắm theo đàng sắc dục, nên ngày đêm lắm lúc quên về, nghe giọng kèn giọng quyễn mà mê, nào kể đến hiền thê hoài ái.
Phận đôi lứa mà vô oan trái, đạo tóc tơi nhơn ngãi khá tròn, xưa cũng là chỉ biển thề non, biểu dầu cạn nghĩa còn tạc dạ. Thiếp cũng tưởng ghi xương chạm đá, có dè đâu rời rã hai phương; cũng vì chàng sa đắm Hà Hương, nên đến đỗi can thường xẻ nửa;
Bởi vậy cho nên: Lúc mà thiếp còn mang bụng chửa, dạ lâm le tới cửa phật đài, cầu nguyện cho thiếp đặng an thai, mai sau có sanh trai nối nghiệp, họa đâu tới trở tay không kịp, oan khúc chi mà thiếp chẳng ngờ, phận linh đinh giữa biển dật dờ, thân lưu lạc bơ vơ đất khách. Thiếp cũng chẳng hở môi phiền trách, cứ giữ lòng kim thạch với chàng; may có người làm phước cứu nàn, lo nuôi dưỡng đắc an mẫn tử.
Thời cũng tưởng keo sơn nắm giữ, đặng có ngày phụ tử nhứt tràng. Ngày những đêm ngồi đứng không an, sớm cùng tối mơ màng trông đợi. Nhớ chàng quá viết thơ gởi lợi, cậy Ân nhân đem tới cho chàng. Nay tay bồng hồi trước bụng mang, làm sao đặng lên đàng dời bước, chàng có nghĩ cho người tới rước, đặng phỉ nguyền ô thước tương phùng, dè đâu chàng chẳng nghĩ thỉ chung, sai những lũ tùy tùng sát hại …”
Hữu đọc vừa dứt câu: “Chàng sai lũ tùy tùng sát hại.” Vợ họ Đậu nghe liền hét dậy mà rằng: “Loài súc sanh, mi phải nhớ thuở mi mới lớn lên, mẹ cũng tưởng định đôi định lứa cho con lập nên gia nên thất với đời, chẳng dè rủi cho duyên phần con, mắc phải Hà Hương quá hơn con ngựa. Về làm dâu chưa đặng mấy tháng, mẹ chịu nó đà không nổi, mới cho con với nó ra riêng, tưởng làm vậy cho nó sửa mình, ai dè ra riêng rồi, trống chưn trống cẳng thả luống tối ngày, bài bạc liền tay, vàng vòng cầm hết. mẹ nghĩ phận con vô phước, gặp ác phụ bại gia, mẹ nằm đêm xét gần rồi lại nghĩ xa, nghĩ cạn nước nằm sa nước mắt.
Lẽ nào mẹ cầm đao mà cắt, nhân chẳng đánh mẫu tử tình thâm, bởi vậy mẹ mới xúi con đêm hôm to nhỏ âm thầm. Nói lại với nó, nó mà chịu để, bạc vàng cho nó. Sao con không xét nó thiệt là con bán gió, ham bạc tiền đành bỏ phu thê, để nó ra rồi, dọn nhà ở chốn thôn quê, tập thói ôm huê chờ bướm! Cậu Hương cũng lượm, chú Xã không chừa, nó làm như cái bến đò đưa, mặc tình khách sớm trưa qua lại, thầy Cai cũng đãi, Ban trưởng không tha;
Úy châu cha! Từ Chệt Khách tới Chà Và, mặt nào mà không chán. Ôm duyên đi rao bán, tứ diện thảy đều hay; để được nó thiệt mẹ mừng cho con rất lớn, lật đật đi định chốn hiền thê, cưới về để lo bề gia thất. May nhờ ơn trời phận cưới mới đặng Nguyệt Ba, gái rành rẽ việc nhà, đáng mặt cho là Nam Giáng.
Vợ chồng xem xứng đáng, đôi lứa đẹp duyên hài, ai dè đâu buổi nó thọ thai, con lại chẳng đoái hoài tới nữa. Để đi theo nương dựa, một bên đứa buôn hương, chẳng e tiếng phố phường, không sợ thế thường dèm xiểm. Trà đình tửu điếm, cờ bạc ngỏa nghuê, thấy nhan sắc mà mê, không tưởng đến hiền thê man mễn, chừng ngày khai huê hầu đến, sửa đi dung hương quả Chùa bà, mi lật đật chạy qua, tỏ việc nhà cùng Hà thị, hễ có tình rình ý, Nguyệt Ba mới bị linh đinh, thân nổi trôi quê khách một mình, nẻo sống thác không tin không tức. May gặp người nhơn đức, cứu đem về nuôi dưỡng đặng an, gởi phong thơ đem tới gia đàng, xin cho kẻ rước nàng trở lại.
Mi làm điều phi ngãi, dấu tin nàng mà hại cho luôn, mi âm mưu lại với Hà Hương, sai du đãng chận đường tận sát. Mi thiệt thằng đại ác, ngày nay dầu thịt nát cũng ưng, thấy như vầy nên dững dừng dung, mẹ từ bỏ con đừng oán trách.”
Hữu khóc lạy phân qua hắc bạch: “Kể từ khi phân cách vợ chồng, thiệt là con bứt rứt trong lòng, sớm tối đợi trông mỏi mắt. Dè đâu, tin càng ngày càng bặt, phải nào con dạ bạc lòng đen, xin mẹ già thương phận nhỏ hnen, xét nét kẻo oan tình trẻ. Như Hà Hương, trước can thường đã xẻ, tóc tơ đành phân rẽ làm hai, con dầu còn tưởng tới vãng lai, cũng vì có mối mai dỗ ngọt. Thấy nó khóc con động lòng thương xót, nghĩ vì câu nghĩa cũ tình xưa, nên con còn lui tới sớm trưa, mượn mỏ vui ngừa cơn thảm. Dè đâu con chẳng biết, mà đem lòng sa đắm, đưa tay ra nâng ẵm nhánh hoa tàn, xin mẹ già thẩm xét kẻo oan, con đâu nỡ mưu toan hại vợ. Lòng sâu độc thật con không ngỡ, nên ngày xưa nói lỡ việc nhà, nó mới thi kế hại Nguyệt Ba, nay rõ đặng việc đà trót quá.
Có người cứu Nguyệt Ba khỏi họa, gởi tin về tôi há làm ngơ, thật là con bất thức tri cơ, xin mẹ chớ nghi ngờ tội nghiệp. Lòng trẻ cũng ước trông vầy hiệp, cha gặp con cho thiếp gặp chàng, kẻo bấy lâu thiên các nhứt phang, nằm nhớ đến lụy tràng bâu áo. Con đâu dám ở ăn vô đạo, con bao đành điên đảo với tình, mà sai người ngăn đón lộ trình, thề phú có cao minh chứng chiếu.”
“Thôi đi, mi chối nghe leo lẻo, ai cãi lại miệng mi, ít ngày đây cũng chẳng muộn gì, có Nguyệt thị thùy tri chơn giả. Bây giờ mi mau khá, đọc tiếp thơ Nguyệt thị cho tường, cũng vì hai chữ cang thường, mẹ con nó lâm ương thọ họa.”
Thơ tiếp rằng:
“May nhờ có Ân nhân cứu giải, sát Trạnh – Hồ tử tại trại trung, Ó thiệt là đáng mặt anh hung, thấy Đạo lạy nên dung tánh mạng. Đạo phân rõ đuôi đầu mới hãn, rằng lang quân vầy bạn Hà Hương, quyết cùng nhau trọn đạo cang thường, âm mưu độc tuyệt đường tiện thiếp. Xưa cũng tưởng chàng mê nhứt kiếp, ham vui cười không kịp xét suy, nay mới tường diện thượng bối phi, say hoa nguyệt đành thi kế quỉ.
Cũng vì phép công bình chẳng vị, Ó Đạo cùng thiếp bị mang gong, chơn lần đường con trẻ tay bồng, noi dấu thỏ cửa công lần tới. Xưa bởi Ó cứu nguy làm ngỡi, nên anh hung mắc phải tai ương, dẫu rằng cho tan nát thịt xương, liều má phấn lo phương giải nạn. Bao nài phận ong chường bướm chán, miễn là cho cứu đặng Ân công, cánh hoa tàn chi quản gió đông, thân bèo bọt giữa dòng nước chảy, thiếp cam lỗi chung phòng Đề lại, Mây khúc tình ân ái, ái ân, phận linh đinh bèo bọt chút thân, lạc đàng phải nợ nần mang lấy.”
Hữu đọc tới máu ghen bừng dậy, đứng mày trợn mắt mà rằng: “Thưa mẹ, xưa nay ngỡ là Nguyệt Ba mắc nạn, xiêu lạc đất người, nên lòng mẹ lo lắng muôn phần, ăn không ngon nằm không ngủ; dạ con thương nhớ, ngồi không vững đứng không an; thương vì phận mễn mang, trôi nổi không nơi đùm đổ. Có dè đâu, Nguyệt Ba vui trăng gió, chẳng giữ gìn trinh tiết với chồng, than rằng con thơ tay ẵm tay bồng, còn mơ ước bướm ong trong hốc vắng, dường ấy có chi là cay đắng, như vầy ai gọi trung trinh, con xét lại, vì Nguyệt Ba mang nặng chữ tình, nên đến đỗi đem mình xiêu lạc, hay hoa rõ mắc mưu bướm bạc, nàng đã tường.
Có dè đâu, Nguyệt Ba vui trăng gió, chẳng giữ gìn trinh tiết với chồng, than rằng con thơ tay ẵm tay bồng, còn mơ ước bướm ong trong hốc vắng, dường ấy có chi là cay đắng, như vầy ai gọi trung trinh, con xét lại, vì Nguyệt Ba mang nặng chữ tình, nên đến đỗi đem mình xiêu lạc, hay hoa rõ mắc mưu bướm bạc, nàng đã tưởng lầm lạc nợ duyên, muốn trở về quê cũ cho yên, nên kiếm chuyện nói kia nói nọ. Ấy là tại nơi lòng đó, muốn xa cách tay đặng; có phải nào Hà thị phân vân, mà vu tiếng bất nhân ác nghiệp. Tôi chịu tiếng nghĩ nên ức hiếp, cùng Hà Hương sum hiệp một nhà, nẹn sai người đón giết Nguyệt ba, cho bặt tích kẻo mà sanh rối. Bởi khi trước chưa tường mọi nỗi, nên con không cải chối một lời, sự ức oan ngóng cổ kêu trời, tưởng kế độc tại nơi hà thị.
Nay mới rõ Nguyệt Ba hồ mị, như vậy thì Hà Hương lâm dũ lý oan tình; từ khi để nó ra, giữ cùng tôi trọn một chữ trinh, nó còn thương tôi biết bao nhiêu nhưng mà bởi sợ mẹ nên làm thinh mà chịu vậy. Lâu ngày rồi mới thấy, trước sau cũng là dâu, mẹ xét mà coi phải quấy lẽ nào, nếu mà chẳng cứu Hà Hương ra khỏi đề lao, thì tội nghiệp biết bao mà kể.”
“Thằng súc sanh, dám buông lời vô lễ mà khi dễ đến ta, mi khuyến ta ghét bỏ Nguyệt Ba, cứu độ họ Hà mới lạ. Mi vu cho Nguyệt Ba lang chạ, vậy nên rời rã vợ chồng, còn Hà Hương trinh tiết một lòng; Nguyệt Ba dầu mua bưởi bán bòng, cũng vì bởi đền ân đáp ngãi; nên nàng mới liều thân cứu giải, ai cho rằng là gái đảo điên, ấy là mưu sâu của gái Điêu Thuyền, đưa đẩy với Phụng Tiên mà trợ quốc. Nếu chẳng vậy thì cơ đồ Hớn mất, nếu chẳng vậy thiên hạ lao đao; Nguyệt Ba mà không dụng mưu cao, thì biết làm sao cứu Ó cho đặng?
Cân tội ấy có chi là nặng, mà mi phòng khen tặng Hà Hương, con Hà Hương là gái đứng đường, nào biết đạo tào khương là trọng. Ăn no rồi cứ lo đánh bóng, lấy phấn son đỏng đảnh với tình, hễ vắng mi thì sai nhạn đem tin, làm bộ mặt trung trinh liệt nữ. Mi chẳng nhớ, nhà nó chật viên quan công tử, thiếu chi là thầy Cử ông Đồ, cửa sau ra cửa trước bước vô, vàng thau mặc tình Cô lựa chọn.
Nguyệt Ba dầu chữ trinh không trọn, ta chẳng cho là bọn gian dâm, tại Hà Hương kết oán thù thâm, Nguyệt thị mới lỗi lầm tiết hạnh. Mi lại xúi ta bỏ dứt Nguyệt Ba cho rảnh, để lo mà lãnh Hà Hương. Ừ để đó mẹ lãnh cho, Hữu nầy, tao nói thiệt: quyết làm cho rõ mặt phi thường, há để vậy cho Hà Hương khi dễ à.”
Mẹ Hữu nói dứt lời, liền hối Hữu mau đọc tiếp thơ Nguyệt Ba nghe thử, coi còn điều chi lạ nữa. Hữu chẳng dám chẳng vưng lời, cực chẳng đã phải đọc, chớ nư giận còn tràn, lửa lòng còn đỏ, Hữu đọc:
“Chàng dầu chẳng chấp nê sự quấy, thiếp hổ han mà ở vậy với đời, thà mà rằng một đứa một nơi, như buổi kẻ chơn trời người góc biển. Vì thiếp đã ô danh xấu tiếng, nếu mà thiếp làm thinh, e đuổi hoa sau thên với chàng.
Xét vậy nên: Từ khi đem thiếp tới khám đàng, thiếp đâu dám thở than hờn trách. Thiếp nhứt nguyện tạt lòng kim thạch, cứu Ân nhân khỏi ách khỏi tai; Hồn thiếp dầu dựa chốn Diêm đài, vui như đặng hài gai nón sắng.”
Mẹ Hữu nghe đọc tới đây, liền kêu Hữu mà nói rằng: “Đó Hữu, mi coi lời ta đoán tánh con Nguyệt Ba có sai chút nào chăng? Như Nguyệt Ba, chẳng qua là lâm cơn biến, nên nó phải tùng quyền, nàng Kiều xưa lại mấy chính chuyên, Kim Trọng cũng kiếm tìm mà sánh; huống chi Nguyệt Ba lấy ân làm tiết hạnh, mi lại cho là tánh bất lương; Nguyệt Ba chẳng phải như Hà Hương đồ liễu ngõ hoa tường, mà mi gọi là phường ong bướm.”
Hữu nghe nói đôi hàng mắt đượm; giận, song cũng gượng làm thinh, thầm rằng: “May là gái tiết trinh, mà tư tình chừng đó; phải mà nó mua trăng bán gió, chừng nó về đây, nằm xó nữa chi? Bị binh như vầy hèn chi, nó không khi sao đặng. Để tôi ráng cứu Hà Hương khỏi nạn, đem về vầy bạn thất gia, Nguyệt Ba trối kệ Nguyệt Ba, hễ chồng mà ghét đuổi ra lập tức.”
Thơ tiếp nữa rằng:
“Chàng thật quả lòng không ở thẳng, chẳng nghĩ khi đêm vắng tình dài, không tưởng bề con dại chịu đắng cay, nào xét phận vợ nằm gai uống mật, kể từ bữa mẹ con tôi về ngục thất, trông tin chàng mỏi mắt ngồi trông, rạng chơn trời ngoảnh mặt ngó mông, dòm khắp hết Tây, Đông, Nam, bắc. Trông cho tới bóng hồng khuất mắt, mà cũng không thấy đặng mặt chàng, bữa dịp may chợt thấy phu lang, ngồi trên nhành gia tàng mà nói chuyện, thiếp cũng muốn hỏi han đôi tiếng, sợ e chàng chẳng tiện ngồi lâu; nên làm thinh mà lụy thảm bâu, cay đắng ấy thảm sầu biết mấy, họa đâu tới nhành gia vội gẫy, thấy chàng sa sợ hãi biết bao; nghĩ Hà Hương sắc bất ba đào, sao chàng phải trèo cao té nặng.”
Mẹ Hữu nghe đến lúc Hữu trèo cây ngồi nói chuyện với Hà Hương, liền hét lớn mà rằng: “ Loại súc sanh, ra đến cớ đỗi ni mi còn chưa đành đoạn, hãy còn đeo theo mà chuyện vãn với Hà Hương. Mi nghĩ mà coi, vì nó mà phụ tử rẽ hai phương, nó mưu hại cang thường bại hoại. Lẽ gì mi oán vưu mới phải, còn chi tình ngãi vãn lai, khá khen cho mặt dạn mày dày, mi thiệt là loài súc nghiệt, từ khi nó mắc kế con Hà Hương, bị lưu lạc từ ấy nhẫn nay, ít nghe mi than tiếc, mi chẳng biết liệu lo, đến nay mẹ con nó về ở khám nầy, mi chẳng tưởng đói no lại làm cho mặt ủ.
Dầu chẳng nghĩ đến niềm phu phụ, cũng niệm câu phụ tử chi tình, lẽ đâu vợ con ruột lại chẳng nhìn, theo Hà Hương sớm tối. Đến đỗi té cây té cối, về nằm đây hành tội áo cơm, bữa hổm mụ tưởng mi hái trái mà trật chơn, nay mới rõ mi nhìn hoa mà sa nhánh, phải trước mụ hay thữa mánh, mụ liều như trong tháng dứt nôi; bỏ lúng cho mi chết cho rồi, sống chi đó nặng hơi mỏi nghểnh.”
Hữu mới lạy mẹ mà rằng: “Xin mẹ rộng lòng đoái tưởng, để cho con trẻ bẩm phân, mẹ đã nói rằng: Tri diện bất tri tâm, mẹ lại tin con Nguyệt Ba thậm ức. Xin mẹ nghĩ: Hữu nhan sắc hề hữu ác đức, hữu lang tâm hề hữu xảo ngôn. Con Nguyệt Ba nó thiệt là không, kiếm cớ đổ dồn cho con chịu. mẹ nghĩ đó mà coi, nó lầm lỡ ôm cầm thuyền khách, nay ra cớ sự nầy, sợ mẹ với con hay, nó làm hơi tinh sạch bẩm ngay, vì sợ Ân nhân chẳng khỏi mang tai, nên liền má phấn ép nài Đề lại.
Con giận nên không thèm tưởng đoái, nó tức mình trở ngoái lại phao, con nào tới chốn đề lao, mà nói con ham má phấn trèo cao té nặng. Có phải là nó muốn nói sao cũng đặng, cũng như nói nói, con mê Hà Hương nên âm mưu dứt thẳng chỉ hồng, sau lại sai người đón nó giữa đồng, đoạn nghĩa vợ chồng cùng nó. Bởi mẹ chưa đặng rõ, mẹ nghi cho con tội nọ lỗi kia, nó là đồ bướm sớm ong khuya, phải tử tế có đâu đến phân chia chồng vợ. Hà Hương thật, chẳng phải thương mà nói đỡ, không làm điều quái gỡ như Nguyệt Ba, mẹ nói rằng nó thì mua nguyệt bán hoa, mẹ nói con không dám cãi, chớ lòng nó quyết hữu gia hữu thất đó mẹ.”
“Thôi mi đi! Chẳng cân nói nhiều lời nhiều lẽ, tao biết bụng mi, nghĩ tiếc công sanh đẻ quá chừng, thứ đồ gì mà: dép đội đầu mà mão lại tròng chưn, chẳng rõ chút nhơn luân chi đạo. Bao giờ nó lâm đền cơm áo, mà phải toan nhắc đạo sanh thành, tức thay, cha nó là người hiếu thuận có danh, nhơn sao lại hườn sanh ngỗ nghịch.
Xưa mừng đặng chút con roi dấu tích, có mà như vầy: nghĩ thiệt là vô ích quá đa; thôi nó muốn đi đâu thì đi, để nó đi cho khuất mắt già, miễn là già cứu đặng Nguyệt Ba khỏi nạn.
Hữu nầy; xưa Mụ tưởng Nguyệt Ba là đáng, nay mới tường tham ván bán thuyền; còn Hà Hương là gái chính chuyên, Mụ lại tưởng nó ôm duyên đi bán. Con muốn vậy mẹ không dám cản, nhưng mà, con dắt nó đi đâu thì đi, xin con đừng lai vãn về đây; Bởi vì: xưa mẹ đà bưng bát nước đầy, đổ xuống đất ngày nay khó hốt. Thà mẹ để cho vợ chồng con một kèo một cột, Ra mà lo làm ăn cùng nhau, khỏi ai nói thốt đến già, con những dầu nghi thất nghi gia, con dặn lấy nó, đừng kể đến mụ gia cho mệt.
Thôi con mau mau đọc hết, thơ Nguyệt Ba còn việc chi chăng? Ba mươi đời thứ gái lòng xằng, hay kiếm chuyện đón ngăn miệng thế.”
Hữu nghe mẹ nói như vậy, ngờ thật lòng mừng không xiết kể, bèn đọc tiếp thơ Nguyệt Ba rằng:
“Xét phận thiếp, vì nhơ nhuốc, nưng khăn chẳng đặng, dẫu muôn ngàn cay đắng cũng cam, việc căn dươn dầu có chẳng kham, thiếp đâu dám thở than hờn trách, việc chồng vợ chẳng tròn phân cách, ơn mẹ cha muôn thuở còn ghi, vái trời cho thiếp khỏi chốn ni, về ở vậy trọn nghì cùng cha mẹ. Tiểu Thoàn ấy công lao thiếp đẻ, xin chàng đừng phân rẽ mẹ con, để thiếp lo nuôi dạy lớn khôn, phòng nối chút tông môn họ Đậu, phận chàng khá sớm lo kết cấu, cùng Hà Hương trọn đạo trước mai, cuộc ở đời gia thất duyên hài, lòng ân ái ai ai cũng vậy. Nghĩ cha mẹ ơn tày hà hải, thiếp chẳng đành tự ái nhi chung, thiếp cam bề lỗi đạo tam tùng, xin chàng khá phân cùng cha mẹ.
Nguyệt Ba bái.”
Mẹ Hữu nghe đọc tới mấy câu hiếu đạo của Nguyệt Ba, ngồi rưng rưng nuo1c mắt, xốn xang dường dao cắt tâm cang, nhưng mà giận Hữu nên làm bộ cười gằng, nhiếc thứ gái liếu lăng nhiều chuyện.
Hữu thấy vậy bèn liều cất tiếng, nhiếc Nguyệt Ba là gái lăng loàn, ai thèm cầu thiếp thiếp chàng chàng, thà dứt mối tào khang cho rảnh.
Mẹ Hữu nghe liền hối còn thơ chi kia nữa, mi mau khui đọc thử mà nghe. Hữu mừng lòng với lấy phong thơ, tay thì mở, miệng lại nói: ‘Chắc thơ của Hà Hương đây mẹ.”
Cha Hữu bước vào, nghe nói om sòm vỡ lỡ, mới hỏi: “Việc chi mà rầy tự nãy giờ? Còn ai mà gởi phong thơ. Hữu đọc cho già nghe thử coi.”
Mẹ Hữu nghe cha Hữu bảo đọc thơ nghe, liền hớt mà nói rằng: “Nghe làm chi ông! Xưa kia ông với mụ chê Hà Hương, tánh nết cang trường chơi trăng giỡn nguyệt, lại thêm nghề bài bạc, chẳng giữ phận làm dâu, ông sợ nó đeo đuổi theo con ông, mà hư danh xấu tiếng, sự nghiệp rã rời, ông mới tính với mụ liều tốn một lần, tống nó đi cho khỏi cửa.
Tống nó đi được rồi, mới cưới Nguyệt Ba đem về cho Hữu, ở với nhau thọ thai, rủi lầm mưu kế độc Hà Hương, tại ai, cũng là tại nó trở lại với Hà Hương, nên Hà Hương mới rõ việc gia đường mà thi kế. Làm đến đỗi Nguyệt Ba trôi nổi, nay cồn nầy mai tấp vịnh kia, vậy mà may, may có người làm phước cứu nuôi, Nguyệt thị mới đặng toàn mẫu tử. Gởi thơ đến xin người ra rước, nó lại để cho Hà Hương lấy thơ coi rồi làm chước quỉ chận đàng, ông nghĩ mà coi, nó dầu không nghĩ đạo tào khang, đành dạ để tương tàn cốt nhục. Chẳng dè có người ra ơn một phút, giết côn đồ nên phải mắc nàn, từ ngày giải về để tại khám đàng, nó không tới hỏi han một tiếng.
Cứ đi tìm Hà Hương mà trò chuyện, đến đỗi té cây về cơm thuốc dưỡng nuôi; Nay có thơ Nguyệt Ba gởi ra mới hay, nó lại nói Nguyệt Ba vợ một chồng hai, nên nó quyết xẻ hai căn nợ. Nó tính cứu Hà Hương về ở, cho phải căn phải nợ vợ chồng. Mụ nghĩ có con vầy cũng chẳng nên trông, thà một mình Mụ với ông cũng vậy. Để cho nó theo Hà Hương mà lấy, liều như vợ chồng mình son góa không con, hơi nào xẳng xớm ngọt ngon, nó cũng cứ đường mòn đi mãi.
Thơ đó là thơ của Hà Hương gởi lại, nghe làm chi, cuộc hư nên quấy phải nhiều lời, để cho nó theo, ông ráng lo cứu khỏi Nguyệt Ba, về ở với vợ chồng già cũng tốt vậy mà.”
Cha Hữu nghe nói trợn mắt dửng mày, “Cha chả, loại súc sanh chẳng nể mặt già, hữu, mi quyết lòng bỏ thiệt Nguyệt Ba, đặng nghi thất nghi gia cùng Hà thị nữa à. Thơ Hà Hương đâu đưa cho lão coi.”
Hữu bị rầy la, biến sắc, cầm thơ đưa cho cha mà tay run tợ thằn lằn.
Cha Hữu chuyển nộ lôi đình, xé nát thơ Hà thị.
“Trẻ đâu lấy hèo đây. Hữu, cúi, Hữu. Sao mi dám cả gan cải quá, chẳng thèm nghe cha mẹ dạy răng, Hà Hương xưa đã lỡ gối chăn, cưới Nguyệt thị vầy an gia thất. Mi lại theo Hà Hương cho đến đỗi vợ con thất lạc, chịu gian nan khổ cực nhiều bề, nay trời nuôi nó đặng sống mà về, mi lại nhúng trề nhiều chuyện. Sao vậy hử, (loạn đả …)”
Đau quá Hữu chịu thôi không nổi, khóc vang kêu mẹ cứu cùng, song mẹ Hữu giận tràn hông, chẳng muốn can muốn giáng. Mẹ Hữu nói: “Mi dầu muốn với Hà Hương trọn đạo, thì phải đi cho khỏi nhà ta, đừng ở đây mà báo hại già, phải lo lắng gầy mòn thân thể,” (Loạn đả …)
Mẹ Hữu giận lắm, song thấy đánh con nhiều nóng ruột, ngồi sa nước mắt mà rằng: “Má phấn môi son nó hại, ráng mà chịu lấy bớ con; Thiệt ôn dịch đâu không vật nó cho rồi, để nó sống đau lòng xót dạ.”
Mẹ Hữu nói vừa dứt lời, bỗng có trẻ chạy vào bẩm rằng: “Có người xin ra mắt.”
Cha Hữu liền đuổi Hữu ra nhà sau, rồi mặc áo vào tiếp khách.
“Ủa này thầy Giáo, thầy đi hổm rày đã lâu, đắc thất thể nào mà bặt tin, không gởi thơ về cho tôi hay biết chi cả, làm cho vợ chồng tôi sớm tối ngóng trông, mỏi lòng chờ đợi vậy?
Trẻ bây coi nước cho sôi, Mụ coi lấy thứ trà bạch tể mới mua, đặng thầy Giáo uống giải lao đôi chén.”
Mẹ Hữu cũng chạy ra mừng thầy Giáo, vợ chồng kềm hỏi thể nao, “Xin mời thầy đôi chén giải lao, rồi tỏ phân khúc độc thử nào?
Thầy Giáo nhậu trà rồi phân rằng: “Sao lại không xong, không đi thì thôi, chớ hễ tôi đi thì chắc đặng. Ngày mai đây có Trạng sư qua; thật tôi đi chuyến nầy công lao đáng mấy. Tôi nói việc trục trặc khúc mắc cho anh nghe. Khi tôi tới Mỹ Thi trời tối, tôi mới vào Khách sạn nghỉ ngơi; rủi thay, vào cái tiệm làm sao mà, chỗ nằm rệp tợ như kiến hôi, cứ chích mãi chẳng cho nhắm mắt.
Chệc ở dơ thiệt! Tôi mới tính nằm không yên giấc, chẳng lẽ ngồi khoanh tay mà đợi canh gà, gần phòng tôi có chị đờn bà, má phấn môi son dường tiên liễu. Ngộ dữ anh, chỉ thấy tôi chỉ muốn, đi qua đi lại ngó tôi, tôi tính bề mượn mỗ làm vui, mời chỉ vào phòng đàm đạo. Văn nói thiệt hay, sắc dường ấy nói năng dường ấy, đêm xuân ai dễ cầm lòng, tôi liền vầy cuộc bướm ong, xong việc mới nằm yên giấc.
Phần thì đi đường mệt, phần thì … Nên nhắm mắt liền mê, cơ khổ thì thôi, dầu không phải đạo phu thê, há chẳng cảm tình tri ngộ. Khuya nó nóc phứt cái áo xuyến với năm đồng bạc lỏn mất. Sáng thức dậy thấy người mất, mà áo tiền tôi cũng mất, chạy kiếm cùng trên dưới trong ngoài, tôi nghĩ, chẳng cần phải đi khai, mất của tốn công vô ích.
Thôi phì phà! Phải nó nóc miếng giấy xăng mới chết tôi nữa chớ! Cực dữ anh, làm tôi bận áo cụt vô Trạng sư mới là khổ; mà khá ổng thương tôi lung, nên không lỗi phải. Tôi cũng bày tâm sự thiệt, ổng biểu tôi đi thưa quan đặng ổng nói giùm bắt nó bỏ tù, song tôi nghĩ chẳng ích gì, nên bỏ qua cho rảnh.
Đó tôi mới thuật công cuộc Nguyệt Ba lâm nạn, ổng lắc đầu nói khó lắm anh, ổng nói dầu cho mướn tới bạc ngàn, chuyện như vậy ổng cũng không dám lãnh.”
“Vậy rồi thầy làm sao? Ôi! Trời đất ôi! Chuyện nầy còn gì là dâu tôi! Con ôi! Phen ni mẹ một nơi con một ngả rồi, Dâu ôi là dâu tôi!”
“Không, không sao, chị nín tôi nói cho chị nghe, chị sao ham khóc quá! Tuy ổng nói vậy chớ tôi dễ nghe cho mà coi. Việc khó làm sao ra dễ, gặp biến cũng phải quyền, vậy mới rằng: danh tiếng vẹn tuyền, vậy mới toại lòng kẻ dưới chớ.
Tôi nài nỉ nữa, ổng cũng một hai không chịu, biểu tôi về đừng nói uổng công, tôi tức mình nư giận tràn hông; Cơ khổi, tôi cúi lạy nhầu dưới gạch, vậy anh!”
“Tội nghiệp dữ! Rồi ổng tính sao?”
“Ổng cầm lòng không đậu, chịu lãnh một ngàn đồng, tôi nghe nói xuất mồ hôi, tôi mới lạy mà rên nghèo như sấm. Tôi năn nỉ riết ổng chịu ăn hai trăm. Đóng trước một trăm sở huội, còn một trăm rồi việc thì đăng, lòng ổng ở ít ai bằng, hỏi tôi có tiền xài hay không? Tổi bẩm không, ổng đưa cho tôi mười đồng bạc. Ra chợ Mỹ mua đồ rồi khự, dè đâu, nóng lạnh, vào khách sạn nghỉ ngơi, cha chả, mụt chi nó nổi cùng mình, làm in như ban bạch, vậy anh.
Nằm đó hết năm sáu bữa, may gặp anh thầy, ảnh coi mới biết là Dương Mai; trời đất ôi! Thuốc, kềm uống đêm ngày, thêm lớp thoa lớp xức, về hổm rày mẹ bầy trẻ rầy dữ lắm!
Vậy mới biết: Nếu không sa bực hẩm, sao rõ thấu rằng sâu, từ rày sắp về sau, cho không tôi cũng lắc đầu, vui một thuở chịu sầu năm tháng!”
Mẹ Hữu nghe nói dứt lời, mừng hỏi: “Vậy thì ngày mai nầy là ngày Trạng sư qua lãnh dâu tôi phải chăng? May dữ a! Trẻ bây, mau bắt vịt, làm thịt nấu cao lầu, dọn ra đây cho thầy Giáo nhậu vài chung, thưởng chút công khó nhọc.”
“Thưa chị, vội gì ăn uống, còn thiếu chi khi, lo là lo không áo thiếu lễ nghi, chừng có việc mình muốn đi khó nỗi. Phải chị đoái chút công lặn lội, tưởng tình khó nhọc trèo non, mua cho tôi một cái áo xuyến trơn, về may bận còn hơn ăn uống.”
Mẹ Hữu nói nhỏ với cha Hữu: “Ngủ đĩ cho chúng lột áo, bây giờ thầy tính bắt vợ chồng mình thường, đó ông!”
“Thôi, Mụ đừng có so hơn tính thiệt, để lão nói với thẩy, ráng lo công việc xong xuôi, Mụ mua cho thẩy một cái áo Trừu Chỉ Đánh”
Sáng ngày vợ chồng họ Đậu với thầy Giáo đề huề ra chợ, đón tàu rước Trạng sư (Hữu lén theo) gặp Trạng sư rồi, kéo nhau đến công đường, Trạng sư mới xin tra vụ Hà Hương, đặng người xin lãnh Nguyệt Ba, kẻo lóng nhóng lâu ngày chờ đợi.
Quan Bồi thẩm hết lòng vì ngỡi, mới viết giấy đòi nội bọn Hà Hương; dẫn lên, nào là Mụ Lưu, Thị Liến, chú Thân; nào Hà thị, Nguyệt Ba, Ó, Đạo. Dẫn tới nơi, lính mở còng nội bọn, để ngồi sắp hàng trong một phòng riêng, quan Bồi thẩm dạy dẫn Nguyệt Ba đến hỏi liền, còn nội bọn đợi phiên bẩm báo.
Khi tra vấn Nguyệt Ba có Trạng sư dự thính, hỏi vừa xong xin lãnh nàng ra, tôi nghiệp cho Nguyệt Ba, ơn nghĩa chẳng dời, xin lãnh Ó đem ra luôn thể.
Bồi thẩm nói rằng chưa dễ, Ó sát nhơn tan tích sờ sờ, duyên do chưa thấu tri cơ, để tại ngoại hầu tra chưa đặng.
Khi Nguyệt Ba đang bẩm báo, Hữu lén vào gặp mặt Hà Hương, mắt nhìn nhau như cắt can trường, lòng thương xót cũng dường muối xát. Hương nhìn Hữu nỗi sầu chất ngất, Hữu ngó Hương gan tấc càng đau, nhớ những khi chim đậu nhành đào, nay lại mắc phải rào ngăn đón.
Hữu còn muốn má kề cho thỏa chí, cực nỗi đông người hổ mặt, e lòng, chơn bước ra rồi lại trở vào, đợi tới mãn giờ hầu mới dứt.
Chiều lại Hữu cũng tới tòa ngồi chực, đợi dẫn lên thấy mặt kẻo thương, đến chừng gặp gỡ đôi đường, nhìn nhau khóc chớ biết làm sao đặng!!!
Chiều ấy, quan Bồi thẩm tra hỏi đến Mụ Lưu, thì đã bảy giờ tối, song quan Bồi thẩm cần việc muốn hỏi cho rồi, mới ngồi nán tới khuya tra xét. Chẳng dè lính dẫn tội thua buồn hơ hỏng, Hà Hương mới thừa cơ lén bước ra đi, nắm tay Nghĩa Hữu kéo nhào, chơn nhẹ bước từ từ trốn thoát.
Nghĩa Hữu với Hà Hương ra khỏi cửa tòa, trời tối đen như mực, nắm tay nhau mà chạy như dông; chạy ra tới nhà thờ, Hương mỏi gối vội ngừng gót ngọc. Vịn vai Hữu gục đầu mà khóc, mắt chan hòa đôi giọt tuôn rơi, làm sao cho thoát khỏi lưới trời, nếu trì hưỡn nhứt thời nan thoát. Nay em nguyện sống thời gởi nạc, thệ cùng anh lúc thát gởi xương, ráng cứu em khỏi chốn tai ương, cho vẹn chữ cang thường chi đạo.
Hà Hương than vừa dứt lời, nghe trống mõ tư bề inh ỏi, ngọn đuốc hồng ánh giọi lòa trời, Hữu mới nói: “Kia kìa lính với làng vỡ chạy khắp nơi. Em ôi! Ráng mà theo anh mau dời gót kẻo người thấy mặt.”
Vừa dứt tiếng Hữu liền nắm dắt, Hà Hương theo nẻo tắt đàng quanh, một sợ khi họa hổ bất thành, mà phải lụy đến mình rất khó. Đôi chơn chạy, đôi tròng lụy nhỏ, nghĩ nỗi niềm cam khổ mà thương; khốn thay cho cái phận Hà Hương, chơn run rẩy bước đường chẳng tiện.
“Tình nhân ôi! Như phận em bấy chừ: Lâm vận bĩ quỉ thần khéo khiến, thời trời xui nên chuyện khó khăn; quan, làng đang tìm kiếm lăng xăng, thiếp khiếp sợ run chưng không dời bước. Nếu chậm trễ người theo bắt được, thì co tay không chước giải nguy, vậy thôi thời, khuyên tình nhân mau khá lánh đi, đừng bịn rịn làm chi liên lụy. Thà em chịu trở vào dũ lý, chờ tới ngày làm quỉ không đầu; cho hay, mạng vô thời quả mạt cương cầu, dầu xa chạy dấu đâu cho khỏi.”
Hữu nghe lọt mấy lời Hương nói, nghĩ tóc tơ buộc trói nhau rồi, dẫu rằng cho thuyền lở phải bồi, cho trọng nghĩa lứa đôi từ ấy. Nàng dầu có co chơn khó chạy, ta nỡ nào để hại cho nàng, thôi, cõng khi xong, mau nghiêng vai cõng bậu lên đàng, nhẹ nhẹ gót tầm phang thoát nạn.”
Nói về Nghĩa Hữu, khi cõng Hà Hương lên lưng rồi, chạy một đỗi tới một cái cầu, cầu khỉ mới là khổ cho chớ, trời tối đen như mực, ngửa tay đà không thấy đàng rờ, Hữu ráng mò tới nhịp cầu, tay vịn chơn dò rất khổ. Ra tới giữa cầu, có một cây cau bắc ngang, Hữu lưng thì cõng vợ, tay vịn chơn rung, lòng hồi hộp sợ người theo, nỗi thảm biết bao nhiêu xiết kể!
Lúc Hữu cõng Hà Hương qua đặng hai phần cầu, thấy đuốc hồng người theo gần tới, nhắm bề khó thoát tay người, Hữu mới sụt tuốt xuống cầu, ôm cột cầu mà trốn.
Khi chức việc làng và lính tráng chạy ngang qua cầu, không ai dè Hữu với Hà Hương ngồi núp dưới cầu, bởi vậy cho nên đèn đuốc lòa trời mà không ai thấy cả. Kéo ngang qua khỏi cầu một chập lâu, Hữu mới nói nhỏ với Hà Hương: “Đêm sương lạnh lẽo, quần áo lại ướt dầm, chẳng lẽ ở đây trầm thủy cả đêm, vậy thì mai giỏi bước dò lần, tới cửa người xin ngụ đỗ.”
Nói rồi Hữu nắm tay Hà Hương mò vào vườn Tư Cương kế đó; trời tối ngửa tay đà không thấy, đụng những cau dừa sưng trán u đầu; Hữu nói với Hà Hương rằng: “Như hai đứa ta bây chừ, quần áo ướt tay chơn đà rung rét, chốn bãi bùn không tiện nghỉ ngơi, kia đèn hồng ló ngọn chẳng xa, vậy thì hai ta lần vào đó mà xin tá túc. Chẳng lẽ lúc oạn nạn người đành ghét bỏ, thấy cơ hàn hẹp dạ chẳng thương, miễn là cho đổi áo thay xiêm, ngụ đỡ một đêm rồi sẽ tính.”
Hương nói: “Chẳng nên đâu, vào đó như người mà có lòng chiếu cố chẳng nói làm chi, người mà không nghĩ, quyết tình tróc phạm lập công, có phải là khốn khó cho hai ta biết mấy: thà nằm dựa cội cây mà nghỉ, quản bao chiếu đất màn trời, có như vầy duyên nợ mới đời, dày nhơn nghĩa lứa đôi mới mặn.”
Hương nói rồi liền biểu Hữu cắn lá chuối lót nằm: “Cuộc như vầy dầu trời thấy cũng động tâm, nhưng mà xét kỹ lại thiện ác đáo đầu chung hữu báo.”
Hữu cắn lá lót vừa xong, hai đứa nằm ôm nhau mà nghỉ. Tội nghiệp Hà Hương, phần thì quần áo ướt lạnh lùng khó ngủ, phần thì sợ người hay thao thức khóc hoài, mắt đà khôn ngưng lụy. Còn Hữu bởi lòng thương Hà thị, vì hoa nên phải đổi đàng, nếu chẳng đi thì sợ lũ bướm oan, nên phải ráng theo dõi mà gìn vàng giữ ngọc. Bấy lâu nay trai một nơi gái một ngả, đêm đông trằn trọc má hồng, nay tuy chẳng tiện chung phòng, chớ cũng mừng đặng vợ chồng gặp gỡ. Nghĩ vì, mèo có khi ăn mỡ, cơn đói lòng tùng phải ăn than, người thì lúc hèn khác lúc sang, ai mà đặng ở an một bực.
Bởi vậy Hữu nghe Hà Hương thầm khóc, đưa tay lau nước mắt mà rằng: “Nay vợ chồng chẳng lỡ gối chăn, cũng nhờ bởi tạo đoan giúp sức. Hơi nào sợ lao đao khổ cực, trời lẽ nào sớm dứt nợ dươn? Khóc lóa làm chi, cũng nên liều nhắm mắt đưa chơn, trời biểu tới đâu hay đó. Nay mà vợ chồng tương ngộ, há chẳng vui mà bỏ lúc rẽ phân”.
Hữu thì trong dạ bâng khuâng, Hương thì dùng dằng nửa ưng nửa giận. Hương nói: “Thiệt khổ quá!”
Nói thì nói vậy mà hết rưng rưng nước mắt; còn Hữu thì không thèm nói lại một lời; nghĩ mà coi nên ngán cuộc đời, nước tới háng mà chưa rời hoa bướm!!!
Nghe lủm chũm Hữu bèn ngừng vó, lóng tai nghe: Ai đó phải chăng?
Cá thòi lòi! Nước tràn bờ lội bậy kiếm ăn; làm Hữu giựt mình, đến đỗi lỡ gối chăn Hữu giận!!!
Khi vợ chồng đang vầy vui, bỗng nghe có tiếng thuyền dựa bờ, Hương liền xô Hữu, vùng đứng dậy, lật đật chạy; Hữu nắm tay Hương kéo lại mà rằng: “Đừng chạy, e người nghe tiếng, ngồi núp đây coi thử thuyền ai, ví như phải thuyền chài, mướn nó chở cả hai đi trốn.”
Nói rồi ngồi lại, xảy nghe, tiếng người dưới thoàn nói: “Bữa nay không cá, thôi, chèo về mà nghỉ khỏe thân.”
Hữu nghe biết qua thuyền chài, mới bước lại gần bàn luận. Lão chài liền kêu bạn mà rằng: “Nghe tiếng vườn chú Tư có quỉ, đêm nay quả thấy hiện hình, chèo cho mau đi mầy, đừng để nó xuống ghe, tao e chẳng dễ.”
Hữu liền lên tiếng, “Tôi là người, nào phải quỉ ma; bởi nghe tiếng chài nên mới bước ra, xin cứu ta làm ngỡi.”
Lão chài mới ngừng lại, hỏi Hữu duyên do tự sự, Hữu mới phân trần mọi việc đầu đuôi; Hữu nói: “Bây giờ tôi lưng túi vắng hoe, vàng không có bạc tiền cũng sạch. Xin làm phước đưa vợ chồng tôi qua khỏi “lách”, đặng cho vợ chồng tôi nhẹ tách Trà Vinh, chẳng chi gọi chút tình, xin nhậm lấy khăn đây của tôi đây, dùng đáp thửa công trình cực khổ.”
Lão chài nghe Hữu nói đứng hàm thinh giây phút, suy rằng: “Vả chăng từ khi mình ra mà làm nghề hạ bạc nầy từ ấy chí nhẫn nay, tuy chẳng có cửa nhà dư để, chớ cơm no lòng ba bữa cũng oan tâm; khỏe thì chài kéo, mệt thì câu dầm, ngày tháng kết tri âm dòng nước. Nào kể chữ thanh cùng trược, nài chi danh lợi với đời, cũng vì xem cuộc thế đổi dời, nói lắm nặng hơi mỏi nghển. Thà vui thú nay cồn mai vịnh, mớ cá tôm chút đỉnh đổi tiền, hơn là ra cướp lộc giành quyền, cho thế sự kẻ phiền người trách. Nay lại gặp người tai ách, lẽ nào đành ngơ mắt bỏ đi; dẫu mình không háo lợi sức phi, nếu không ra tay, mạt hùng giả kiến nguy bất giải.”
Suy nghĩ vậy bèn kêu Hữu mà đáp rằng: “Khăn, giây mà làm chi, ta sẵn lòng làm ngãi, khuyên người mau nhảy xuống thoàn, cứu người cho khỏi chốn tai nàn, nào mong bạc vàng tiền của. Báu chi mà lấy đàng giây lưng lụa, vuông khăn hồng là của mấy mươi, miễn cho ta cứu vẹn thân người, toại chí cũng bằng mười của ấy.”
Hữu nghe nói, có lòng mầng và kính phục không cùng, bèn nắm tay Hà Hương dắt xuống thoàn, đặng c1o tâm phang thoát nạn.
Tên bạn thấy bước xuống liền nói: “Ủa, hai người lận mà, nãy giờ tô tưởng có một, té ra tới hai vợ chồng.”
Nói rồi bào xô ghe chèo riết ra rạch. Ra khỏi rạch Cái Cá một đỗi, đà thấy khỏi vàm tới sông lớn; trời tối đen như mực, tên bạn ngó Hà Hương mà khen thầm rằng: người sao mặt sáng tợ trăng, bộ đây cũng con nhà có ăn, chẳng lẽ nghèo nàn mà được vậy.
Ra tới sông lớn, phần sương sa lác đác, phần gió thổi lai rai, phần quần áo ướt dầm, Hà Hương lạnh run bây bẩy.
Lão chài thấy vậy mới bảo: Ngừa dịp trời tối xin em cổi đồ ra phơi, rồi lại nằm trùm chiếu lại cho ấm; nhờ hơi gió, sáng ngày đồ khô sẽ mặc vào, chớ để vậy, đàng còn xa cô em chịu sao cho thấu.
Hà Hương nghe nói mầng, lật đật trùm chiếu, rồi thay đồ đưa cho Hữu vắt, trải phơi vừa xong, Hữu ngồi lại đàm đạo cùng lão chài, bỗng nghe tên bạn rằng: “Đốt đèn lên giùm cho mau cha chả, bụp dừa ở trên đổ xuống cả bè, trời tối không thấy, thuyền nhỏ bị bè cản ngang e không khỏi hại.
Hữu nghĩ trong bụng: “Thằng cha nầy quái lắm phải chơi! Thấy vợ chồng mình lõa thể trùm chiếu, chiếu thì vắn vợ mình thì dài, nó lại bảo đốt đèn lên, bè gì mà trôi cản phòng sợ, bộ thằng cha nầy muốn mượn đuốc soi hang tối sao chớ? Nghĩ vậy, bèn đáp ….
Hữu nghĩ trong bụng: “Thằng cha nầy quái lắm phải chơi! Thấy vợ chồng mình lõa thể trùm chiếu, chiếu thì vắn vợ mình thì dài, nó lại bảo đốt đèn lên, bè gì mà trôi cản phòng sợ, bộ thằng cha nầy muốn mượn đuốc soi hang tối sao chớ? Nghĩ vậy, bèn đáp rằng: “Gió quá, đốt sao đặng; thôi, anh cứ việc chèo đi, để tôi ra trước mũi ghe, ngồi đợi có bè chảy tới tôi xô ra khi tiện.
Tên bạn không chịu, bảo phải đốt đèn; lão chài lại tiếp: Đốt đèn lên đi, kẻo tối ghe thương hồ không thấy, rủi đụng bể ghe mình thì chịu, chớ bắt thường không đặng.
Cực chẳng đã Hữu phải đốt đèn, song trong lòng bất bình nhiều lắm. Đốt đèn lên, tên bạn tay thì chèo, mắt chăm chỉ ngó chỗ Hà Hương nằm, không thèm coi sau trước.
Hà Hương thì bị lạnh mấy canh, nằm lại trùm chiếu có hơi ấm, liền ngủ, không hay biết chi cả. Hữu liếc mắt thấy vậy lại càng bất bình hơn nữa, song giằng trí làm thinh, không thế nói chi cho đặng. Hữu giận ngồi khoanh tay một chặp, bèn ngụ ý nói với lão chài rằng: “Cha chả, hồi đốt đèn lên tới bây giờ, chẳng biết sao mà lạnh run đi ông!”
Lão chài nghe nói ngỡ thật, bèn than, trong ghe chật hẹp biết sao thỏa dạ em, thôi, vợ chồng với nhau chớ ai, em lại trùm chung cho ấm.”
Hữu khoái quá! Lật đật làm như lời, không để trễ một phút. Hữu trùm chung với Hà Hương vừa yên, tên bạn kêu chủ là lão chài mà rằng: “Chú làm ơn để xích đèn ra sau nầy cho tôi thấy.”
Lão chào nói: “Trời tối thì để đèn trước mũi ghe, đặng thấy mà chèo mà tránh, chớ để ra đàng sau làm chi ngoải?”
“Chú quên hay sao? Khi tôi ở tôi có nói tôi cận thị, gần dễ thấy, xa khó coi, nếu để đèn xa tôi không thấy chi hết.”
Lão chài cũng chiều lòng, xích đèn ra sau lái. Tên bạn khoái chí, cười chúm chím, rồi cũng chăm chỉ ngó chỗ Hương với Hữu nằm trùm.
Nói về Hữu, khi vào nằm chung với Hà Hương, ban đầu còn nghe đôi tiếng, sau lại nín thinh, hình như an giấc. Một chặp gió thổi mạnh tắt đèn, lão chài không thèm đốt lại. Tên bạn không dám biểu đốt, lại thêm ngó hoài mà không thấy chi, buồn ý nên chẳng muốn kêu nài vô ích.
Bỗng đâu ghe lắc chuyển, trời êm biển lặng, mà hình như ghe bị sóng ba đào, tên bạn vùng la: “Vừa vừa vậy chớ, lắc quá chìm ghe còn gì, trời đất nầy! Hai vợ chồng trùm chiếu kín mít, ngủ hay thức không biết, làm gì trỏng cũng không biết, mà ghe lắc chuyển như vậy. Để tôi giở chiếu kêu thử coi ngủ hay thức.”
Lão chài nói: “Đừng vô lễ, vợ chồng người ta đang ngủ, mi giở chiếu làm gì?”
Tên bạn nói: “Thôi, chuyến này về bán ghe, mua ghe khác cho rồi, bán ghe không nói gì tôi bỏ chiếu, mới đau lòng cho chớ!”
“Chuyện gì mà bán ghe, mi trù ai vậy hả?”
“Ai dám trù chú, nếu chẳng bán ghe để ích gì? Ghe mình thì ghe nghề ghe nghiệp, đưa vợ chồng ảnh tới nơi rồi, về đi chài cả năm, nếu có một con cá con tôm chi, tôi chịu để trên lưng tôi mà nướng! Xui quá! Xui quá!”