Giới thiệu
Đây được coi là tiểu thuyết đầu tay của tác giả Lê Hoằng Mưu và Nguyễn Kim Đính. Truyện được đăng trên báo Nông cổ mín đàm từ ngày 20/07/1912 với nhan đề Truyện nàng Hà Hương. Đến năm 1914 được nhà in Saigonnaise L. Royer xuất bản thành 6 cuốn với tên là Hà Hương phong nguyệt.
Tác phẩm này của Lê Hoằng Mưu có những điểm đặc biệt so với nhiều tác phẩm của các nhà văn Nam bộ khác cùng thời. Thay vì kể chuyện, ông đã sớm đi vào miêu tả, phân tích tâm lý nhân vật. Ông đã chú ý miêu tả những diễn biến tâm lý, cảm giác của nhân vật. Đó là dấu hiệu của tiểu thuyết hiện đại, là một sự mới mẻ về bút pháp so với tiểu thuyết truyền thống.
Nàng Hà Hương không đơn giản là một cô gái lẳng lơ, ham mê sắc dục mà cũng có lúc ân hận vì những tội lỗi do mình gây nên. Nhân vật chính này có tâm lý phức tạp và không phải là nhân vật “kiểu mẫu” truyền thống. Kết thúc tác phẩm cũng không phải là một kết thúc có hậu như truyền thống. Nàng Nguyệt Ba đẹp người đẹp nết phải tự trầm vì quá đau khổ do bị chồng mình là Nghĩa Hữu phụ bạc.
Ngòi bút có phần táo bạo của tác giả Lê Hoàng Mưu khiến ông bị kết án là xúc phạm thuần phong mỹ tục. Sách bị tịch thu, tiêu hủy, nhưng cũng đã gây ra một cuộc bút chiến dữ dội trên văn đàn vào thời đó.
Truyện Hà Hương Phong Nguyệt, Thầy Lazaro Phiền (tác giả Nguyễn Trọng Quản) và Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân (tác giả Trương Duy Toản) được coi là ba tiểu thuyết đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ.
Nội dung truyện
Truyện được chia thành 6 cuốn. Tôi sẽ lần lượt đánh máy và đăng từng “phần” lên để các độc giả xem. Chữ “phần” trong ngoặc vì nguyên bản sách không chia chương hồi mà chỉ đặt tên theo kiểu “tóm tắt nội dung”.
Truyện được viết cách đây hơn trăm năm, cách dùng từ, viết câu, đặc biệt chính tả có nhiều khác biệt so với ngày nay. Người đánh máy xin phép sửa lỗi chính tả và đăng hình chụp Bản in 1914 của truyện để độc giả đối chiếu.
- Tiểu Tự
- Cuốn 1 – Phần 01
- Cuốn 1 – Phần 02
- Cuốn 1 – Phần 03
- Cuốn 1 – Phần 04
- Cuốn 1 – Phần 05
- Cuốn 2 – Phần 01
- Cuốn 2 – Phần 02
- Cuốn 2 – Phần 03
- Cuốn 2 – Phần 04
- Cuốn 2 – Phần 05
- Cuốn 2 – Phần 06
Tác giả Lê Hoằng Mưu (1879-1941)
Bút hiệu Mộng Huê Lầu (đảo các mẫu tự họ tên). Ông là nhà văn, nhà báo Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ 20.
Ông sinh năm Kỷ Mão (1879) trong một gia đình làm nông khá giả tại làng Cái Cối, tổng Bảo Hựu, tỉnh Bến Tre. Nay thuộc xã Mỹ Thạnh An, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Cha ông là Lê Văn Dinh, nguyên là thông ngôn ở Đề hình. Ban đầu, ông học ở Bến Tre, sau học ở Sài Gòn, rồi gia nhập làng văn, làng báo ở Sài Gòn cho đến cuối đời.
Ông nổi tiếng trong làng báo Sài Gòn từ những năm 1910-1915. Và ông cũng là một trong số các cây bút tiểu thuyết thuộc giai đoạn phôi thai ở Nam Kỳ. Năm 1921, khi tờ Nam Trung nhật báo sáp nhập với tờ Lục tỉnh tân văn, ông được cử làm Chủ bút.
Đến 1930, thì ông bị buộc thôi chức vì tờ báo có khuynh hướng yêu nước bài Pháp. Cùng năm này, ông cùng Võ Thành Út sáng lập tờ Long Giang độc lập (xuất bản mỗi tuần 3 số) do Lưu Công Châu làm chủ bút. Đến năm 1931, tờ báo bị nhà cầm quyền ra lệnh đình bản một thời gian. Sau báo được tục bản cho đến ngày 11 tháng 5 năm 1934 thì bị đình bản hẳn. Ngoài ra, ông là trợ bút của các tờ Điện Tín, Thần chung, Đuốc nhà Nam, vv.
Năm Tân Tỵ (1941), ông mất tại Sài Gòn, thọ 62 tuổi.
Các tác phẩm của Lê Hoằng Mưu
Phần lớn tác phẩm đều đã được đăng tải nhiều kỳ trên các báo, trước khi in thành sách.
- Hà Hương phong nguyệt (đăng báo 1912)
- Ba gái cầu chồng (đăng báo năm 1915)
- Tô Huệ Nhi ngoại sử (1920)
- Oán hồng quần hay Phùng Kim Huê ngoại sử (6 quyển, nhà in L’ Union, 1920)
- Oan kia theo mãi tức Ba mươi hai đêm Hồ Cảnh Tiên tự thuật (nhà in J. Viết, Sài Gòn, 1922)
- Đầu tóc mượn (nhà in L’ Union, 1926)
- Đêm rốt của người tội tử hình (4 quyển, nhà in Lưu Đức Phương, Sài Gòn 1929),
- Truyện người bán ngọc (4 quyển, nhà in Lưu Đức Phương, Sài Gòn, 1931)…
Và một số bài viết trên các báo ở Sài Gòn.
Tác giả Nguyễn Kim Đính
Trên bìa Truyện Hà Hương Phong Nguyệt ghi rất rõ tác giả là Lê Hoàng Mưu và Nguyễn Kim Đính.
Thông tin tìm được về tác giả này rất ít ỏi, xin trích vài dòng giới thiệu Nguyễn Kim Đính như sau:
“Nguyễn Kim Đính : sáng lập và chủ nhiệm tờ báo đối lập Đông Pháp Thời Báo (15-3-1923 đến tháng 10-1927) ở Sài Gòn; đồng thời làm quản lý tờ báo Pháp ngữ L’Écho annamite (Tiếng vọng An Nam) từ tháng 10-1924 đến 1-1925.”
Trích trong bài viết: https://nghiencuulichsu.com/2016/10/05/nen-bao-chi-viet-nam-thoi-thuoc-phap-1858-1945-bai-2/