Có người học trò còn nhỏ tuổi mà đã già chữ nghĩa lắm. Lúc dọn phủ cho đức ông nhứt ở, thì triều đình có hội nhau lại, mà đặt một câu liễn cửa ngõ đức ông. Đắp chữ vôi thếp vàng tử tế.
Hai câu ấy như vầy:
Tử năng thừa phu nghiệp.
Thần khả báo quân ân.
Anh học trò đi ngang qua cửa, thấy câu liễn, đứng lại coi, không ưng ý: đi học về giận đứng lại đó, không cất nón. Quân canh nhựt cửa đó, liền bắt; hỏi sao vô phép không cất nón ? Có biết đó là phủ ông nào chăng?
Người học trò nói: “Tôi biết, mà mắc tôi giận, thấy câu liễn đặt không nhằm, nên quên lấy nón xuống.”
Quân mới dẫn vào thái tử đông cung. Đức ông hỏi. Người học trò cũng cứ khai thiệt làm vậy, chửng đức ông cho mời đình thần vào, mới kể tự sự cho các quan nghe, rằng tên học trò chê câu liễn các ông ngoài cửa.
Vậy mới hỏi học trò, vì làm sao mà chê, bây giờ có dễ sửa lại hay không?
Thì anh học trò nói: “Đặng”.
Đức ông biểu: “Bẻ làm sao thì bẻ đi, rồi sửa đi thử coi.”
Anh học trò mới bẩm: “Câu liễn ấy thất lễ, là vì đặt con đứng trước cha, tôi đứng trước vua: làm vậy sao phải?”
“Ứ, nói nghe được. Mà bây giờ sửa lại làm sao?”
“Bẩm lịnh các ông lớn,sửa lại như vầy, thì hay quyết đi mà thôi.
Phụ nghiệp tử năng thừa.
Quân ân thần khả báo.
Các quan ai nấy điều khen. Vua cho người ấy đậu tấn sĩ: lại ban cho một ngàn quan tiền thưởng tài; triều đình lại thưởng ít ngàn nữa.