Truyện ông Cống Quỳnh đậu trạng, có nhiều pha lửng trớ trêu tức cười.
Bữa kia có một người ở xa tìm tới kinh vào chầu vua, đem dưng cho người một mâm trái trường thọ. Mới đem vô, nói chưa xong, ông Cống Quỳnh lại lấy lột ăn phứt đi. Vua thấy ổng làm đều vô phép, sỉ hổ cho vua, thì ngài dạy đem mà chém đi.
Ông ấy quì xuống tâu rằng: :”Tâu Bệ hạ, muôn muôn tuổi; nay tội hỗn hào vô lễ, mà bệ hạ đòi chém, thì là đáng lắm. Muôn tâu Bệ hạ cho tôi nói một ít lời cho cặn kẽ, rồi tôi sẽ ra chỗ pháp trường; trái nầy gọi là trái trường thọ, mà sao tôi ăn vô chưa khỏi cổ đà thấy chết? Vậy thì nó là trái đoản thọ mới phải.
Vua nghe được tha ổng đi.
Bữa khác, vua ngự đi chơi, quân gia binh lính chầu chực hầu hạ, thiên trùng vạn điệp. Ổng Cống-Quỳnh đi tắm ngó thấy lật đật chạy đút đầu vô bụi giơ đít ra. Vua ngự ngang qua thấy mới hỏi ai?
Cống-Quỳnh quì xuống tâu: “Tôi nghe ngài ngự, tôi núp không kịp, nên phải làm làm vậy; tục nói: Hễ giấu đầu, thì ra đuôi.”
Trong nội, vua có nuôi một con mèo, có cột cái xích bằng vàng. Cống Quỳnh vô ra ôm quách về nhà; lấy xích vàng ra, cột dây, nuôi ở nhà. Mà thường ổng biểu đem hai dĩa, một dĩa thịt thả, chả gỏi; còn một dĩa thì cơm nguội trộn với đầu tôm xương cá; hễ nó lại ăn dĩa đồ ngon thì đánh; nên nó quen đi cứ dĩa đồ hèn mà ăn mà thôi.
Vua tiếc con mèo, sai đi kiếm táo tác, kiếm không ra. Người ta nói có ngó thấy Cống Quỳnh nuôi con mèo giống in con mèo của vua, có khi nó đó. Vậy vua cho đòi ông Trạng tới, hỏi con mèo. Ổng nói một hai không phải. Vậy, ổng bắt con mèo đem tới, biểu quân đem hai dĩa cơm, một dĩa đồ ngon, một dĩa đồ quấy quá: mèo của vua thường ăn đồ mĩ vị, ngon lành, mà của tôi đâu có đồ ngon mà cho ăn, ăn những cơm nguội cơm ngặm, mắm muối quấy quá vậy thôi; nếu nó ăn dĩa đồ ngon, thì thật là của ngài, mà như nó ăn đồ hèn, thì nó là của tôi chắc.
Đem ra, thì con mèo tập đã quen, cứ lại dĩa cơm nguội mà ăn, thì Cống Quỳnh vỗ tay cười: “Ậy ! Của dân sự nghèo nàn thì nó như vậy!”
Ôm mèo về mất.
Bên Tàu qua đi sứ, đem dưng vua một ve thuỷ tin, liền không miệng, mà trong có nước, xin hỏi làm sao, mà lấy nước cho được. Vua cùng đình thần bối rối không biết giải làm sao. Vậy đòi Cống Quỳnh tới, hỏi tính làm sao.
Cống Quỳnh mới nói: “Tưởng là giống gì khó lắm, việc nầy liệu được mà.”
Vua mới giao cho anh ta đem về. Sáng ngày lợt xợt vô. Vua ra lập trào rước sứ Tàu cho đặng giải việc hỏi. Ông Cống Quỳnh tay xách dùi đục, tay cầm cái ve của sứ đem qua. Vua phán hỏi. Cống-Quỳnh quỳ xuống: “Muôn tâu lịnh thiên tử, Tàu hỏi làm thế nào lấy nước ra cho được? Vậy hễ muốn lấy cho được nước, thì phải đánh mới được.”
Và nói và đập bể cái ve đi.
Năm sau, sứ đem một con trâu có tài báng lộn ăn hết các trâu bên Tàu. Đem hỏi coi thử Annam có trâu nào giỏi hơn chăng. Vua đòi Cống Quỳnh tới hỏi, coi thử tính làm sao.
Cống Quỳnh vào chầu. Vua phán: “Đó bây giờ Tàu người ta đem trâu bánh giỏi nhứt có tài, coi thử mình có đem ra cự; Trạng tính làm sao?.”
“Muôn tâu Bệ hạ có khó chi, để tôi về tôi tính; xin sứ để ba ngày nữa.”
Ông Trạng biểu về bắt con nghé nhỏ còn bú, nhốt riêng nó ra, đừng cho bú ba bữa. Tới ngày sứ đem trâu tiếng Tàu ra, ông Cống Quỳnh dắt con nghé ra. Vua ngự ra, sứ bộ cùng triều-đình tựu tới coi. Thả trâu lớn của Tàu ra, nó hăng đứng nghinh; Cống Quỳnh thả trâu nghé ra.
Nó nhịn bú đã ba ngày, khát sữa, thấy trâu lớn tưởng là trâu mẹ, lăng căng chạy lại xúc xúc dưới bụng nơi sau háng, trâu Tàu nhột chịu không đặng, chạy mà tránh cho khỏi kẻo nó rúc nhột. Càng chạy, nó chạy theo xúc, cong lưng chạy miết dài.
Cống Quỳnh đứng vỗ tay la: “Trâu.Tàu thua rồi! Trâu An-nam ăn rồi! Thèm đem trâu lớn đâu; sức con nghé con, ốm tong ốm teo, mà trâu kia còn phải thua nữa là!”
Bước qua năm sau, Tàu giận thấy mình thua trí người Annam, mới sai sứ đem một cái gòn đẽo bào bằng gốc bằng ngọn, lại kéo sơn đôi ba bước, mất da mất thịt cây đi hết, ở giữa có để hai chữ: Túc tử. Đem qua đố Annam biết là tên cây gì, lấy chữ đó, mà bàn cho ra tên. Lại đố biết đầu nào gốc, đầu nào ngọn.
Các quan hiệp nghị mời Cống Quỳnh tới hỏi: “Sao ông tính nói cái ấy đặng hay là không?”
Cống Quỳnh chịu, lãnh về nhà tính. Sáng ngày ra, vua ngự, lập ban cho sứ vào chầu, Cống Quỳnh vào quì xuống tâu: “Chữ túc là lúa, chữ tử là con; là hễ: còn lúa con ăn con no con mập, hết lúa con mòn con gầy; thì là cây gòn. Còn viết nói đầu nào gốc, đầu nào ngọn, thì xin xuống mé sông tôi sẽ coi.
Vua quan cùng các sứ thảy đều xuống theo mà nghe nói. Dạy khiêng cây xuống. Ông Cống Quỳnh mới thả dây ngang qua sông, thì nó phải day trôi theo giọt nước; đầu nào day trước ấy là đầu gốc.
Đến sau vua sai ông Cống Quỳnh đi sứ bên Tàu. Nhằm khi có các anh tấn sĩ mới đậu. Thấy sẵn, lại nghe tiếng Cống Quỳnh giỏi văn chương chữ nghĩa lắm, vua mới mời Cống Quỳnh thử chơi ít bài; mấy tấn sĩ có tài làm thơ làm phú lẹ, hễ nhảy lên ngựa cầm viết lia, nhảy xuống thì đã viết rồi.
Cống Quỳnh cũng không sợ, chịu ra thi. Dẫn ngựa voi ra nghiêm trang tử -tế, phát viết, mực, giấy má xong rồi, nghe hiệu trống đánh một cái thùng, thì ai nấy nhảy lên ngựa. Cống Quỳnh nhảy lên lấy viết huấy huấy ba cái lăng quăng líu quíu, rồi nhảy xuống hô. Rồi! Người ta chưa ai rồi hết: đem vở lại nộp.
Quan giám khảo coi không ra, hỏi chớ Cống Quỳnh viết giống gì lăng quăng coi không được. Cống-Quỳnh nói: “Chữ bên tôi tháu làm vậy đó, như ngài coi không đặng, để tôi viết lại chữ thảo hay là chơn tự cho ngài coi.”
Vậy mới viết thơ cũ thuộc lòng cho họ coi. Họ lấy cho được thứ nhứt.
Bữa kia quan thừa tướng Tàu dọn tiệc, mời Cống Quỳnh tới uống rượu chơi một bữa, Đàng sá đâu đó có đào hầm, để gạt cho Cống Quỳnh sụp mà chết, kẻo để Tàu chịu thua Annam xấu hổ; Chiếu bông nệm gấm trải liệt địa cùng đàng.
Ông thừa tướng tới nhà mời và rước Cống Quỳnh. Ra tới đàng có trải nệm bước xuống mời Cống Quỳnh xuống đi bộ cho mát, biểu Cống Quỳnh một hai đi trước; Cống Quỳnh không chịu. Nhường cho quan thừa tướng rằng: “Tiên vi chủ, hậu vi khách”.
Quan thừa tướng mời gãy lưỡi cũng không được, túng phải ra đi trước, Cống Quỳnh khôn, cứ bước theo dầu chơn thừa tướng thẳng tới nhà khỏi sụp vào đâu hết.
Ngày kia Cống Quỳnh vui muốn khuấy chơi các quan triều một bữa. Chửng mới viết thiệp cho mời các quan tới tựu tại nhà uống rượu chơi.
Mặt trời chen lặn, võng giá các quan lải rải tới. Cống Quỳnh mua rượu nhiều, ve chén bày ra bộn bàng; còn biểu quân ở đàng sau nhà bếp cứ bầm thớt hoài. Nghe bầm lộp cộp lạc cạc hoài… Các quan tưởng có khi Cống Quỳnh dọn trọng thể lắm. Chẳng ngờ cũng không thấy dọn chi.
Cống Quỳnh ngồi cầm khách, cứ rót rượu mời các quan; một chập lại hối: “Trẻ coi lo dọn thoáng đi bây.”
Nó dạ rân. Cứ thỉnh thoảng rót rượu mời uống khan hoài; các quan đã xoàng xoàng đi hết; thì càng vui càng nói chuyện in sình. Cống Quỳnh lại càng rót rượu đưa cho ông nầy ông kia; dập thêm hoài.
Ngồi uống khan làm vậy cho đến hết nửa canh hai. Ông nào ông nấy, thôi say mèm, nằm thài lai ra đó hết. Quân hầu đi theo, thì đã về hồi chiều hết rồi.
Vậy ông Cống Quỳnh biểu quân trong nhà ra đưa các quan về, lại dạy nó tráo dinh hết, tới đâu thì bảo mở cửa đem thẳng vào giường kẻo ngài say đã mê mết rồi. Quân dạ dàn võng giá ra. Võng các ổng đem lộn dinh hết.
Đến sáng ngày ra, ai nấy thức dậy ngó sao mùng mền khác lạ không phải nhà mình, xẻn lẻn ra ai về dinh nấy, biết bị Cống Quỳnh khuẩy chơi rồi, căm-căm trong bụng giận ông Cống Quỳnh.
Mà ông Cống Quỳnh ngoan lắm chạy đón các quan đang đi vô chầu, nói: “Cơ khổ! Tệ quá! Hôm qua cầu vui uống rượu cầm chừng chờ trẻ nó dọn ăn, mà mắc bụng đói say sớm làm không ai ăn hết; thấy các ông say tôi hối quân võng các ông về kẻo để khuya nhiễm mù sương có khi khốn. Té ra các ông báo tôi, thôi hôm nay thịt cá ê hề ăn không hết.”
Cách năm mười bữa, Cống Quỳnh xin cấm chợ ba bữa để cho ổng phơi sách. Thiên hạ đồn Cống Quỳnh phơi sách, đâu đó rủ nhau đến coi. Đến bữa ấy ổng biểu quân đem chiếu trải giữa chợ, cổi quần cổi áo ra nằm giữa đó.
Người ta hỏi: “Ủa ! Nghe nói ngài phơi sách, mà sao ngài làm làm cái gì vậy!”
Ổng mới chỉ cái bụng ổng nói: “Sách ở trong bụng, chớ sách ở đâu?”
Ông Cống Quỳnh thường hay đi đò, mà ổng không có trả tiền: tháng kia qua tháng nọ ổng cũng không có trả. Quân đưa đò nó mới đòi ổng. Ổng nói: “Thôi để mai mốt tao trả cho.”
Ổng về mua tre mua lá, chở ra giữa dòng sông, cất lên một cái chòi, viết ba chữ dán vào đó: Chưởi cha đứa nào coi về học lại.
Thiên hạ nghe ông Cống Quỳnh làm gì lạ không biết, thì đua nhau tới đó mướn đò ra coi. Coi rồi vô, kẻ khác hỏi chứ giống gì vậy? Ai nấy đều nói: “Nói không được, hãy ra đó mà coi lấy.”
Đò đưa đà không lập; lấy tiền; lấy tiền cũng đã mệt.
Dỡ chòi rồi, quân chèo đò, nó còn đòi tiền ông Cống Quỳnh nữa. Ông mới nói: “Bây mắc nợ tao bây giờ thì có chớ, mà bây lại theo đòi tao nữa? Vậy chớ ai làm cho bây đặng mối mấy bữa đó? Bây giờ có biết không?.”
Chuyện Cống Quỳnh còn nhiều điều tức cười, mà như nói tính những chuyện ấy, thì nó mất vui, mất hay đi. Để xen chuyện nầy chuyện kia nhiều thứ thì hay hơn.