Ở ngoài Bắc có một cái hòn tự nhiên bốn bể đá dựng; đêm ngày sóng tạt bổ ầm ầm: người ta đặt tên là hang ông Từ-Thức.
Do cái chuyện đó người ta bày thế nầy:
Thuở xưa kia, vua tính xây một cái thành chỗ đồng nội kia; thình lình chỗ ấy có mọc một cây vô danh, bông lá lạ thường, đã xinh mà lại thêm thơm nữa. Ai nấy đều định phải đem dưng cho vua. Vậy mới cho dân canh giữ nhặt nhiệm, kẻo sợ người ta hái bông đi. Thiên hạ đồn dực, đâu đó rủ nhau tới đó coi.
Tiên ở tại hòn nói trước nầy; cũng đua nhau đi coi. Mà có nàng Giáng-Hương, tiên xinh tốt, lại gần rờ rẫm cái hoa; rủ rụng xuống. Quân lính mới bắt lấy đó. Xúm lại xin, nói gãy lưỡi cũng không tha.
Vừa mai có ông Từ Thức là ông quan lão nghe đồn cũng đi tới coi cho biết. Bước vô, thấy bắt buộc làm vậy, thì hỏi lính: “Tội tình chi mà bắt trói người ta lại; người ta là con gái mà bắt làm gì tội nghiệp vậy? Tha người ta đi.”
Lính bẩm: “Bẩm ông, cô này ở đâu không biết, tới coi lấy tay nưng cái hoa nó rụng xuống nơi tay; tôi bắt cổ lại đây; bây giờ ông dạy tôi tha, tôi có dám tha ở đâu?”
Ông Từ Thức mới cối áo đưa cho thằng lính, cho nó đặng nó tha nàng Gíang-Hương đi.
Sau về nhà, ông Từ Thức mới chờ mường tượng hình nhan nàng con gái mình cứu; trong lòng nó bắt khoăn khoái nhớ thương, ước cho đặng gặp mặt lại mới phỉ lòng. Ra vô bâng khuâng tư tưởng, ăn chẳng ngon, nằm chẳng ngủ. Thao thức cả đêm; đang chừng nửa đêm, lồm cồm chỗi dậy kêu một đứa thổi lửa, thắp đèn; rồi ổng cuốn gói xuống chiếc xuồng, ông cầm dầm bơi đi, đi bơ vơ chẳng biết đi đâu. May đâu, đi trợt tới hòn tư bề đá dựng đứng, lại có cái cửa vô; cứ xăm xăm đi tới hoài. Ngó trước thấy nàng Giáng Hương ra rước. Vô cùng, ở đó vui vẻ đủ no mọi đàng.
Đến bữa nàng Giáng Hương phải đi chầu bà Chúa tiên, thì đóng cửa lại, dặn ổng ở nhà làm gì thì làm, mà đừng có mở cái cửa sau mà khốn, đến nửa phải trở về, không được ở đó nửa.
Dặn dò trước sau phân minh, nàng ấy ra đi. Ông Từ Thức ở nhà nghĩ hoài: “Mẽ! Nầy! Không biết ý làm sao mà đừng mở cửa sau? Có khi bên kia có giống gì xinh tốt quí báo hơn bên nầy, nên cổ cấm mình vậy chăng?” Lục tặc đem dùng mở phứt ra.
Ngó thấy thế gian; khi ấy mới nhớ nhà. Vậy các tiên ở đó nghe động đất thì biết, nên về đuổi ông Từ Thức về, không cho ở nữa.
Tưởng là mới đâu vài ba bữa, ai hay về kiếm nhà không được. Nhớ chắc chỗ cũ vào hỏi, thì thấy chẳng thấy một ai quen biết: hỏi thăm ông Từ Thức, thì họ nói họ không biết, thì cũng có nghe tên ấy bao giờ. Hỏi mấy ông già, bà cả, thì người ta nói: Thuở trước đời vua kia vua nọ, thì các ông quan lão Từ Thức, mà ông chết đã hơn ba bốn năm trăm năm nay rồi, còn ở đâu?