Hồi 19: Đoàn viên một cửa

Đây nhắc lại việc nàng Trịnh Phương Lan, từ ngày cha con gặp nhau rồi, thì nàng cứ chăm lo phận sự làm con, thần tỉnh mộ khan, chẳng hề sai sót, lại thêm nữ công nữ hạnh cũng hoàn toàn, bao nhiêu tôi trai tớ gái trong nhà, mỗi khi sai khiến việc chi, thì nàng dùng lời ngọt tiếng êm mà dạy bảo. Vì vậy mà tự trong nhà cho tới xóm giềng, thảy đều yêu trọng. Gặp lúc thảnh thơi, nàng lại đem cái lòng nghĩa Thị Phụng mà thuật lại cho cha nàng nghe. Bởi đó cho nên ông Trịnh Thế Xương mới đem lòng thương yêu tin cậy Thị Phụng, đãi như con cháu ruột thịt trong nhà, lại thường châu cấp bạc tiền để Thị Phụng đem về cho mẹ nàng dưỡng thân và cho em nàng vào trường mà học.

Cách vài tháng sau, Trịnh Thế Xương coi được ngày lành, bèn viết thơ cho Trần Trọng Nghĩa hay, rồi dọn dẹp cửa nhà, mời hết làng xóm, thân thích họ hàng mà định chữ Vu Qui cho con gái.

Bên kia, Trần Trọng Nghĩa khi được tin lành, cũng xin phép được một tuần qua Tân Châu cưới vợ.

Đến ngày, Trịnh Thế Xương dọn dẹp nhà cửa trang hoàng, họ đương hai đàng đông đủ. Trịnh Thế Xương ra đứng giữa trung đường, lâm râm khấn vái tổ tiên, rồi cho Trần – Trịnh hai họ làm lễ động phòng huê chúc.

Làm lễ xong, liền dọn cỗ bàn, hai họ ăn uống chuyện vãn, vầy đến xế qua mới mãn tiệc.

Đêm ấy Trần Trọng Nghĩa với Trịnh Phương Lan, vợ chồng vầy hiệp, tình tự với nhau, nhơn nhắc lại những ngày đâu đâu, nhắc tới chừng nào càng mến càng yêu, tình thân ái càng thêm khắng khít.

Từ đây duyên mặn tình nồng, hết lối biệt ly, mừng hồi sum hiệp.

Một đêm kia, Trịnh Phương Lan nhơn lúc thảnh thơi bèn nói với chồng:

– Thầy ôi! Đôi ta mà gặp gỡ nhau đây, ấy cũng là duyên kỳ ngộ. Nay vợ chồng ta hương lửa đà bén duyên, thì đã an phận rồi; song còn một con nghĩa tỳ của tôi là Thị Phụng, thiệt là một đứa tín nghĩa đáng thương, ta cũng nên kiếm chỗ cho nó gởi phận trao duyên, cho yên thân nó.

Trần Trọng Nghĩa nghe lời nhơn hậu của vợ phân như vậy thì cũng vui lòng, bèn suy nghĩ một hồi rồi gật đầu mỉm cười và nói rằng:

– Có vậy cũng may, vậy để tôi tính như vầy, cô nó liệu coi có được cùng chăng? Cô nó thì có một đứa nghĩa tỳ, còn tôi đây lại có một thằng nghĩa bộc; ta nên tác hiệp cho hai đứa ăn ở với nhau, được như vậy thì chúng nó đã gần với ta, ngày sau ta cũng lo gầy dựng cơ nghiệp cửa nhà cho nó; chẳng hay cô nó ý nghĩ thế nào?

Trịnh Phương Lan nghe nói rất mừng:

Sáng ra bữa sau, vợ chồng bèn đem việc mình bàn tính mà thưa lại cho cha nghe. Trịnh Thế Xương vui lòng, liền cho người đi mời mẹ Thị Phụng là bà Năm Thọ ra mà tỏ việc mình muốn cưới Thị Phụng cho thằng hai Mốc. Bà Năm Thọ cũng đành. Trịnh Thế Xương bèn cho đi mời một ông hương chức trong làng và ông Cai bộ đến, dọn tiệc đãi đằng rồi xin làm hôn thú.

Đêm ấy, ông Trịnh Thế Xương dậy nấu chè xôi, lại nói bà Năm Thọ đứng vái tổ tiên, rồi cho hai trẻ giao bôi hiệp cẩn.

Từ đó, hai vợ chồng thằng Mốc đã được ấm no; chồng thì quản suất tôi trai, còn vợ thì hành tớ gái, như hai vị quản gia; vợ chồng Trịnh Phương Lan lại đãi như em ruột trong nhà.

Ngày kia rảnh việc, Trịnh Thế Xương bèn nói với Trần Trọng Nghĩa rằng:

– Cha tuổi tác đã già, gần đất xa trời ngày nào chưa biết; sự nghiệp nầy cha phú thác cho vợ chồng con, vậy thì con cũng nên xin thôi việc sở cho rồi, đặng về mà săn sóc việc nhà, chớ một tháng lương cũng chẳng bao nhiêu mà con phải bị bó buộc vào lòn ra cúi.

Trịnh Phương Lan cũng kiếm lời chánh đáng mà khuyên chồng. Trần Trọng Nghĩa thế phải xuôi theo, liền gởi đơn xin từ chức.

Từ đó, cha con chồng vợ sum hiệp một nhà, con thảo rể hiền, trên hòa dưới thuận.

——————————— Kết ——————————-

Viết một bình luận

error: Content is protected !!