Ngày kia, Trần Trọng Nghĩa vai mang súng, tay cầm cương, cứ cho ngựa hưỡn hưỡn đi theo mé rừng, mắt lom lom ngó chừng bốn phía. Còn đang mong mỏi ngó mong, bỗng thấy phía trước góc rừng, có một bầy trâu đương ăn tại đó. Trọng Nghĩa mừng chẳng xiết mừng, liền giục ngựa xơn xao bước tới. Mà thiệt may, trâu ấy là trâu của Chăng Cà Mum thả cho ăn, còn nàng thì ngồi nơi dưới bóng cây mà đục nắng. Lúc nàng nghe vó ngựa ở đằng xa đi tới, thì mười phần nàng cũng định chắc là chàng; nên khi nàng nhìn quả thiệt chàng, thì lòng mừng khấp khởi, Chăng Cà Mum liền đứng dậy nói rằng:
– Tôi chào thầy, hôm nay tôi trông cho gặp …
Nói tới đó nàng vùng nhớ lại mà hổ thầm, bèn cúi đầu làm thinh chẳng nói rằng chi hết. Còn Trần Trọng Nghĩa khi gặp mặt nàng thì cũng mừng quýnh mừng quíu, liền nhảy xuống ngựa mà nói:
– Ủa! Cơ khổ, hơn trót tháng nay, ngày chúa nhựt nào tôi cũng đi săn bắn lối nầy, có ý muốn tìm cô mà không gặp. Vậy chớ, hổm rày cô cho trâu ăn phía nào? Làm cho tôi nhớ …
Vì mắc mừng quá mà Trọng Nghĩa nói lố, chàng giựt mình nên nói tới đó rồi cũng ngừng lại, cứ đứng trân, chẳng biết lời chi mà thốt nữa.
Một chập lâu, Chăng Cà Mum liền liếc mắt ngó lên, thấy tình hình như vậy thì đã hiểu ý chàng, bèn thung dung hỏi cợt lại rằng:
– Thầy nói chi mà tôi nhớ, rồi thầy lại nín đi, chẳng hay thầy muốn nói nhớ ai?
Trần Trọng Nghĩa mắc cỡ nghẹn ngào, song cũng kiếm lời mà nói trớ:
– Tôi nói tôi nhớ, là tôi nhớ … cái lúc tôi bắn hai con beo mà cứu được cô đó mà!
Chăng Cà Mum nghe nói, mỉm cười đáp rằng:
– Thầy là người làm nghĩa, tôi là kẻ thọ ơn; mà hễ thọ ơn người thì chẳng khá quên, cho nên cái nhớ đó là về phần tôi nói mới phải chớ! Tôi từ buổi mang ơn tái tạo, ngày đêm tôi chẳng dám quên, song tôi xét thân nhược chất liễu bồ, phần thì bị ràng buộc tôi mọi nhà người, cho nên kiếp nầy chắc là không có thế chi mà đền đáp ơn đây; chớ kiếp khác, tôi sẽ làm thân trâu ngựa mà đền nghĩa cả.
Trần Trọng Nghĩa nghe nàng nói mấy lời, thì càng đem lòng kính trọng hơn nữa; bèn đáp rằng:
– Cô ơi! Tôi nghe những lời cô nói nãy giờ đây thì tôi chắc cô chẳng phải là con của người Cao Miên. Chẳng hay duyên cớ làm sao mà cô phải ở tôi tớ với một người hung ác dường ấy? Thiệt tôi chẳng nói giấu chi cô, vì tánh tôi cang trực, thấy nghĩa vui làm, xin cô hãy phân hết lai lịch cho tôi nghe, hoặc là tôi có thế mà cứu cô được chăng, xin cô chớ ngại.
Chăng Cà Mum thấy Trọng Nghĩa là trai, nói chuyện với gái tơ nơi chốn vắng vẻ như vầy mà cứ giữ từ nghiêm, nghĩa chánh, chẳng có mòi quến gió rủ trăng, thì biết là người bình lễ quân tử. Nàng bèn ngước mặt lên ngó Trọng Nghĩa, hai hàng nước mắt rưng rưng, vừa khóc vừa nói:
– Thầy ơi! Tôi mà gặp được thầy đây, hoặc là tai nạn tôi gần mãn rồi chăng! Vậy xin thầy hãy tạm ngồi nơi bóng cây đây, đặng tôi phân hết đầu đuôi lai lịch của tôi cho thầy nghe.
Tôi đây vốn thiệt con của người Việt, tôi tên thiệt là Lan, còn họ chi thì tôi không biết, mẹ tôi mất hồi nào tôi không biết được, vì lúc họ bắt tôi thì tôi còn nhỏ quá, mới năm, sáu tuổi chi đó, nên tôi cũng không biết xứ sở tôi ở đâu; song tôi còn mại nhớ cha tôi là người giàu có. Chỗ chợ tôi ở đó, phố xá gì bằng lá cả, một đêm kia chừng lối canh tư, vùng nghe mõ trống đánh om sòm, thiên hạ đều la lửa cháy chợ. Tôi đang ngủ giựt mình thức dậy, thấy cha tôi với người ở trong nhà bưng dọn đồ đạc lăng xăng; tôi chạy ra thấy lửa cháy sáng lòa, nên cũng giựt mình mà chạy hoảng xuống mé sông.
Ai đó dưới sông lại có một chiếc ghe chở trách trã đậu ngay tại bến. Người dưới ghe thấy tôi liền lên ẵm phứt xuống ghe, lấy khăn nhét cứng miệng tôi, bỏ tôi dưới khoang, tôi muốn la, mà la không được. Rồi đó họ hối nhau chèo ghe mà đi, hễ tới bữa cơm thì họ đem cơm xuống đút cho tôi ăn, họ lại dọa tôi rằng: nếu tôi khóc la thì họ mổ bụng. Tôi thấy cái dao nhọn quá nên tôi sợ mà nằm queo dưới khoang, chẳng dám rúc rích ho hen chi hết. Họ chèo đi gần hai ngày, tới một chỗ kia đậu lại, chờ đến tối họ mới bỏ tôi lên xe bò đem tới sóc nầy mà bán tôi cho lão Mệ sóc, là người rầy tôi hôm bữa thầy mới gặp tôi đó. Khi lão mua tôi rồi, lão đặt tên tôi lại là Chăng Cà Mum. Lão lại bắt tôi kêu lão bằng cha, tưng tiu dụ dỗ tôi, cho tôi đừng khóc. Đến khi tôi được tám, chín tuổi. lão bắt tôi đi chăn trâu; từ đó về sau, hễ tôi một ngày một lớn chừng nào thì lão lại đày xắt tôi chừng nấy; có nhiều khi tôi muốn trốn lão mà đi, ngặt vì tôi không rõ đường sá thế nào, không biết đâu là đâu, e đi không khỏi, rủi bị lão bắt lại được thì lão đánh chết, bởi vậy nên tôi còn lần lựa cho tới ngày nay. Chẳng dè ngày nay may mà tôi lại gặp được thầy thì có khi cái nạn ách của tôi đã gần mãn; song chẳng biết thầy có lòng háo nghĩa mà ra tay tế độ vớt người trầm luân hay chăng? Vả lại cha tôi vốn sanh có một mình tôi, mà từ ngày tôi thất lạc đến nay, không biết cha của tôi thương nhớ buồn rầu mà gầy ốm thế nào, thiệt tôi làm con rất nên thất hiếu.
Nói tới đó, nàng vùng khóc ròng. Trần Trọng Nghĩa thấy vậy cũng động lòng, bèn kiếm lời ngon ngọt mà khuyên giải:
– Thôi, cô hãy an lòng, chớ khóc lóc làm chi, ráng mà nhẫn nhục một ít lâu, vì tôi làm thông ngôn dây thép, mới đổi lại Xà Tôn ước vài tháng nay, nên khó mà cứu cô cho sớm được; vậy để có dịp nào, hoặc tôi xin phép, hoặc tôi xin đổi đi được, thì chừng ấy tôi sẽ lén mà chở cô theo, đem cô về miệt ngoài, rồi lần lần tôi thám dọ tin tức cho ông thân cô là ai, thì tôi sẽ giao cô cho ổng.
Chăng Cà Mum nghe nói dứt lời, liền quì xuống mà lạy Trần Trọng Nghĩa và nói rằng:
– Được như vầy thì tôi quyết kết cỏ ngậm vành để đền ơn tái tạo.
Trần Trọng Nghĩa không cho nàng lạy, mà nói:
– Hễ là đấng làm trượng phu xử thế, thấy nghĩa thì làm, ấy là phận người phải vậy.
Và chàng thò tay vào túi móc đồng hồ ra coi thì đã quá mười một giờ rồi, liền mở túi lấy bánh mì, gà quay và đồ ăn đem ra, lại mời Chăng Cà Mum ngồi ăn với mình cho vui miệng. Lẽ thì Chăng Cà Mum mắc cỡ mà không ăn, nhưng vì hai người chuyện vãn nãy giờ, lòng dạ nhau đã thấu rõ, nên coi ra như tình anh em một nhà, chẳng ngại ngùng chi nữa; phần thì nàng thấy Trọng Nghĩa ân cần mời mãi nên không lẽ chối từ, phải ngồi lại vừa ăn vừa nói chuyện.
Nguyên Chăng Cà Mum từ ngày lọt vào tay lão Mệ sóc đến nay, năm nào tháng nầy chỉ ăn ròng những đồ rau cỏ, bồ hốc mà thôi, nay gặp đồ cao lương thì lấy làm quí trọng. Trần Trọng Nghĩa biết ý, nên cứ việc ép nàng ăn mãi. Khi ăn uống xong thì đồng hồ đúng mười hai giờ, Trần Trọng Nghĩa bèn đinh ninh dặn nàng hễ đếm đủ bảy ngày là nhằm ngày chúa nhựt, cứ đem trâu ra lối đó mà cho ăn, thì sẽ có mình tại đó. Nói rồi chàng bèn từ giã lên ngựa ra về. Còn Chăng Cà Mum thì tỏ lòng quyến luyến, cứ đứng ngó mong theo chàng, đến khi chàng đi khuất cụm rừng mới trở lại.
Từ đó, ngày chúa nhựt nào hai người cũng có đến chỗ hẹn hò mà đàm luận với nhau. Trọng Nghĩa lại đem sách văn và giấy mực theo mà dạy nàng học, ban đầu còn dạy chữa quốc ngữ, sau thấy nàng có khiếu thông minh, nên chàng lần lần dạy qua tới chữ Lang sa.
Có lúc Mệ sóc lại sai nàng đem trứng gà trứng vịt xuống chợ Xà Tôn đổi trầu cau, thì nàng dùng dịp ấy hỏi thăm nhà dây thép, tìm đến thăm và đem trứng gà mà cho Trần Trọng Nghĩa.