Hồi 01: Lâm Trí Viễn dụng mưu

Vừa cuối tiết thu, trời chiều mát mẻ; trên nhành chim kêu chiu chít, dưới sông cá lội vởn vơ; Lâm Trí Viễn tay cầm nhựt báo, tay xách baton rảo bước thung dung, thơ thẩn lối cầu đường núi Sam là chỗ hẹn hò với tình nhân mà trao lời tâm sự. Gần trót giờ lâu chẳng thấy dạng nàng, anh ta buồn ý, liền mở tờ nhựt báo xem chơi cho tiêu khiển.

Khi xem tới khoản Nam Kỳ thời sự, anh ta liền xếp tờ nhựt báo, đứng khoanh tay cúi đầu mà suy nghĩ một mình hồi lâu, rồi lại ngoảnh mặt lên có ý hân hoan, chúm chím miệng cười và gật đầu lia lịa mà rằng: “Được, được, may dữ a? Thần tài đã phát hiện cho …”. Nói chưa dứt lời, thình lình phía sau lưng có người bước tới vỗ vai và hỏi rằng:

– Có việc chi may mắn mà coi thầy mừng lắm vậy?

Lâm Trí Viễn giựt mình day lại, thì là người tình mà mình đang trông đợi nãy giờ.

Nguyên nàng nầy vốn là gái của một người khách Triều Châu, buôn bán tại Nam Vang, tên nàng là Đào Phi Đáng; lúc nàng tuổi mới lên ba, cha nàng về Tàu, rủi mang bịnh mà bỏ mình bên ấy; mẹ nàng bên nầy cũng cứ noi giữ nghiệp chồng, bán buôn mà độ nhựt, hôm sớm một mình hẩm hút nuôi con, chẳng được bao lâu rồi cũng đau mà chết. May cho Đào Phi Đáng, còn một bà dì ruột nhà ở phía bên Chui – Chèn – Oa (1); nhơn thấy cháu còn thơ ấu, bèn bán hết đồ đạc của em rồi tom góp bạc tiền đem cháu về mà hoạn dưỡng.

Lần hồi ngày lục tháng qua, bóng thiều quang đưa rất lẹ; thoắt chút mà Phi Đáng đã 18 tuổi đầu, hình dung yểu điệu, cốt cách phương phi, bá mị thiên kiều, ngư trầm lạc nhạn. Mà ba mươi đời cái kiếp hồng nhan bạc mạng là lẽ tự nhiên. Cho nên khi nàng vừa trông “ra mã con gái rồi”, thì tánh không ưa bề trinh tịnh u nhàn, dạ lại muốn những việc ong chường bướm chán. Lại thêm chơi bời giao thiệp với con nhà bất lương; bị những chị em bạn gái rù quến rủ ren, nên nàng tom góp bạc tiền cuốn gói bỏ bà dì theo chị em quá giang tàu đò trốn xuống Châu Đốc. Đến đó, may nàng gặp một người đàn bà buôn bán cá tôm ngoài chợ, rủ đem về nhà cho ở đỗ.

Còn Lâm Trí Viễn nầy quê quán tại xép Cỏ – Tầm – Bon (1), cha mẹ đem gởi nơi nhà một người bà con ở tại tỉnh thành mà ăn học, tánh tình mẫn tiệp, lanh lợi chẳng ai bì. Trí Viễn qua lại xem thấy mặt nàng, môi son má phấn rỡ rỡ như một đóa anh đào, bèn xúc động tâm tình, đem lòng luyến ái, mới tính cậy tin ong sứ điệp, quyết mong thả lý gieo đào. Ban đầu còn xa, sau hóa ra gần, đến khi giáp mặt nhau rồi, hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa. Từ đó mới gió gió trăng trăng mặc dầu lui tới. Tuy vậy mà hai đàng vẫn còn chùng lén với nhau, chớ cũng ít ai hay cho lắm.

Ngày ấy hai người vẫn có hẹn hò với nhau ra tại cầu đường núi Sam, đặng cùng nhau tình tự.

Lâm Trí Viễn khi bị nàng vỗ vai, giựt mình day lại thấy nàng thì mỉm cười mà nói rằng:

– Thiệt may quá, tôi mới xem nhựt báo, thấy có một việc may mắn phi thường cho cô lắm đó.

– Ủa! Nhựt báo thì nhựt báo, mà tôi thì tôi, có can cặp chi nhau, sao lại may cho tôi, thầy nói cái chi lạ vậy?

– Ậy, vậy mới là lạ chớ! Số là cô nó chưa hiểu, để tôi nói lại cho mà nghe, nguyên trong tờ nhựt báo nầy, nơi khoản Thời sự có đăng một đoạn như vầy:

Tại Tân Châu có một người giàu có lớn, tên là Trịnh Thế Xương, sự nghiệp đáng trăm muôn, vợ mất sớm, có để lại một đứa con gái mà thôi, tên nàng là Trịnh Phương Lan, hình dung yểu điệu, không thấp không cao, da trắng môi son, tóc dài răng nhỏ, phía bên vai trái lại có cái bớt son bằng ngón tay cái mà tròn, lúc mới lên 6 tuổi vì bị hỏa tai, nên đi lạc mất. Từ ấy đến nay đã trót 12 năm, biệt tích vắng tăm, không ai tìm cho được; nay lên Sài Gòn mướn đăng cáo bạch mà rao khắp Lục châu, nếu ai biết rõ gốc tích Phương Lan lưu lạc nơi nào, tìm được đem về cho ông ấy thì ông sẽ đền ơn 2 ngàn đồng bạc”.

– Đó, cô nghĩ coi, có phải là may mắn cho cô lắm chăng?

– Ậy, ông nhà giàu nào đó mất con mà sao lại may mắn cho tôi, nghĩa là gì?

– Thiệt cô tối trí quá, vậy chớ cô không nghe tôi đọc đó hay sao? Vì lời nhựt báo mà tả nàng ấy rằng “hình dung yểu điệu, không thấp không cao, da trắng môi son, tóc dài răng nhỏ” thì tôi nghĩ lại nàng ấy giống cô lắm mà, đã vậy mà tuổi tác cũng bằng nhau.

– Ậy, giống thì giống chớ, mà may cho tôi là may làm sao?

– Thì bởi cô giống mới gọi là may chớ. Vậy thì để tôi nói cho cô nghe. Vả chăng ông ấy là người giàu có lớn mà chỉ có một mình nàng đó là con mà thôi, nên người cưng lắm, rủi gặp cơn tai biến mất biệt hơn 12 năm, chắc là nàng chẳng còn; nếu may mà cô chịu giả làm nàng ấy, tôi dắt cô đến cho người, thì chắc sao người cũng mừng và nhìn quyết cô là con. Chừng ấy, chẳng những là 2 ngàn đồng bạc thưởng tôi nắm trong tay, mà rồi cô lại được hưởng cái sự nghiệp trăm muôn, biết bao là sung sướng. Ấy có phải là một sự may mắn vô cùng, ngàn năm một hội đó chăng?

Phi Đáng nghe nói mừng rỡ bội phần, khen trí Lâm lang chẳng ai bì kịp. Rồi đó, hai đàng ngả ngớn vui cười, lấy làm đắc ý. Chập lâu Phi Đáng vùng ngó sững Lâm Trí Viễn; rồi lắc đầu mà nói rằng:

 – Ủa, mà không được đâu!

Lâm Trí Viễn nghe nói giựt mình, liền hỏi rằng:

– Sao mà cô nói không được?

– Ối! khó lắm thầy ơi, không được đâu; hồi nãy tôi nghe thầy đọc trong nhựt báo nói rằng nàng ấy có một cái bớt son nơi vai bên trái, còn tôi đây thì không có; thoảng như ông ấy muốn nhìn con cho rõ, vạch vai tôi ra mà không có cái bớt son, thì người có tin đâu mà gạt người cho được!

Lâm Trí Viễn nghe nói cũng ngẩn ngơ, trong lòng đà thối chí. Anh ta đứng làm thinh, cứ ngó mông trên núi Sam mà suy nghĩ hồi lâu rồi lại gật đầu mỉm cười mà nói rằng:

– Được, được, không sao.

– Thầy tính sao mà gọi rằng được?

– Không hề chi, việc ấy dễ lắm, tôi tính được rồi; bất quá liều tốn năm bảy chục đồng thì xong việc, vả lúc này là lúc văn minh đại tấn, người bên Âu bên Mỹ nghề khéo khôn họ dám cãi trời. Mới đây tôi có nghe một người làm nghề thay răng, tên là Cao Quốc Thủ, du học Mỹ quốc mới về, nghề chi cũng thạo, nay ở tại Sài Gòn; vậy thì tôi phải trốn học ít ngày, dắt cô lên đó tìm cho được người ấy mà mướn vẽ và xăm một cái bớt son, nơi vai  bên trái cho cô, lại hứa với người ấy, phải bưng bít miệng bình, đừng cho ai biết, mai sau dầu mưu ấy được thành, thì ta sẽ thưởng một vài ngàn đồng và đền ơn khó nhọc. Nếu vẽ được cái bớt ấy rồi thì muôn việc đều xong cả.

Phi Đáng nghe nói rất mừng, liền hối Trí Viễn sắm sửa bạc tiền đặng dắt nàng lên Sài Gòn mướn thầy vẽ bớt. Sắp đặt xong, họ liền từ biệt nhau, hẹn hò ngày hậu hội.

Lâm Trí Viễn từ giã Phi Đáng rồi, bèn giả ý xin phép về thăm nhà, lân la ít ngày, thừa lúc cha mẹ bỏ quên chìa khóa, lén mở rương lấy được 300 đồng bạc cột lưng, tuốt lên Châu Đốc mà cho nàng Phi Đáng hay, lại dặn dò nàng phải sắm sửa hành lý cho sẵn sàng đặng chờ kỳ tàu mà thượng lộ.


(1) Chui – Chèn – Oa là tiếng kêu theo Cao Miên, đó là một cái đuôi cù lao nằm thõng giữa sông, ngang trước thành phố Nam Vang.

(2) Xứ nầy là kêu theo tiếng Cao Miên, ở dưới tỉnh thành Châu Đốc, cách chừng sáu, bảy ngàn thước.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!